Một thí dụ tiêu cực về tiểu thuyết trẻ

Thứ hai - 28/06/2010 18:26 2.148 0

Một thí dụ tiêu cực về tiểu thuyết trẻ

Hơn 300 trang. Hai mươi cái La Mã. In đứng. In nghiêng. Nhật kí. Thơ. Vật nhau với chữ, người viết đổ chổng kềnh. Nhưng cũng phải thừa nhận Nguyễn Thế Hoàng Linh kiên trì thật.

1. Chuyện của thiên tài là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Khi ra đời, nó nhận được rất nhiều lời tán thưởng. Của một số nhà văn danh tiếng. Của nhiều tờ báo. Được trao giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2005. In trong bộ sách Văn mới, tiếp sau Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh…

Đọc Chuyện của thiên tài, dễ thấy Nguyễn Thế Hoàng Linh đã nói được một số “chấn thương tâm lí” của những người trẻ tuổi trước áp lực của xã hội và gia đình ở thời hiện đại. Chuyện của thiên tài cũng có một vài câu thơ hay… Rất tiếc là, tất cả các ưu thế (có tính chất tiềm năng) trên đều không được đẩy lên thành tiêu điểm. Không tập trung vào diễn giải chấn thương tâm lí, Nguyễn Thế Hoàng Linh lại phô bày hơi nhiều những mặc cảm của “thiên tài” bởi các chấn thương tâm lí. Và, thay vì một giọng văn thiếu “nghiêm chỉnh” rất cần thiết để nhại các tiểu thuyết có các đề tài “nghiêm chỉnh”, hay để nhại “thiên tài”, thì Nguyễn Thế Hoàng Linh, bằng hình thức nhật kí, lại để nhân vật của anh phát ngôn chủ yếu từ vị trí thiên tài (theo lối “quan phương chính thống”). Do thế, đọc tiểu thuyết của anh, thấy rất nặng nề. Nặng nề nhất là các tuyên xưng, các triết lí. Và mọi cái dở của tiểu thuyết bắt đầu từ đấy.

Trước hết, hãy coi tuyên ngôn là quyền của nghệ sĩ, thậm chí, là thói quen của họ, nhất là với những người tuổi đôi mươi. Cả trong và ngoài tác phẩm.

Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng tuyên ngôn. Tuyên ngôn đời sống, tuyên ngôn nghệ thuật, tuyên ngôn giáo dục, tuyên ngôn thiên tài và cả tuyên ngôn về quan hệ thiết yếu giữa sức khỏe và khả năng sáng tạo của thiên tài! Đọc Chuyện của thiên tài, thấy nhan nhản các phát ngôn kiểu thế này: “Kẻ có tài là kẻ biết tận dụng mọi thứ, kể cả cái hỏng hóc, kẻ cả sự tuyệt vọng của chính mình. Kẻ bất tài sẽ… (tr. 77), “Tài năng của nghệ sĩ mới quyết định cái hay chứ không phải do mục đích, đề tài hay cái cảm giác khi sáng tác” (tr. 80).

Nguyễn Thế Hoàng Linh không có sở trường triết lí, nhưng lại hay triết lí. Triết lí của anh lại ít nghiền ngẫm, trải nghiệm. Thành thử đọc anh cứ thấy ngây ngây ngộ ngộ và xưa cũ thế nào. “Nhưng cái “giấc mơ” cũ ấy, đời có lấy đi đâu. Người ta, người ta lấy đấy chứ. Mà người ta lấy thì chưa chắc người ta đã trả. Mà người có trả thì chưa kịp đến tay mình, biết đâu người khác đã cướp đi. Và người lấy lần thứ nhất lại thêm dằn vặt. Lại đi lấy của ai đó để trả mình cho bằng được. Lấy của nhau. Lấy mãi của nhau. Vay - trả nợ đời chẳng bao giờ hết. Phải thế chăng?” (tr. 45).

2. Chuyện của thiên tài có hai lần tù mù. Lần tù mù thứ nhất thuộc về khách thể. Việc khai thác nó là một tiêu điểm của văn chương hiện đại. Và điều đó thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng cái tù mù sau thì lại thuộc về chủ thể. Có thể thấy, trong quan hệ thẩm mĩ phức tạp này, tác giả đã thể hiện rõ sự bất lực. Anh không thể nhân hoá đối tượng. Vẫn biết, khách thể là một cõi mù và luôn thách đố nghệ sĩ. Tuy nhiên, không thể đồng qui giản đơn khả năng nhận thức của con người nói chung với khả năng chiếm lĩnh đối tượng (như là cái cần phải có) của mỗi cá nhân nghệ sĩ.

Không đủ khả năng đồng hóa đối tượng, Nguyễn Thế Hoàng Linh mệt lử. Bạn đọc theo đây, cũng mệt lử, đương nhiên. Và ngẩn ngơ, chả hiểu gì. Vì sao không hiểu? Vì người kể chuyện trót dẫn ta vào khu vườn hoang rối bời của tâm thức và sau một hồi lan can, quanh quẩn, anh bỏ ta luôn ở đó.

Không chế ngự được ngôn từ, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã bị nó thao túng. Kết quả là, anh đã dùng một thứ ngôn ngữ cá nhân không thể giao tiếp trong văn chương được. Ai cũng biết, sáng tạo nghệ thuật đích thực luôn thù địch với sự tuỳ tiện. Nguyễn Thế Hoàng Linh không hẳn tùy tiện. Anh bất lực thì đúng hơn. Chắc anh hiểu, tài năng nghệ thuật không phải là thứ có thể nguỵ trang. Nhất là ở ngôn từ. Có nhà văn tuyên bố: không phải tôi nói ngôn ngữ, mà ngôn ngữ nói tôi. Đó chỉ là cách nói. Nhà văn lớn là những người thấu thị ngôn từ. Xuất thần của họ là xuất thần của tài năng đích thực. Chuyện của thiên tài thì không như vậy.

“Tôi không phải thiên tài. Cả đời tôi phải đóng vai thiên tài.

Tôi là thiên tài. Cả đời tôi phải đóng vai không phải thiên tài đóng vai thiên tài.

Tôi không phải cả đời (tôi). Tôi phải đóng vai cả đời (tôi).

Cả đời (tôi) không phải tôi. Cả đời (tôi) phải đóng vai tôi.

Ai bắt mà phải với chả không phải?

Dạ, nhưng … sáng tạo…

Dạ, nhưng... nhưng sống…” (tr. 15)

Đó là những câu văn cũ kĩ, sáo và “vớ vẩn” đến khó tin.

Hơn 300 trang. Hai mươi cái La Mã. In đứng. In nghiêng. Nhật kí. Thơ. Vật nhau với chữ, người viết đổ chổng kềnh. Nhưng cũng phải thừa nhận Nguyễn Thế Hoàng Linh kiên trì thật.

3. Chuyện của thiên tài là những đoạn văn tạp tác giả viết trong khi trốn học, khi làm thơ. Ở đó, có quá nhiều câu văn “sến đến phát ốm” kiểu học trò, đại loại: “Nhìn bạn lặng lẽ, ít ai biết bạn có một tuổi thơ hiếu động và đầy kỉ niệm. Bạn tự hỏi bạn có phải là người cần nhiều lạc thú hơn mức bình thường. Không. Nhu cầu của bạn không cao. Khác với trong thơ, Nguyễn Thế Hoàng Linh hầu như không có khả năng hư cấu hóa, hình tượng hóa “cái tôi” của mình trong tiểu thuyết. Chuyện của thiên tài, theo đây sẽ là một nhật kí với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Các đoạn văn ghi theo ngày (30.10.03; 14.01.03; 31.10.03; 23.10.02;…), những bài thơ, đoạn thơ thử nghiệm và các ghi chép tạp nhạp của một cậu học trò hay khóc nhè, tủi thân và mặc cảm, đã được chính tác giả dán nhãn tiểu thuyết. Những đoạn văn miêu tả tỉ mỉ đồ vật trong đây thực ra chỉ là sự bắt chước các trang văn hiện thực cổ điển Nga thế kỉ XIX một cách vụng về (tr. 101 – 102).

Dù tuyên bố “rất sợ phí thơ” nhưng thiên tài vẫn “thả thơ ra để cho bọn vô học một cái tát”. Vậy nên, ở cuối mỗi phần của tiểu thuyết, tác giả luôn chen vào một bài thơ, một đoạn thơ. Trong hàng nghìn bài thơ đã công bố, Nguyễn Thế Hoàng Linh có khá nhiều câu thơ hay. Nhưng thơ của anh trong đây thì lại dở quá nhiều. “Nếu không viết/thói cô đơn/chọc tiết” (Viết về không viết, tr. 98), “Em khóc/thời gian/nhịn trôi/và tôi/nhịn chết/(và thôi lầm lì)/vậy mà em đã cười khì” (tr. 241), Trong đục (tr. 152), Trò chơi buồn (tr. 153)… là những ví dụ cụ thể. Nguyễn Thế Hoàng Linh có lẽ đã quên rằng cái hồn nhiên dễ viết của người có tài thơ thì không thể cứ thế mà “hồn nhiên” chuyển vào viết tiểu thuyết được. Cái hồn nhiên trong thơ dễ chạm vào cái nhân bản cổ điển, còn cái hồn nhiên trong tiểu thuyết có thể chẳng chạm tới điều gì. Tiểu thuyết luôn cần nhiều suy tư hơn thế. Có một ít thành công trong thơ, gây được ít nhiều dư luận, Nguyễn Thế Hoàng Linh hăng hái in tiểu thuyết. Và cuốn tiểu thuyết của anh đã làm khổ bạn đọc.

4. Đọc Chuyện của thiên tài, người ta không khỏi lo lắng về sức khỏe của thiên tài và “lũ ý nghĩ xếp hàng chờ đến lượt”, “lũ ý nghĩ đã đầy hộp sọ”, “vắt kiệt mình bằng cách các ý nghĩ”, “Mưa ý nghĩ như đá rơi lộp bộp” trong đầu óc thiên tài liệu có kịp “đẻ ra”, “phun trào”, “phóng thích khỏi óc”… Chọn vị thế phát ngôn là một “thiên tài”, giọng điệu trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Hoàng Linh vừa có đôi phần hợm hĩnh (bởi người kể chuyện không ít lần cho mình là thiên tài), vừa đầy tủi thân mặc cảm (vì không ai trong gia đình và xã hội hiểu và chăm sóc anh như chăm sóc một thiên tài). Có người nói truyện của Nguyễn Thế Hoàng Linh là một kiểu giả định thiên tài, nhại thiên tài. Tôi không thấy thế. Thì xuyên suốt tác phẩm, anh vẫn nói với bạn đọc bằng giọng của một “thiên tài chính thống” đấy thôi. Lẽ ra, phải “ngoáy mũi” nhiều hơn nữa, thì đằng này, anh lại cho “mỗi ý nghĩ” của mình “đều âm ỉ một phiên tòa. Điều này bọn dốt nát không biết” (tr. 189).

Ôi, thiên tài của chúng ta khóc nhiều quá. Lại hay hăm dọa. Tủi thân. Lại hay đốt sách. Cả ám ảnh cái chết nữa. Thiên tài có dấu hiệu của một kẻ lệch lạc và đôi phần “mất dậy” trong đối xử với xung quanh, nhất là với mẹ mình (tr. 57 - 58).

5. Trong Chuyện của thiên tài, cùng với thói quen triết lí, Nguyễn Thế Hoàng Linh còn mắc chứng bày biện phô phang lòng trắc ẩn. Bằng ý nghĩa hình tượng thì không sao. Nhưng đằng này lại toàn bằng từ ngữ. “Và bà già cần nhiều hộp nhựa hơn là lòng thương hại đâu đâu. Nếu xót thương trước bà già này, quả tình xót thương, thì có sống được không nếu tôi thống kê cho bạn những bà già phải chui vào những bãi rác cực kì bẩn thỉu. Cả phụ nữ nữa, cả trẻ em nữa. Và họ còn phải chui vào những chỗ bẩn hơn những bãi rác bẩn thỉu nữa …

Ai cũng biết, văn chương có chức phận nghiền ngẫm nỗi niềm nhân tâm thế sự. Nhưng cứ hét lên như thế về lòng trắc ẩn thì có nghĩa gì?

6. Ai cũng có quyền viết ra cái mình thích. Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng vậy. Anh làm thơ. Và anh viết tiểu thuyết. Nhưng giá anh chỉ làm thơ thôi thì tốt cho anh hơn. Tiểu thuyết có thể viết về những “chuyện linh tinh” nhưng không thể viết linh tinh về những chuyện linh tinh. Lẽ ra, anh nên để Chuyện của thiên tài lại, như một áng văn tư liệu, để khi thành danh trong thơ, người ta sẽ lục thấy trong đây nhiều chi tiết văn học sử thú vị, về một nhà thơ thiên tài…

Trước rất nhiều lời xưng tụng của báo chí, đôi khi người ta cũng thấy bối rối trong việc đưa ra nhận định của mình. Vậy nên, dù đã viết những lời bình luận này từ lâu, nhưng tôi không đăng ở đâu. Nay có chuyên đề về tiểu thuyết trẻ trên VNT, tôi thấy nên nói ra ý kiến đó. Trước khi làm việc này, tôi đã đọc lại tác phẩm của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Và ý kiến của tôi trước đây, đến nay không thay đổi.

Tác giả: Phùng Gia Thế

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây