Trương Đăng Dung: Thơ khám phá và giãi bày bản thể

Thứ năm - 22/03/2012 04:53 4.826 0

Nhà thơ Trương Đăng Dung.

Nhà thơ Trương Đăng Dung.
25 năm vắng bóng, ở tuổi gần 60, Trương Đăng Dung xuất hiện trở lại trong tập thơ đầu tay chỉ với 25 bài nhưng ngay lập tức gây chú ý trong giới nghiên cứu văn học và được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.

Tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của ông lấy tên một bài thơ được làm cách đây ngót ba thập niên vẫn khiến nhiều người ngạc nhiên vì sự mới mẻ. “Những kỷ niệm tưởng tượng” đã được trao giải năm 2011 của Hội Nhà văn Hà Nội. Việc một nhà nghiên cứu lý luận văn học gây tiếng vang bằng thơ ca đã cho thấy một điều, không hẳn như thiên hạ vẫn nghĩ, rằng “dao sắc không gọt được chuôi”…

- Theo ông, với một người làm thơ cần nhất là điều gì?

- Với một người làm thơ thì điều cần nhất là tài thơ. Và phải là một người tử tế.

- Cho đến giờ ông có nhớ bài thơ đầu tiên mình đã làm?

- Bài thơ đầu tiên tôi làm là “Âm hưởng mùa hè”, được viết khoảng giữa năm 1974, khi tôi đang học ở Đại học Eotvos Lorand Budapest (Hungary). Đây cũng là bài thơ đầu tiên của tôi được in ở báo Văn Nghệ năm 1978, khi tôi vừa về nước.

- Bắt đầu làm và in thơ từ thời sinh viên, nhưng phải đến 25 năm sau thơ ông mới xuất hiện trở lại, tại sao lại có sự ngắt quãng lâu đến vậy?

- Đúng là sau khi một số bài thơ của tôi xuất hiện trên báo Văn Nghệ, tôi không in thơ ở đâu nữa cho đến năm 2004 thơ tôi mới lại in trên tạp chí Sông Hương. Sự thật là trong khi tôi muốn viết khác đi mà chưa viết được thì công việc nghiên cứu, dịch thuật văn học đã hút hết thời gian, tâm sức.

- Giữa nghiên cứu, lý luận văn học và thơ, ông coi trọng lĩnh vực nào hơn trong sự nghiệp của mình?

- Giữa thơ và nghiên cứu lý luận văn học, tôi không phân biệt cái nào quan trọng hơn cái nào. Tôi dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu vì tôi được đào tạo để làm việc đó. Hơn nữa, tôi học được nhiều trong quá trình nghiên cứu lý luận văn học, nó giúp tôi hiểu hơn về bản chất của thơ. Đối với tôi, thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Nghĩa là không phải ngày nào cũng có thể làm thơ.

- Theo các mốc thời gian đề dưới những bài thơ trong tập “Những kỷ niệm tưởng tượng” thì thấy ông vẫn làm thơ rải rác trong những năm “vắng bóng”, tại sao ông không công bố chúng?

- Tôi vẫn lặng lẽ làm thơ trong suốt những năm đó, nhưng với số lượng khiêm tốn và không công bố. Không công bố vì tôi biết là chưa thể công bố. Tôi có gửi thử bài “Những kỷ niệm tưởng tượng”, viết từ năm 1983, đến một tờ báo ở Trung ương nhưng không được in. Mãi đến năm 2004, tạp chí Sông Hương mới in bài thơ này và nó nhanh chóng được bạn đọc chú ý.

- Như vậy, “Những kỷ niệm tưởng tượng” tuy mang tiếng là tập thơ đầu tay của ông nhưng cũng có thể gọi nó là “tuyển tập thơ Trương Đăng Dung”?

- Gọi là tập thơ đầu tay hay tuyển tập thơ cũng vậy, bởi vì bất cứ tập thơ nào cũng là kết quả của một sự tuyển chọn của tác giả từ nhiều bài thơ đã viết. Tôi đã không đưa vào “Những kỷ niệm tưởng tượng” một số bài thơ. Tôi muốn mỗi tập thơ phải có thông điệp riêng được toát ra một cách nhất quán từ vẻ đẹp của các bài thơ đứng cạnh nhau.

Trang bìa tập thơ.

- “Những kỷ niệm tưởng tượng” chỉ có vẻn vẹn 25 bài, nếu so sánh quãng thời gian ông vắng bóng với thơ thì sẽ tương đương với… mỗi năm một bài. Ông có hài lòng với những bài thơ được ra đời có vẻ rất khắt khe ấy?

- Tôi chỉ tiếc là mình không viết được nhiều hơn những bài thơ hay trong thời gian qua, còn với những bài thơ đã viết thì tôi chấp nhận chúng như người mẹ chấp nhận những đứa con mình sinh ra.

- Đã có khá nhiều người nhận xét về thơ ông, cá nhân tôi đọc thì còn thấy nó rất… tình, cho thấy một người yêu rất sâu và không lúc nào thôi suy tưởng, ngay cả những khoảnh khắc thăng hoa nhất. Có khi nào ông nghĩ mình là một kẻ đa tình?

- Đa tình là phẩm chất của loài người. Không có nó thì trái đất ngừng quay và loài người tuyệt chủng! Bạn thử hình dung thế giới này sẽ ra sao nếu đàn ông và đàn bà chỉ gườm gườm nhìn nhau? Không phải ai đa tình cũng làm thơ, nhưng đã là nhà thơ thì thường đa tình. Vấn đề là người ta “ứng xử” ra sao với phẩm chất này.

- Tập thơ của ông được in giấy khá đẹp, ông nghĩ “y phục” phải xứng với “kỳ đức” hay thơ cần phải được trân trọng ở mức tốt nhất có thể?

- Trước hết là vì người đọc, vì sự tôn trọng người đọc và trân trọng thơ. Tôi nghĩ, mấy chục năm mình mới in một tập thơ để tặng mọi người thì nên in cho đẹp. Một món quà sẽ trở nên giá trị và có ý nghĩa hơn nếu nó được tặng đúng cách, với một hình thức đẹp, sang trọng.

- Nó cũng được in xen kẽ với bản in màu 4 bức tranh của Đặng Thu Hương và 8 bức anh của Hoàng Hải, điều đó có ý nghĩa gì thưa ông?

- Các họa sĩ có tranh trong tập thơ đều là những người bạn của tôi. Tôi muốn có kỷ niệm với bạn bè gần gũi.

- Đã gần chạm mốc sáu mươi của đời người, ông thấy điều gì là quan trọng nhất với mình ngoài sức khỏe?

- Ngoài sức khỏe, tôi cần gia đình, bạn bè và tình thương yêu, sự thấu hiểu của mọi người.

 

PGS.TS Trương Đăng Dung tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Budapest, Hungary năm 1978. Bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Budapest, Hungary năm 1984. Làm việc tại Viện Văn học từ 1978 đến nay. Trước khi nghỉ quản lý ông giữ cương vị Phó Viện trưởng. Tác phẩm chính đã xuất bản: Các vấn đề của khoa học văn học (chủ biên, 1990); Văn học và hiện thực (viết chung, 1990); Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1998); Tác phẩm văn học như là quá trình (2004). Dịch: Truyện Kiều (dịch sang tiếng Hungary, 1984); Đứa trẻ mồ côi (tiểu thuyết Moricz Zigmond, 1987); Lâu đài (tiểu thuyết F.Kafka, 1998); Thằng điên và quỷ sứ (tiểu thuyết Sarkadi Imre, 2000). Ngoài ra còn dịch một số tác phẩm nghiên cứu và lý luận văn học. Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của ông được trao giải thưởng thơ năm 2011 của Hội Nhà văn Hà Nội.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây