Nghĩ về thơ Việt đương đại

Thứ hai - 24/05/2010 19:40 2.488 0

Nghĩ về thơ Việt đương đại

Cần công nhận một điều là bằng cái nhìn khách quan thì thơ ta chưa tạo được một vệt đậm, một địa vị khả quan trên nền thơ thế giới như công chúng mong đợi, mặc dù, thơ Việt Nam không ít thành tựu và hứa hẹn nhiều tiềm năng…

1. Mở rộng biên độ cảm xúc và đối tượng thẩm mỹ là nhu cầu thiết yếu

Cái mới của thơ trước hết đó là cách cảm xúc mới của con người Việt Nam đương đại, nổi bật là xúc cảm của nhà thơ trước cuộc sống hiện tại, một cuộc sống sôi nổi trong một đất nước độc lập đang trên đường phát triển, hội nhập trong một thế giới không còn chia cách. Từ cái xúc cảm mới mẻ này nó kéo theo những mới mẻ khác của đặc trưng nghệ thuật, của thi pháp mà truyền thống chưa có. Nếu cảm hứng thời ấy là lý tưởng cứu nước thì cảm xúc của con người thời nay mở rộng hơn nhiều. Cái Mới của thơ bắt nguồn từ sự mở rộng biên độ cảm xúc này. Từ Chủ nghĩa anh hùng mở rộng sang quỹ đạo Chủ nghĩa nhân đạo. Hình như đó là con đường đi chung của văn học Việt trong lịch sử qua nhiều thế kỷ khi đất nước từ thời chiến chuyển sang thời bình, con đường đi từ Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)… đến Đoạn Trường Tân Thanh (Nguyễn Du), Mai đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ), Truyện hoa tiên(Nguyễn Huy Tự)… từ Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) đến thơ văn Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Lòng yêu nước vẫn là một nội dung quan trọng, nhưng những chủ đề đạo lý, thế sự cũng như những vấn đề riêng tư cá nhân ngày càng được lưu ý. Nói một cách khác thơ thời nay thể hiện đầy đủ, toàn vẹn tình cảm con người, vẻ đẹp của Cái Tôi nhân bản trong thơ hiện đại cũng chính là vẻ đẹp của Cái Ta muôn thuở của thi ca.

Cái mới của sự xúc cảm, của chiều sâu trí tuệ, của cách nhìn cuộc sống tạo nên Cái Mới của thơ chứ không phải là những mô-típ, những hình ảnh mô phỏng hoặc những biểu hiện có vẻ là lạ của hình thức nghệ thuật, của ngôn ngữ thi ca… Lịch sử thơ ca Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc đổi mới và cuộc nào cũng lấy cơ sở từ những biến động lớn lao của lịch sử làm nảy sinh những tình cảm, suy nghĩ mới mẻ đưa đến sự thay đổi diện mạo thi ca. Mạch chính của thơ Việt hiện đại vẫn là loại thơ bắt rễ vào đời sống dân tộc vào thân phận “con người số đông” với bao chìm nổi cay cực nhưng luôn biết vượt lên làm chủ số phận, đồng thời hàm chứa chiều sâu tư tưởng, triết lý và mỹ cảm thời đại. Giọng thơ ca ngợi hào sảng, cái giọng thơ chủ lưu một thời với nhiều vẻ đẹp từ trí tuệ đến dân giã, từ cao sang đến bình dân hiện nay phát triển hoà vào dòng chảy nhân ái về thế sự, biểu lộ lòng trắc ẩn đến những thân phận không như ý, đến những suy nghĩ về tự do, về hạnh phúc đích thực của con người được giải phóng trong một “thế giới phẳng”, không chia cách cường nhược giàu nghèo. Khi xã hội tiêu thụ đang biến tất cả thành hàng hoá thì thơ ca hướng con người đến vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp đạo lý. Thơ không phải lời giáo huấn suông nhưng cũng không là trò chơi ngôn ngữ mà là những vấn nạn nhân sinh ăn sâu vào ý thức đến tiềm thức…

Việc mở rộng biên độ cảm xúc trong thơ gắn liền với việc mở rộng phạm vi đối tượng thẩm mỹ. Đề tài của thơ không còn độc tôn cho những vấn đề thời sự chính trị, những vấn đề gắn với thông tấn báo chí, thơ có thể đề cập đến mọi vấn đề của đời sống con người miễn là với “cái nhìn của Thơ” để tái hiện chân lý cuộc sống. Mượn cách nói của Marx- Không có gì thuộc về con người xa lạ với thơ! Hay nói như cụ Nguyễn Du hai trăm năm trước: Trên mặt đất nơi nào chẳng có văn chương (Đại địa văn chương tuỳ xứ kiến). Nhiều sự kiện đời thường được thể hiện và để lại dấu ấn thật sâu sắc trong thơ. Một hạt mưa nơi góc chợ nhưng trong cái nhìn thơ ca đã gợi nên trong tâm tư người đọc bao suy nghĩ: “Góc chợ, Chiếc lon rỗng, Hạt mưa mồ côi” như trong một bài haiku vừa đây tôi được đọc. Sự phân chia đề tài này cao sang, thứ kia tầm thường, thứ này thuộc địa hạt của thơ, thứ kia của văn, thứ nọ của kịch… ngày nay ít được lưu tâm… Có lúc người ta thường hay nhắc đến các loại chủ đề lịch sử, chủ đề thế sự, chủ đề trữ tình cá nhân như là những đặc điểm phát triển song hành của từng thể loại với bối cảnh đời sống. Thực tiễn nghệ thuật đương đại cho thấy tất cả đều có mặt trong các thể loại, duy cách khai thác và thể hiện thì mỗi thể loại thực hiện theo cách riêng. Tính chân thực nghệ thuật bởi vậy rất đa dạng, phong phú…

Mở rộng quan điểm này chúng ta bàn đến một nội dung được nhiều tác giả lưu tâm bàn thảo, đó là vấn đề tình yêu-tình dục, vấn đề trước đây tuy không phải hoàn toàn cấm kỵ nhưng vì các yêu cầu khác của đời sống bức thiết hơn nên các tác giả không tiện nói đến nhiều, thì nay đã là một mảng khá đậm trong thơ ca nói riêng và văn học nói chung và cái “bản năng dục tính” được xem như một đặc trưng của bản thể người “Tính dục là lực lượng bản chất của con người trong việc theo đuổi một cách mãnh liệt đối tượng của mình” (Marx), những tác phẩm đó ít nhiều làm thay đổi lối đọc cũ, tạo được một mỹ cảm mới nơi người đọc. Từ cái “sex” hơi mờ ảo đạo lý của văn chương trung cổ, qua cái “sex” bay bướm của cảm xúc tự do cá nhân thời văn chương lãng mạn cho đến cái “sex” mạnh mẽ hài hoà tình cảm và bản năng thời nay, đó là con đường đi của yếu tố nhục cảm trong thơ ca Việt Nam từ trung đại! Nó góp phần mở rộng biên độ tình cảm cho nền thơ đương đại.

2. Thiên về hướng nội

Chúng tôi nói Thơ ca đương đại Việt Nam “thiên về hướng nội”, không có nghĩa là nó chỉ toàn “hướng nội” mà muốn giới thuyết ở phương diện nó “mạnh” hơn, thành công hơn phía kia- thơ hướng ngoại, thơ thông tấn, thơ tự sự- vẫn đang tồn tại và không phải không có những thi phẩm được người đọc chấp nhận. Mọi người đều thấy rõ thế kỷ XX các phương tiện nghe nhìn, kỹ thuật truyền thông phát triển nhanh chóng, bây giờ cái nhu cầu ghi lại chân dung, ghi lại bối cảnh hoặc sao chép thiên nhiên trở thành quá đơn giản trớc các phương tiện nhiếp ảnh số, video… Để tồn tại thơ ca cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác tìm đường đi riêng cho mình, phát huy cái sở trường, thu hẹp cái sở đoản. Tất cả đi vào cái khuynh hướng trình bày những suy nghĩ, cảm nhận về đời sống chứ không tái hiện cái hình thể đời sống. Thơ cũng vậy, giữ cái thế thượng phong của mình, thơ đi vào hướng nội thể hiện cái bề sâu tâm hồn cái bề cao của nhận thức chân lý cuộc sống thông qua ký hiệu ngôn ngữ. Bởi vậy thiên về hướng nội là một nhu cầu, cũng là một yếu tính của thơ ca đương đại, các biện pháp có tính hướng ngoại cũng cần thiết nhưng có lẽ luôn là phương thức phụ trợ.

Trước đây ta hay bắt gặp trong thơ hình tượng các nhân vật đứng độc lập với đầy đủ các sự tích như là đối tượng thẩm mỹ chính, nhưng một sự thật dễ thấy là nay các tác giả ưa bộc lộ thẳng tâm tình, suy nghĩ của mình đối với thế sự hơn. Quán triệt điều đó, trong thơ đương đại, thủ pháp xây dựng hình tượng chủ thể trữ tình và nhân vật trữ tình thường tích hợp làm một. Tác giả thường bộc lộ trực tiếp suy cảm của mình hoặc hoá thân vào nhân vật. Trong các thi phẩm tiêu biểu của các tác giả trẻ hoặc trên các trang thơ văn nghệ thi thoảng có một vài nhân vật xuất hiện thì đó cũng chỉ là những nhân vật viết theo bút pháp ẩn dụ, tượng trưng thể hiện một thông điệp ngầm của tác giả chứ không phải là một nhân vật thực tế cụ thể- lịch sử. Phải chăng vì thơ đương đại muốn đi sâu khám phá những bí ẩn tâm hồn, những miền tâm tưởng sâu kín, trong những giây phút thoáng qua mà các thể loại khác bất lực? Phải chăng cuộc sống đương đại quá nhiều biến thiên, tấm lòng nhà thơ quá nhiều trắc ẩn mà cách miêu tả như trước đây khó thể hiện được như ý (vì dẫu nhân vật trữ tình trong thơ dù có được miêu tả kỹ lưỡng đến đâu cũng chỉ là những bức ký hoạ mà thôi, khác với các nhân vật trong các loại hình tự sự). Thơ đương đại gần với sự tâm tình, lòng mong mỏi, sự sám hối, lời nguyện cầu hoặc ít ra thì cũng là lời tự thán cho vơi nỗi thế nhân, nó không muốn nêu gương mà chỉ mong đồng cảm, nó không ưa phản ảnh mà chỉ thích suy ngẫm.

Hình tượng thơ hướng nội bí ẩn giàu chiều sâu nội tâm cũng như triết lý tạo được nhiều liên tưởng sâu xa, tạo những ấn tượng thẩm mỹ cao trong lòng độc giả. Thiên về hướng nội, chúng tôi cho rằng trong sự phát triển của mình có những lúc do yêu cầu tình thế nó phải hướng đến những nhiệm vụ bên ngoài. Marcel Reich Ranicki- nhà lý luận đương đại CHLB Đức- đánh giá rất cao tiếng nói nội tâm của nhà thơ trong sáng tạo: “Nhà viết kịch tìm cách kéo sự chú ý của người đọc vào nhân vật của mình, và nhà tiểu thuyết thu hút sự quan tâm của chúng ta đối với thế giới mà ông ta muốn mô tả. Còn nhà thơ ngược lại luôn luôn và trước hết chỉ hướng sự quan tâm đến chính bản thân”. (1)

Có thể tìm thêm một minh chứng cho khuynh hướng hướng nội trong thơ ca đương đại, đó là những tìm tòi thể hiện rõ những bước chuyển trong thể loại trường ca, loại trường ca trữ tình thay thế cho loại trường ca tự sự truyền thống. Đa phần cá tác phẩm trường ca đương đại nổi bật ở yếu tố trữ tình, những nguyên tắc cấu trúc của trường ca truyền thống bị phá vỡ. Cốt truyện sự kiện bị phân rã và cốt truyện tâm lý được đẩy lên đến cao trào. Các tác giả tổ chức trường ca theo một cấu trúc phát triển theo dòng cảm xúc, trong đó độc thoại nội tâm nhiều lúc đóng vai trò chủ đạo, mạch sự kiện chỉ đóng vai trò phái sinh nhờ các liên tưởng ngoại biên. Một tác giả bước đầu có nhiều sáng tác vể thể loại này đã tâm sự: “… Suốt đời tôi trung thành với khát vọng trên đường tìm kiếm cõi thẳm sâu chân thực trong chính bản thân mình…” (Trần Anh Thái). Tâm sự đó phần nào đã mang hơi thở, đã nói rõ khuynh hướng chính của nền thơ đương đại.

3. Cách tân về các hình thái tổng hợp thẩm mỹ, các thủ pháp nghệ thuật để nâng cao hiệu ứng cảm xúc

Một điều dễ nhìn thấy, trong mấy thập niên gần đây hình thức nghệ thuật thơ quả có nhiều biến đổi. Loại thơ thiên về thanh, vần, điệu về cái nhịp nhàng đưa đẩy dần được thay bằng những thi phẩm bộn bề tự do mang âm hưởng đời sống. Các quy luật bằng trắc, các loại vần chân, vần lưng, các nhịp chẵn lẻ không còn mấy tác dụng, tất cả tuỳ biến theo tâm trạng tác giả. Mở rộng trường liên tưởng, tăng nồng độ cảm giác, phối hợp các yếu tố hư ảo, vô thức, tâm linh, siêu thực… nhằm lạ hoá hình tượng thơ được sử dụng với hàm lượng tối đa, không điểm xuyết, chấm phá như trước. Các cặp phạm trù “khả nhiên” theo cách cảm nhận của chủ thể thay cho sự phản ánh “tất nhiên” theo quy luật giả định khách quan. Hình tượng nghệ thuật thơ bởi vậy đa dạng và mới mẻ.

Thơ đương đại, bên cạnh các tác giả vẫn quen cách viết duy cảm, bài thơ phát triển tuyến tính theo mạch tâm tình, các khổ các phần liên kết theo mạch tình cảm, xúc cảm đến đâu dòng thơ ghi lại đến đấy, các tác giả bây giờ sáng tạo tập trung vào hình tượng chính, hình tượng tổng thể, yếu tố trí tuệ chi phối sâu sắc trí tưởng tượng. Nhà thơ ít chú ý đến các biện pháp đơn lẻ mà định hướng vào “hình tượng tổng thể” của toàn bài thơ. Kết cấu bài thơ có thể nhiều tầng, nhiều tuyến. Từng câu thơ có vẻ rời rạc, đứt nối. Đọc từng dòng có khi chưa thấy diễn đạt một ý gì, chẳng có hình ảnh gì mới lạ, nhưng đọc xong toàn bài, suy ngẫm độc giả mới lĩnh hội được cái thông điệp mà tác giả ngầm gửi.

Hình tượng thơ đương đại, để biểu đạt trọn vẹn sâu sắc các thông điệp tác giả gửi tới bạn đọc, thường là một phức thể kết hợp nhiều yếu tố, nhiều biện pháp, từ miêu tả hiện thực một cách cụ thể- lịch sử, thể hiện cuộc sống như vốn có, tiến một cấp chấp nhận các yếu tố tượng trưng, ước lệ, kỳ ảo, đến bây giờ các thủ pháp tổng hợp thẩm mỹ của văn học đặc biệt là thơ đã tiến thêm một bước vào địa hạt tâm linh, vô thức! Văn chương hiện đại phong phú tiến kịp đời sống nhờ mở rộng hình thái tổng hợp thẩm mỹ theo hướng này. Trong trào lưu hội nhập, tiếp thu những yếu tố mới mẻ, tích cực ở các chủ thuyết nghệ thuật hiện đại việc chú ý đổi mới thủ pháp xây dựng hình tượng rất cần thiết, nó giúp cho thơ khi phải xa rời cái áo tu từ giàu lợi thế về nhạc điệu và hình ảnh của ngôn ngữ Việt, để chuyển sang một ngôn ngữ khác vẫn giữ được vẻ đẹp cơ bản của mình, thu hút được sự đồng cảm của độc giả.

Trên bình diện ngôn ngữ, thơ đương đại nói chung lấy việc hoà nhập đời thường làm tiêu chí, sử dụng vốn từ vựng không câu nệ bác học hay dân giã, kể cả từ địa phương, từ tục nhưng để phục vụ cho các thủ pháp xây dựng hình tượng kiểu mới mà ta đã phân tích ở trên, nếu thơ thời trước chú ý đến cú pháp của dòng thơ, câu thơ, thì thơ đương đại chú ý cú pháp toàn bài. Để mở rộng trường liên tưởng của người đọc tô đậm cái hình tượng tổng thể, các tác giả sử dụng các dấu chấm, phẩy, viết hoa, sang dòng… rất phóng khoáng. Có khi cả bài là một câu, lại có khi nhiều câu trong một dòng. Lối vắt dòng tạo đột biến trong cảm xúc, các khoảng lặng gây sự chú ý kéo dài…

Để xây dựng các hình tượng thơ giàu sức biểu hiện, giàu cá tính, các tác giả sử dụng một ngôn ngữ tạo sinh đa dạng, các kiểu ngôn ngữ này khó kết hợp bó mình trong các thể thơ cách luật cũ, luôn tìm cách bứt phá, tạo một kiểu kết hợp mới theo khuynh hướng mở rộng, từ đó hình thành các thể thơ tự do, thơ văn xuôi mà sự ràng buộc nhạc điệu chỉ thể hiện trong các kết cấu nội tại tuỳ biến. Ngay đến một thể thơ truyền thống khá ổn định là thể lục bát thì đến thời nay đã biến thể rất xa so với chính thể. Hướng tới việc thể hiện những nội dung phức tạp của cuộc sống hiện đại, lục bát giờ đây không còn lặng lẽ hiền hoà nó cũng vắt dòng, leo thang, cũng thay vần, đổi nhịp, tiết tấu tuỳ biến theo khuynh hướng tự do hoá. Nó vẫn dân giã, nhưng phóng khoáng và hơi bụi bụi, mang âm hưởng thời mở cửa.

Đi vào quỹ đạo nền thơ thế giới, mấy năm qua các cây bút trẻ tiếp thu nhiều yếu tố mới mẻ, tích cực ở các phong trào thơ Âu Mỹ như Tân hình thức, thơ ngôn ngữ, thơ trình diễn, đặc biệt cái từ trường đang lôi kéo các nhà văn, thi sĩ đi tìm cái mới là “lối viết hậu hiện đại”, nhiều tác giả đã thu được một số điều bổ ích trong quá trình sáng tạo, nhiều yếu tố mới có mặt trong thơ của một số nhà thơ trẻ như lối kết cấu đa tầng, hình tượng kỳ ảo- huyễn tưởng, cắt dán- lắp ghép, tục hoá và giễu nhại… Nhiều thủ pháp tân kỳ mới nhập vào từ nền thơ phương Tây, tuy chỉ tồn tại như những khúc dạo đầu nhưng cũng có nhiều hứa hẹn…

4. Triển vọng một mùa hội nhập thi ca mới

Trên con đường làm mới thơ ca, mỗi trào lưu có một mã số thẩm mỹ riêng, người đọc muốn cảm thụ tốt cần biết cáchgiải mã để tiếp cận tác phẩm. Cái mã số thẩm mỹ của thơ ca ngày nay phải là cái mã số thẩm mỹ có dấu ấn trong nền thơ thế giới. Chúng ta cần chú ý hài hoà cái bản sắc dân tộc, truyền thống, và cái chuẩn mực mà thế giới hướng đến! Bao nhiêu năm cái phẩm chất anh hùng nổi bật trong đời sống dân tộc đã được văn chương ta ghi lại khá nổi bật, tuy nhiên so với các nền thơ khác các phạm trù thẩm mỹ phổ quát như cái cao cả, cái bi, cái thấp hèn thì quả thật thi ca ta còn có khoảng cách, ngay cái đẹp cũng chưa thể hiện thật đầy đặn, nên chăng trong hướng đi tới bằng những hình thức tổng hợp thẩm mỹ đậm đà bản sắc dân tộc thơ ta cần hoá giải cái khoảng cách đó để tiếp cận hoàn hảo thị hiếu thẩm mỹ cộng đồng nhân loại. Những tiền đề đã có trong thơ đương đại, nhiều tác giả đang hướng tới.

… Dương Bích Liên uống rượu/ lặng im/ và vẽ/ Những đối cực/ đã tuyệt vời hài hoà trên mặt vải/ những tiếng kêu bi thương, cuồng nộ/ đã tan trong lặng thinh kỳ bí/ và rượu đã thay cho mọi loại ngũ cốc/ Rồi ra đi/ như một vì sao/ chợt tắt giữa bao la… (Ý Nhi- Đắc đạo- Văn nghệ 19-2009).

Liệu mấy mươi năm trước, hình ảnh trọn vẹn đầy sức hấp dẫn chân thật về cái bi và cái cao cả của tâm hồn và số phận người nghệ sĩ được thoải mái biểu hiện trước công luận và làm say lòng người đọc bởi những lời thơ như vậy? Cái mới nghệ thuật đã mang đến cái mới cho sự tiếp nhận thẩm mỹ của độc giả.

Đi cho đúng lối để vào mạch nguồn thơ ca đích thực khó khăn làm sao, vì như Hêghen đã từng quan niệm: thơ là sự biểu hiện hoàn hảo của tinh thần. Có khiêm tốn chăng khi ta nói thơ Việt đang trong buôi đầu, đang ở nơi ngưỡng cửa nền thơ thế giới, hội nhập tuy có chậm trễ nhưng đầy hy vọng. Trước năm 1975, thơ ca hiện đại Việt Nam ít có cơ hội xuất hiện ở phía bên kia của thế giới “chỉ đến những năm cuối cùng của thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nghĩa là khoảng gần 30 năm trở lại đây, thơ ca hiện đại Việt Nam bắt đầu mới xuất hiện trước bạn đọc của nhiều nước trên thế giới…” (2).

Đó là về thời gian, về định lượng, còn về giá trị, về định tính, chắc chắn rằng nhiều tác giả và tác phẩm thi ca của ta tuy đến chậm nhưng ít nhiều đã có chỗ đứng trong lòng độc giả bè bạn (nhiều hội thơ, nhiều tuyển thơ các nước đã có tác giả Việt xuất hiện, một vài thi phẩm đã được dịch, độc giả các nước đánh giá cao). Dẫu vậy thì cũng cần công nhận một điều là bằng cái nhìn khách quan thì thơ ta chưa tạo được một vệt đậm, một địa vị khả quan trên nền thơ thế giới như công chúng mong đợi, mặc dù, thơ Việt Nam không ít thành tựu và hứa hẹn nhiều tiềm năng…

---------------
(1) Marcel Reich Ranicki - Một lời biện hộ cho thơ - bản dịch Trương Hồng Quang - Tạp chí Sông Hương - 6/2009
(2) Nguyễn Quang Thiều - Thông điệp về Cái đẹp và Tự do - Tham luận trình bày tại Hội thảo “Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hoá” tổ chức tại làng Manhea, Hàn Quốc

Tác giả: Hà Quảng

Nguồn tin: Tạp chí Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây