Nguyễn Tuân - trái núi cao xanh

Thứ hai - 05/07/2010 22:35 2.577 0

Nhà văn Nguyễn Tuân (phải). Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Tuân (phải). Ảnh tư liệu.
Trong số những nhà văn lớn của dân tộc, Nguyễn Tuân là người chiếm được nhiều trang viết và bình về ông, về tác phẩm của ông một cách kỳ ảo và tung tẩy nhất.

Có lẽ do cái “chất xúc tác Nguyễn Tuân” đã làm nên hiệu ứng như vậy. Nguyễn Tuân đã đưa vào văn chương Việt thành công cái “tôi” lớn lao của con người xã hội, con người chủ thể, con người sáng tạo. “Nói đến Nguyễn Tuân, người ta thường hay nghĩ đến một cái “tôi” đặc biệt tài hoa, nhưng cũng hết sức tài tử” ( theo Nguyễn Đăng Mạnh).

Ngày nay, những tác giả trẻ thường hướng tới sự tìm tòi cách tân câu chữ thế nào cho hay cho lạ. Nếu đọc lại Nguyễn Tuân sẽ thấy cái hay cái lạ của ông đã trải trên những trang viết cách nay hàng nửa thế kỷ; sẽ nhận ra rằng văn ông vẫn mãi hay, lạ, và thật khiến cho người viết những thế hệ đi sau mãi ngẩn ngơ vì vẻ đẹp và sự trẻ trung trong từng câu chữ, từng cách hành văn, lối đặt dấu chấm phảy. Đôi lúc Nguyễn Tuân lại làm cho kẻ hậu sinh giật mình vì sự “gàn” sự “ngông”. Tự hỏi, ngày ấy ông đi qua bao biến chuyển, bao đổi thay, bao định kiến bằng cách nào? Lại tự trả lời, thì đấy, những câu chữ đẹp, những chuyện đời chuyện người giản dị và trong sáng giữa bao thăng trầm trong vận mệnh dân tộc chắc chắn là con thuyền vững chãi đưa ông vượt thoát ghềnh thác một cách ngoan cường và dũng mãnh. Ông là tượng trưng cho trái núi sừng sững vừa già dặn trong bút pháp, vừa trẻ trung và xanh tươi trong cách thể hiện…

Sự nghiệp của Nguyễn Tuân chủ yếu được nhắc đến là những tác phẩm ở thể tùy bút và bút ký. Ông đã tung hoành suốt nửa thế kỷ với thể loại này, đặc biệt là tùy bút. Ông chọn thể loại đắc địa này có lẽ do đây là thể văn xuôi cho phép người viết được tự do phóng bút, dẫn dắt người đọc theo những ý tưởng nảy sinh trong tác giả. Ở tùy bút, cái tôi được hiện hình, được bắt đầu, trở thành phương tiện để chuyển tải thông điệp đến bạn đọc.

Ở thể truyện ngắn, cái tôi của ông cũng thấp thoáng, bằng nhiều cách. Ví dụ, trong tác phẩm tự truyện, ông đề “Kính tặng tôi”; ông đưa chính ông vào nhân vật Lịch, một người tù cách mạng trong Chùa Đàn, mà khi đọc ai cũng biết đó chính là ông, người từng bị thực dân Pháp bắt 2 lần vì làm cách mạng…

Nguyễn Tuân luôn gây sự lạ còn ở cách đặt tên truyện, tên phần, như Tâm sự của Nước Độc trong Chùa Đàn; Chữ người tử tù; Cô Dó; Chém treo ngành…

Nguyễn Tuân lại là người tiên phong trong sự “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Lạ và cách tân, nhưng vẫn giữ được cốt cách dân tộc, trong sáng và trữ tình, triết mà minh. Ông viết về cái thú “đánh thơ”, “thả thơ”, uống rượu nhắm với cuội bọc kẹo mạch nha ướp hương lan và ngâm thơ (Hương cuội). Ông viết về thú uống trà sành sỏi bằng “những chiếc ấm đất” nung và thú nhắp “chén trà sương”. Ông viết về nỗi khao khát cháy bỏng muốn có một hàng chữ đẹp do một văn nhân sắp bị xử tội chết viết (Chữ người tử tù). Nhưng đặc biệt ông đã đưa vào văn chương Việt một huyền thoại mang dấu ấn của thế kỷ hai mươi trên nền huyền thoại cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh. Đó là truyện ngắn Trên đỉnh non Tản, mà như nhà văn Xuân Cang đã nhận xét: “Trên bức tranh Vang bóng một thời sừng sững một mảng xanh xanh non Tản óng ánh một tình yêu thiên nhiên chí thiện”.

Với tôi, Nguyễn Tuân là một trái núi cao. Tôi chưa bao giờ kịp có thời gian để dợm bước chân nơi cái trái núi ấy để biết kỹ càng có bao nhiêu mạch nguồn, bao nhiêu cây đại thụ mọc lên, thậm chí có cả bao nhiêu cỏ dại yếu ớt bám vào. Nguyễn Tuân và những nhà văn nhà thơ đi trước đã tạo ra dòng chảy văn chương của dân tộc và thời đại. Với ảnh hưởng to lớn của Nguyễn Tuân và lớp cha anh, đã có bao nhiêu áng văn thơ ra đời, tiếp nối.

Sự kiêu hãnh mà chân tình, sự ngông mà giản dị trong bút pháp và cả trong lối hành xử việc đời của một người viết như Nguyễn Tuân, đã thắp sáng cho thế hệ chúng tôi bước đi, cho cả thế hệ các tác giả trẻ hơn tôi nữa cùng tiếp nối, dù đôi lúc, hết thảy những người viết chân chính phải đơn độc trên con đường thiên mệnh.

Đối với những người viết trẻ, học Nguyễn Tuân không chỉ học ở chữ, học ông là học sống, lao động, chọn hướng đi cho đời văn nghiệp. Hướng đi đó là dâng hiến đời văn, tài văn cho nhân dân, cho văn hóa dân tộc. Đó là lẽ sống của những con người cao cả, những nhà văn chân chính.

(Tham luận tại Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyễn Tuân (10/7/1010 - 10/7/2010) tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 5/7)

Tác giả: Võ Thị Xuân Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây