(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)
Tôi thường nghĩ, rất có thể ai đó sẽ chẳng tán đồng, nhưng dù sao, tôi vẫn cứ tin rằng đôi khi những sự cố, sự kiện đáng nhớ trong đời lại có khởi nguồn hoặc đến với chúng ta một cách hết sức tự nhiên.
Ngẫu nhiên, tôi đến với nghề phóng viên, ngẫu nhiên tôi đến với nghề viết văn dù là nghiệp dư và chưa qua trường lớp nào. Ngẫu nhiên tôi đến với công việc và thời gian gắn liền với những chuyến đi. Được tiếp xúc với nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ…trong tỉnh, trong khu vực cũng như trong cả nước. Trong những lúc đi công tác hoặc rong ruổi đây đó để tìm cảm xúc sáng tác qua từng miền đất của đất nước tôi học hỏi được họ nhiều điều bổ ích, những trải nghiệm từng được tích lũy trong cuộc sống.Công việc vô tình biến tôi thành tín đồ của những kẻ thích di chuyển, luôn phải đi và muốn đi. Những lúc như thế, tôi lại có cơ hội tìm lại được tuổi thơ của mình qua những hình ảnh loáng thoáng mơ mộng, những kỷ niệm trong đời ùa về và thoáng qua tạo nên một cảm giác lâng lâng khó tả, rồi muốn giữ lại nhưng chẳng được.
Rồi cũng ngẫu nhiên như thế, tình cờ tôi được tiếp xúc với hai người đàn ông, thoáng nhìn thì hai người đàn ông này chưa đến độ già lắm, nhưng tóc đã hoa râm, dáng vóc phong trần, tính cách cởi mở, tự tin. Qua tiếp xúc xã giao, tôi được biết đây là hai cựu chiếc binh đang sinh hoạt tại Hội cựu chiến binh phường Mỹ Qúi, thành phố Long Xuyên. Ngay sau cái bắt tay và tự giới thiệu, họ bắt đầu vào chuyện một cách huyên thuyên như chưa bao giờ được kể chuyện. Câu chuyện mà họ đang kể là về thành tích, chiến công của một đồng đội và muốn ai đó trong cơ quan tôi ghi chép, hệ thống lại cho có văn chương để họ giới thiệu về hội đồng như một cách để tri ân, vì người đồng đội ấy không muốn khoe khoang về mình.
Dưới cái nắng chang chang giữa trưa hè, cái nắng khiến cho ai có sức khỏe tốt nhất cũng phải ngầy ngật khi không đứng trong bóng râm. Được sự chỉ dẫn của hai cựu chiến binh, tôi di chuyển trên chiếc xe gắn máy cà tàng dọc theo quốc lộ 91, rồi rẽ vào đường Lê Chân, tìm đến số nhà 36/1A, thuộc khóm Mỹ Qưới, phường Mỹ Qúi, thành phố Long Xuyên. Bước ra mở cổng rào đón tôi là một người đàn ông có bước đi chậm rãi, đôi mắt sáng, tóc muối tiêu, miệng mỉm cười nhẹ nhàng mời khách. Ông chính là Phạm Thành Lợi (tự Năm Sắc). Đi sau ông là hai cựu chiến binh mà tôi đã gặp hôm trước. Căn nhà của ông Năm nằm lọt thỏm trên khoảng đất rộng có rào lưới thép bao bọc khép kín, mái nhà lợp tôn hơi thấp, gian phòng khách có trần la-phông nhưng cũng không ngăn nổi cái nóng hầm hập đang ùa vào. Vừa bưng mời tôi ly trà đá ông vừa phân bua: “Mấy hổm rày nắng nóng oi bức quá! Nắng kiểu này hoài mấy người lớn tuổi như tụi tui đây chắc chết hết…’’. Sau khi đằng hắng lấy giọng, tôi tự giới thiệu về mình và tỏ ý muốn viết đôi dòng về hoạt động cách mạng của ông ngày trước. Ông Năm Sắc không nói gì, vẫn cái mỉm cười nhẹ nhàng, mắt ông nhìn hướng ra ngoài phía trước sân, xa xăm, như hồi nhớ lại những trải nghiệm đã qua trong cuộc đời ông.
Người mang bí số 305
Ông Năm Sắc, sinh năm 1950, lớn lên trong một gia đìng giàu truyền thống cách mạng. Mười lăm tuổi, ông đã tham gia giao liên cho những cán bộ hoạt động trong vùng và những cán bộ là người thân của gia đình ông. Sau khi học xong tú tài I, ông được tổ chức phân công cài vào hàng ngũ của địch tại tiểu khu Châu Đốc, với bí số 305. Địch giao cho ông phụ trách công việc ở phòng kỹ thuật truyền tin. Với công việc này, từ năm 1969 - 1971, ông tạo ra nhiều lý do khách quan nhằm phá hoại của địch trên 150 máy truyền tin vô tuyến điện. Giữa năm 1971, ông bị một tên chiêu hồi chỉ mặt. Địch tra khảo ông, nhưng không khai thác được gì ở ông, không có bằng chứng cụ thể, chúng buộc phải thả ông sau hai năm giam cầm tại quân lao Cần Thơ. Về đến nhà chưa kịp móc nối lại với tổ chức cách mạng, ông lại bị địch bắt và đày làm lao công đào binh cho sư đoàn l tận ngoài Huế. Đến năm 1974, sau ba lần đào ngũ, bằng nhiều cách ông đã về đến quê nhà, được tổ chức cách mạng đón tiếp tại rừng cấm Nam Thái Sơn (Hòn Đất). Ra đón ông ngày ấy để về nhận nhiệm vụ tại Ban quân báo Tỉnh đội An Giang là thượng sĩ trẻ Dương Thái Nguyên mà hiện là Thiếu tướng Giám đốc công an tỉnh An Giang, nhưng ông không về, mà chỉ muốn ở lại đội biệt động Long Xuyên, đóng tại rừng tràm Huệ Đức, Tri Tôn để được trực tiếp chiến đấu.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông năm Sắc về làm trợ lý quân báo thị đội Long Xuyên, rồi tham mưu trưởng. Thời điểm này, chính quền cách mạng phải đối mặt giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có tệ nạn xã hội và các tổ chức phản cách mạng đang hoạt động ráo riết hòng lật đổ chính quyền non trẻ. Nhưng với óc mưu trí, lòng dũng cảm, sáng tạo, ông và đơn vị được lãnh đạo phân công tham gia thực hiện quá nhiều vụ án hình sự và tổ chức phản động như: “Việt Nam Đại Việt Thiên Thọ Sơn’’ do Tầng Thị Son cầm đầu; “Mặt trận dân tộc tự quyết’’ do Phạm Ngọc Sơn cầm đầu; “Lực lượng chiến khu Bảo Giang I” do tên Chót cầm đầu… Nhưng trong suốt quá trình hoạt động của ông, có thể nói thành tích và là kỷ niệm khó quên nhất đó là việc ông là người trực tiếp bắt tướng cướp Bạch Hải Đường, tức Nguyễn Ngọc Truyện.
Giao đấu cùng tướng cướp
Trước năm 1975, trong thế giới xã hội đen, Bạch Hải Đường vượt xa Điền Khắc Kim và bộ tứ Đại,Tỳ, Cái, Thế về lì lợm, liều lĩnh. Sau 1975, tên tuổi Bạch Hải Đường cũng được dư luận quần chúng nhắc đến qua một số vụ ăn hàng chớp nhoáng của y. Công an và quân đội đều truy lùng y ráo riết. Một đêm, cuối tháng 3 năm 1980, sau lần ăn hàng trót lọt ở vùng Tịnh Biên, Bạch Hải Đường càng đắc chí, tự tin. Y tổ chức tiệc nhậu ở nhà đồng bọn tên Cùi Canh tại hẻm trại hòm Ba Lâu, đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, Long Xuyên. Khu vực này lúc đó được mô tả là hang ổ đủ thành phần xã hội đen. Vì nằm ven sông Hậu, cỏ lác, vẹt sú mọc ken dày, các túp lều, nhà sàn mọc vô trật tự. Muốn lọt vô ổ của Bạch Hải Đường không phải đơn giản vì phải qua nhiều cầu ván ọp ẹp và còn hệ thống canh bố trí ở các đầu hẻm của đàn em Bạch Hải Đường.
Được cơ sở quần chúng báo tin, Năm Sắc xin ý kiến cấp trên, đưa ngay tổ trinh sát Thị đội xuất kích. Ngoài trời tối đen, gió sông lồng lộng như muốn hòa mình giúp sức cùng các trinh sát bước vào một nhiệm vụ khó khăn. Năm Sắc và hai trinh sát lặng lẽ xâm nhập mục tiêu. Lúc đã tiếp cận sát vách ván, qua ánh đèn vàng, Năm Sắc căng mắt nhận dạng Bạch Hải Đường theo mô tả của cơ sở. Bọn cướp vẫn đang nhậu nhẹt, ca hát, chẳng hề hay biết. Năm Sắc và hai trinh sát bất ngờ đạp tung cửa, xông vào, chĩa súng buộc chúng ngồi im, tay đưa cao chờ tra vào còng. Bạch Hải Đường vờ ngoan ngoãn ngồi im. Không ngờ lúc Năm Sắc vừa bước lên, tên cướp đạp bật miếng ván cửa hầm bí mật, đồng thời đá vào Năm Sắc khiến ông loạng choạng. Bạch Hải Đường lao xuống sàn tẩu thoát. Năm Sắc lao theo, nổ hai phát súng trúng phần mềm ở chân tên cướp. Bạch Hải Đường gan lì luồn lách dưới sàn nhà quần chúng. Hắn tinh ranh không chạy ra hướng bờ sông vì biết sẽ lọt ổ dân quân phục kích nên len lách lên hẻm Mừng Ký, thông qua khu tập thể xưởng cơ khí của Sở Giao thông. Bà con nghe báo bắt cướp, bật đèn tri hô. Năm Sắc cũng bám riết Bạch Hải Đường theo vết máu để lại, khi phát hiện tên cướp nấp ở một góc tối, Năm Sắc nhào vào ôm vật muốn bắt sống hắn. Nhưng Bạch Hải Đường dù bị thương vẫn giao đấu rất lì lợm. Suốt hơn mười lăm phút, cả hai sử dụng nhiều thế võ song đấu quyết liệt. Bạch Hải Đường định chạy ra đường cái lớn nhưng Năm Sắc đã kịp nện cho hắn một báng ngã quỵ, còng tay đưa về Thị đội. Kể từ đó, tên tuổi Bạch Hải Đường đã hoàn toàn bị xóa sổ.
Học Bác Hồ sống thanh cao
Giờ đây ông Năm Sắc trở về với cuộc sống đời thường, sống bằng lương hưu và trợ cấp thương binh hạng ¾, ông vui thú điền viên, trồng hoa, cây kiểng và không quên lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông lao vào hoạt động xã hội, đóng nhiều ý kiến thiết thực với chính quyền địa phương trong công tác an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội. Vận động các doanh nghiệp, cá nhân, các cựu chiến binh xung quanh ông đóng góp xây dựng nhà tình thương giúp đồng đội cũ, tặng quà cho bà con nghèo và trẻ em nghèo hiếu học. Gần đây nhất, ông đã vận động cất được căn nhà trị giá 20 triệu đồng tặng gia đình một đồng đội cũ, trao 50 phần quà trị giá 7,5 triệu đồng tặng bà con nghèo trong xóm và hiện quỹ tương trợ đồng đội của ông được trên 9 triệu đồng.
Học tặp gương sáng Bác Hồ, trong suốt quá trình hoạt động cũng như lúc về hưu, ông luôn sống đạm bạc mà thanh cao, trong sáng, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn trong đời sống, trong công tác để hoàn thành xuất nhiệm vụ được giao, góp phần đem lại sự bình yên cho nhân dân. Những Huân, Huy chương ông được nhà nước trao tặng, tô đậm thêm truyền thống cách mạng của gia đình một lòng vì Đảng, vì dân. Đồng đội luôn nhớ về ông, một cán bộ biệt động táo bạo, gan dạ, mưu trí, linh hoạt, hết lòng vì anh em và được bà con hàng xóm dành cho nhiều tình thương. Ông luôn nhắc nhở hai người con trai của ông hiện đang công tác trong ngành công an và quân sự hãy luôn một lòng, một dạ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không ngại khó khăn gian khổ dù đứng trước hoàn cảnh nào cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao, không phụ lòng mong mỏi của lớp người đi trước. Ông luôn dạy các con sống có tình nghĩa với đồng chí, đồng đội, trau dồi đạo đức cách mạng của người Đảng viên, không xa hoa, hoang phí và biết đoàn kết để tập hợp sức mạnh cùng anh em thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương hiện nay cũng như mai sau, nối tiếp truyền thống hào hùng của cha anh.
Từ sự ngẫu nhiên mà tôi biết được ông Năm Sắc, người một thời nổi tiếng “sát’’ tội phạm, người từng xóa tên một tướng cướp lừng danh, người từng đứng vững trước bất kỳ nhiệm vụ nào.Khi đối diện, tôi thấy ông giản dị và mộc mạc đến lạ thường, không khoe khoang, kẻ cả và rất gần gũi, không giống những gì tôi suy đoán về ông trước đó. Ông tạo cho tôi một cảm giác hết sức thanh thản, cho tôi thêm nhiều nghị lực và niềm tin trong cuộc sống, vì quanh tôi sẽ có nhiều nữa những điển hình như ông Năm Sắc, giúp tôi học hỏi những cái hay, cái đẹp để tự hoàn thiện mình.
Ý kiến bạn đọc