Nước mắt của người thương binh mù

Thứ hai - 16/12/2013 14:13 12.036 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Tổng Biên tập báo Ấp Bắc Nguyễn Thị Bạch Vân (Chín Vân) điện thoại gọi tôi lên trực tiếp giao nhiệm vụ. Linh tính mách bảo với tôi rằng, chắc chắn là một vụ có vấn đề mang tính nghiêm trọng và hóc búa.

Cầm xấp hồ sơ đã ngã màu ố vàng trên tay, chị Chín Vân chậm rãi nói: - Đây là một trường hợp bị rút sổ thương binh từ năm 1990, có dấu hiệu oan sai. Gần 20 năm nay, gia đình đương sự đã làm đơn kêu oan khắp nơi từ xã lên huyện, lên tỉnh, kể cả Trung ương nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Hồ sơ này từ Tòa soạn Báo Vĩnh Long chuyển qua, vì nó xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tôi bật hỏi: - Ủa! Sao người ta không trực tiếp gởi cho mình hả chị?

Tổng Biên tập Chín Vân cười: - Thì bụt chủ nhà không thiêng mà lị. Vả lại mười mấy năm nay người ta gởi lên xã, lên huyện, lên tỉnh mà có giải quyết được gì đâu. Thành thử, tờ báo tỉnh nhà đâu còn được người ta tin tưởng. Cũng chính vì vậy mà tôi muốn giao anh làm vụ nầy. Anh gốc là bộ đội Cụ Hồ lại từng trải qua chiến tranh, nên chắc sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các phóng viên khác. Tuy nhiên, đây là một vấn đề tế nhị và nhạy cảm, anh chú ý xác minh điều tra tỉ mỉ, cẩn thận. Nếu có gì khó khăn anh cứ báo cáo. Ban Biên tập sẽ hết sức hỗ trợ.

Đơn và hồ sơ kêu oan hầu hết đều được đánh máy bằng giấy poluya mỏng tang, chữ mờ, chữ nhạt. Phải mài mò đọc và nghiên cứu từng chữ, từng câu, tôi mới hình dung ra được sự việc. Đương sự là ông Nguyễn văn Hụi (Chín Hụi), sinh năm 1941, ngụ ấp 3, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau ngày Đồng Khởi (1960), ông Chín Hụi tham gia vào du kích xã. Năm 1964, trong một trận phối hợp với du kích xã Cẩm Sơn đi điều nghiên đánh địch ở đồn Ba Dừa, ông sửa lựu đạn gài bị nổ mù hai mắt. Sau giải phóng, giám định thương tật với tỉ lệ 83%, ông được hưởng chế độ thương binh hạng 7/8 (nay là hạng ¼). 14 năm sau (1990) bỗng có đơn thư nặc danh tố cáo ông Chín Hụi không có trong tổ chức, vô kỷ luật tự ý sửa lựu đạn gài bị nổ mù hai mắt, sau đó ra chiêu hồi và trong một trận đánh của ta vào đồn Trà Tân, bộ đội bị đánh văng mất súng, ông lượm giao cho địch.

Tuy là thư nặc danh, nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn quyết định ngưng cấp chế độ thương binh của ông vào tháng 9/1990 để xác minh, điều tra làm rõ. Đúng hai năm sau, tháng 9/1992, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có quyết định chính thức thu hồi toàn bộ quyền lợi chính trị, kinh tế gồm sổ thương binh, sổ trợ cấp của ông Chín Hụi.

Qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy một tia sáng le lói lóe lên là, tại sao không ở trong tổ chức lại đi sửa lựu đạn gài để bị nổ mù hai con mắt? Mù mắt rồi còn làm được tích sự gì mà ra chiêu hồi? Có còn thấy gì đâu mà bảo lượm súng giao cho giặc? Mang trong mình nhiều câu hỏi nghi vấn, tôi sắp xếp thời gian, dùng xe Honda theo tỉnh lộ 864 nhằm hướng ấp 3, xã Long Trung trực chỉ. Con đường vòng vèo, ngoằn ngoèo hỏi riết rồi cuối cùng cũng đưa tôi đến căn nhà của ông Chín Hụi. Nhà vắng chủ, không một bóng người, vách lá tuyềnh toàng, rách nát, trống trước hở sau nhìn sao mà thê thảm. Mù hai con mắt, đi đâu vậy cà?

Lân la hỏi những nhà hàng xóm chung quanh, tôi được biết hàng ngày vợ chồng ông Chín Hụi dắt díu nhau ra bờ sông mò cua, bắt hến nước lớn mới về, có lúc trưa, lúc chiều hổng chừng. Chẳng còn biết làm sao, tôi đành phải ngồi chờ vậy. Đứng bóng, vợ chồng ông Chín Hụi mới dắt díu nhau về. Vợ đi trước dẫn đường, chồng lóc cóc chống gậy theo sau.

Hơn 40 năm kể từ ngày bị thương mù hai mắt, không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời, cuộc sống của ông Chín Hụi và gia đình lâm vào cảnh đói nghèo, khó khăn, túng quẫn. Bị cắt chế độ thương binh, cuộc sống của gia đình ông càng thê thảm hơn. Hàng ngày, vợ dẫn chồng ra bờ sông lựa từng con nước thủy triều lớn ròng mò cua, bắt hến sống đắp đỗi qua ngày. Trong căn nhà rách nát, trống trước hở sau, ông Hụi ngồi kể chuyện đời ông mà những giọt nước mắt vô tình ứa ra, lăn dài làm giọng ông trở nên nghèn nghẹn: - Cũng tại tui không cam chịu phận đui mù. Mấy ông cán bộ xã lấy đất của dân, xà xẻo đất công, tui lên tiếng phản đối vậy là …! Họ bảo, nếu tố cáo thì hãy coi chừng; họ bảo làm sổ thương binh cho tui được thì rút sổ thương binh của tui chẳng khó khăn gì. Nào ngờ, họ đã tàn nhẫn bôi đen danh dự cuộc đời hoạt động cách mạng của tui bằng những lá đơn nặc danh. Thanh tra Sở có xuống xác minh, nhưng lại xác minh ngay chính những người làm đơn nặc danh tố cáo.

Ông càng kể, nỗi uất ức được dịp ùa về làm cho những giọt nước mắt nóng hổi, đùng đục lại len lỏi từ hai hốc mắt sâu hủm, nhăn nheo trườn ra, lăn dài trên đôi má hóp. Thỉnh thoảng, ông Hụi đưa ống tay áo lên chùi nhưng không hiểu sao, càng chùi bao nhiêu thì chúng lại càng trườn ra bấy nhiêu. Tôi đã từng chứng kiến khá nhiều những giọt nước mắt đau thương, mất mát, chia ly cũng như những giọt nước mắt mừng vui, nghẹn ngào, sung sướng. Nhưng có lẽ, đây là những giọt nước mắt cay đắng, tủi hờn chất chứa từ lâu, nén chịu bấy lâu mới có dịp trườn ra vì vậy, nó cứ chảy hoài, càng chùi, càng chảy. Cho nên, những giọt nước mắt của người thương binh mù đã để lại trong lòng tôi một dấu ấn khó có thể phai mờ. Qua lời kể của ông Chín Hụi, tôi thu thập được một số nhân chứng có thể minh oan được cho ông. Thế nhưng sau chiến tranh, kẻ mất người còn, phân tán khắp nơi liệu rằng, tôi có thể giúp ông tìm lại được ánh sáng của công lý?

Không nản lòng, gần một tháng trời tôi bươn chải từ xã này sang xã kia, từ ấp này tới ấp nọ tìm và hỏi, lại hỏi và tìm. Nhân chứng đầu tiên tôi tiếp xúc là ông Trần Kim Thạch. Khi biết mục đích của tôi, ông Kim Thạch lắc đầu thở dài: - Cũng tại Chín Hụi đui mù mà không chịu an phận, bày đặt chuyện đấu tranh nên mới ra nông nổi. Tôi cam đoan chắc chắn một trăm phần trăm Chín Hụi bị oan bởi hôm đi điều nghiên đồn Ba Dừa, tôi là mũi trưởng. Chín Hụi cùng tổ với tôi và được giao nhiệm vụ gài các bãi lựu đạn chết. Khi đi qua bãi lựu đạn gài, thấy giò lựu đạn bật lên, Chín Hụi ở lại sửa không may lựu đạn nổ bị thương mù hai mắt. Không ở trong tổ chức sao lại đi điều nghiên đồn bót địch.

Nhân chứng thứ hai là ông Trần Văn Sáu, người đứng cách ông Hụi khoảng 7m khi lựu đạn nổ kể một cách rành rẽ: - Lúc Chín Hụi vô sửa, tôi có can bảo sau khi về hãy sửa, nhưng Hụi nói: - Bây giờ không sửa lỡ sau này có chuyện xảy ra, mình chạy vô luýnh quýnh vướng phải, nổ chết mình chớ chết ai. Bãi lựu đạn đó do Chín Hụi gài, đi ngang thấy trật thì tự giác vô sửa không may bị lựu đạn nổ. Hành động đó mang tính tự giác, thể hiện tinh thần đánh giặc chớ không thể nói là vô kỷ luật được. Sau này, trong cuộc họp ở xã ngày 21/2/1992, tôi có phát biểu đúng sự thật như vậy, nhưng bị vài người có mâu thuẫn với Chín Hụi gạt đi. Tôi còn bị đe dọa nếu bênh cho Chín Hụi, cũng bị rút sổ thương binh.

Lần theo từng nhân chứng, tôi tìm gặp được ông Nguyễn Văn Tề, nguyên Bí thư chi bộ ấp 3, xã Long Trung năm 1964, lúc Chín Hụi bị thương. Ông Tề bức xúc bày tỏ: - Thấy Chín Hụi biết cài lựu đạn, ta đưa vô tổ chức và giao nhiệm vụ gài các bãi lựu đạn chết. Việc sửa lại lựu đạn khi bị bật giò là trách nhiệm và nhiệm vụ của Chín Hụi. Không thể dựa vào sự sơ ý làm lựu đạn nổ bị thương để cho rằng, đó là vô kỷ luật. Không ai muốn chết và cũng không ai muốn làm lựu đạn nổ để bị đui mù hai mắt cả. May rủi trong chiến tranh là chuyện thường tình. Xin đừng phủ nhận trường hợp bị thương của Chín Hụi. Một chút công sức, một giọt máu đổ ra lúc bấy giờ là vô cùng quý báu, giải quyết chế độ thương binh cho Chín Hụi là chính đáng. Năm 1974, tôi lên làm Bí thư Đảng ủy xã Long Trung, tôi biết rõ Hụi không lấy súng giao cho địch mà do địch tấn công lấy được. Vả lại, lúc Hụi bị mù hai mắt, có nhìn thấy gì đâu mà bảo lượm được súng rồi giao cho địch, lại còn tố cáo Hụi ra chiêu hồi. Thằng địch đâu có ngu gì mà sử dụng một người đui mù như Hụi. Cũng cần nói thêm rằng, tôi là Bí thư chi bộ năm 1964, lúc Hụi bị thương và năm 1974, khi bộ đội đánh đồn bị thương văng mất súng, tôi là Bí thư Đảng ủy xã. Xét trường hợp của Chín Hụi, tôi là một nhân chứng quan trọng, nhưng không được mời dự.

Đặt vấn đề này với ông Nguyễn Thành Kiệt, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Long Trung năm 1992, ông Kiệt rầu rĩ nói: - Cuộc họp ngày 21/2/1992 do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, nhân chứng do ngành triệu tập, xã không biết vì xã chỉ là thành phần được mời dự. Trong cuộc họp có nhiều ý kiến trái ngược nhau, với tư cách Bí thư Đảng ủy xã, tôi đề nghị trên nghiên cứu, xem xét kết luận. Bởi trong số ý kiến đề nghị cắt chế độ thương binh của Chín Hụi, có một số người không trực tiếp chứng kiến sự việc xảy ra trong thời điểm đó. Năm 1990, Chín Hụi bị cắt chế độ, có làm đơn khiếu nại, tập thể Chi bộ, nhân dân ấp 3 và chính quyền xã đều thống nhất đề nghị trên giải quyết, nhưng những biên bản này không được đưa ra trong cuộc họp. Rất may là tôi còn lưu giữ được những biên bản này vì tôi vẫn hy vọng rằng, nỗi oan của Chín Hụi sẽ có ngày được làm sáng tỏ.

Đơn thư nặc danh ký tên nhân dân ấp 3, nhưng qua nguồn tài liệu của ông Nguyễn Thành Kiệt cung cấp, tôi có trong tay biên bản của Chi bộ ấp 3 họp ngày 15/1/1991, sau khi lấy ý kiến của các cán bộ cách mạng lão thành, đã xác nhận ông Chín Hụi bị oan do một vài cá nhân có mâu thuẫn làm đơn nặc danh tố cáo sai sự thật và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh trường hợp của ông Chín Hụi. Cùng với biên bản họp Chi bộ là biên bản của nhân dân ấp 3 họp vào ngày 18/1/1991, xác nhận ông Chín Hụi bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, không ra chiêu hồi, không lấy súng giao cho địch và đồng kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại chế độ thương binh cho ông.

Tổng Biên tập Chín Vân rất hài lòng về những chứng cứ tôi thu thập được. Cho nên ngày 27/2/2004, Báo Ấp Bắc số 1554 đã đăng bài: “Sự thật về anh thương binh mù mắt”, phản ánh về nỗi oan của ông Nguyễn Văn Hụi. Công luận lên tiếng phản ánh, các cơ quan chức năng buộc phải vào cuộc xác minh làm rõ.

Ngày 27/5/2004, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức một cuộc họp các nhân chứng tại Hội trường UBND xã để lấy ý kiến một cách dân chủ. Cuộc họp diễn ra trong bầu không khí thoải mái, công khai, ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy vừa khẳng định: “nếu sai thì sửa”, vừa động viên khuyến khích các nhân chứng mạnh dạn nói lên sự thật. Có 7 nhân chứng đứng lên phát biểu, nhưng không có một ý kiến nào phản ánh ông Hụi bị buộc vào ba tội danh nêu trên. Mặc dầu các ý kiến của các nhân chứng có một số điểm chưa được chính xác do thời gian sự việc xảy ra đã ba, bốn chục năm qua. Nhưng rõ ràng, không có một ý kiến nào nói ông Hụi lượm được súng giao cho địch, không ai nói ông ra chiêu hồi. Ông bị bắt trong vùng dẫn ra, bị đánh bầm dập, thậm chí suýt chút nữa bị bắn bỏ. Sự sơ ý của ông là điều ngoài ý muốn, là chuyện bình thường có thể xảy ra trong chiến tranh, không ai muốn chết và không ai muốn mình bị thương mù hai mắt cả.

Tôi lặng lẽ quan sát và nhận thấy có nhiều nhân chứng khá quan trọng không được mời nhưng vẫn tới dự, trong số đó có hai người mà hồi chiến tranh, họ là hai người lính ở hai chiến tuyến, sẵn sàng bắn hạ lẫn nhau. Nhưng giờ đây họ lại cùng đứng ra làm chứng cho nỗi oan của người thương binh mù. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi vội ghi âm ý kiến của ông Nguyễn Văn Lược, thương binh hạng 2/4, ngụ ấp 1, xã Cẩm Sơn: “Tôi nguyên là Trung đội phó bộ đội địa phương quân huyện Cai Lậy Nam xin xác nhận khẩu súng bị địch lấy trong trận đánh đêm 10 rạng ngày 11/11/1974 tại đồn Trà Tân là của tôi. Trận đó tôi bị thương vào mắt trái và ngực nên đã làm rơi mất súng. Sau đó, tôi được biết khẩu súng của tôi đã bị địch tiến công lấy được”. Và ý kiến của ông Phan Văn Bấn, người lính nghĩa quân của trung đội 113 (đồn Trà Tân) xác nhận: “Trận đánh hôm đó diễn ra rất dữ dội, nhưng do hỏa lực của chúng tôi mạnh nên bên giải phóng phải rút chạy và chính tôi là người lượm được khẩu súng”.

Quả là một cuộc tao ngộ kỳ lạ, có một không hai. Sau 30 năm, anh bộ đội bị thương làm rơi mất súng và người lính nghĩa quân lượm được súng, cả hai đều không được mời tới dự họp vẫn tìm đến để nói lên tiếng nói của mình, minh oan cho nỗi oan của người thương binh mù mà trước đó họ không hề quen biết. Trao đổi với chúng tôi bên lề cuộc họp, ông Bấn cho biết: “Do đọc báo nên tôi biết nỗi oan của ông Hụi, vì chính tôi là người lượm được khẩu súng trong trận đánh hôm đó. Cho nên, dù không được mời tôi vẫn đến để nói lên một sự thật”. Còn ông Lược thẳng thắn hơn: “Chẳng sung sướng gi khi phải làm một nhân chứng. Đường xá xa xôi, mất công mất việc, nhưng qua bài báo thấy ông Hụi bị oan, không đi không đành và mặc dầu không được mời, tôi vẫn đến. Từng là một người lính, lại bị thương mù một mắt, tôi rất thấm thía những nỗi đau trong chiến tranh. Không ai muốn mình bị thương, cho dù là sơ ý; chẳng ai dại gì đi sửa lựu đạn gài bị bật giò, một công việc vô cùng nguy hiểm, để đến nỗi bị thương mù hai mắt. Giờ đây, chúng ta lại đi phán xét một hành động tự nguyện vì cách mạng rồi dựa vào sự sơ ý làm lựu đạn nổ bị thương để quy kết cho cái tội vô kỷ luật. Thật rất không công bằng với sự đui mù của ông Hụi”.

Cuộc họp không có kết luận, nhưng biên bản cuộc họp là cơ sở để Hội đồng xét duyệt của tỉnh xem xét lại trường hợp rút sổ thương binh của ông Chín Hụi. Nhưng phải mất hơn nửa năm sau, ngày 6/1/2005 là một ngày trọng đại đối với cuộc đời của ông Nguyễn Văn Hụi. Tôi đến rất sớm để mừng cho ông, cùng ông dự cuộc họp triển khai quyết định chính thức của Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phục hồi toàn bộ quyền lợi kinh tế, chính trị và chế độ thương binh cho ông. Trong giây phút mừng vui đó, người thương binh mù đã bật khóc! Giọng ông nghèn nghẹn thốt lên: - Đôi mắt mù lòa tuy không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng giờ đây tôi đã được nhìn thấy ánh sáng của Đảng.

Những giọt nước mắt nóng hổi, đùng đục lại len lỏi từ hai hốc mắt sâu hủm, nhăn nheo trườn ra, lăn dài trên đôi má hóp. Thỉnh thoảng ông lại đưa ống tay áo lên chùi, nhưng càng chùi bao nhiêu thì chúng lại càng trườn ra bấy nhiêu. Ông khóc một cách ngon lành, âm thầm và lặng lẽ. Mà không khóc làm sao được, khi nỗi oan của ông kéo dài đằng đẵng hơn 5.200 ngày, giờ đây chính thức được giải tỏa. Hôm sau, Báo Ấp Bắc đăng một tin nho nhỏ: “Ông Nguyễn Văn Hụi được phục hồi chế độ thương binh”, viết về những giọt nước mắt của người thương binh mù.

Tương tự là trường hợp rút sổ của liệt sĩ Phan Thanh Hồng, sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1967, hy sinh ngày 24/7/1969, con của mẹ Nguyễn Thị Bông, sinh năm 1926, ngụ ấp 6, xã Đạo Thành, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cũng chỉ vì những lá đơn tố cáo nặc danh mà Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội âm thầm thu hồi sổ trợ cấp liệt sĩ của gia đình mẹ Bông vào tháng 4/1989. Gần 10 năm sau, ngày 24/10/1997, Thanh tra Sở mới có văn bản trả lời khiếu nại của mẹ Bông về việc rút sổ liệt sĩ với lý do: “Trường hợp hy sinh khai không đúng, chết trong trường hợp có tư tưởng đầu hàng giặc (chiêu hồi), bị ta bắt giam, địch ném bom chết”. Từ đơn kêu oan của mẹ Nguyễn Thị Bông, Tổng Biên tập lại giao cho tôi đi tìm sự thật.

Rất may là sự thật không quá phủ phàng! Lần tìm từng nhân chứng, tôi đã gặp được ông Nguyễn Văn Vui, nguyên Đại Đội trưởng Đại đội 2, Thủ trưởng trực tiếp của ông Hồng; ông Trần Ngọc Quang, nguyên Trưởng trại tạm giam đều có chung trình bày và xác nhận: “ông Hồng là chiến sĩ Trinh sát của đại đội 2, gia đình Hồng ở ấp 6, phía bên kia sông Bảo Định. Trước khi đi nhận nhiệm vụ mới, Hồng xin phép đơn vị về thăm gia đình, an ninh của ta không biết nên nghi ngờ Hồng có ý định ra đầu hàng giặc liền bắt tạm giam để điều tra. Hồng được tạm gởi về trại thuộc diện tình nghi ra chiêu hồi. Vì vậy, trại giam và Ban An ninh có trách nhiệm xác minh, điều tra làm rõ. Kết quả điều tra của trại giam trùng khớp với kết quả của Ban An ninh, cùng đi đến kết luận: “Hồng không thuộc diện chiêu hồi, bị tạm giam khoảng 1 tháng, sau khi có kết luận điều tra, Hồng được trả tự do. Trước khi Hồng hy sinh, trại có báo cáo về Ban Chỉ huy Công an thành phố Mỹ Tho, đề xuất trả Hồng về đơn vị cũ. Do thiếu người, trại tạm sử dụng Hồng như nhân viên của trại, cùng quản lý giam giữ phạm nhân. Hồng chết vì máy bay Mỹ thả bom vào trại, không tìm thấy xác”. Vậy mà, trong đơn tố cáo nặc danh có đoạn: “Khi chết hai tay Hồng vẫn còn bị còng?”.

Với những chứng cứ khá rõ ràng, đầy sức thuyết phục, Báo Ấp Bắc số 2674, ra ngày 16/5/2011 đăng bài: “Người mẹ già 20 năm lặn lội đi tìm công lý”, phản ánh nỗi oan của gia đình mẹ Bông. Công luận lên tiếng, các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc và Báo Ấp Bắc lại đăng một tin nho nhỏ: “Ông Phan Thanh Hồng được phục hồi chế độ liệt sĩ”. Ngày trao quyết định, tôi đến chia vui cùng mẹ Bông. Ở tuổi 86, liệt nửa người phải ngồi trên xe lăn vì tai biến mạch máu não, mắt mẹ vừa mờ, vừa lòa. Cứ tưởng nước mắt mẹ không còn, nhưng niềm vui lớn lao quá nên từ đôi mắt mờ lòa của mẹ nước mắt cứ ứa ra, chảy dài trên khuôn mặt teo tóp. Mẹ cười mà nước mắt cứ tràn ra như thể chưa bao giờ được khóc. Tôi chợt liên tưởng đến những giọt nước mắt của người thương binh mù, cũng nóng hổi, đùng đục, len lỏi, trườn ra, lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo nhưng rạng ngời, tươi tắn và tràn đầy hạnh phúc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây