‘Nàng’ - người đàn bà tự thú trong thơ Cát Du

Thứ sáu - 25/02/2011 10:07 6.498 0

Nhà thơ Cát Du.

Nhà thơ Cát Du.
Người đọc thấy một người đàn bà đa tình trong thơ Cát Du, nhưng đa tình mà bày tỏ những khát khao đích thực của tình yêu chứ không hề làm vấy bẩn tình yêu.

Thơ đến với mọi người. Nhưng thơ chỉ neo đậu và khẳng định ở những trái tim đầy nghị lực sáng tạo. Tập “Cảm” (2004) chào đời với không ít lằn roi sâu hoắm nhưng khó ngăn được sự vượt ngục của “Nàng”. Vẫn phong cách viết vừa đằm thắm vừa ngẫu hứng, táo bạo, tập “Nàng” xuất hiện như là tuyên ngôn, bản lĩnh của “hạt cát đi rong”: “Hãy cố chịu đau một chút/ Chỉ là ran rát thôi mà/ Đừng hẫy em ra/ Đừng hẫy/ Vì như thế anh sẽ chẳng còn nỗi đau/ Là người/ không có nỗi đau sao được/ Em không tin đâu!/ Không tin!” ("Cát").

Tập “Nàng” có 48 bài. Hầu hết đều xoay quanh chuyện tình của “hạt cát đi rong”. Từ những nét phác thảo bên ngoài đến những tiềm ẩn phức tạp nhất của tâm hồn, chân dung người đàn bà trong thơ Cát Du hiện lên rất cá tính. Hình ảnh “nàng” trải phơi bằng những cuộc tung thả ngôn từ và tính chất tự thú trong tình yêu.

Ngôn ngữ tự thú

Cát Du bộc bạch, giãi bày tình cảm, cảm xúc một cách thoải mái. Chị không hề câu nệ với tâm trạng thực của mình. Hướng đến sự vô tư của con chữ, chị dùng khá nhiều từ mang tính khẩu ngữ: nẫu, cuỗm, hén, chi, thiệt mà... Những từ ngữ bình thường, dân dã nhưng không làm quê kiểng, ngược lại, chúng mở ra một đặc trưng riêng về ngôn từ trong thơ Cát Du. Từ cái điệu khóc nghiêng, những lời thủ thỉ chân thành với anh của “nàng” đáng yêu làm sao: “Em khóc nghiêng hén?/ Để nước mắt không chảy ngang cái mụt ruồi mà người ta nói là “thương phu trích lệ”/ Vậy là nước mắt không chảy nữa thôi.../ Em cứ khóc nghiêng là được/ Hén anh?/ Hén?” ("Em khóc nghiêng hén?"). “Nàng” bày tỏ thôi thì chưa đủ, “nàng” còn hóa thân, cắm tình đến “nẫu” trái tim anh:

Cái nhìn rơi bọp xuống đêm
Rơi trong cỏ ướt
Mắt em thôi nồng
Đừng nhìn anh thế
Đừng nhìn thế
Tim anh nó nẫu ra rồi
biết không?”

("Anh phải lòng em")

Nhiều hư từ (à, ừ nhỉ, á, ư, à à, à há, ôi...) được đưa vào thơ, ngỡ hồ không có nghĩa gì, nhưng trong thơ chị, nó là những ngôn từ của sự dồn nén xúc cảm và gia tăng thứ nhịp lạ cho thơ. Rất nhiều bài, hư từ là tiếng nói khác của cái tôi - bản thể. Ví như, trong bài “Nhìn”: “Đêm thẫm/ em sáng bừng/ bừng/ bừng/ em bừng lên/ trong mắt anh/ long lanh/ long lanh/ í í/ à à/ ơi/ anh!”. Hư từ “í í/ à à” như là giai điệu của khoảnh khắc riêng em trong hành trình chạm đến bản ngã. Cũng là hư từ “ừ”, nhưng có lúc dùng vừa là sự chấp nhận, vừa là sự an ủi chính mình: “Tiếng xe ngoài ngõ, người dưng đấy mà!/ Ừ, thì em biết người dưng/ “Người dưng” đi mãi “người dưng” không về/ Ừ, thì em có đợi đâu?!” ("Ừ thì em có đợi đâu"). Có lúc vừa chối bỏ vừa bằng lòng: “Người đàn bà mang mang trên cánh đồng/ Khóc cho mối tình dang dở/ Ừ mà nàng có khóc đâu/ Chỉ là trời Ngâu ấy mà/ Ừ trời Ngâu/ Ngâu trong mắt em/ tím thẳm” ("Trời Ngâu")...

Bên cạnh những hư từ, động từ mang yếu tố nhục cảm cũng được chị kéo vào trong thơ: ve vuốt, giãy giụa, dan díu, ghì chặt, oàm oạp, xoắn, tung xòe... Nhờ chúng, Cát Du che lấp được lỗ hổng về sự hạn hữu của hình ảnh thơ, thay vào là những hành động gợi tình. Chính chúng là cái neo của thơ chị. Nhờ đó, khi thể hiện các cung bậc của tình cảm, bản thân những từ ngữ vốn dĩ không có tính chất nhục cảm, nhưng lại được chị khoác trường nghĩa mới:

Người mang vòng tay của em đi đâu?
Bỏ mặc em trong cõi người giá lạnh này!
Hãy siết em lần nữa
Siết em lần nữa đi nào
Siết!

("Hãy siết em lần nữa")

Người đàn ông “xa khơi” đã mang tất cả gia tài tình yêu của người đàn bà. Động từ “siết” lặp lại ở các câu thơ cuối vừa thâu tóm nỗi nhớ vừa mở ra những thèm khát ấm nồng của người đàn bà đơn chiếc.

Cũng với động từ, ở khổ thơ khác, hành động có khả năng gợi hình:

Người đàn ông của cỏ
Gặp người đàn bà của cỏ
Xoắn vào nhau
Tung xòe
Quên mất gió đông

("Người đàn ông của cỏ")

Baudelaire đã nói: “Động từ, vị thiên thần của sự uyển chuyển mang đến vẻ nhộn nhịp cho các câu thơ”[1]. Ở đây, các động từ nóng bỏng “xoắn”, “tung xòe” là màu pha cho một bức tranh nhục thể. Như vậy, chỉ cần một vài động từ, hình ảnh thơ tự tỏa sáng chứ không cần nhà thơ sa vào những miêu tả dông dài. Động từ đã mang đến luồng sinh khí mới cho thơ chị, nhất là tạo một hướng đi riêng trên con đường giãi bày các vấn đề nhạy cảm của con người.

Trong tập “Nàng”, Cát Du sử dụng nhiều câu hỏi tu từ (61 câu trong số 48 bài thơ). Những câu hỏi này như thể lời tự vấn, tự thú của chị. Chị tự thú những men nồng, những trở ngại, những bấp bênh... trong tình yêu bằng cách đan cài câu hỏi vào những đoạn đối thoại. Những đoạn đối thoại này đa phần sử dụng kiểu đối thoại trong độc thoại. Nhân vật trữ tình tự vấn chính mình. Với dạng này, câu thơ ở dạng vừa hỏi vừa tự trả lời, tự bày biện thế giới nội tâm của chính mình:

Trái tim tự hỏi
Sao mình không có hình dong?
Sao mình không có hình dong?
Não thầm thì
Hình dong chi? 
Vẽ thế nào chả được
Nhưng để mình trong suốt
Khó lắm thay!
Khó lắm thay!
Người đàn bà bừng mắt
Thấy mình trong suốt
Chẳng có hình dong

(Người đàn bà lười)

Vấn đề phân thân, tự hỏi, tự trả lời, tự chất vấn đặt ra khá nhiều trong tập “Nàng”. Có lúc phân thân để khao khát thắp lửa tình và lửa đời: “Em đi đâu đó?/ Em đi thắp lửa cho đời/ Đời có tối đâu mà thắp! Em đi thắp lửa cho người/ Người có tối đâu mà thắp!/ Ừ thì/ em đi thắp lửa cho em/ Ừ em thắp lửa cho em/ Thắp lửa cho em/ Để thổi bùng/ vệt sáng/ cuối cùng/ cõi mê” ("Thắp lửa"). Có lúc phân thân để thể hiện nỗi nhớ, nỗi khát anh: Sao không đến cùng em?/ Trăng tròn rồi mà!/ Sao không đến cùng em?/ Trăng khuyết rồi mà!/ Trăng lu/ Trăng lu rồi anh!/ Ối trời!/ Trăng héo!/ Héo!/ Héo!/ Héo!/ Trăng rụng xuống đồi/ Tan hoang!” ("Trăng lu"). Niềm hy vọng đang trượt dài đến miền thất vọng, miền đổ vỡ, người thơ ấy lại trăn trở với chính tình yêu của mình: “Em yêu khi nào vậy?/ Chẳng biết/ Chỉ thấy lòng nao nao, nằng nặng/ như thêm một hồn nữa ở trong ta/ mắt ta ươn ướt, nồng nồng/ miệng không cười mà môi chực vỡ ra/ tim giật thót khi gặp người trai ấy/ Em yêu rồi phải không?/ Em yêu rồi/ Hình như” ("Hình như").

Bên cạnh những câu hỏi xoáy vào tình yêu, chị còn gửi gắm đằng sau hình tượng “Nàng” là những câu hỏi đan xen giữa tình yêu và trách nhiệm:

Nàng bé tẹo
tuổi chất cao hơn nàng
vậy mà
nàng biết đặt những câu hỏi của nhân loại
Ta từ đâu tới?
Tới để làm gì?
Ta sẽ về đâu?

Thì ra người đàn bà trong thơ chị tìm đến tình yêu, đốt mình trong tình yêu, bùng phát những băn khoăn của cuộc đời, của đồng loài. Người đàn bà yêu day dứt với mình và với cội nguồn: “Nàng thắc mắc/ Cái Big Bang nó nổ khi nào?/ Vì sao lại nổ?/ À há! Nổ để có những sinh linh bé tẹo như nàng/ đặt câu hỏi lớn/ cội nguồn” ("Nàng"). Như vậy, Cát Du đã hoàn chỉnh hơn hình tượng thơ của mình nhờ vào những câu hỏi mang phông nhân loại, nhờ vào chiều sâu của triết lý. Những câu hỏi đó xuất phát từ một cái tôi đa cảm nhưng bản lĩnh, đầy ý thức trước cuộc đời.

Tình yêu tự thú

Vấn đề sex ở trong thơ không phải là mới. Trong bài viết “Sex với những cảm xúc thiêng liêng”, nhà nghiên cứu Văn Giá cho rằng: “Am hiểu sâu rộng văn hóa dân tộc và thế giới, thành thực với chính tâm hồn mình sẽ giúp cho mỗi người cầm bút làm chủ được chất liệu, đề tài, ngôn ngữ, tránh sa lầy vào những bế tắc cùng quẫn hoặc dễ dãi, tầm thường. Sex trong văn chương là một thử thách rất cao đối với mỗi người cầm bút”[2]. Mỗi nhà thơ đều có cách khai thác, cởi trói sex rất riêng. Nhiều nhà thơ nữ dùng sex nhằm thể hiện dấu ấn riêng cho mình. Dư Thị Hoàn đến với sex không mạnh bạo mà rất tình tứ. Đinh Thị Như Thúy cho sex ẩn náu trong trò chơi của thơ ca. Phan Huyền Thư sex bằng sự kiềm chế của ý thức. Vi Thùy Linh ngụp lặn với sex bản năng... Cát Du sex bằng những câu thơ đời thường, gần gũi. Nhưng Cát Du không lạm dụng chúng. Tính dục trong thơ chị từ tập “Cảm” đến tập “Nàng” không đua đòi theo câu chữ mà rất văn hóa trong cách bộc bạch.

Người đàn bà trong thơ Cát Du giải tỏa ẩn ức của chính mình bằng kiểu tình yêu không bến bờ, không giới hạn:

Em rời khỏi giấc mơ của anh
để chấp chới bay vào giấc mơ của những đàn ông khác
người trẻ có, người già có
nhàng nhàng cỡ anh cũng có
nhưng em không dám dừng lâu trong giấc mơ của mỗi người
...
để thấy mình được yêu
như thực
trong đời

("Rời khỏi giấc mơ")

Tìm đến người tình khác đâu phải chỉ thỏa mãn nỗi khát yêu? Cát Du muốn hướng tới một định nghĩa về lẽ sống của con người. Chị đã thể hiện nét đẹp của tình yêu ở khía cạnh khác. Đó là không bao giờ ngừng trong việc kiếm tìm tình yêu. Nếu dừng lại, tình yêu sẽ chết. Tình yêu vốn dĩ không có đích cuối cùng. Và đây cũng là tiếng gọi bỏng cháy mang tính bản năng của con người. Nhưng cái chính là chị dám khẳng định và bày tỏ cảm xúc của mình: từ sự dấn thân quyết liệt, nâng giá trị của tình yêu.

Người đàn bà tự ví mình là “hạt cát đi rong”. Hạt cát ấy đi đến tận cùng của miền tình cảm: “Anh!/ Nếu có một ngày em rơi vào kí ức anh/ Anh hãy cầm tù em lại/ Để em được một mình trong miền nhớ của anh/ Về hạt cát đi rong” ("Cát"). Hạt cát ấy mong muốn được “cầm tù” nhưng làm sao neo giữ được trái tim đa tình: “Người đàn bà không tự biết mình/ Thả rong ngoài phố/ Thả tình rong/ Tình va/ Tình va chàng trẻ/ Trẻ/ Trẻ/ Trẻ/ Mắt chàng ướt lắm/ Hấp ha” ("Va tình"). Vì vậy, với người đàn bà ấy, chỉ cần một nụ cười của anh thôi là đã tái sinh tình: “Anh - Người đàn ông đã thổi thốc vào em/ bằng cái nhìn cháy lửa/ Tê dại loãng ra/ nghi hoặc loãng ra/ Nụ cười tái sinh từ lửa/ Nụ cười ấm áp/ lúc rạng đông” ("Nụ cười tái sinh") nhưng không bao giờ bằng lòng với thứ tình cảm ép buộc. Trong thẳm sâu của đáy lòng, người đàn bà vẫn phản kháng, chống chọi “gương mặt màu chì”, giữ lấy “nụ cười đã tắm trong mưa”:

Sự ném thân của người đàn bà trên thân thể đàn ông lạ
Nàng nhận ra hơi ấm quen quen
Sự ném thân quen quen
Cái đụng chạm bật lửa
Nàng cố thoát
Thân thể mệt nhoài
Con tim mệt nhoài
Khản giọng
Tiếng kêu thất thanh
Rơi tõm vào
cơn cuồng nhiệt
yêu

("Ám ảnh màu chì")

Sự giãy giụa trong tay của người đàn ông như lật tẩy hết sự cô đơn của người đàn bà. Cô đơn, trống trải khi không tìm được cái đích của tình yêu:“Không mùi vị gì cả/ Chỉ vòng ôm là thực/ Siết chặt là thực/ Giãy giụa là thực” ("Ám ảnh màu chì").

Người đàn bà yêu cuồng nhiệt, nhớ cuồng nhiệt... nhưng không bao giờ bằng lòng với thân thể của người đàn ông khác ngoài anh:

Đêm qua có gã trai lạc vào ngôi nhà thiêng của chúng mình
Ngôi nhà em cất giữ tình yêu anh thật chặt
Vậy mà
hắn táo tợn
dám nhìn xoáy vào tình yêu anh bằng cái nhìn thốc lửa
làm tình yêu nóng ran
...
Em làm sao cưỡng nổi một cơn giông?
Thôi đành để gió cuốn đi
cuốn đi

("Thôi đành để gió cuốn đi")

Tiến sĩ Trần Hoài Anh, giảng viên Đại học Văn hóa, cho rằng: “... văn học viết theo quan điểm phân tâm học không phải là thứ văn học khiêu dâm, đồi trụy như có người lầm tưởng, nó là một thứ văn học đích thực nhằm khám phá những tầng sâu trong tâm thức con người mà bản năng tính dục là một trong những vấn đề như thế” [3]. Người đọc có thể thấy một người đàn bà đa tình trong thơ Cát Du nhưng đa tình mà bày tỏ những khát khao đích thực của tình yêu chứ không hề làm vấy bẩn tình yêu. Đây là một cách phát hiện vẻ đẹp nhân văn trong thơ chị. Xét cho cùng, nếu lấy những lề thói của tâm thức cũ mà soi chiếu vào thơ chị sẽ là suy nghĩ thủ cựu, gò bó.

Paul Verlaine từng nói: “Tôi không muốn nghệ thuật lộ ra..., những câu thơ nở ra dễ dàng, tự nhiên như những bông hoa”[4]. Thơ Cát Du hướng nhiều đến sự tự nhiên của mạch cảm xúc nên người đọc không vất vả lao động nhiều khi đến với thơ chị. Một bài thơ được cảm nhận, phỏng đoán, luận giải từ từ luôn phát huy cao độ tính đồng sáng tạo của người đọc và luôn tạo sức hút. Hơn nữa, trong tập “Nàng”, Cát Du ít chú ý đến việc xây dựng hình ảnh mà chỉ chú tâm khai thác hành động. Các hành động ấy là móc xích để chị dan díu, bộc bạch tình cảm. Vì thế, thơ chị khá nội lực khi dành việc tưởng tượng hình ảnh thơ cho người đọc. Người đọc tự hình dung và tự nắm bắt. Không thiên về khai thác hình ảnh thơ nhưng bù lại chị tăng sức mạnh bằng chính hành động trong thơ. Người đọc xâu chuỗi các hành động ấy lại sẽ có những hình ảnh thơ sex - văn hóa.

“Nàng” - Người đàn bà trong thơ Cát Du là tiếng nói của chị. Tiếng nói thanh khiết, cháy hết mình với khát vọng bản thể. “Nàng” dẫu còn một số bộn bề nhưng vẫn là một tập thơ đầy dư âm, làm nên giọng riêng Cát Du. Chỉ cần người đọc chạm vào, những cảm xúc tuôn trào như chính sự đa cảm, đa tình của chị: “Em là ngọn lửa âm âm/ Chỉ cần cời lên là phực” (Câu thơ đề từ).

Đồng Hới, 0h ngày 21/1/2010
Hoàng Thụy Anh
Nguổn: eVan

[1] Dẫn theo R. Jakobson (Trần Duy Châu dịch), Thi học và ngữ học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, 2008, tr.148.
[2] Văn Giá, Sex với những cảm xúc thiêng liêng, Tạp chí Sông Hương Online.
[3] Trần Hoài Anh, Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, NXB Hội nhà văn, 2009, tr 194.
[4] Dẫn theo Trần Mai Châu, Thơ - nhận định & thưởng thức, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr 341.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây