Thương hiệu của nông dân

Thứ hai - 16/12/2013 13:43 10.558 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

“... Từ một nông dân thuộc hộ nghèo, bằng nghị lực và tinh thần không cam chịu, Ông đã xây dựng một cơ sở có uy tín, khẳng định thương hiệu đối với thị trường, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Sự phát triển của cơ sở tạo điều kiện giải quyết đầu ra cho vùng chuyên canh ớt huyện Thanh Bình, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo mối gắn kết bền vững giữa người sản xuất và người tiêu thụ.

Cho phép tôi được xem Ông như một Gương sen đẹp của Đồng Tháp - Sen hồng chúng ta! Xin cảm ơn Ông vì đã chứng minh cho bà con chúng ta thấy rằng bất kỳ ai, bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào nhưng nếu có ý chí vươn lên sẽ trở nên giàu có bằng chính sức lao động của mình...’’. Đó là một phần trong toàn văn của bức thư khen riêng của Chủ tịch UBND Tỉnh dành cho doanh nhân Huỳnh Văn Bé, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Cầm bức thư trong tay, tôi vội vã ngược lên Thanh Bình để phát thảo đôi dòng về cuộc đời và sự nghiệp của Doanh nhân rất đặc biệt này!

Từ cảnh chạy nghèo lại gặp đói

Ông Huỳnh Văn Bé sinh 1950 trong một gia đình nông dân nghèo, dân gian nói “ Không ai nghèo ba họ, chẳng ai khó ba đời” nhưng ông nghiệm ra từ đời ông đến đời cha và hiện tại là gia đình của các anh chị em và ông vẫn chưa có ai khấm khá. Ông lập gia đình năm mười chín tuổi, cuộc sống càng khó khăn hơn khi bốn đứa con của vợ chồng ông lần lượt chào đời và ngày càng khôn lớn, làm cho ông phải lao tâm, khổ trí trong cuộc mưu sinh. Với suy nghĩ là phải tìm cách gầy dựng cuộc sống gia đình ấm no để các con không phải khổ như mình, lục tìm trong ký ức ông nhớ năm 1985, ông năm Ô là người thương binh đặc biệt, bị mù cả hai mắt và thương tích đầy mình mà vẫn làm được chuyện “động trời’’ khắp cả nước là xây được căn nhà đúc trị giá 65 cây vàng nhờ nuôi cút đẻ, vậy là ông tìm đến gia đình vợ chồng ông năm Ô ở sông Đốc Vàng, thị trấn Thanh Bình để “tầm sư học đạo’’ với mong muốn được thoát nghèo. Được hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại phòng và trị bệnh..., ông Huỳnh Văn Bé gom góp số lương vốn ít ỏi của gia đình rồi vay thêm ngân hàng được hơn 100 triệu đồng, thực hiện khát vọng làm giàu đã được ấp ủ bấy lâu nay. Cho dù rất kỹ lưỡng cho việc chăm sóc, toàn tâm, toàn ý cho công việc nhưng số ông chưa thể thoát nghèo, 5000 con cút đẻ của vợ chồng ông đang nuôi bỗng dưng đổ bệnh chết đồng loạt, hơn 100 triệu đồng đổ sông, đổ biển. Không chỉ trắng tay mà vợ chồng ông còn là con nợ tới 80 triệu đồng, cho dù đã bán hết nhà cửa, ruộng đất để trả ngân hàng. Đúng là “gà què bị chó đuổi’’. Sống vô gia cư, cả nhà lây lất qua ngày từ những đồng tiền ít ỏi lúc có, lúc không bằng nghề làm thuê, làm mướn.

Cám cảnh cho cuộc sống của gia đình ông, người chị bà con ở Tây Ninh gọi ông lên truyền nghề làm muối sấy. Trước khi có “Muối sấy Ngọc Yến’’ thì “Muối sấy Tây Ninh’’ là mặt hàng độc quyền, bán chạy như tôm tươi ở các tỉnh phía Nam. Bị dồn vào bước đường cùng, ông ba Bé khăn gói rời quê cha, đất tổ lên Tây Ninh làm thuê, trước là duy trì cuộc sống của gia đình, thứ đến là may ra học được cái nghề để sống và gầy dựng tương lai theo quan niệm “ruộng bề bề không bằng cái nghề trong tay’’.

Đến thương hiệu “Muối sấy Ngọc Yến’’

Biết mình là người không có cả thế và lực, ông ba Bé toàn tâm cho công việc. Sống và làm việc rặt “Hai Lúa’’ nên ông ba Bé được chủ truyền nghề một cách tỉ mẩn.Tuy là mặt hàng đã nổi tiếng rồi nhưng cứ mỗi lần dùng “Muối sấy Tây Ninh’’, ông ba Bé vẫn có cảm giác chưa ưng ý. Thứ nhất là muối bị vón thành từng cục nhỏ do thành phẩm có bột, thứ hai là hương vị chưa được nồng và thơm. Khiếm khuyết thứ nhất sẽ được khắc phục một cách dễ dàng bằng cách loại bỏ thành phần bột, còn hạn chế thứ hai thì … chưa có lời giải. Buổi ngày dốc hết toàn lực cho công việc làm muối của chủ, buổi tối thì toàn tâm cho giấc mơ làm giàu bằng cách vắt tay lên trán để suy nghĩ với bao giả thuyết được đưa ra bằng tâm huyết của một người không cam chịu cuộc sống nghèo khó, nhưng đã mấy năm trôi qua mà ba Bé vẫn chưa tìm được một lối đi riêng cho mình. Nhớ lại cảnh sống bi cực của mình cách nay hơn mười năm, Doanh nhân Huỳnh Văn Bé tự bạch bằng một giọng đầy tính chiêm nghiệm: Đúng năm chuyển giao thế kỷ, lên Tây Ninh học nghề với quyết tâm làm thuê để làm chủ. Được truyền nghề rất kỹ, nếu chỉ làm muối theo chất lượng “Muối sấy Tây Ninh” thì chỉ cần một, hai năm là làm chủ được quy trình nhưng thú thực là “Muối sấy Tây Ninh” không làm tôi vừa cái miệng. Muối sấy là mặt hàng “hai thông”, rất thông thường nhưng cũng rất thông dụng, nếu sản phẩm được chấp nhận thì thị trường quá lớn; có nhà nào, người nào không dùng đâu. Vấn đề là: phải tìm ra một công thức và quy trình phù hợp, để sản phẩm có tính đặc trưng mới thuyết phục được khách hàng.Quyết tâm là vậy nhưng cũng mất khoảng năm năm trời tìm tòi, thử nghiệm tôi mới có được một công thức và quy trình cho sản phẩm của riêng mình mà khâu quan trọng nhất là quá trình sấy chín ở nhiệt độ 200oC. Vị thơm và cay nồng của “Muối sấy Ngọc Yến” chính là ở điểm này, chú ạ!

“Có công mài sắt có ngày nên kim”. Sau bao năm bấm chí, ba Bé đã tạo cho mình một “tài sản” riêng, năm 2006 người công nhân làm thuê Huỳnh Văn Bé khóc trong niềm vui để chia tay xứ Tây Ninh trở về quê mở cơ sở lập nghiệp theo triết lý: “Ngã chỗ nào, đứng lên chỗ đó”. Khởi nghiệp với lưng vốn ít ỏi, chỉ có ý chí và nghị lực là dư thừa nên mỗi ngày cơ sở muối sấy của Ba Bé cũng chỉ sản xuất theo lối: “Liệu cơm gắp mắm” trên dưới 50kg. Chồng ở nhà làm muối, vợ và con lên thuê nhà trọ ở Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Vạn sự khởi đầu nan, để khách hàng biết và đón nhận sản phẩm của mình, vợ con Doanh nhân Huỳnh Văn Bé phải lội bộ từ sáng sớm đến tối, vào tận hang cùng, ngõ cụt, phường trên, khóm dưới để bán từng bọc muối cho các xe bán cóc bán lẻ trái cây, các quầy, sạp ở các chợ, với lời mời “Các cô, các chị cứ dùng thử một bịch, ngon thì mua tiếp, không ngon thì mẹ con tôi xin trả lại tiền”. Với sự kết hợp độc đáo giữa các thành phần: Muối biển xứ Bạc Liêu có hậu ngọt, ớt Thanh Bình (Đồng Tháp), có độ cay nồng cao, cùng với tỏi, bột ngọt Ajinomoto và đường cát, được trộn đều đem phơi khô rồi đưa vào lò sấy ở nhiệt độ 200oC, nên ai dùng qua một lần đều thích và mua thêm mấy bịch cho cả nhà dùng. Truyền thanh không bằng truyền miệng! Muối sấy Ngọc Yến đã thuyết phục được các bà nội trợ ở các vùng lân cận Bà Chiểu. Thị phần được mở rộng, ở quê nhà, ông Huỳnh Văn Bé phải tăng sản lượng mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường, còn hai mẹ con cô Huỳnh Thị Ngọc Yến ở thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu “phá rào” xâm nhập thị trường ở Chợ Bàn Cờ (Quận 3), chợ Cầu Ông Lãnh (Quận 1), nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà hàng trên địa bàn thành phố để chào hàng. Đây là khoảng thời gian cơ cực nhất của vợ, con Doanh nhân Huỳnh Văn Bé: Từ Bà Chiểu về Cầu Ông Lãnh bán muối, mẹ đi xe lam, bán hàng xong, mẹ lội bộ về nhà, hỏi tại sao mẹ lại đi bộ thì mẹ nói: để dành tiền, được đồng nào hay đồng đó! Cô Huỳnh Thị Ngọc Yến tâm sự về mẹ mình như thế.

Thị phần ngày càng mở rộng, ông Huỳnh Văn Bé bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất và trang bị các phương tiện sản xuất hiện đại, nâng sản lượng sản phẩm từ 50kg/ngày lên 500kg rồi 1.100kg/ngày mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, chủ cơ sở “Muối sấy Ngọc Yến” Huỳnh Văn Bé làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm “Muối sấy Ngọc Yến” vào năm 2009. Kể từ đây, người nông dân nghèo khó ngày nào trở thành doanh nhân; hơn thế, ông còn là một doanh nhân tiêu biểu bởi: “Muối sấy Ngọc Yến” đã được chứng nhận: Hàng Việt Nam chất lượng cao và tặng Huy chương Vàng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2010, tín nhiệm vàng: Nhà cung cấp đáng tin cậy tại Việt Nam của Viện nghiên cứu Việt Nam, đơn vị kiểm định chất lượng Quốc tế - Vương Quốc Anh và Trung tâm khảo sát chỉ số tín nhiệm doanh nghiệp năm 2010. Cúp Sen Vàng Việt Nam, thương hiệu nổi tiếng trong nước và Quốc tế năm 2011, Thương hiệu tiêu biểu năm 2012 của Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp Việt Nam; Cúp Vàng và Huy chương vàng cho sản phẩm chất lượng của Hội Nông dân Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam năm 2012, Cúp Vàng cho thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 của Hội đồng Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam. Tất cả những phần thưởng trên sẽ là tấm giấy thông hành để sản phẩm “Muối sấy Ngọc Yến” ngày càng bay cao bay xa trong thời đại kinh tế thị trường. Tôi có may mắn được hội kiến Phó Giám đốc Lê Như - Công ty TNHH Lê Như - cùng Doanh nhân Huỳnh Văn Bé bàn bạc, thỏa thuận ký kết hợp đồng cho Công ty TNHH Lê Như làm nhà phân phối “Muối sấy Ngọc Yến” trong phạm vi cả nước nhưng Doanh nhân Huỳnh Văn Bé cho biết: hiện tại “Muối sấy Ngọc Yến” ở các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) đã có nhà phân phối độc quyền tại thành phố Hải Phòng cung cấp, cho nên thị phần còn lại chỉ là từ Đà Nẵng trở vào, bà Giám đốc Lê Như làm ngay phép tính: Vậy là mất một nửa thị phần, chỉ còn lại 500 điểm bán lẻ. Chứng kiến cuộc trao đổi giữa Doanh nhân Huỳnh Văn Bé và Giám đốc Lê Như, tôi càng hiểu và cảm phục hơn về sức mạnh của thương hiệu “Muối sấy Ngọc Yến”. Với mức bán thêm bình quân mỗi điểm 100kg/tháng từ nhà phân phối Lê Như, cơ sở “Muối sấy Ngọc Yến” phải tăng sản lượng lên 83.300kg/tháng. Để giải quyết bài toán này, ông ba Bé đã đầu tư 2 máy sấy khô trị giá 1 tỷ đồng thay cho giàn phơi khô theo lối thủ công, số công nhân ở dây chuyền phơi khô bằng giàn thủ công sẽ chuyển sang phục vụ máy sấy khô, tuyển thêm 10 công nhân cho bộ phận đóng gói, nâng tổng số công nhân của cơ sở lên 30 người. Nói về đồng lương và các chế độ khác của người lao động, ông Nguyễn Văn Thăng (58 tuổi) cho biết: Lương của người làm công ở đây sống khỏe chú ạ, mỗi tháng được cơ sở trả lương từ 3.600.000 - 5.000.000 đồng, tùy theo công việc. Tôi làm ở bộ phận trộn muối và phơi khô, mỗi tháng được 4.000.000 đồng. Từ khi làm việc cho anh ba Bé đến nay, kinh tế gia đình cũng đỡ, có tích lũy được một ít. Mọi chế độ của người lao động đều được cơ sở đảm bảo, ngoài ra mỗi tháng chúng tôi còn được cơ sở tặng một thùng mì gói, nếu có yêu cầu, người lao động cũng được cơ sở cho ứng lương trước. Hiếm có ông chủ nào lại chu toàn cho người lao động đến thế!

Và tấm lòng của một doanh nhân

Không chỉ là một doanh nhân vượt khó thành đạt mà ông Huỳnh Văn Bé còn là một công nhân mẫu mực của địa phương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng. “Đi qua cái khổ, càng thương phận nghèo”. Cho đến khi thành đạt, Doanh nhân Huỳnh Văn Bé vẫn luôn mang theo bên cuộc đời mình hình ảnh cậu ba Bé nghèo khó gắn với ruộng đồng rất thơ mộng nhưng cũng đầy cơ cực rồi một ba Bé nông dân vỡ nợ “được cấp sổ nghèo” phải bỏ quê, bỏ xứ đến mưu sinh nơi đất người, để tự nhắc nhở mình là phải sống sao cho có ích với đời. Có lẽ chưa có ai tham gia các tổ chức, đoàn thể xã hội nhiều như Doanh nhân Huỳnh Văn Bé. Ở thời điểm năm 2013 này, ông Huỳnh Văn Bé tham gia hoạt động ở 12 tổ chức, đoàn thể xã hội từ Tổ trưởng tổ dân phòng khuyến học số 17, khóm Tân Đông B thị trấn Thanh Bình …đến Ban chấp hành Hội Nông dân huyện, ủy viên Mặt trận Tổ quốc huyện, tất cả đều vì trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Ở tuổi 64, Doanh nhân Huỳnh Văn Bé đang chạy đua với thời gian ở cả hai phương diện: Làm giàu và làm phúc, vì ông cho rằng: tạo hóa rất bất công khi ban tặng mỗi người 24 giờ trong ngày, thất bại hay thành công chính là việc sử dụng quỹ thời gian đó như thế nào cho có hiệu quả. Không đợi đến giàu có mới làm phúc nhưng nếu giàu có thì càng có điều kiện để thiện nguyện hơn, cho nên ai cũng thấy ông ba Bé vẫn ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ để cơ sở “Muối sấy Ngọc Yến” phải đạt lợi nhuận bốn, năm tỷ đồng mỗi năm hoặc hơn nữa, càng nhiều càng tốt, thay vì 2,5 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm như hiện nay. Có lợi nhuận, Doanh nhân Huỳnh Văn Bé tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện càng rộng. Không chỉ có thị trấn Thanh Bình mà hầu hết các xã trên địa bàn của huyện đều có ông chung tay vì cộng đồng, từ cứu trợ lũ lụt, cất nhà tình thương, giúp đỡ học sinh nghèo, trẻ em mồ côi, người tàn tật, xây dựng cầu đường nông thôn … đặc biệt là sự bảo bọc, cưu mang của ông đối với 52 cụ già neo đơn ở các xã trong huyện với định mức 200.000 đồng mỗi tháng cho mỗi cụ. Tất cả những việc làm giàu tính nhân văn của ông đều có địa chỉ rõ ràng và hiệu quả thiết thực.

Tuy không biểu thị trực tiếp cảm xúc nhưng qua những câu chuyện kể về kỷ niệm của mình, tôi thấy Doanh nhân Huỳnh Văn Bé cứ chớp chớp mắt khi đề cập đến Thủ đô Hà Nội. Có lẽ ông không chỉ là người làm giàu đặc biệt mà ngay cả việc ghi nhận và tôn vinh ông cũng rất đặc biệt: Ông là người ba lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, cả hai lần được đại diện cho Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp - lần thứ nhất vào năm 2010, là điển hình tiên tiến toàn quốc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và lần thứ hai, vào tháng 10 năm 2013, là điển hình gia đình tiêu biểu toàn quốc - vinh dự được gặp mặt tọa đàm với Tổng Bí thư của Đảng.

Tạm biệt quê hương Thanh Bình, chia tay Doanh nhân Huỳnh Văn Bé, ngẫm về nghiệp và đời của Ông, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu thơ rất biện chứng của cố nhà thơ Tố Hữu:

“… Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng …”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây