Phê bình trẻ: Không dám dấn thân đừng mong thành công

Thứ tư - 04/08/2010 19:08 2.660 0

Phê bình trẻ: Không dám dấn thân đừng mong thành công

Những nhà phê bình văn học trẻ, tôi nghĩ chúng ta không thiếu, nếu không muốn nói là dồi dào. Cảm giác thưa vắng các nhà phê bình trẻ hiện nay là do việc chỉ có quanh quẩn mãi vài cái tên làm phê bình trẻ (như tôi) ưa xuất hiện trên mặt báo mang lại. Tôi biết nhiều đồng nghiệp rất giỏi giang, đầy tài năng nhưng họ không thích ồn ào, không thích hiển diện trên các phương tiện thông tin đại chúng mà âm thầm làm việc để một ngày cho ra những thành quả lao động khoa học lớn.

PV:Với không khí văn học hiện nay, chúng ta thấy rằng nếu như những người sáng tác tranh luận ồn ào trên các diễn đàn, rồi phát biểu, tuyên bố này kia thì có vẻ như những người phê bình trẻ dè dặt rút lui vào trang viết của mình. Anh có nghĩ điều đó phản ánh phần nào không khí của phê bình văn học trẻ?

 

Đoàn Minh Tâm: Tôi lại nghĩ đây là việc làm đúng đắn của các nhà phê bình trẻ. Để đánh giá hiệu quả lao động của nhà phê bình một cách cụ thể, rõ ràng và thuyết phục nhất phải căn cứ vào số lượng bài viết (công trình) của người đó. Phát biểu, tuyên ngôn thì dễ ai cũng làm được nhưng viết lại là công việc hoàn toàn khác, rất khó khăn, gian khổ. Không phải ai cũng có khả năng viết nghiên cứu, phê bình và không phải cứ muốn viết là viết được. Do vậy nếu số lượng các trang viết của các nhà phê bình trẻ ngày càng nhiều mà họ phát biểu, tuyên ngôn ngày càng ít thì đó là điều đáng mừng. Điều này chứng tỏ các nhà phê bình văn học trẻ đang đi đúng hướng, đang làm nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp.

PV: Người đọc hiện vẫn có thói quen cho rằng phê bình hiện nay chủ yếu là những bài điểm sách, những bài giới thiệu, vì hầu hết trên các trang báo văn chương hiện nay vẫn chủ yếu là in những bài phê bình như vậy. Tôi nghĩ chính điều đó đang làm cho vị trí của người phê bình bị hạn chế?

 

Đoàn Minh Tâm: Tôi không nghĩ điều này lại ảnh hưởng đến vị trí của người làm phê bình. Việc trên các trang báo văn chương hiện nay xuất hiện nhiều những bài điểm sách là điều bình thường, thậm chí là cần thiết. Báo chí phải theo kịp những biến động của văn học đương đại, giới thiệu cho công chúng biết những tác phẩm văn học được xuất bản gần đây nhất. Mặt khác, chúng ta cũng biết rằng nghiên cứu, phê bình là công việc khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn về thời gian, chất xám. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm trời mới có thể đưa ra một vài luận điểm có sức thuyết phục. Vậy nên không nhất thiết là cứ phải số nào cũng có bài nghiên cứu, phê bình. Vấn đề là viết cho hay, cho thuyết phục. Một bài điểm sách hay còn có giá trị hơn một bài nghiên cứu, phê bình dở.

PV: Văn học hiện nay và nhất là văn học trẻ đang có nhiều sự thay đổi với những khuynh hướng, những trào lưu khác nhau, anh nghĩ gì về hiện tượng này?

 

Đoàn Minh Tâm: Tôi cho rằng đây là kết quả của đời sống văn học lành mạnh. Các tác giả trẻ cần có sự đa dạng, tìm tòi, thể nghiệm ở nhiều khuynh hướng, trào lưu khác nhau. Tôi ủng hộ, khuyến khích các tác giả thể nghiệm những đề tài, những lối viết mới trong văn chương, mặc dù cho đến giờ hầu hết những thể nghiệm đó đều chưa mang lại những giá trị nghệ thuật như chúng ta hằng mong đợi. Nhưng nếu không dám xông pha, dấn thân, thì thành công sẽ không bao giờ có đến. Trong số vài chục nhà văn trẻ hiện nay chỉ cần một hai người thành danh với một tác phẩm có tiếng vang như trường hợp của Nỗi buồn chiến tranh ngày trước cũng là thành công lắm rồi. Thật tình, tôi không mấy hy vọng ở viễn cảnh rằng các nhà văn trẻ dàn hàng ngang mà tiến, ai cũng có tác phẩm xuất sắc.

PV: Anh coi mình là nhà phê bình hàn lâm hay phê bình truyền thông? Và liệu chúng ta có đúng là đang thiếu vắng những nhà phê bình văn học trẻ?

 

Đoàn Minh Tâm: Theo tôi, không nên đặt vấn đề phê bình hàn lâm hay phê bình truyền thông với tác giả cụ thể. Tùy theo tính chất công việc mà những người làm phê bình viết bài theo kiểu truyền thông hoặc hàn lâm. Còn về những nhà phê bình văn học trẻ, tôi nghĩ chúng ta không thiếu, nếu không muốn nói làdồi dào. Cảm giác thưa vắng các nhà phê bình trẻ hiện nay là do việc chỉ có quanh quẩn mãi vài cái tên làm phê bình trẻ (như tôi) ưa xuất hiện trên mặt báo mang lại. Tôi biết nhiều đồng nghiệp rất giỏi giang, đầy tài năng nhưng họ không thích ồn ào, không thích hiển diện trên các phương tiện thông tin đại chúng mà âm thầm làm việc để một ngày cho ra những thành quả lao động khoa học lớn. Đó là những người tôi rất trân trọng và tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào họ.

PV: Nhưng làm thế nào để bạn đọc, để những người sáng tác hiểu là sau họ còn có một đội ngũ những nhà phê bình công tâm, chuyên nghiệp đang làm việc, nếu như họ không cho ra mắt sản phẩm. Vì tôi biết chắc có rất nhiều nhà nghiên cứu ở các Viện, các trường Đại học vẫn làm việc, vẫn nghiên cứu nhưng sản phẩm của họ cũng chủ yếu là những công trình nghiên cứu xong rồi cất vào thư viện trường, viện thậm chí là Thư viện quốc gia mà chẳng ai biết đến. Vậy làm thế nào để chúng ta có niềm tin rằng chúng ta đang có một đội ngũ những nhà phê bình đủ cả về chất lượng và số lượng đây?

 

Đoàn Minh Tâm: Tôi biết nhiều nhà nghiên cứu, phê bình khi hoàn thành công trình nghiên cứu thường gửi cho tác giả mình làm đọc, nhận xét. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa... bên cơ quan tôi (tạp chí Văn nghệ Quân đội) thi thoảng lại khoe với tôi những công trình nghiên cứu về các tác phẩm của mình do những nhà nghiên cứu ở khắp nơi gửi về. Do vậy không thể nói là những người sáng tác không biết sau lưng mình có đội ngũ làm phê bình được. Còn việc vì sao những công trình ấy không được công bố rộng rãi trên báo chí cho đông đảo bạn đọc (văn chương) thì có nhiều nguyên nhân như số trang báo dành cho mục lý luận phê bình ở các báo còn hạn chế, các tờ báo có chuyên mục lý luận phê bình ít, bài dài, không phù hợp với khuôn báo, không hợp với tiêu chí mục lý luận phê bình mà các báo đề ra hoặc do tác giả không gửi thích đăng báo (thực tế có những người như vậy), người làm biên tập mục lý luận phê bình chưa biết cách đặt bài, thu hút lượng những nhà phê bình trẻ đến với mình,.... Tóm lại là nhiều nguyên nhân nhưng tôi tin rằng sự trầm lắng mang tính bề nổi của một bầu không khí nghiên cứu, phê bình lành mạnh, sôi nổi hiện này mà thôi.

PV: Thực tế cho chúng ta thấy là có sự phân biệt / hay đánh giá giữa một bên là lớp những nhà văn đã thành danh có tên tuổi, một lớp những cây bút còn trẻ, chưa được biết đến nhiều, nhất là các cây bút phê bình trẻ. Sự phân biệt đó nhiều người cho rằng nó đánh giá một điều rằng phê bình trẻ đang còn non nớt? Điều đó có đôi khi làm chạnh lòng anh không? Theo anh, có cần phải đánh giá cũng như cần có một cái nhìn ưu ái đối với những người viết trẻ? Và điều gì anh thấy những người phê bình trẻ như mình bị thiệt thòi?

 

Đoàn Minh Tâm: Tôi là một người yêu nghề, yêu công việc mình đương làm nên cảm giác bị chạnh lòng hay thiệt thòi hầu như không có. Theo tôi, điều mà những người làm phê bình trẻ như chúng tôi cần từ phía xã hội cũng như từ đồng nghiệp không phải là cái nhìn ưu ái mà là một sự đánh giá chính xác, công bằng. Sự ưu ái (quá) rất dễ làm con người ta ngộ nhận về bản thân mình, từ đó sa lầy và trượt dài trong nghề nghiệp và cuộc sống. Sự chính xác, công bằng mới là điều đáng quý vì nó giúp chúng tôi hiểu rõ bản thân mình hơn để từ đó có hướng phát triển tốt hơn. Tôi biết ơn người chỉ rõ cho tôi cái gì mình làm được, cái gì mình chưa làm được hơn là những người khen ngợi chung chung.

P.V thực hiện
Nguồn: VNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây