Bửu Lâm cổ tự

Thứ hai - 16/05/2011 22:52 5.939 0

Bửu Lâm cổ tự

Theo tua du lịch Tiền Giang, khách thường được đưa đi tham quan chùa Vĩnh Tràng ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho và giới thiệu đó là ngôi chùa cổ nhất, nhưng ít ai biết thành phố này còn có một ngôi chùa lâu đời hơn. Đó là Bửu Lâm cổ tự, thường gọi là chùa Bửu Lâm.

Vào những thế kỉ trước dân gian lúc đó có câu: “Về sông Bảo Định bờ đông / Có ngôi Chợ Cũ, có chùa Bửu Lâm” đủ nói lên Bửu Lâm là ngôi chùa lớn và đẹp nhất thời ấy.

Chùa Bửu Lâm nay tọa lạc tại đường Nguyễn Anh Giác, Phường 3, cách đầu cầu Nguyễn Trãi không hơn 200 mét.

Vào khoảng năm 1679, khu vực từ Cầu Quây đến Tân Mỹ Chánh và từ Bến Tắm Ngựa đến ngã tư Gò Cát là một khu vực vô cùng sầm uất không thua gì Sài Gòn ở cùng thời điểm đó. Đường Nguyễn Huỳnh Đức hôm nay trước kia là con đường huyết mạch, kẻ buôn người bán tấp nập; ghe tàu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan… đậu kín cả sông. Khu vực nầy xưa kia gọi là Mỹ Tho Đại Phố.

Lúc đó khu vực Phường 3 hiện nay gọi là Xóm Dầu, vì nhân dân ở đây đa số làm nghề ép dầu mù u. Vào khoảng năm 1742 (thời chúa Nguyễn Phúc Khoát), có một ni cô (không rõ tên) ở miền Trung vào, dựng một cái am nhỏ tại vị trí chùa Bửu Lâm bây giờ để trồng cây thuốc và chữa bệnh cho nhân dân trong vùng.Thấy việc làm của ni cô có ý nghĩa, phật tử trong vùng từ từ thay am bằng một ngôi chùa nhỏ khang trang hơn. Khi ni cô viên tịch, có vài vị kế thừa tiếp tục sự nghiệp ấy. Nhưng đến năm 1785, trận Rạch Gầm-Xoài Mút, diễn ra ở đây, Mỹ Tho Đại Phố bị chiến tranh tàn phá nặng nề; chùa của ni cô cũng bị chung số phận đổ nát hoang tàn!

Năm Gia Long thứ hai (1803), bà Nguyễn Thị Đạt là một phật tử giàu có trong vùng, đau lòng vì chùa bị hoang phế, bèn trùng tu lại chùa, rồi sang Bến Tre thỉnh hòa thượng Tiên Thiện, pháp danh Từ Lâm thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông về làm trụ trì. Ngài Từ Lâm đặt tên chùa là Bửu Lâm, với ước nguyện bảo tồn dòng Lâm Tế Chánh Tông. Thời gian sau, nhờ chư phật tử, và nhất là nhờ bà Nguyễn Thị Đạt, ngài Từ Lâm cất lại  ngôi chùa bằng gỗ căm xe, ngói lợp vảy cá, với nghệ thuật xây dựng cổ điển của thế kỉ 17, 18.

Chùa được xây dựng theo kiểu “Nội Tam, ngoại Quốc”, tức là bên trong hình chữ TAM, bên ngoài hình chữ QUỐC. TAM gồm chánh điện ở trước; tổ điện ở giữa và tăng phòng ở sau. QUỐC gồm nhà trù (phòng ăn) phía dưới và được bao bọc bên ngoài bằng những hành lang. Từ đó về sau, chùa được nhiều lần trùng tu, nhưng những nét cơ bản không thay đổi mấy nên vẫn giữ lại được nguyên trạng của lúc ban đầu cho đến hôm nay. Lần trùng tu đáng kể nhất được thực hiện vào sau năm bão lụt Giáp Thìn(1904), do hòa thượng Như Lý tự Thiên Trường, và lần trùng tu lớn nhất vào năm Giáp Tí (1984) do Hòa thượng Thích Huệ Thông thực hiện.

Bây giờ, dù chùa bị xuống cấp nghiêm trọng (mưa xuống mái bị dột nhiều chỗ, giảng đường đã bị hư mục), nhưng trông vẫn còn khá bề thế. Một cổng tam quan đồ sộ ở trước mặt đường. Trên cổng có bốn chữ Bửu Lâm Cổ Tự viết bằng chữ Hán. Bên trong, sân chùa rộng rãi, những cây sao cổ thụ cao chót vót, vượt lên hàng trăm loại hoa kiểng đủ sắc đủ màu. Xen vào đó,là vườn Lâm Tì Ni, tái hiện nơi đức Phật giáng sanh; những hình tượng tái hiện lúc Thái tử Tất Đạt Ta lìa bỏ cung điện, khi Phật đắc đạo; tất cả  vô cùng trang nghiêm. Có tượng Bồ Tát Địa Tạng, tượng đức Quan Thế Âm cao vợi, toát ngời dung quang hết sức từ bi. Đáng kể nhất là tượng đức Thế Tôn khi ngài nhập diệt vô cùng hoành tráng.

Vào chánh điện mới thấy vẻ tráng lệ của chùa: Những long trụ được chạm trổ tinh vi; mười mấy câu đối sơn son thếp vàng với bút pháp cực kì điêu luyện. Nhiều tấm hoành phi, mà tấm giữa là “bát nhã đường”. Nội dung nói lên sự thanh tịnh và sự nhiệm mầu của Phật pháp.

Đặc biệt là những bộ bao lam, những “bông cửa” được những nghệ nhân chế tácvới những hình rồng, hình phượng vô cùng công phu, tất cả nói lên tài hoa trác tuyệt của những người thợ điêu khắc vào những thế kỉ trước, mà nay xem chừng như mai một!

Chùa thờ nhiều vị Phật, có những tượng bằng đồng vô cùng quí giá về nghệ thuật tạo hình lẫn niên đại. 

Phần Hậu Tổ lại có những bộ bàn ghế được chạm trổ theo kiểu dáng cổ điển, đã trở thành vật quí hiếm ở các chùa khác trong địa hạt Tiền Giang. Sau chùa là những bảo tháp của những vị hòa thượng đã viên tịch từ lúc khai sơn. Trong đó có tháp của hòa thượng Tiên Thiện (tức Từ Lâm) là lớn nhất.

 Đặc biệt, hiện nay chùa còn lưu giữ một số mộc bản khắc hình và kinh Phật. Đặc biệt hơn, cũng là niềm hãnh diện, bởi chùa còn có một bản văn Độ Điệp của Bộ Lễ thời Minh Mạng cấp cho hòa thượng Tiên Thiện: hòa thượng đã được nhà vua cấp GIỚI ĐAO ĐỘ ĐIỆP. Bởi vậy ở tháp tổ có tấm bia đề: “Sắc Tứ Linh Thứu, Bửu Lâm Tự, Thượng Từ Hạ Lâm Đại Lão hòa thượng Bửu Tháp”.

Chùa Bửu Lâm gắn liền với hai cuộc giải phóng dân tộc. Từ năm 1926 đến 1945, chùa là nơi tụ họp của các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Văn Nguyễn, Xích Hồng… Hòa yhượng Như Lý tự Thiên Tường là bạn tâm giao của nhà cách mạng Phan Chu Trinh. Chùa cũng là nơi thành lập Chi bộ Xóm Dầu, là một trong những Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Tiền Giang. Lúc đó chánh điện chùa có tủ thờ Hộ Pháp mà bên trong rộng 2m x 3,5m, có thể chứa được 10 người, nhờ vậy chùa đã giấu được nhiều cán bộ mà không bị lộ. Năm 1945, chiếc đại hồng chung của chùa được hòa thượng tặng cho cách mạng để đúclàm vũ khí. Chùa cũng đã góp công góp của rất nhiều trong thời gian chống Mỹ cứu nước…

Hòa thượng Như Lý tự Thiên Trường là một cao tăng minh kiến Phật pháp, tinh thông Nho học. Ngài được đề cử làm trưởng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Ngài viên tịch năm 1969, bảo tháp hiện ở sau chùa.

Chùa Bửu Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999 (Theo Quyết định số 61/1999/QĐBVHTT ngày 13/9/1999).

 Từ khai sơn đến nay, chùa Bửu Lâm là nơi phát tích nhiều danh tăng đức cao đạo trọng. Đương kim trụ trì là Đại Đức Thích Lệ Hiếu, một trong những vị cao tăng một đời xả thân vì Phật pháp. Đại Đức đã được phật tử gần xa quí trọng vì đạo hạnh và nếp sống đơn giản của thầy.

Chùa Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ kính, tính  đến  nay đã  hơn  200 năm  tuổi (chùa Vĩnh Tràng chỉ có 150 năm), là nơi tôn nghiêm, chưa từng nghe thấy bụi trần ô nhiễm. Là nơi xứng đáng được du khách tham quan cảnh vật; chiêm bái chư Phật chư Tôn.

Tác giả: Kha Tiệm Ly

Nguồn tin: VNTG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây