Chùa Thầy - nơi non nước linh thiêng

Thứ hai - 28/03/2011 03:40 4.057 0

Múa rối nước ở chùa Thầy

Múa rối nước ở chùa Thầy
Chùa Thầy, tên tự là Thiên Phúc Tự, nằm dưới chân núi Sài Sơn thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Chùa do thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127).

Từ Đạo Hạnh là con quan đô sát Từ Vinh. Thuở nhỏ có nhiều hành động khác thường, lớn lên tham gia ứng thí khoa thi bạch liên và đỗ đầu nhưng không ra làm quan mà xuất gia đi tu. Sau này ông cùng hai vị thiền sư là Giác Hải và Không Lộ đi sang Ấn Độ học đạo.

Khi trở về, thiền sư Từ Đạo Hạnh đi tìm nơi lập chùa, đến vùng Sài Sơn thấy ở đây có núi non hội tụ được linh khí linh thiêng bèn lập chùa lấy tên là Thiên Phúc Tự.  Thiền sư Từ Đạo Hạnh không chỉ là  nhà sư mà còn là thầy thuốc, thầy dạy học cho những người trong vùng. Vì thế người ta còn gọi chùa là chùa Thầy và núi Sài Sơn là núi Thầy.

Chùa Thầy gồm chùa chính là nhà Tổ, chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ và các chùa, am xung quanh cũng như ở trên núi. Chùa Thượng nằm phía trước nhà Tổ. Ở giữa chùa là tượng Di Đà Tam Tôn nằm phía trên, dưới là tượng Bách Hoa Đài, chính giữa là tượng thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội tòa sen.

Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có hình thần điểu Garuda. Đây là di vật thời nhà Lý còn sót lại duy nhất ở chùa. Nơi bàn án bị mòn vẹt một phần ở giữa do những người thắp hương sờ tay vào để tỏ lòng thành kính ngài. Bên trái thờ tượng toàn thân của thiền sư bằng gỗ chiên đàn.

Chùa Trung còn gọi là Đại Hùng bảo điện, có nghĩa là bảo điện lớn nhất trong thiên hạ. Điều đặc biệt là tòa bảo điện nguy nga, đồ sộ chỉ có 36 lỗ đục, gỗ được xếp chồng lên nhau, nhưng rất kiên cố, vững chắc. Mái chùa được lợp bằng ngói cổ, kiểu mũi hài. Tương truyền rằng ngói lợp này được lấy từ chùa Tây Phương, cách đó 7km về hướng tây.

Mặc dù quãng đường dài như vậy nhưng năm xưa, ngói lợp được chuyển tay nhau theo kiểu nối dây và xong chỉ trong một ngày. Ở đây có hai tượng hộ pháp lớn nhất Việt Nam. Giữa chùa là các ban thờ Phật, trong đó có thờ Phật Như Lai, Phật Tuyết Sơn, Phật nghìn mắt nghìn tay... Hai bên chùa là hành lang thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông cổ tương truyền đúc từ thời Lý và lầu trống có trống lớn đường kính 1,5m.

Chùa Hạ là nơi giảng đạo và lễ bái. Ở đây có chiếc khánh nặng 420kg được đúc từ thời Minh Mạng 1836. Trên khánh khắc ba chữ lớn "Phật Tích Sơn". Khánh chỉ được đánh hai lần mỗi năm vào giao thừa và ngày lễ Mộc Dục. Trong chùa Hạ còn có bức tranh bằng gỗ mít mạ vàng diễn tả các tích truyện nhân quả báo ứng với mười tám tầng địa ngục. Phía trước chùa Hạ là hồ Long Trì có thủy đình ở giữa. Hai bên là hai cây cầu được xây theo lối thượng gia hạ kiều. Bên trái là Nhật Tiên Kiều thông ra Tam Phủ, bên phải là Nguyệt Tiên Kiều bắc qua ao lên núi do Phùng Khắc Khoan tiến cúng năm 1602 khi đi sứ về. Để lên núi phải qua Bất nhịp pháp môn. Ở đây có câu đối:

Đăng cao tự ty nhất bộ tiến nhất bộ

(Mỗi bước lên cao tì đi từ thấp, một bước tiếp một bước)

Vô vãng bất phục cá quan hựu cá qua

(Không có sự ra đi nào mà không trở lại, cổng này tiếp đến cổng kia)

Lên núi chúng ta có thể vào hang Thánh Hóa là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh hóa thân để đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Bên cạnh là chùa Cao (còn gọi là  Hiển Thụy Am), phía trên chùa Cao là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu..., trong đó có một phiến đá nhẵn lỳ được gọi là bàn cờ tiên. Từ chùa Cao đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại:

Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ 
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy

Hang khá sâu, lại hẹp và tối, muốn vào hang phải mang theo đuốc và lửa, càng xuống sâu hang càng cao, càng rộng, với nhiều ngóc ngách, lối đá rêu phong trơn tuột với những cột đá sáng long lanh như được khảm bạc dát vàng, những lỗ thông ra ngoài hang để ánh sáng luồn vào...

Đi ngược lên trên là đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi phía tây có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái (chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi).

Ca dao có câu:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy

Ngày nay, hội chùa Thầy vẫn được mở từ mồng 5 đến 7-3 âm lịch hằng năm. Vào những ngày này, rất đông người dân quanh vùng và khách thập phương đến chùa xem hội, làm lễ cầu may, thể hiện lòng tôn kính của mình...

Tác giả: Trần Huệ Lương

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây