Viếng đồi Thiên Ấn

Thứ sáu - 22/04/2011 04:55 6.661 0

Cổng chùa Thiên Ấn

Cổng chùa Thiên Ấn
Nhắc đến Quảng Ngãi, người ta lại nhớ đến núi Ấn sông Trà. Cách trung tâm TP Quảng Ngãi chừng 3km về hướng đông, từ xa một ngọn núi lưng chừng hiện ra trước mắt.

Núi Ấn như đỉnh đài để ta thả hồn theo mây, hòa mình cùng gió và đập cùng nhịp đập trái tim người dân xứ Quảng.

Đệ nhất chùa Thiên Ấn

Con đường từ chân núi lên đến đỉnh đồi như một mê cung uốn lượn theo những vòng cung thú vị. Những barie chạy dọc theo con đường láng nhựa vòng vèo lên đến đỉnh đồi. Những bụi cây nhấp nhô tạo nên vẻ hoang sơ hùng vĩ và kỳ bí về một vùng đất...

Trên đỉnh đồi có một di tích mà bất kỳ người con xứ Quảng Ngãi nào đi xa cũng luôn tự hào với bạn bè phương xa: chùa Thiên Ấn. Ngôi chùa thuộc dạng cổ nhất nhì xứ Quảng, được khởi công xây dựng vào năm1694 và hoàn thành năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15), đời Lê Huy Tông. Ông tổ khai sinh chùa là Thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, người Trung Hoa.

Chùa Thiên Ấn án ngự giữa đỉnh đồi, nơi khách tham quan tìm đến để tận hưởng cõi thiền Phật học và một bầu không khí trong lành. Đỉnh núi Thiên Ấn cao 100m so với mực nước biển, tựa hình như một chiếc ấn, bốn phía sườn có hình thang cân, ngọn núi vừa trầm lắng vừa nguy nga bên cạnh dòng sông xanh nên thơ và thật lãng mạn, nên người xưa gọi cái tên cũng thật nên thơ: Niêm Ấn Thiên Hà.

Chùa Thiên Ấn có diện tích khá rộng, bao quanh chùa là những rừng cây. Ngôi chùa cổ nằm dưới tán những cây cổ thụ tỏa bóng mát xum xuê. Phía đông có khu viên mộ thiết diện hình lục giác, gồm nhiều tầng là nơi an nghỉ của các vị sư trụ trì.

Với người dân xứ Quảng, chùa Thiên Ấn có sự gắn bó bền chặt trong tâm linh con người Quảng Ngãi qua các giai thoại như: giếng Phật, chuông thần, và mới đây được đầu tư xây dựng vườn cây Lâm tì ni (vườn thượng uyển), bảo tháp chín tầng...nơi dành cho những tăng ni phật tử, những con dân xứ Quảng qua câu ca: "Niên Ấn Liêm Trà”.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Thăm mộ cụ Huỳnh

Hoàng hôn, tiếng chuông chùa thanh vắng vang lên nghe mà nao lòng. Tôi dừng lại bên ngôi mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất. Phía xa xa dòng Trà Giang uốn lượn qua từng bờ tre, ngõ xóm về đến TP Quảng Ngãi tạo nên một con sông "cá biệt" trong lòng người dân xứ Quảng trước khi kéo cả dòng nước trong xanh về với biển khơi.

Ngôi mộ có diện tích khoảng 50m2, giản dị như chính cuộc đời của người nằm dưới mộ. Những cô cậu học trò và du khách mỗi khi lên đồi Thiên Ấn đều viếng thăm mộ cụ Huỳnh, thắp nén hương thể hiện sự kính cẩn đối với một người vì nước vì dân, một chí sĩ cách mạng không màng danh lợi vinh hoa, một nhà báo suốt đời vì sự nghiệp cách mạng.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng hai lần đỗ đạt (Giải Nguyên 1900, và Hoàng Giáp 1904), nhưng cụ từ bỏ chốn quan trường, chọn con đường cách mạng, sống với người dân nghèo khổ.

Chí hướng cách mạng đưa cụ đến với những chí sĩ yêu nước cùng thời như: Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp... Cụ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như: bộ trưởng Bộ Nội vụ, quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp đàm phán. Không than vãn khổ sở, ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, cụ xin được về quê lãnh đạo kháng chiến.

Nguyện vọng cuối đời của cụ, là được yên nghỉ trên đỉnh Thiên Ấn. Còn gì bằng sự khiêm tốn nho nhã: "Tôi thanh tịnh tôi thấy mọi vật thanh tịnh".

Sương bắt đầu rơi ướt thấm vào nền ximăng, ngôi mộ cụ chìm trong màn đêm. Gió vẫn thổi, mây vẫn trôi và dòng sông vẫn trong xanh trôi về biển cả. Hình ảnh một sĩ phu yêu nước tựa lưng vào núi nhìn về phía sông nước con người xứ Quảng, với nụ cười mãn nguyện.

Tôi cúi đầu chào tạm biệt một danh lam của xứ Quảng, khi trên bầu trời trong xanh bắt đầu lấp lánh những vì sao...

Tác giả: Dung Quất

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây