"Dọc đường gió bụi"
Sáng cuối tuần, cùng các thành viên Hội Du khảo trẻ TP.HCM (vốn nổi tiếng với những chuyến đi mạo hiểm ngang dọc đất nước bằng xe đạp, xe gắn máy), tôi đeo balô nhảy lên xe máy. Cả đoàn xe bon bon tiến về huyện Tánh Linh. Tôi được ưu ái nhận trọng trách ôm cây đàn guitar được che kín bằng "mặc áo mưa tiện lợi".
Anh Hồng Lân - phó chủ tịch Hội Du khảo trẻ - bỏ nhỏ trước: "Điểm này hấp dẫn lắm! Lần này đi tiền trạm để thiết kế tour sau này".
Sài Gòn sụt sùi mưa, đột ngột hửng nắng. Đường về Tánh Linh cũng ngẫu hứng hệt vậy: mưa rát mặt, mắt hấp háy mở không lên đó rồi nắng chói chang ngay đó. Mấy chiếc xe thay nhau bị đá chém, đinh đâm. Dừng chân bên quốc lộ nắng gió, hai bên đường xanh ngát lúa thì con gái, anh em lôi đồ nghề bơm vá, hì hục "tác nghiệp". Nhiếp ảnh gia Thái Phiên (nổi tiếng với những tác phẩm ảnh nghệ thuật khỏa thân) mơ màng ôm cây guitar, hết thả thơ tình đến ngân nga hát.
Đoàn đến huyện Tánh Linh khi trời ngả chiều. Xe lăn bánh qua những con đường nhựa phẳng lì, trống vắng, uốn cong như thân hình thiếu nữ. Mắt xanh vì bóng núi ngút ngát trước mắt, hàng cây chạy tít tắp hai bên đường và bầu trời sau cơn mưa vội.
Tưởng ta là thác đổ...
Nếu chọn hình thức du lịch bụi đến thác Bà, các bạn nên mang theo thuốc chống muỗi, thức ăn, nước uống, đèn pin, võng bạt, đồ bơi... Đặc biệt, đừng quên mang thức ăn vì hiện tại nơi này chỉ có duy nhất một trạm kiểm lâm và nơi gần nhất có thể cung cấp thức ăn cũng cách thác 20 phút chạy xe máy và đường đặc biệt xấu trong mùa mưa. |
Đúng là "đã” thiệt! Bạn cứ thử nhắm mắt hình dung: mất 30 phút để vượt qua 8km thì đoạn đường ấy thế nào? Đoạn bằng phẳng ban đầu sẽ trở thành "ước mơ trong đời" của bạn khi xe chạy đến đoạn đường bị cày nát bởi xe công nông, nhão nhoẹt, trơn trượt với vô số ổ voi đọng nước đỏ ngầu. Chỉ cần có một chút máu khoái được thử thách, ham xông pha và hài hước, bạn sẽ thấy con đường này "phê” vô cùng.
"Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai", vượt qua con đường này, từ người tới xe đều được phủ một lớp đất đỏ đúng tông du lịch bụi. Nhưng đó cũng sẽ là lúc cả cánh rừng xanh mướt, mát lạnh dang tay đón bạn. Ánh mắt nào mệt nhoài vì gió, bụi, bùn, đất rồi cũng dịu lại xanh tươi khi bắt gặp ánh nắng xiên qua tán cây, nghe chim rừng ríu rít và thác ầm reo như đã thật gần.
Leo, trèo, bò qua bao tảng đá, suýt đo... suối mấy lần, cuối cùng chúng tôi cũng có thể đứng trên phiến đá rộng, bằng phẳng, thong thả chống tay ngang hông ngắm con thác hùng vĩ ầm ầm lao xuống. Nghe lòng mình phơi phới.
Có ai đó reo lên: "Cá, quá chừng cá luôn". Chạy ào xuống Trạm quản lý và bảo vệ rừng Thác Bà ngay đó, chúng tôi kiếm được hai rổ nhựa thưa và nồi nhọ nhem. Vậy là đủ đồ nghề tóm hàng trăm chú cá nhỏ như ngón tay út đang búng mình nhảy tưng tưng nơi khe đá. Một phút nào đó, chợt nhận ra mình hồn nhiên như con trẻ. Chợt nhận ra những ngày ấu thơ vô tư như lại ùa về.
Anh kiểm lâm viên trẻ măng tên Trương Văn Thông vừa cười vừa nói: "Con đường lầy lội các bạn đi từ ngoài vào có từ năm 1994. Nhiều người biết đến thác Bà vui chơi cũng từ lúc ấy. Ở đây vui nhất là vào dịp gần và sau tết âm lịch, thác cũng đẹp nhất vào lúc ấy. Nếu leo lên đến thác 2, thác 3, các bạn sẽ có dịp khám phá các hang động, nhưng tất nhiên là hơi mạo hiểm".
Đêm. Giấc ngủ được vỗ về bởi tiếng thác reo, tiếng mưa rừng và xa vọng tiếng những con thú gọi nhau. Cây đàn guitar trở thành cầu nối giữa những kẻ du khảo bụi bặm như chúng tôi với các anh kiểm lâm.
Sáng, tạm biệt Tánh Linh về thành phố ồn ào xe cộ, lội lại đúng con suối đã đi chiều qua tự dưng thấy cảm tình với dòng nước trong veo, mát rười rượi. Và bạn tin không, mỗi người chỉ mất 150.000 đồng cho chuyến đi này!
Tác giả: Đào Trung Nguyên
Nguồn tin: Áo Trắng
Ý kiến bạn đọc