Đó là rừng tràm Trà Sư, một khu rừng nằm dưới đồng bằng, gần dãy Thất Sơn hùng vĩ vùng biên giới Tây Nam ở An Giang.
Trước năm 1975, những cánh rừng tự nhiên ở đây bị bom đạn trong chiến tranh chống Mỹ cày xới, sau hòa bình lại bị con người khai thác bừa bãi. Những cánh rừng tràm khu vực này không còn nữa và trở thành cánh đồng hoang hóa, không thể trồng lúa vì nồng độ phèn rất cao, ngành lâm nghiệp An Giang đã qui hoạch trồng rừng tràm.
Anh Nguyễn Ngọc Rạng, trưởng trạm kiểm lâm Trà Sư kiêm giám đốc khu du lịch sinh thái này cho biết: "Với tổng diện tích 845ha, ngành lâm nghiệp đã đầu tư trên 2 tỉ đồng làm hệ thống đê bao khép kín khá vững chắc có chu vi dài gần 12km, mặt đê rộng 4m, cao trình trên 4m không bị ngập nước cho dù lũ lớn như năm 2000, xe gắn máy đi lại dễ dàng trên con đê cao ráo và thoáng mát rợp bóng cây xanh này.
Tuyến đê sẽ góp phần kéo dài thời gian giữ lại nước cho khu rừng để phòng chống cháy. Hiện nay, trạm đã kéo điện phục vụ sinh hoạt tại trụ sở và lắp đặt máy bơm để điều tiết nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy khi khô hạn. Ngoài chòi canh cao 14m luôn có người túc trực quan sát để bảo vệ rừng, trạm Kiểm lâm Trà Sư còn trang bị khá đầy đủ thiết bị chữa cháy gồm xuồng, máy bơm, ống dẫn nước".
Anh Hoàng, trạm phó kiểm lâm Trà Sư, đưa tôi đi trên chiếc tắc ráng theo những kênh phân lô và cho biết trong 713ha rừng tràm hiện có ở Trà Sư, loại tràm có độ tuổi trồng từ năm 1983 - 1988 khoảng 82ha; trong năm 1989 - 1990 có 560ha; từ năm 1991 - 1996 có 66ha và từ năm 1998 - 2000 có 55ha.
Những diện tích tràm trồng trên 10 tuổi đã thành rừng khép kín, thân tràm cao 5-8m, tán rừng xanh thẫm đầy sức quyến rũ bao loài động vật đến trú ngụ. Anh Hoàng đưa tôi đến đám rừng tràm rộng khoảng 12ha để chiêm ngưỡng đủ loài chim cò bay nhảy trên các cành tràm. Tôi ngất ngây nhìn những chú cò trắng phau rộ bay lên khi chúng tôi đến gần. Những cái tổ đơn sơ nhô lên những đầu chim non đang há mỏ cất tiếng chim chíp gọi mẹ, đòi ăn.
Tổ của chúng ở ngay nách nhánh tràm tưởng như tôi có thể đứng dậy với tay lấy được, nhưng qui định của trạm đã được thông báo với du khách trước khi vào đây là không được động đến chúng. Có lẽ nhờ vậy mà chim cò ở đây ngày càng nhiều. Anh Hoàng cho biết hiện nay khu vực tràm đã tập trung khoảng 62 loài chim cò, có đến hàng triệu con trú ngụ sinh sôi được công nhân trạm kiểm lâm bảo vệ an toàn, trong đó có nhiều giống thuộc loài quí hiếm.
Ngoài ra, hiện nay nơi đây có 1ha là nơi hàng trăm ngàn dơi quạ to lớn trú ngụ, ban ngày đeo tòn ten trên những nhánh tràm trông như trái cây. Mỗi con dơi quạ, hai cánh dang ra dài 0,8m, khi bị động bay lên lượn lờ đen cả góc trời.
Tôi cùng công nhân ở đây bơi xuồng theo những tuyến kênh phân lô trong khu rừng, rồi vào các căn nhà mát dưới những tán tràm ngắm các loài chim cò đang làm tổ trên cành cây, nhìn cá bơi dưới ao sen trong vắt và thưởng thức hương tràm ngan ngát trong không gian bao la, yên tĩnh để tâm hồn mình hòa vào thiên nhiên thơ mộng.
Công nhân bắt những con cá lóc nặng trên 1kg, những con cá rô to, chỉ cần 4-5 con đã cân đủ ký và nướng bằng lửa củi tràm khiến thịt cá vừa ngọt, vừa béo và vừa thơm đủ để khách cùng chủ ngất ngây say.
Bộ phận quản lý đã, đang và sẽ đầu tư xây dựng thêm nhà nghỉ mát, giúp du khách có thể ở lại, đứng trên chòi canh ngắm ánh mặt trời chờ bình minh lên, chiều xuống xem chim cò đi ăn về tổ, đêm về nghe hương tràm ngây ngất. Và có lẽ du khách sẽ thích thú các dịch vụ phục vụ du khách câu cá, chế biến và thưởng thức tại chỗ những món ăn dân dã.
Từ nay đến năm 2010, UBND tỉnh An Giang sẽ đầu tư trên 14 tỉ đồng làm đường bộ, đường thủy từ nhiều hướng dẫn vào rừng tràm Trà Sư để du khách thuận lợi hơn khi đến tham quan...
Tác giả: Mai Bửu Minh
Nguồn tin: Áo Trắng
Ý kiến bạn đọc