Xuân Từ Chiều

Thứ tư - 29/07/2009 10:09 2.370 0

Xuân Từ Chiều

Câu chuyện về ba người đàn bà bị số phận trêu ngươi. Hình bóng thứ tư, hoặc nhoè lẫn vào ba con người đó là dáng dấp của Y Ban - người viết có khuôn mặt cười nhưng đã không ít bận nuốt nước mắt vào trong, những khi mải mốt đi tìm hạnh phúc.

Cuốn tiểu thuyết nho nhỏ của Y Ban vừa ra mắt. Ngay từ trang đầu tác phẩm, nhà văn, như một người đàn bà ngồi lê đôi mách, không cần giao đãi, đã kể luôn, kể một chặp, hết chuyện thì đứng lên, phủi váy đi về. Nhưng điều làm nên khác biệt giữa nhà văn và một người ưa đưa chuyện là cái duyên nằm trong sự kể của chị, chứ không phải ở nội tình câu chuyện. Chuyện của Y Ban rất thường - người ta không cần ra ngõ mới nhìn thấy mà có thể gặp ngay trong nhà mình - về những người phụ nữ, không trượt ra ngoài những nỗi lo rất đàn bà: cơm áo, sinh đẻ, chồng con và tất nhiên… việc làm tình. Xuân - Từ - Chiều, 3 thân phận có cùng một hình dung giản dị về hạnh phúc, nhưng bất hạnh ập đến, lại mỗi người một kiểu.

Xuân vốn là cô nuôi dạy trẻ, con gái nhà quê, lấy chồng ra phố rồi phấn đấu trở thành trưởng khoa của một trường đại học. Xuân có tình yêu rất đẹp với Tuấn - người đàn ông thông minh, tài năng và yêu cô hết lòng. Nhưng ông Trời cay nghiệt không cho tình yêu đó được đơm hoa kết trái. Nguồn gốc bi kịch bị giấu kín cho tới lúc Tuấn chết trong một chuyến công tác ở nước ngoài. Khi đau đớn giã biệt người chồng, nhẹ nhàng mở từng nút thắt khuy áo, rồi khuy quần để ngắm nhìn cơ thể anh lần cuối, Xuân ngỡ ngàng khi nhận ra, vật linh thiêng của chồng vẫn cương lên như trong những giây phút đam mê giữa hai người. Chị lờ mờ hiểu vì sao, sau bao nhiêu năm chung sống, bao nhiêu lần ái ân, chị chưa từng được thấy, được đụng vào nơi riêng tư quá đỗi đó của chồng.

Nhân vật thứ hai - Chiều - là người đàn bà trực bình, trực bình là nước ở hồ tiên, là lẫm là kho chứa bạc tiền, gái giỏi tề gia ích phu tử… Chị giỏi Toán, vẫn thường giải toán giúp chồng, để anh từng bước hoàn thành việc học hành, leo dần lên những nấc thang danh vọng. Nhưng mà chị nói ngọng, chị quê mùa, nên khi hết cảnh bần hàn, chị lạc lõng cô đơn trong chính ngôi nhà sang trọng của mình. Chiều tự tử. Cái chết của một con người cô đơn được rất đông người viếng. Người ta đến viếng vì người sống - những kẻ đã lạnh lòng trước một tâm hồn từng ấm nóng thương chồng yêu con.

Từ tốt nghiệp đại học, năng lực có thừa, nhưng cuộc sống xô đẩy, cô trở thành kẻ ra đường bán xôi chim. Mệt mỏi xoay xở với cơm áo, chật vật giằng co níu giữ tình yêu và gia đình nhỏ bé, Từ va chạm với mọi sóng gió đời thường của người phụ nữ…

Vẫn là nhà văn của những nỗi đau rất đàn bà, Y Ban trong cuốn tiểu thuyết mới đã phát hiện ra không ít nghịch cảnh. Người phụ nữ khao khát có con lại năm lần bảy lượt đưa bạn mình đến bệnh viện phá thai. Người vượng phu ích tử từng giải toán cho chồng khi chết đi lại bị đàm tiếu là ít học, không biết chữ… Trong ba số phận đó, có lẽ Từ ít bất hạnh hơn cả. Vì dù phải nhọc nhằn, dù phải bon chen, cô vẫn được sống với tất cả những thiên chức của người phụ nữ. Và không dễ giấu mình, Y Ban cũng chẳng ngại ngần thể hiện một chút tôi, một chút đời sống cá nhân của chị vào trong đó…

Trở lại với sự kể của Y Ban. Đây là cuốn tiểu thuyết viết liền một mạch, chỉ xuống dòng khi tác phẩm đã đi đến đoạn kết. Truyện không có một cái cốt chặt chẽ mà như một ghi chép lộn xộn, ngẫu hứng những lời kể của người trần thuật. Nhà văn dường như cũng chỉ kể một cách tự nhiên mà không quan tâm đến việc kiến tạo câu chuyện của mình một cấu trúc. Lối kể đó phù hợp với những sự việc vặt vãnh, trong nhà ngoài phố, nhìn đến đâu, kể đến đó. Và vì thế mà tác phẩm cuốn hút.

Tác giả: THANH HUYỀN

Nguồn tin: eVăn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây