Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu một góc nhìn (1)

Thứ tư - 20/07/2011 06:51 5.806 0

Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu một góc nhìn (1)

Tư tưởng hiện sinh là một trong những mạch ngầm chủ đạo trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của Dương Nghiễm Mậu.

Tuy biểu hiện đa dạng và phức tạp nhưng thống nhất trong quan niệm: giá trị tinh thần con người ở thực tại vô nghĩa và phi lý. Nhà văn có ý thức miêu tả tấn thảm kịch về thân phận con người như một thực thể vất vơ, cô đơn và tha hóa. Qua nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết: Cũng đành (1963), Đôi mắt trên trời(1965), Nhan sắc (1966), Tuổi nước độc (1966), Kinh cầu nguyện (1967), Ngã đạn (1970), Cái chết của... (1971), Ngày lạ mặt (1968), Quê người (1970), Con sâu (1971)..., Dương Nghiễm Mậu đã thể hiện một cảm quan riêng về thân phận con người ở một thời đầy biến động. Truyện ngắn của ông khơi gợi một cảm giác mới lạ, thường ít thấy trong truyện ngắn truyền thống Việt Nam - đúng hơn là sự tác động mạnh đến cảm giác người đọc - cảm giác về sự mong manh trong tồn tại kiếp người và sự khốn cùng của nó khi xã hội như đang tự hủy hoại.

Lấy máu là một truyện ngắn đẫm chất hiện thực và nhân bản, mô tả con người bị dồn đẩy trong những tình huống đời sống thảm hại. Truyện xoay quanh hành trình mưu sinh của đứa bé mồ côi và một gã du thủ du thực có cái tên giang hồ Năm Sài Gòn. Cái đói và miếng ăn đã đẩy Năm Sài Gòn giở hết trò này đến trò khác, rồi đến trò bịp bợm tàn nhẫn nhất là lừa thiên hạ: hắn cắt tay đứa bé để quảng cáo bán thuốc cao gia truyền giả. Máu của một đứa trẻ bị cắt dần mỗi ngày ba lần để đổi lấy sự sinh tồn của hai sinh mạng. Đứa bé đau đớn nhưng cũng chẳng còn nước mắt để khóc, chẳng còn ai để than kể cả ngay với cái người hàng ngày cắt tay nó theo thỏa thuận. Bởi vì tất cả chỉ là “sự trao đổi đời sống”, bán máu để lấy cơm. Cả hai ở với nhau “chẳng qua cũng như hai con chó trong một bầy chó đói cần phải giúp nhau dành lấy một mẩu xương mà gặm, nhưng chúng tôi là một thứ chó hoang, vô chủ, là thứ chó của một giai cấp chó hạng bét”. Hoàn cảnh bi đát xô đẩy những con người cù bơ cù bất lang thang đến với nhau. Họ mất ý niệm về quê hương, gia đình và nhà cửa. Máu chảy ra và sự sống chết dần, chúng tự hành hạ mình để đổi lấy sự sống ngắn ngủi mong manh. Kết cục, Năm Sài Gòn đã chết thảm hại còn chú bé mất máu nhiều nên kiệt quệ, nó không còn sức để khóc gã đồng nghiệp kiếm ăn của mình. Truyện kết thúc bằng hình ảnh đứa bé chìa hai bàn tay bị cắt máu nhiều đến sưng thối trước mặt vị bác sĩ, và nói: “Con muốn được chết thêm ở nhà thương này”. Bởi nó không còn ai cắt tay lấy máu của nó để “trao đổi sự sống” nữa. Số phận con người bị dồn đẩy vào những cảnh cùng cực bế tắc. Cùng cảm hứng này, Dương Nghiễm Mậu còn có nhiều truyện ngắn khác: Buổi chiều nghe đêm mưaNhững chuộtNói một mình, Tiếng động trên da thú... Nhìn chung, nhà văn không đi sâu vào phân tích hoàn cảnh xã hội để lý giải số phận thảm hại của nhân vật, cũng không phân tích tính cách nhân vật trong những hoàn cảnh đời sống. Ông đi vào những mặt cụ thể hiện tồn của cuộc sống con người. Nó tồn tại với tư cách là một hiện sinh, bị ném vào một thế giới đầy rẫy những hiểm nguy rình rập, bị quăng vào một tồn tại chới với không quê hương, không xứ sở.

Dương Nghiễm Mậu có dụng ý phơi bày trước mắt người đọc một thế giới của những: sự tha hóa, phi nhân, tuyệt giao thấu hiểu, niềm tin lung lay, đời sống chao đảo… trong muôn nỗi hiểm nguy, phong bế của cuộc đời. Một cảm quan bi đát vây bọc thế giới nhân vật của ông. Trong Những chuột, con người sống trong một không gian u ám, mục nát cùng sự đi lại rộn ràng của loài chuột. Lão Chệt - một con người kỳ dị sống cùng một lúc trong hai thế giới: thế giới con người và thế giới loài chuột. Lão luôn nghĩ tiếng kêu vui tai của lũ chuột mới là hệ trọng dù khi đó tiếng súng chiến tranh đang nổ xa đâu đây. Lão Chệt luôn hình thành trong đầu những ý tưởng về: kĩ nghệ nuôi chuột, trại chuột, sữa chuột, thịt chuột... Những mơ tưởng về tương lai cuộc sống của lão được dệt lên từ những con chuột. Đến khi dịch bệnh chuột hoành hành lan truyền toàn cõi với những cái chết, nhóm y tế xuất hiện rồi lại bỏ đi cả, chỉ còn lại viên bác sĩ già tình nguyện ở lại sống cùng lão Chệt như hai người điên. Đường tiếp tế bị cắt đứt, ngôi làng không còn liên lạc với thế giới bên ngoài. Dịch hạch tiếp tục lan tràn. Lão Chệt “cầm cục đá đập vào đầu viên bác sĩ, ông ta lăn ra chết. Lão Chệt bắt chuột ấn vào miệng vị bác sĩ” và nói: “Ăn đi thịt chuột ngon lắm”. Truyện có cái kết thúc kỳ dị thường thấy ở những truyện ngắn kinh dị. Nhân vật tự hủy diệt và tha hóa. Lão Chệt và vị bác sĩ già thực chất đã tự chối bỏ và chấm dứt cuộc sống của mình, bởi họ cô đơn lạc lõng trong thế giới mà họ cảm thấy phi lí. Trong mạch tư duy về thân phận con người, Dương Nghiễm Mậu còn tiếp tục đi sâu mổ xẻ những ẩn ức đau nhói trong tinh thần mỗi con người. Niềm đau nhức của khoảng trốngmiêu tả những ám ảnh của một người đàn ông với một cái bướu ung thư của anh ta. Cái bướu chẳng đáng lo về mặt y học, nó “chẳng có nghĩa lý gì, nó là một cục thịt cứ việc cắt đi hết là xong”, nhưng nó rầy vò anh, làm anh dằn vặt đau khổ rồi tự cách li mình với người yêu, với xã hội con người. Biểu tượng cái bướu trở đi trở lại trong truyện biểu trưng cho những cái thối tha ung nhọt hiện hữu trong bản thân mỗi con người. Đến một ngày kia, con người dần dần tự nhận ra những sự ung nhọt thối tha đó, rồi họ thấy đau đớn dằn vặt và muốn tự hủy hoại sự tồn tại của mình. Con người bị chối bỏ không thừa nhận trong sự bình thường của cuộc sống thường nhật, còn nếu như cắt bỏ cái bướu ma quái thì con người sẽ không còn là chính mình nữa. Như thế cũng có nghĩa là nó đã đánh mất mình. Người đàn ông mang cái bướu ma quái thực sự đã chết trong một cơ thể còn sống. Khi tự mô tả bệnh trạng của mình, anh ta không thể nào biết được nguyên nhân nào đã gây ra cái bướu ấy. Có thể thấy, Niềm đau nhức của khoảng trống, có thể xem là truyện ngắn bộc lộ rõ nhất quan niệm hiện sinh về thân phận con người theo phong cách Dương Nghiễm Mậu. Phát triển thêm quan niệm ấy, Cơn say mù đục lý giải tấn bi kịch của thân phận con người. Sự sống của nhân vật là một cơn say mù đục kéo dài: “sống trong nhà trọ, ốm nhà thương, chết nghĩa địa”. Những thất vọng với lý tưởng hào quang tuổi trẻ, bị đam mê cuộc sống lôi cuốn, chàng trai “như người qua một giấc ngủ triền miên rồi thấy trưa đã muộn, thấy mình đã già, đã bị những cái không đâu mà tuổi trẻ coi thường quấn lấy, như thói quen với một người già cả bỗng thấy mình chới với chông chênh trong cuộc sống tự do, thấy mình không còn tha thiết đắm say với cuộc sống, không còn làm gì át được men rượu cháy cổ, cuộc ăn thua đen đỏ của lòng háo thắng và những phiêu lưu ngắn ngủi liên tiếp nôn nao rực nóng”. Rồi đến khi anh ta không còn nghị lực để bắt đầu một cái gì mới. Sự sống với anh trở nên thật bi quan tăm tối và đã kết thúc bằng một tình yêu tuyệt vọng. Những truyện: Nói một mình, Cũng đànhBuổi chiều nghe mưa, Nước mắt, Buồn vàng... cũng là những truyện ngắn điển hình cho mạch cảm hứng về thân phận con người của nhà văn về một thế giới nhân sinh nhiều bất ổn. Người đọc cảm nhận thấm thía bi kịch của con người trong một thế giới thiếu sự giao tiếp và thấu hiểu. Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu ngân vang những âm thanh mòn mỏi của tồn tại kiếp người trong sự tha hóa dữ dội, nghiệt ngã khi thế giới bị thống trị bởi cái phi nhân bản.

Nhiều nhân vật của Dương Nghiễm Mậu thường trong trong trạng thái hấp hối, chờ chết. Dù luôn day dứt, vật vã đau đớn hay rên rỉ kêu van sự tri âm cuộc đời, nhưng nó thường có thiên hướng muốn chối bỏ cuộc sống, hủy hoại sự tồn tại của mình. Tinh thần hư vô tràn đầy đôi mắt mỗi con người trong cái nhìn về cuộc sống và về ngay chính bản thân nó. Thế giới nhân vật của nhà văn xuất hiện nhiều cái chết, nhiều truyện có nhân vật chết. Có truyện một nhân vật chết, có truyện có nhiều nhân vật chết. Con người trong truyện ngắn của ông được đặt trong trạng thái tồn tại một cách mong manh. Sự sống sao mà mong manh quá đỗi? Dường như con người luôn ở tầm đón nhận cái chết, chết dần chết mòn. Nó thở than ta thán, nó triết lý về cái chết. Nhà văn đã tạo ra trong sáng tác của mình một hệ thống về cái chết. Các nhân vật chết theo nhiều nguyên nhân khác nhau: tai nạn, chiến tranh, bệnh tật, mất tích... và nhiều hơn cả là bệnh tật: bệnh tinh thần và bệnh thể xác. Đặc biệt hơn, nhà văn thường hay miêu tả các nhân vật của mình trong trạng thái bệnh tình kiệt quệ dần mòn, sự mục ruỗng của tinh thần lẫn thể xác. Bóng ma chủ nghĩa hư vô dường như luôn che phủ đôi mắt các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu. Nói một mình - có cấu trúc rất độc đáo, nhà văn để cho một xác chết tự kể về cuộc đời mình. Toàn thiên truyện chủ yếu là lời độc thoại của một người chết. Ngoài phần mở đầu vào truyện mô tả cái chết quằn quại của nhân vật Thuấn, truyện được chia thành những truyện nhỏ, thực chất đó là những mảnh ký ức gắn lại với nhau của xác chết hồi tưởng về quá khứ tăm tối buồn chán của mình. Truyện thứ nhất: xác chết kể về gia đình mình: mẹ bị Tây bắn chết, hai tháng sau ông nội qua đời, bố trở về nhà cùng người mẹ kế. Hai chị em sống trong một gia đình mới như những đứa con ở trước sự hờn ghét cau có của người mẹ kế. Người cha bỏ đi chết mất tích xác trôi ở sông Đáy. Thuấn khinh bỉ và căm ghét Liên - chị gái ruột của mình vì chị ta làm điếm. Anh bỏ đi để rồi hối hận day dứt một mình trong căn nhà hoang vắng. Truyện thứ hai: xác chết kể về người bạn thân của mình là Tấn với những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu và cũng giống như người chị gái mình, anh cũng đánh mất tình bạn đó, Tấn bỏ đi. Truyện thứ ba: xác chết kể về tình yêu của mình với người bạn gái tên Mai và đó cũng là một bi kịch nặng nề ảo não bởi “tình yêu không thể gây cảm giác trang trí đời sống”, khi yêu nhau là người ta “tham dự vào một tấn kịch. Đời sống là một tấn kịch liên tiếp và người ta phải sống hết tấn kịch của mình. Yêu rồi lại trốn tránh, lẩn khuất, từ chối tấn kịch mình đã chọn”. Kết thúc thiên truyện là tiếng kêu đầy ám ảnh tuyệt vọng của xác chết nhưng không có sự hồi đáp nào cả chỉ có một khoảng trống hư không với hình ảnh con ruồi xanh bay vo ve rồi “đậu xuống đầu một đứa vật vờ như những ngọn cỏ khô trên nấm mộ bỏ quên ở một miền đất màu thịt trâu chết”. Mỗi truyện nhỏ của Nói một mình đều được mở đầu bằng những tiếng kêu cảm thán của nhân vật xác chết như là lời độc thoại của một bóng ma. Thực chất đó là lời độc thoại của một xác chết tự kể về cái chết của mình và về quá khứ của mình. Con người ở đây đi vào cõi chết như “mắt sáng nhìn lần đầu tiên với sự sống bằng cái chết cuối cùng vĩnh viễn. Như lời nói yêu nhau, rồi bằng lòng mở rộng hai bàn tay bỏ lại tất cả”. Nhân vật xác chết là một nhân vật độc đáo thể hiện cái nhìn của nhà văn về một vấn đề nhân sinh hằng day dứt con người mọi thời đại.

Đồng hành cùng biểu tượng về cái chết, truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu thường xuất hiện hình ảnh chiếc quan tài - hình ảnh gắn với sự hiện hữu cuối cùng của con người trên trần thế. Hình ảnh ấy ám ảnh trong đầu óc mỗi nhân vật, nó nhìn thấy đó như là một sự kết thúc ngẫu nhiên của cuộc đời mình. Hình tượng chiếc quan tài trở đi trở lại trong nhiều truyện của tác giả như một biểu tượng nghệ thuật rất đáng chú ý bởi nhà văn đã thể hiện một cái nhìn, một quan niệm có tính triết học về cái chết: con người bắt đầu từ hư vô, đi tới hư vô và kết cục hư vô.Đây là điểm độc đáo trong tư tưởng nghệ thuật của nhà văn mang màu sắc hiện sinh.

Vấn đề nhân sinh có lẽ đã được Dương Nghiễm Mậu nhìn nhận một cách bi quan, những cảnh đời được nhà văn mô tả một cách phũ phàng đôi khi thô bạo tàn nhẫn. Nhìn đời bằng con mắt hiện sinh chủ nghĩa nên mọi thứ trong cuộc đời với nhà văn: cái tục tằn, cái thô bạo, cái tha hóa, ác độc, điên khùng, nghèo đói, bệnh tật v.v..., đều hiện lên đa dạng thực tế như nó vốn có. Một nhân vật của Dương Nghiễm Mậu bày tỏ: “Có nhiều người tạo ra những ràng buộc với mình để sống, như ràng buộc với thượng đế, với quê hương, với bổn phận, với tình yêu và máu mủ, nhưng tôi thì mất đi gần hết những thứ ấy, dù có muốn tạo ra cũng không sao có được”. Cuộc sống như vậy đã mất đi những gì là niềm tin lí tưởng. Thái độ sống hiện sinh khiến con người cô đơn, tha hóa và đau đớn. Con người ở đây cắt đứt với mọi quan hệ xã hội, bởi nó là một “hiện sinh độc đáo”. Thế giới nhân vật Dương Nghiễm Mậu có hành trạng khó hiểu, khó lý giải, đôi khi bí ẩn vì nó là một vũ trụ đóng kín không ai hiểu nổi và cũng không thể tự thông báo cái nội tâm phức tạp của mình cho bất kỳ một ai. Nhân vật thường tự cắt bỏ mọi mối rằng buộc vì thế nó là những con người cô độc và cũng vì cô độc nên nó luôn day dứt, buồn bã, lo âu.

Văn xuôi Dương Nghiễm Mậu nói chung, thường có một không khí ngột ngạt, u ám và căng thẳng nhưng có một số truyện được viết với bút pháp trữ tình nhẹ nhàng sâu lắng. Tiếng sáo của người em út là một truyện như vậy. Cốt truyện đơn giản nhưng để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc. Bao trùm tác phẩm là âm hưởng buồn lắng của tiếng sáo người em út, gợi nhớ người đọc liên tưởng tới thế giới của những câu chuyện cổ tích mơ hồ. Có điều tiếng sáo của người em út ở đây mang nhiều tâm trạng huyền bí, tiếng sáo “không còn thô mộc, non nớt, chập chững bước đầu đời mà nay tiếng sáo đã chín, âm thanh đã chau chuốt và ở đó nghe một nỗi bồi hồi tâm sự”. Cuộc đối thoại giữa người anh lớn và người em út trong một gia đình côi cút xung quanh chiếc quan tài với hững câu thoại ngắn gọn nhiều khi bỏ lửng ngắt quãng gợi nhiều dư vị trong long người đọc. Truyện như bao phủ một nỗi buồn kiếp người mênh mang bởi âm thanh tiếng sáo: “những âm thanh dìu dặt bay lượn như đang quyện vào trong gió chiếm lĩnh cả khoảng không gian bao la giữa trời và đất. Buổi chiều đang xuống nhẹ nhàng. Đàn chim sâu kêu ríu rít trên những ngọn cau, trong tán thấp của cây hoa ngâu. Tiếng chuông thu không vẳng đưa từ xa lại trong buổi chiều tĩnh mịch”. Cuối truyện, hai nhân vật hiện lên trong khung cảnh đìu hiu hoang vắng, cô độc lặng lẽ bên mộ người cha, rồi người đi kẻ ở, chỉ còn tiếng sáo người em út nghe như: “một khúc nhạc bi thiết”. Con người ở đây đánh mất cảm giác về đời sống hiện tại, cô đơn và yên lặng. Kinh cầu nguyện cũng cùng một mạch cảm xúc với Tiếng sáo của người em út nhưng đã triển khai sâu hơn khía cạnh con người cô đơn xa lạ. Truyện kể về mấy con người bị lãng quên trong ngôi biệt thự hoang vắng, trống trải. Chủ nhân ngôi biệt thự - một người không rõ lai lịch, có vẻ từng trải, quanh năm gõ mõ không ra khỏi cửa. Chủ nhân cho một người khách lạ thuê phòng cũng không rõ hành tung, anh ta trẻ có vẻ mặt mang nỗi buồn phong trần. Cả hai con người đều bí ẩn với những hành động kì quặc và gần như không giáo tiếp với nhau. Người khách thỉnh thoảng ra đợi tàu nói những điều vu vơ không ai hiểu, đôi khi buồn mang đàn ra gẩy ngoài nghĩa địa. Người thứ ba xuất hiện: con gái ông chủ trót hư bị cha từ bỏ đuổi khỏi nhà. Người khách bỗng nhiên nhớ thành phố bỏ đi, rồi sau quay trở lại ngôi biệt thự thì vị chủ nhân đã chết. Chủ nhân gửi người con gái tặng lại cái mõ, cái chuông và bộ kinh cho người khách. Người khách ra mộ chủ nhân đọc kinh cầu nguyện và đốt bỏ tập kinh, để mõ chuông lại ngôi mộ. Anh ta vác đàn lên vai, từ tạ thiếu nữ bỏ lại ngôi biệt thự hoang vắng rồi độc hành, miệng định đọc kinh nhưng không nhớ câu nào nữa. Anh gẩy đàn cười hát vu vơ một mình. Các nhân vật trong truyện sống mà như không tồn tại, giữa họ không có sự liên lạc nào với đời sống thực tế, nó tồn tại vật vờ và bí ẩn và bị bỏ rơi trong cõi nhân sinh xa lạ, không có chốn nương thân nào khác ngoài sự nương tựa vào hoàn cảnh sống của chính mình. Con người là một hiện hữu tồn tại trong thế giới nhưng không biết mình từ đâu đến và đi về đâu, vì vậy, nơi họ trú ngụ: vừa là chốn lưu đầy, vừa là nơi cố hương. Còn có thể kể thêm nhiều truyện có chủng loại nhân vật như vậy của Dương Nghiễm Mậu: Ám ảnhTiếng động buổi trưaCó một bông hồngMỗi người... Tuy cách biểu hiện khác nhau, nhưngnhững nhân vật này đều mang diện mạo, hình bóng những nhân vật của A. Ca-muy, F. Káp-ka... chúng cùng hát đồng ca về nỗi cô đơn của thân phận con người.

Dương Nghiễm Mậu không đi quá sâu miêu tả tâm lí nhân vật, xây dựng tình huống truyện độc đáo hay tạo độ căng và sự dồn nén của cốt truyện. Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu thường như những dòng hồi ức và tự thuật mang ý niệm triết lý. Các nhân vật thường xưng tôi để tự hồi thuật về cuộc đời mình. Người đọc thường khó thấy ngay được ý tưởng nhà văn. Những ý tưởng tác giả đôi khi lờ mờ khó hiểu nhất là với những bạn đọc quen với tâm lý tiếp nhận truyền thống. Tuy nhiên vẫn không khó để cảm nhận được tính chất độc đáo của thế giới nghệ thuật mà ông khắc hoạ. Đó là một thế giới khép kín bí hiểm, con người như những thực thể vô lý quyện chặt vào nhau trong một chất keo nhầy nhụa. Một không khí ngột ngạt bởi đói nghèo, bệnh tật, cái chết, chiến tranh... bao phủ toàn xã hội. Các nhân vật như những cá thể bị gánh nặng xã hội đè bẹp, và đời sống ngột ngạt khiến người ta muốn phá tung, muốn hủy diệt hết bộ mặt hiện tại của một đời sống vô vị lạt lẽo tầm thường và vô cùng buồn tẻ. Bi thảm hơn, khi con người nghĩ đến sự hủy hoại thì điều đó cũng vô nghĩa. Con người cảm thấy dư thừa trong một thế giới chật hẹp. Đúng như nhận định của một nhà nghiên cứu: Dương Nghiễm Mậu đã đem lại cho truyện ngắn Việt Nam một không khí đặc biệt, một sự căng thẳng không thể nào chịu nổi. Đây là điều khác so với truyện ngắn truyền thống Việt Nam. Cũng theo nhà nghiên cứu này: “Dương Nghiễm Mậu là một nhà văn góp phần từ bỏ lối viết hiện thực xã hội để thử nghiệm lối viết hiện thực hiện sinh. Nếu các tác giả hiện thực xã hội tìm cách trình bày mô tả những cái đau nhìn thấy của con người như cảnh cùng khổ của người nghèo, của thế giới trộm cắp, sự gian ác của cường hào ác bá… thì Dương Nghiễm Mậu tìm cách trình bày cái đau không nhìn thấy, cái đau trong bản thân con người, những người ý thức được những ung nhọt trong thể xác và tinh thần của mình”(2). Như thế, có thể thấy lối viết hiện thực hiện sinh mang phong cách Dương Nghiễm Mậu là một nỗ lực cách tân khi nhìn nhận và miêu tả thân phận con người ở một thời đại bi đát. Sự tiếp thu tư tưởng văn học hiện sinh ở những điểm căn bản nhất đã giúp nhà văn có cái nhìn khám phá về thân phận con người - một vấn đề luôn luôn thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà văn Đông - Tây kim cổ. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu là hiện thân cho một trạng thái tồn tại của con người ở thời đoạn khủng hoảng tâm lý. Dương Nghiễm Mậu thích đẩy nhân vật vào những tình huống ngột ngạt và khẳng định sự thất bại cuối cùng của kiếp người như thể một tất yếu và định mệnh. Con người không hiện tồn với chính mình, không là mình mà chỉ là một ai đó hoặc không là ai cả với ý nghĩa như một đại từ phiếm định. Bút pháp truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu thể hiện lối viết không ngừng tìm tòi đổi mới. Tư tưởng nghệ thuật của Dương Nghiễm Mậu có nhiều điểm khác biệt với quỹ đạo văn xuôi truyền thống và đương thời nên gây xôn xao dư luận với những phản thẩm mĩ nghịch chiều. Nhưng dù tiếp cận như thế nào đi nữa, Dương Nghiễm Mậu vẫn trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong của văn xuôi đô thị miền Nam 1945-1975. Tác phẩm của ông thể hiện một nỗ lực muốn vượt lên chủ nghĩa hiện thực truyền thống để tiến tới một cái nhìn nghệ thuật mang bản sắc riêng về con người một thời đã qua.

Vĩnh Trinh
Nguồn: Văn học quê nhà 

--------------

(1) Nhân đọc các tập truyện ngắn:
- Dương Nghiễm Mậu (2007), Tiếng sáo người em út (tái bản), Nxb. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
- Dương Nghiễm Mậu (2007), Đôi mắt trên trời (tái bản), Nxb. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
- Dương Nghiễm Mậu (2007), Cũng đành (tái bản), Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
- Dương Nghiễm Mậu (2007), Nhan sắc (tái bản), Nxb. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.

(2) Nhiều tác giả (2002), Từ điển văn học, Nxb. Thế giới, Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây