1. Ở ta không biết tự bao giờ, trong số đông, đã hình thành một hệ giá trị: lý luận là nhất, nghiên cứu thứ hai, còn phê bình thì đứng đội bảng. Bởi thế mở nghiệp bằng phê bình và dựng nghiệp bằng nghiên cứu là đại lộ quen thuộc của nhiều người.
Phê bình, với họ, chỉ là chút hương hoa của cái thuở ban đầu cầm bút khó mà làm nên trò trống gì. Đấy là chưa kể còn dễ chuốc vào thân cái vạ vịt. Tôi nghĩ khác. Mặc dù đã là tác giả của Mắt thơ, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực và Từ cái nhìn văn hóa, những cuốn sách cũng có thể gọi là nghiên cứu, tôi vẫn cứ nhận mình là người viết phê bình. Không phải tôi giàu đức khiêm tốn giả vờ, mà đơn giản tôi chỉ dị ứng với mọi sự xếp hạng. Phê bình cũng ngang bằng với nghiên cứu, lý luận, văn học sử, sáng tác. Khác nhau là ở đẳng cấp chứ không phải ở ngành nghề. Hẳn Chế Lan Viên cũng không thể coi một nhà sáng tác thơ chưa vượt cấp báo tường hơn nhà phê bình Hoài Thanh.
Một tiêu chí để khu biệt phê bình đó là tính đương đại. Phê bình là phải gắn với thời cuộc, với đương đại. Nhưng gắn với đương đại không có nghĩa là chỉ viết về những sáng tác đương đại, mà, quan trọng hơn, là viết với tinh thần đương đại, tri thức đương đại, phương pháp tiếp cận đương đại, giải đáp những vấn đề của và cho đương đại. Đương đại không chỉ gắn với mặt bằng Việt Nam, mà cả thế giới nữa. Nếu có một tình thần đương đại như vậy thì đối tượng phê bình dù là sáng tác đương đại hay sáng tác của thời quá khứ phỏng có quan trọng gì. Làm sống người chết (tức phê bình tác giả quá khứ) và làm chết người sống (tức phê bình tác giả đương đại) cũng là phê bình cả thôi.
2. Nhà thơ Xuân Diệu có một nửa sự nghiệp là phê bình, thế mà ông còn nói: nhà phê bình giống như kẻ cầm lọng che cho quan. Quan to thì hắn to, quan nhỏ thì hắn nhỏ. Hẳn biết thế nên Xuân Diệu chỉ viết về những nhà thơ lớn. Còn ai không biết mà lọng xanh che dái ngựa thì có ngày bị đá vỡ mặt. Nhưng điều tôi muốn nói qua “ví dụ Xuân Diệu” là cái thân phận hèn mọn của nhà phê bình ở ta, điều đã làm cho anh Vương Trí Nhàn nhiều “thương thân, tủi phận”.
Tôi nghĩ nhà phê bình nên tự trách mình, dĩ nhiên không phải theo cái công thức Nho giáo tự tiên trách kỷ..., hay tự phê và phê. Mà bởi lẽ, hơn ai hết,nhà phê bình biết rằng tính cách làm nên số phận. Nếu anh ta vui lòng với công việc che lọng thì phải chịu số phận ăn theo. Nếu anh ta chỉ làm việc gác cửa thì rất dễ bị thất nghiệp vì đó là một nghề lao động giản đơn không cần năng khiếu và không cần đào tạo. Nếu anh ta có ý định dạy dỗ các nhà văn làm văn thì đã làm việc dại dột là đem sở đoản của mình để đọ với sở trường của người. Với các tư cách trên thì nhà phê bình đã đào mồ trong lòng nhà văn để tự chôn mình. Phê bình như vậy không mang lại lợi ích gì cho sáng tác ở phương diện văn chương nghệ thuật. Bởi vậy, cuộc đối thoại giữa người phê bình và người sáng tác là cuộc đối thoại của những người điếc (chứ không phải khiếm thính).
3. Có lẽ, đã đến lúc phê bình phải tìm cho mình một mảnh đất riêng của mình. Riêng theo cái nghĩa là trên mảnh đất ấy chỉ có nhà phê bình mới trồng cấy được. Riêng như vậy thì càng riêng bao nhiêu, càng tốt cho chung (xã hội) bấy nhiêu. Nghĩa là, nhà phê bình không chỉ có phê bình sự thật, tức phê bình cái nội dung được phản ánh vào tác phẩm là đúng hay sai, giống hay không giống với thực tế ngoài đời hoặc với những nguyên lý nào đó, mà có cả phê bình giá trị, tức đi tìm và lý giải cái đẹp của tác phẩm. Hay nói sát sườn hơn, theo Roman Jakobson, là tìm hiểu nhà văn làm thế nào mà biến một thông tin tiêu dùng thành một thông tin thẩm mỹ. Như vậy, đối tượng ưu tiên của phê bình bây giờ là tính văn chương, tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ, cái làm cho tác phẩm trở nên trường tồn, cái tạo nên sự dung thông giữa nhà văn và bạn đọc (vì nhà phê bình cũng chỉ là một bạn đọc, dù có là “siêu độc giả” đi nữa!) bât chấp những khoảng cách không gian và thời gian, những rào cản ngôn ngữ.
Nói theo một quy ước thô thiển, lao động của nhà văn cần tới 70% trực giác nghệ thuật và chỉ 30% luận lý khoa học, còn lao động của nhà phê bình, ngược lại, 70% luận lý khoa học và 30% trực giác nghệ thuật. Khi sáng tác, nhà văn như rơi vào trạng thái lên đồng, những xung lực vô thức được huy động, bởi vậy chiều kích tác phẩm thường rộng dài hơn ý đồ tác giả, hay nói cách khác ở tác phẩm có nhiều điều mà chính tác giả cũng không ngờ tới, thậm chí không nhận biết. Đó là cấu trúc chìm của tác phẩm, một thứ kim quí nằm sâu trong lòng đất. Chính ở chỗ này, nhà phê bình với trực giác nghệ thuật của mình phải ngửi thấy được, còn nếu tịt mũi thì chịu. Rồi anh ta phải dùng các tri thức khoa học, các phương pháp hiện đại “moi” nó lên từ lòng sâu tác phẩm để trình người đọc thưởng thức, tức phải hình thức hóa, định lượng hóa cái nghệ thuật, phải hữu thức hóa cái vô thức. Công việc này đòi hỏi các nhà phê bình không thể ỷ vào cảm thụ, ấn tượng, năng khiếu, hoặc sự lợi khẩu, mà phải học hành, phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghĩa là phải có khoa học. Nhưng đây là phê bình văn học, một đối tượng hết sức tế nhị, nên phải có một nghệ thuật trình bày không trong suốt như ở một luận văn khoa học. Tác phẩm phê bình phải như một con cá vẫn bơi lượn giữa rong rêu chứ không phải chỉ là bộ xương cá. Phê bình, vì thế, như tôi đã nhiều lần phát biểu, đi giữa khoa học và nghệ thuật. Nhà phê bình cũng là nhà văn, nhưng khác anh ta ở chỗ nếu nhà văn lấy đời sống làm vật liệu để xây dựng tác phẩm, thì nhà phê bình lấy ngay tác phẩm của nhà văn làm vật liệu xây dựng tác phẩm của mình. Sự “ăn theo” của nhà phê bình (cũng như nhà văn ăn theo hiện thực đời sống) chỉ ở vật liệu, còn đồ án kiến trúc thì chính anh ta phải thiết kế lấy. Đây là chỗ tự do của nhà phê bình. Nhờ thế mà, cùng với hình ảnh nhà văn, hình ảnh nhà phê bình có một giá trị độc lập. Nhà phê bình đồng hành với người đọc trong cuộc du ngoạn thẩm mỹ để qua đó phát hiện và khẳng định bản thân mình.
4. Trên đây chỉ là quan niệm về phê bình văn học của tôi, một tín niệm cá nhân. Nhấn chữ của tôi là để không áp đặt người khác. Bởi trên thực tế còn tồn tại nhiều kiểu nhà phê bình khác tùy sự lựa chọn theo tạng của mỗi người cầm bút. “Loại hình học các tác giả phê bình" hiện nay, theo tôi, có ba: phê bình báo chí, phê bình chuyên nghiệp và phê bình ngẫu cảm. Phê bình báo chí là những nhà phê bình ứng chiến, hay xuất hiện trên các mặt báo, hoặc giữ chuyên mục điểm sách hay phê bình nào đó của một tờ báo. Bài viết của họ phát hiện, giới thiệu những tác phẩm hay, những tác phẩm “có vấn đề”, hay những vấn đề của đời sống văn học. Họ giúp độc giả chọn sách đọc, nhận chân cái đẹp, hướng dẫn, thậm chí tạo ra, dư luận. Một nền văn học mà vắng các nhà phê bình này là một nền văn học chết.
Phê bình chuyên nghiệp là loại phê bình được đào tạo và, quan trọng hơn, biết tự đào tạo. Nhưng hơn tất cả những điều đó là dường như được hoặc bị dẫn dắt bởi một thiên chức, một cái nghiệp (karma). Họ là những người chịu chơi (dấn thân), dám chơi và dám trả giá cho sự lựa chọn nhiều khi như đánh cược của mình. Họ có khả năng khiếu, có trình độ chuyên môn sâu, có văn hóa rộng, đặc biệt nắm được tinh thần của thời đại, nhất là thời đại lớn, và đem tinh thần đó vào phê bình. Phê bình chuyên nghiệp không lấy khen, chê làm mục đích. Nó cốt khám phá cái hay, cái đẹp, những vấn đề, còn sự khen chê chỉ là cái đến sau, toát ra một cách tự nhiên từ một tình thế lập luận nào đó. Tôi dùng chữ chuyên nghiệp để chỉ loại phê bình này vì muốn khu biệt nó với phê bình chuyên nghề, tức phê bình của những người được nhà nước phân công như một nghề để ăn lương. Người chuyên nghề là người có điều kiện nhất để trở thành chuyên nghiệp, còn có thành hay không thì lại là chuyện khác. Còn người, vì một lý do nào đó, không được phân công làm nghề, nhưng nặng nghiệp, thì vẫn có thể trở thành chuyên nghiệp, miễn là đạt đến một trình độ chuyên môn cao, dẫu rằng phải mang tiếng chân ngoài dài hơn chân trong. Sở dĩ tôi phải phân biệt tỷ mẩn như vậy vì vẫn có những người lấy cớ anh Thái Bá Vân có biên chế là phiên dịch viên để phủ nhận anh là nhà phê bình mỹ thuật (cũng như phủ nhận Từ Chi là nhà dân tộc học).
Phê bình ngẫu cảm là của những nhà văn, nhà thơ. Nổi tiếng về loại phê bình này trên thế giới có Baudelaire, Proust, Valéry..., còn ở Việt Nam có Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân... Phê bình của họ đầy tính ngẫu hứng, đầy chất nghệ thuật. Do thông thạo bếp núc nghề nghiệp, họ có những nhận xét tinh tế, những khám phá lý thú mà chỉ có cái nhìn trong cuộc mới phát hiện ra được. Cũng do có trực giác nghệ thuật cao, nên loại phê bình này thường có tính chất tiên tri. Tác giả của nó có thể dự báo, nhiều khi bản thân họ cũng không ý thức được, những phát triểnmới của văn học. Tuy nhiên, do ngẫu cảm, nên loại phê bình này không có tính hệ thống, không có lý luận, đôi khi sa vào bình tán.
Ba loại phê bình trên mỗi thứ đều có sở trường sở đoản, bởi vậy chúng chỉ khác chứ không hơn kém nhau. Nhà phê bình tùy tạng của mình mà chọn một trong ba thứ đó. Dĩ nhiên, mọi sự lựa chọn đều có giá. Trồng cây ngắn ngày thì được thu hoạch ngay, còn muốn thu hoạch nhiều vụ thì phải trông cây lưu niên. Không ai có thể trồng chuối mà lại muốn ăn na.
5. Phê bình văn học từ đầu thế kỷ XIX đến nay, với tư cách là một bộ môn của khoa học văn học, đã ba lần thay đổi điểm nhìn. Trước hết là tác giả, sau đó là tác phẩm và cuối cùng là người đọc. Sự vận động từ tác giả đến người đọc là sự phát triển nội tại của phê bình văn học, làm cho nó trở nên phong phú và hoàn chỉnh hơn.
Văn đàn châu Âu trước thế kỷ XIX chủ yếu vẫn ngự trị thi pháp học Aristote. Một thi pháp học quy phạm, mang tính thủ công, không có chỗ cho chủ thể sáng tạo. Bởi vậy, đầu thế kỷ XIX, với Sainte Beuve sự xuất hiện tác giả với tư cách là chủ thể sáng tạo đã soi sáng nhiều cho sự tìm hiểu tác phẩm. Các phương pháp tiếp cận ngoại quan, hay nghiên cứu phát sinh ra đời, bởi tác phẩm được hiểu là sản phẩm, là đứa con tinh thần của tác giả. Hành trình từ tác giả đến tác phẩm là đi từ cái cố định, cái đã biết hoặc tưởng là đã biết, đến cái bất định, cái chưa biết: phương pháp tiểu sử học nghiên cứu cái tôi xã hội của nhà văn, phân tâm học - cái tôi vô thức, tức những tác động vô thức nằm ngoài chủ ý tác giả, phương pháp xã hội học nghiên cứu những tác động kinh tế- xã hội vào tác phẩm thông qua cá nhân nhà văn... Tiếp cận ngoại quan nhiều khi rơi vào một nghịch lý đáng buồn là đáng lẽ tìm hiểu tác giả để hiểu tác phẩm thì, ngược lại, do quá chú mục vào tác giả, nên lại coi tác phẩm như một thứ tài liệu để tìm hiểu con người nhà văn và cái trạng thái kinh tế - xã hội thời anh ta sống.
Bởi vậy, đầu thế kỷ XX, vấn đề tác phẩm được đặt ra như một phát hiện lại dưới một ánh sáng mới. Ánh sáng của ngôn ngữ học Saussure, của cấu trúc luận, của thi pháp học, của ký hiệu học... Tác phẩm được đặt vào trung tâm của sự nghiên cứu. Các phương pháp tiếp cận nội quan ra đời từ những ngành khoa học mới kể trên. Nhưng đến đây lại nảy sinh một vấn đề khác mang tính bản thể luận: Thế nào là một tác phẩm văn học? Trước khi pháp hiện ra người đọc, người ta tưởng rằng cái được tác giả viết ra là tác phẩm. Nhưng sau khi người đọc ra đời thì đấy hình như chưa phải là tác phẩm mà chỉ là văn bản. Tác phẩm là sự cụ thể hóa, sự phục sinh, là cuộc sống của văn bản trong người đọc. Bởi vậy, không có người đọc thì không có tác phẩm. Và một văn bản có thể có nhiều tác phẩm, vì mỗi tác phẩm trong mỗi người đọc triển khai một hay nhiều nghĩa của văn bản. Tác phẩm là cái nhìn riêng của người đọc. Người đọc có vai trò quan trọng như vậy trong việc biến một văn bản có tính khách quan thành một tác phẩm có tính chủ quan, nên người ta phải nghiên cứu quá trình tiếp nhận, mỹ học tiếp nhận.
Trong cái tam giác tác giả - văn bản - tác phẩm - người đọc này, nhà phê bình là kẻ trung gian. Anh ta vừa đứng về phía tác giả để lý giải tác phẩm và đồng hành với người đọc vào tác phẩm. Đồng thời lại đứng về phía người đọc để trình ra một hình dung tác phẩm mang dấu ấn cá nhân. Nhà phê bình là một siêu độc giả là vì vậy.
Nhà phê bình có thể đến với tác phẩm từ phía tác giả hoặc từ phía người đọc. Nhưng có lẽ, thuận lợi hơn cả là xuất phát từ chính tác phẩm, lấy tac phẩm làm trọng tâm nghiên cứu để có một cơ sở khách quan, còn tác giả và người đọc chỉ nên là những dữ kiện để tham chiếu và soi sáng cho tác phẩm. Ở đây xin ghi nhớ một điều là hành trình nghiên cứu thì khoa học như vậy, nhưng khi để trình bày kết qủa nghiên cứu một cách nghệ thuật, thì nhà phê bình có thể khởi hành từ những đỉnh khác nhau trong tam giác ấy, tùy từng trường hợp cụ thể theo sự dẫn dắt của cảm hứng.
6. Một vấn đề cho đến nay còn cấn cái trong phê bình văn học là nội dung và hình thức. Thực ra, đây là một ngụy vấn đề. Bởi lẽ, nội dung và hình thức không phải là những khái niệm- công cụ của phê bình văn học, mà là của triết học. Trong triết học nội dung và hình thức bao giờ cũng tách biệt nhau, nội dung quan trọng hơn hình thức. Điều này rất phù hợp với kinh nghiệm dân gian trong cách nói rượu và bình, cái được đựng và cái đựng. Bởi vậy, khi cần cách tân nghệ thuật, người ta chỉ cần thay thế nôi dung như đổ rượu mới vào bình cũ: đưa nội dung xã hội chủ nghĩa vào hình thức dân tộc.
Trên thực tế, về sau, các nhà phê bình cũng dần dần ngộ ra một điều hiển nhiên là trong văn học nội dung và hình thức không phải như rượu và bình để có thể tùy tiện rút ruột thay vỏ hoặc giữ vỏ bỏ ruột được. Người ta thường dẫn ý kiến của nhà phê bình văn học Nga thế kỷ XIX về sự thống nhất hữu cơ của nội dung và hình thức. Và ai cũng “nhất trí” với ông tổ xa Biêlinski này, nhưng điều quan trọng là thống nhất như thế nào (để mà áp dụng vào thực tiển phê bình) thì chưa ai làm rõ.
Trần Đình Sử trong tác phẩm Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), từ gốc độ thi pháp học, đã lý giải sâu hơn vấn đề hình thức, nhằm tránh một cách hiểu thô giản. Theo ông, hình thức có hai mặt: mặt cụ thể cảm tính và mặt quan niệm. Ông đề cao mặt quan niệm bởi lẽ nó là cái lôgic bên trong của hình thức nghệ thuật, cái lý của hình thức đó. Phải nói rằng, giới thiệu mặt hình thức có tính quan niệm này là một đóng góp không nhỏ của Trần Đình Sử. Tuy vậy, ông vẫn còn sử dụng những khái niệm vay mượn của triết học.
Phan Ngọc trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du qua Truyên Kiều và, về sau, trong một tiểu luận về thể thơ song thất lục bát, từ góc độ ngôn ngữ học, theo mô hình của Hjelmslev, đã chia nội dung và hình thức ra thành: nội dung của nội dung và nội dung của hình thức,, hình thức của hình thức và hình thức của nội dung. Ông chỉ ra rằng các nhà phê bình văn học cần lưu ý đến cặp nội dung của hình thức và hình thức của nội dung. Đây chính là sự gắn bó của nội dung và hình thức: hình thức là nội dung, nội dung là hình thức.
Đến các nhà ký hiệu học thì các phạm trù nội dung và hình thức được trả lại cho triết học. Họ muốn xây dựng một cặp phạm trù khác cho văn học của văn học, đồng thời thể hiện được sự “thống nhất hữu cơ”. Họ coi tác phẩm văn học là một hệ thông ký hiệu nhiều tầng bậc. Mỗi ký hiệu gồm có hai mặt không thể tách bóc được là cái biểu đạt (signifiant) và cái được biểu đạt (singnifie) Các nhà cấu trúc luận cũng gạt bỏ phạm trù nội dung và hình thức để đưa vào cặp khái niệm cấu trúc và vật liệu. Theo họ,tác phẩm là một hệ cấu trúc và nghệ thuật chính là vật liệu đã được cấu trúc hóa...
Vấn đề nội dung và hình thức, như vậy là đã được giải quyết và được thay thế bằng những khái niệm thuần văn học hơn. Và có lẽ ngày nay nếu người ta có dùng đến nội dung và hình thức thì cũng đã phải hiểu nó khác đi, hoặc dùng như một ký ức văn học.
7. Những năm gần đây văn học nước ngoài được dịch rất nhiều ở Việt Nam. Theo sự thăm hỏi sơ bộ thì tiểu thuyết Mỹ, với tính chất cổ điển của nó, được ưa chuộng nhất. Có lẽ, những câu chuyện có cốt, những nhân vật có tính cách rõ ràng, những sự kiện được tập hợp theo trục thời gian... còn phù hợp với cách đọc tuyến tính của số đông độc giả thụ động. Còn những tiểu thuyết hiện đại như Lâu Đài của F.Kafka, Âm thanh và cuồng nộ của W. Faulner, Con đường xứ Flandres của Cl. Simon và Bất tử của Kunđera thì hình như chỉ một số người mới “nuốt” được. Nghệ thuật hiện đại không trình bày cuộc sống như người ta thấy nó một cách trực quan, mà chủ yếu là trình bày như thế nào đó để thể hiện tốt nhất tư tưởng của tác giả về cuộc sống,tức cái nhìn cuộc đời của riêng tác giả. Như tranh lập thể của Picasso vẽ một thiếu nữ bằng những hình kỷ hà học và hai mắt thì lại ở cũng một phía chẳng hạn, tuy ban đầu khó hiểu với người xem nhưng thể hiện được tư tưởng riêng của họa sĩ. Tiểu thuyết của Kundera cũng vậy. Từng mảnh cuộc sống được phân bố một cách rời rác, tưởng chừng như ngẫu nhiên, trong những không gian và những thời gian khác nhau. Bởi vậy, người đọc muốn hiểu tác phẩm phải bỏ cách đọc tuyến tính cũ để chuyển sang cách đọc phi tuyến tính. Nghĩa là không chỉ đọc theo trục dọc, trục kế cận, trục thời gian, mà chủ yếu theo trục ngang, trục lựa chọn, trục không gian. Nghĩa là người đọc phải "phá vỡ" cấu trúc văn bản, làm "nổ tung" văn bản và tự sắp xếp lại, tự tái cấu trúc, cũng theo một cái nhìn riêng của mình về tác phẩm. Như vậy, nền văn học mới với sự mã hóa mới đòi hỏi phải có người đọc mới và sự giải mã mới.
Người đọc đã như vậy thì nhà phê bình càng phải như vậy. Anh ta từ giã vị thế của người quan sát, mổ xẻ tác phẩm một cách khách quan, đứng ngoài tác phẩm, để trở thành kẻ tham dự, tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm. Hay tiến lên một bước nữa, anh ta xây dựng nên tác phẩm của mình. Nói như vậy, không có nghĩa là nhà phê bình có thể tùy tiện. Trước hết, khách quan trong phê bình không như khách quan trong khoa học tự nhiên. Hơn nữa, trong vật lý vĩ mô và vi mô hiện nay quan niệm về khách quan cổ điển cũng đã sụp đổ: người quan sát, người làm thí nghiệm đã trở thành một thông số có ảnh hưởng đến kết quả quan sát hay thí nghiệm đó. Hơn ở đâu hết, trong phê bình văn học, cái khách quan nhuốm màu chủ quan. Đó là thứ khách - quan - chủ quan.
Đây là tiền đề cho sự sáng tạo cá nhân của người phê bình, cho việc nhà phê bình trở thành nhà văn, phê bình cũng là văn chương.Tuy nhiên một điều không được quên, một điều là định mệnh của phê bình là tính chất lưỡng thê của nó: vừa chủ quan vừa khách quan, vừa độc lập vừa phụ thuộc vào sáng tác, vừa khoa học vừa nghệ thuật.