Chuyển biến nhận thức của đội ngũ nhà thơ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ năm - 13/05/2010 19:34 2.466 0
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khơi nguồn cảm hứng lớn cho thơ, lôi cuốn một lực lượng sáng tác đông đảo. Các thế hệ làm thơ cùng có mặt bên nhau trong trận tuyến đánh Mỹ. Lớp nhà thơ trưởng thành từ trước cách mạng tháng Tám nâng cao tầm tư tưởng, phong phú kinh nghiệm, trẻ trong tâm hồn, khoẻ trong sức viết, khẳng định được hướng đi lên đã “truyền lửa” cho thế hệ sau.

Tiếp nối thế hệ đi trước là lớp nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Họ mang đến sự ồ ạt đông vui cho cả nền thơ bằng tiếng nói sôi nổi, mới mẻ, duyên dáng, đặc sắc của riêng lứa tuổi trẻ mà thế hệ nhà thơ trước không thể nói thay được.

Cuộc chiến đặt dân tộc ta trước những thử thách gay gắt. Vận mệnh của đất nước; tự do, độc lập của dân tộc đứng trước nguy cơ một mất một còn. Thơ nhanh chóng nhập cuộc, bước vào cuộc kháng chiến, có mặt ngay ở vị trí chiến đấu của mình và thực hiện sứ mệnh cao cả trong mặt trận văn nghệ, là “một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, không thể không hướng vào nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước”[1]. Thơ trở thành tiếng nói chung của cả cộng đồng, phát ngôn cho ý chí, khát vọng, tình cảm chung rộng lớn và thống nhất của mọi người, của toàn dân tộc. Đó là lúc, như cách nói của nhà thơ Chế Lan Viên “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có cùng khuôn mặt - Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau”.

Hơn ai hết các nhà thơ chống Mỹ hiểu sứ mệnh, đóng góp của thơ. Cũng như mọi thể loại khác, thơ đã trở thành vũ khí tinh thần, một sức mạnh tham gia vào cuộc chiến đấu, gắn bó với vận mệnh của dân tộc, nhân dân. Các nhà thơ mong muốn “Thơ hãy đến góp một vài que củi” (Hữu Thỉnh). Thơ càng không thể là “những dây bìm trang trí-Kéo nhòe đi những rễ cây tứa nhựa-Báo động rừng sao thơ chỉ rung rinh?” (Hữu Thỉnh). Thơ bám sát hiện thực sôi động của cuộc kháng chiến và nhanh chóng phản ánh kịp thời những sự kiện lớn lao của đất nước, phản ánh sự dũng cảm hy sinh quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, thống nhất nước nhà. Dù là câu thơ ghi vội, nhưng nó không thể là những bức ký hoạ đơn thuần, không phải là sự bắt chước mà thơ đòi hỏi một sự kiếm tìm, cao hơn nữa là sự hoà quyện giữa tư tưởng và cảm xúc: “Cảm xúc từ trái tim-Tư tưởng sáng trong đầu” (Nguyễn Đức Mậu). Thơ có mặt ở mọi nơi, thơ in thành sách, thơ đăng trên báo, thơ đăng tải trên sóng phát thanh khắp mọi miền của Tổ quốc từ biên giới đến hải đảo từ miền Bắc đến miền Nam, vượt qua vòng vây đến các trại giam Côn Lôn, Côn Đảo, Chí Hoà...

Thế hệ nhà thơ chiến sĩ - nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu những năm 60, đặc biệt đông đảo trong thời kỳ chống Mỹ, đem lại cho thơ sức sáng tạo mới, trẻ trung, trong sáng, gợi cảm, mà trong đó không ít tài năng đã sớm được chú ý và khẳng định: Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Lê Anh Xuân...Trong đội ngũ đông đảo hàng vạn thanh niên cầm súng đi vào các chiến trường miền Nam, đã nảy nở nhiều tài năng thơ như một nhu cầu tự ý thức và tự biểu hiện của thế hệ trẻ. Đội ngũ được bổ sung liên tục từ quần chúng yêu thơ. Tình cảm lớn lao đã trở thành nguồn mạch dồi dào cho cảm hứng thơ ca. Và như vậy, đất nước ta có hẳn một thế hệ nhà thơ chống Mỹ, bởi vì trước khi làm thơ, trong khi làm thơ những nhà thơ ấy đã là những người lính, hoặc tình nguyện sống như những người lính chống Mỹ. Điều đáng quý hơn cả, thế hệ nhà thơ này đã nhận thức sâu sắc sứ mệnh lịch sử lớn lao của thế hệ mình, chọn một con đường đi cho mình trong nhịp sống cuồn cuộn của dân tộc thời đánh Mỹ. Thế hệ này chứ không phải ai khác đã tự hiểu, tự nhận thức một cách đúng đắn con đường đi của mình. Vừa cầm súng, vừa cầm bút họ đã viết về thế hệ mình mình một cách trân trọng, tự hào: “Không có sách chúng tôi làm ra sách-Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (Hữu Thỉnh).

Sinh ra trong lòng nôi cách mạng, được đào tạo trong mái trường XHCN, họ tha thiết tin yêu cách mạng và đang có mặt trên khắp các mặt trận sản xuất, chiến đấu. Với kiến thức học tập có hệ thống, lại có thêm hành trang của vốn thơ ca dân tộc trên con đường thẳng rộng dài của của nền thơ cách mạng, họ đã tự bồi dưỡng cho bản thân về tư tưởng, tài năng, vốn sống để có thể đi xa trên con đường đó và thực sự trở thành nhà thơ cách mạng. Tiếng thơ của họ trẻ trung mà luôn trăn trở, nghĩ suy đầy trách nhiệm về Tổ quốc, về dân tộc. Làm thơ và đánh giặc là 2 hành động đồng thời, trùng hợp, có liên quan đến nhau như một phản ứng “dây chuyền”, cái này thúc đẩy cái kia, cái kia tạo đà cho cái này thể hiện.

Ngay từ đầu nhà thơ - chiến sĩ đã nhận thức được trách nhiệm nặng nề của dân tộc ta, của thế hệ trẻ “Dàn hàng gánh đất nước trên vai” đối với nhân loại trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh: “Bởi vì Việt Nam hôm nay - Là Việt Nam đánh Mỹ - Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ - Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa tự do” (Nguyễn Khoa Điềm). Chính vì vậy, họ viết một cách chân thực về chiến tranh cứu nước. Một hiện thực vừa dữ dội vừa nên thơ đã bước vào trang thơ trẻ tự nhiên. Có hiện thực phải nén xuống nhờ cảm xúc. Sự nhận thức đó giúp họ biết nói gì và viết gì để không làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của nhân dân trong cuộc trường chinh thần thánh. Ngay nói đến sự hy sinh, trang thơ của họ không làm tiêu ma ý chí, sức mạnh, niềm tin của người chiến sĩ, mà ngược lại chính sự hy sinh ấy là dấy lên lòng căm thù ngùn ngụt và truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê anh Xuân).

Chính từ sự nhận thức đúng đắn trách nhiệm nặng nề của một thế hệ gánh đất nước trên vai, lớp nhà thơ trẻ đã nhận thức được trách hiệm nặng nề của một thế hệ mà Lịch sử chọn làm điểm tựa. Không chỉ cầm súng giết giặc mà họ còn thấm thía hơn cả sức mạnh của thơ ca. Chính vì thế, lớp nhà thơ trẻ đã lựa chọn một cách sống của mình, chỗ đứng của mình khi đã thấm nhuần sâu sắc mục đích cuộc chiến đấu. Trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, thái độ trước cuộc đụng đầu quyết liệt sống còn với kẻ thù. Từ sự nhận thức đúng đắn đó, họ tự tin bước vào cuộc chiến đấu với kẻ thù với khí thế quyết chiến, quyết thắng. Không phải dễ dàng họ nói được điều này: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật). Không cao giọng, lên gân, hô khẩu hiệu, họ thể hiện quyết tâm của mình sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ hy sinh để thống nhất Tổ quốc như một lời tâm sự: “Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình-Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc-Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo). Cho nên, khi phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã, cái chết rình rập vây bủa các nhà thơ vẫn tìm đến một cách thể hiện đầy lạc quan vượt lên trên hiện thực tàn khốc.

 

Khi giặc ném bom ra miền Bắc thì lực lượng người làm thơ trên cả hai miền lại như một cuộc ra quân mới sôi nổi, tràn trào những cảm xúc yêu nước và tinh thần chiến đấu. Có một tiếng thơ mới gắn với tuổi trẻ là những người cầm súng đánh giặc và điều đặc biệt họ lại chính là những gương mặt trẻ xung trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Được cha anh trang bị cho thêm vốn liếng về kiến thức chính trị, xã hội, trình độ học vấn, nếp cảm, nếp nghĩ nên các nhà thơ trẻ đã khéo léo kết hợp vốn trí tuệ sẵn có của những người tuổi trẻ được đào tạo cơ bản trong nhà trường XHCN, cộng với sự học hỏi những kinh nghiệm phong phú, vững vàng, từng trải của lớp người đi trước hoà cùng với nhịp sống sôi nổi thời đánh Mỹ tạo nên thế mạnh của những cây bút trẻ. Tên tuổi các nhà thơ chống Mỹ gắn với những tập thơ, bài thơ đi cùng năm tháng hào hùng: Phạm Tiến Duật với những bài thơ mang đậm chất lính tráng trong tập Vầng trăng và những quầng lửa; Lưu Quang Vũ, Bằng Việt với Hương cây và bếp lửa, Vũ Quần Phương, Văn Thảo Nguyên với Cỏ mùa xuân; Võ Văn Trực với Trận địa quê hương; Nguyễn Khoa Điềm với trường ca Mặt đường khát vọng... Đội ngũ những nhà thơ trẻ có mặt trên khắp các chiến trường, vừa cầm bút, vừa cầm súng họ đã mang đến nét tươi mới không dễ gì có được của thế hệ mình, làm cho thơ ca thêm đậm đà tính cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam. “Bài ca ống cóng” của Thanh Thảo vang lên như một lời tuyên ngôn của lớp trẻ khi bước vào trận “Bài ca của chúng tôi là bài ca ống cống- Hành trang quân giải phóng-Đơn giản nhất trên đời”. Có lẽ chỉ có thế hệ này chứ không phải ai khác mới nói được một điều tưởng như nghịch lý “Giữa chiến trường, tiếng bom nghe rất nhỏ” (Phạm Tiến Duật). Nếu không nếm trải thực tế chiến trường thì khó có thể có được suy nghĩ như vậy.

Vừa đánh giặc lại vừa làm thơ là một nét đẹp truyền thống của một dân tộc. Có thể đó là những bài thơ viết vội trong chiến trường đặc nghẹt đạn bom song nó là hiện thực cuộc sống, là chất thơ ngồn ngộn được thăng hoa qua tâm hồn người chiến sĩ để rồi nó đã lưu lại trong lịch sử thơ ca Việt Nam như những bài thơ hay nhất, sánh vai với những bài thơ bất hủ của các dòng thi ca trước đó. Đánh giặc càng thắng lợi thì thơ càng hay, càng chín. Sự nghiệp đánh giặc được đánh dấu bằng một thắng lợi hết sức vĩ dại. Hiện thực sôi động ở chiến trường đi vào thơ bằng cái nhìn tuơi mới. Có thể họ chưa vươn lên được cái tầm cao như hiện thực vốn có. Đó là điều còn trăn trở song cái đó có thể thực hiện được trong tương lai. Đúng lịch sử không lặp lại một sự kiện Đồng khởi, Mậu thân, chiến dịch Xuân Hè 1972, nhưng mỗi người làm thơ lại được nghĩ và viết những sự kiện đó trong suốt đời mình. Một loạt trường ca ra đời sau 1975 vẫn còn nóng hổi hiện thực chiến trường. Đây là một hiện tượng văn học được biết đến bằng nhiều tên tuổi tác giả.

 

Lớp nhà thơ trẻ tiếp bước cha anh viết tiếp những bản trường ca dân tộc, vẫn là những gương mặt trẻ ấy: Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Anh Ngọc... Họ đã mang đến một tư thế mới, một thế đứng mới từ chỗ đóng khung trong lĩnh vực đời riêng đã mở rộng sang lĩnh vực đời chung. Chữ tôi trong thơ mang một tâm thế hoàn toàn mới mẻ. Đó là cái tôi chung, cái tôi cộng đồng, cái tôi giai cấp, cái tôi thế hệ. Có lúc thơ phải bằng lòng một sự phiến diện tự nguyện để yên lòng người đánh giặc. Chiến tranh kết thúc, lịch sử sang một trang mới, thơ mới có điều kiện phát huy sức mạnh tiềm tàng của chủ nghĩa hiện thực. Các nhà thơ trẻ đã tận dụng đặc điểm đó để hoàn thành tác phẩm có dung lượng thơ cao về chiến tranh với những xúc động chân thực nhất. Đến năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, lớp trẻ thực sự có một giọng thơ riêng, khác biệt với 2 lớp đàn anh có một ảnh hưởng khá rộng trong độc giả thanh niên. Một số cây bút có thể in và được giải sau 1975, những tác phẩm của họ đã viết trong chiến tranh hoặc đề tài, chủ đề đều thuộc về thời kỳ đó như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh...

Và sâu sắc đằm thắm hơn nữa mỗi nhà thơ trẻ luôn mang nặng lòng biết ơn với thế hệ đi trước. Có thể nói thế hệ nhà thơ lớp trước đã truyền sức mạnh ngòi bút cho đội ngũ làm thơ trẻ sự vững vàng, ý thức chính trị xã hội, lòng yêu nước đúc kết qua bốn ngàn năm lịch sử. Chính vì vậy, trong cuộc chiến này không “so le đứt đoạn giữa lớp trước lớp sau, các thế hệ cùng có mặt bên nhau trong trận tuyến đánh Mỹ” (1). Đó chính là nguồn của cải, trí tuệ phong phú của thế hệ nhà thơ lớp trước mà người cầm bút trẻ đã kịp thơì lĩnh hội, kết hợp với tầm nhìn, vốn hiểu biết được tiếp cận trong nhà trường đã khẳng định được sức mạnh của mình: vừa đánh giặc lại vừa làm thơ. Nó có thể là những bài thơ viết vội trong chiến trường đặc nghẹt đạn bom song nó là hiện thực cuộc sống, là chất thơ ngồn ngộn được thăng hoa qua tâm hồn người chiến sĩ để rồi nó đã lưu lại trong lịch sử thơ ca Việt Nam như những bài thơ hay nhất, sánh vai với những bài thơ bất hủ của các dòng thi ca trước đó. Có lẽ vậy mà thơ chống Mỹ đã bỏ lại sự yếu đuối uỷ mị sướt mướt, cái tư thế chỉ đắm đuối vào tình yêu, và một chút đau mất nước của thơ mới; là tiếng nói, người phát ngôn của một Tổ Quốc vừa anh dũng dành độc lập tự do, lại anh dũng lấy máu viết lên những trang sử chống xâm lăng oanh liệt nhất. Dù ở phương trời nào, hoàn cảnh nào người cầm bút làm thơ biết tạo cho mình sự duyên dáng trẻ trung rất riêng. Hai mươi năm đánh giặc làm thơ: đánh giặc càng thắng lợi thì thơ càng hay, càng chín. Sự nghiệp đánh giặc được đánh dấu bằng một thắng lợi hết sức vĩ dại. Hiện thực sôi động ở chiến trường đi vào thơ bằng cái nhìn tuơi mới. Có thể họ chưa vươn lên được cái tầm cao như hiện thực vốn có.

Thơ chống Mỹ đã vượt qua cái “hiệu lực văn chương” mà đến với người làm thơ. Và đội ngũ người làm thơ cũng từ chính hiện thực sôi động ấy để vắt cùng kiệt niềm đam mê sống và viết. Đội ngũ những người làm thơ trẻ mang đến nét tuơi mới cho cả một nền thơ. Ngoài thành tựu về số lượng tác phẩm, thành tựu về đội ngũ cho phép ta tin tưởng ở tương lai. Những cái nhìn trẻ hơn, những cảm xúc hồn nhiên, chân thật, những nắm bắt chất liệu nhạy bén, những cấu trúc táo bạo, những dung hoà tinh tế... đã gây được sự chú ý tin yêu của người đọc. Đội ngũ làm thơ đang sống trong ánh sáng rực rỡ của thời kỳ mới, thử thách trong nhiệm vụ khó khăn, vẻ vang của thời kỳ mới lại vẫn được sống trọn vẹn những kỷ niệm sôi sục của thời kỳ cách mạng đã qua. Trách nhiệm nặng nề hơn và cũng đầy thuận lợi bù đắp những khiếm khuyết chưa bù dắp được.

 

Vấn đề đội ngũ người làm thơ có thể còn nhiều vấn đề đáng bàn, thôi thúc sự quan tâm của mọi người. Từ sự đảm nhiệm tự nguyện phải tiến tới sự đảm nhiệm có tổ chức. Từ sự nảy nở những tâm hồn giàu sức chiến đấu phải tiến đến những cây bút có bản lĩnh chiến đấu cao. Từ sự say mê vừa đánh giặc vừa làm thơ phải tiến tới những cảm xúc thơ ca có hiệu suất cao như vũ khí. Xây dựng một đội ngũ như vậy là công việc của một chặng đường rất dài. Song có thể nói hầu hết thế hệ nhà thơ thứ 3 hình thành trong bối cảnh chiến tranh và tập trung nhất vào khoảng mười năm 1965-1975 đã làm nên những điều kì diệu. Và những nhà thơ thế hệ chống Mỹ đã có được cái cơ may mà không phải thế hệ nào cũng có, là được “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” với nhân dân mình như Xuân Diệu đã viết một cách thực lòng.

Sự tự nhận thức, tự thể hiện của thế hệ nhà thơ trẻ mãi mãi là tấm gương sáng về thái độ sống, cách sống, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước. Những trang thơ ra đời thời kỳ này như thẫm đẫm chất hùng ca như một dòng sông hào hùng chảy xiết bất tử cùng năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc thời kỳ chống Mỹ cứu nước. 

Tác giả: Lê Bích Hồng

Nguồn tin: CPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây