Ý Nhi là một trong những nhà thơ xuất sắc của thơ Việt Nam đương đại. "Đọc thơ Ý Nhi, ta không chỉ được nếm trải những cảm giác, cảm xúc nồng nhiệt, tinh tế, mà còn có thể cùng tác giả trải nghiệm một hành trình tâm tưởng, và ở đó, ta sẽ có được những nhận thức sâu sắc hơn về chính bản thân mình... Thơ chị như một hành trình truy vấn tinh thần" (nhà phê bình Lê Hồ Quang). Cuộc hành trình đó được âm thầm tiếp tục thêm một chặng mới với truyện ngắn. Những phẩm chất trong thơ nay được Ý Nhi chuyển hóa vào văn xuôi. Và có thể nói đó là một chặng hành trình đáng chú ý của chị.
Trong tất cả 16 truyện ngắn của Ý Nhi trong tuyển tập mới, không có những cái nền dài rộng của những biến cố lịch sử với tư cách những sức mạnh khách quan vô ngã, chỉ có một "sân khấu nhỏ" với vài cảnh trí quen thuộc: một thành phố nhỏ (gió lạnh, phố thưa vắng, lá khô lăn trên mặt đường), phòng chờ sân bay (nơi đó những chiếc máy bay có lúc trông rất đẹp, có lúc trông như những con quái vật), quán cà phê (những chiếc bàn vuông, những chiếc ghế tròn màu nâu sẫm, nổi bật trong căn phòng quét vôi vàng nhạt), căn hộ nhỏ với những vật dụng giản dị thiết yếu trong nhà… Bối cảnh trong các câu chuyện cũng là những sự kiện nhỏ: những chuyến đi, chờ đợi, hoài niệm, cơn đau bệnh, cuộc chia tay tiền định, cuộc gặp gỡ tình cờ… Tất cả đều gắn liền với từng cá nhân cụ thể. Có thể nói đó chính là cái nền của sự chiêm nghiệm cuộc sống. Nó đủ nhỏ để tác giả tập trung chiếu rọi cái nhìn lên mỗi nhân vật của mình, nó cũng chắc chắn là đủ không - thời gian để trên đó con người bộc lộ hết kiện tính làm người. Không nói thì ai cũng biết, khi một người bị dồn vào một góc "võ đài" hay bị ném vào ngục thất chật chội, hay bị cột chặt trên mảnh giường con của bệnh viện, hắn sẽ bộc lộ hết bản tính hiện sinh của hắn. Vâng, những tình thế cực đoan. Về mặt này, Ý Nhi đã có hẳn một ý đồ dựng chuyện xuyên suốt.
Hầu hết nhân vật trong các truyện ngắn của Ý Nhi đều không rõ tên tuổi, nghề nghiệp, gốc gác. Hầu hết, dù có gia đình hay sống một mình, trẻ hay già, đều cô đơn, đều bị tổn thương tinh thần, đều hay bật cười một mình, nói một mình... Hầu hết đều cảm thấy khó sống, có người gần như tuyệt vọng. Gần như họ không có đủ chút sức mạnh tinh thần tối thiểu để vượt qua cuộc sống, và có cảm giác họ cứ loay hoay đi tìm, hay ngóng đợi mơ hồ "cuộc tìm kiếm huy hoàng và tuyệt vọng cái tuyệt đối", như cách nói của một nhân vật trong truyện Cao nguyên.
Chúng ta từng thấy những kẻ khốn cùng về vật chất trở nên tiều tụy thê thảm như thế nào; thì ở đây, với những kẻ sầu đời trong tập truyện này, chúng ta có thể thấy tâm hồn họ nhàu nhĩ ra sao. Họ là những người đang sống đẹp bị đẩy vào những hoàn cảnh bất đắc dĩ. Họ là những người có tâm hồn đang đi tìm một cuộc sống đẹp, thực chất là cuộc sống giản dị, hài hòa (có cảm tưởng đối với tác giả, giản dị - hài hòa là tinh yếu của cuộc sống), nhưng chỉ toàn gặp những điều bất toại. Họ đang vùng vẫy thoát khỏi những cạm bẫy của cái thường nhật. Lúng ta lúng túng. Chẳng có ai giúp đỡ.
Tới đây thấy rõ sự lựa chọn của tác giả: viết văn là để tìm hiểu cuộc sống (văn chương đâu còn làm việc gì khác ngoài việc này?). Tuy nhiên, không cần phải hư cấu hoành tráng, lộng lẫy, siêu thực, hiện thực thậm phồn (hyper-reality), hay những biểu hiện khác của chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật, cuộc sống trong truyện của Ý Nhi vẫn gần như là cuộc sống nguyên vẹn ngoài kia. “Hư cấu lớn nhất chính là đời sống. Tuy nhiên, người ta đã từ lâu đánh mất khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hư cấu ấy. Nó đã bị khống chế, bị hủy diệt bởi tính duy lý, bởi các thiết chế chính trị, xã hội; bởi các tôn giáo, các đại tự sự. Đời sống vì thế đã trở nên ngột ngạt, khó sống vì quá hợp lý; nó hợp lý một cách phi lý” (nhà văn Vũ Thành Sơn). Xưa nay chưa thấy một nỗ lực lý tính trong suốt thuần túy nào có thể tát cạn ý nghĩa khôn dò của nó. Nếu dàn dựng, mô phỏng, tưởng tượng là rời xa, là né tránh cuộc sống thực. Là gia bội hiện thực không cần thiết.
Nhưng đương nhiên cuộc sống này, dù ta có vặn hỏi cách mấy hay đặt ra những câu hỏi thông minh cách mấy, vẫn không cho tác giả lẫn cho ta những câu trả lời chung quyết nào, nếu có thì chỉ toàn những câu trả lời đầy nghịch lý và cay đắng. Ta không thấy một kết thúc có hậu, hoàn hảo nào ở đây. Nhưng ta có thể nghe ra những câu hỏi bức xúc nhất mà từ lâu đa số chúng ta vì bị cuốn trôi theo dòng đời không lúc nào ngừng nghỉ nên quên mất chúng. "Anh thấy K, bên kia đường ra dấu bảo anh đứng đợi. Nhưng anh bị dòng người kéo đi mỗi lúc một xa" (truyện Ba sẩm tối).
Nếu không thể có những giải đáp rốt ráo thì phải chăng biết đặt câu hỏi chính là sự hiền minh của một nhà văn?
Ta nghe ra câu hỏi: "Ta có thể làm gì để cứu vãn những tình thế xấu xảy ra trước mắt ta?" (truyện Phòng chờ). Và lời giải đáp lạnh lùng của cuộc sống là: Trước tình thế ấy, một người không thờ ơ so với những người thờ ơ chung quanh mình cũng chẳng có sức mạnh hay giá trị gì hơn. Điều an ủi mà tác giả rút ra và chia sẻ với độc giả chúng ta là sự trải nghiệm cuộc sống như một phòng chờ, nơi chuẩn bị những chuyến bay dài vào vĩnh cửu.
Ta nghe ra câu hỏi: "Cái gì khiến cho mọi quan hệ mau chóng trở nên lỏng lẻo, chực chờ tan vỡ?". Có lẽ là sự buồn chán kinh niên. Vâng, không khí buồn chán bao trùm thế giới nhỏ bé của các nhân vật. Đó là bệnh dịch của thời đại hay căn bệnh của những kẻ có tâm hồn không ăn khớp được với thời đại của mình? Đôi khi tác giả đã dùng đến phương pháp khảo cổ học về tinh thần của Freud để tìm hiểu bệnh trạng của nhân vật, và lần mò theo tác giả qua những đống đổ nát đó ta thấy có nhiều di họa, "Dư âm" (tên một truyện ngắn của Ý Nhi) của chiến tranh kinh hoàng, xã hội suy đồi, nhân sinh tha hoá.
Ở trên có nói đến những nhân vật không di chuyển trên cái nền của những sự kiện lớn lao, đúng hơn phải nói, họ đã bị những biến cố phi nhân dày xéo, biến họ thành những kẻ vô danh đứng bên lề cuộc sống, bên lề lịch sử. (Những dòng tin thời sự - chỉ là những dòng tin - về những tai hoạ đâu đó xa xôi trên thế giới cũng khiến họ bỗng dưng bị thương tổn nặng nề. Rồi bất lực.) Họ quá hiền hậu, yếu đuối, mẫn cảm. Và lạc lõng. Cũng có thể nói, họ thiếu cứng rắn và dấn thân. Tự nhiên một câu hỏi khác, trầm trọng hơn, phải được đặt ra: sống là sống theo những quán tính áp đảo của xã hội hay, như một câu văn trong truyện Bạn vong niên: "Mỗi người tiếp cận cuộc đời theo cách của mình, vui sướng theo cách của mình, đau đớn theo cách của mình?"
Và đây nữa: "…nhìn bề ngoài, mọi cái đều trôi chảy, thậm chí, trôi chảy êm đềm nữa. Xem một trận bóng bàn, thấy hai tay vợt đẩy bóng qua lại trên chiếc bàn nhỏ xíu, chả có gì là vất vả, là căng thẳng. Chỉ đến khi xem những đoạn phim quay chậm ta mới thấy hết sự nỗ lực, nỗi cực nhọc, thậm chí cả sự đau đớn trên mặt họ" Truyện của Ý Nhi cũng vậy. Các nhân vật không có những nỗi lo lắng, khổ đau to tát gì khiến ta chú ý, nếu không muốn nói đó là những cá thể nhỏ bé, nhạt nhẽo, không có hành trạng gì đặc biệt, chẳng đóng góp gì vào "dòng người" xô bồ ngoài kia. Chỉ có mình Ý Nhi chú ý đến những con người ấy và quay chậm lại mọi thứ về họ. Quay chậm bằng tiết tấu truyện đều đều với những câu văn không dài quá, không ngắn quá, bằng rất ít đối thoại, mà nếu có, những câu đối thoại đó cũng không được thể hiện bằng hình thức thông thường trong ngoặc kép hay sau dấu gạch ngang.
Những dấu hiệu này một mặt cho thấy thời gian gấp gáp của hai kẻ đang nói chuyện; mặt khác, làm sao ta biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua giữa 2 cái gạch đầu dòng. Nhưng khi chúng chen lẫn trong dòng ý thức và tâm tưởng của tác giả, bất chấp những hạn định gò bó của tu từ, lẽ đương nhiên chúng không thể thoát khỏi cái dòng chảy (chậm và đều đều) đang sẵn có đó. Ngoài ra, rất nhiều khi tác giả không đặt dấu chấm hỏi sau một câu hỏi. (Biết hỏi ai bây giờ? Hỏi mà biết chắc là không có câu trả lời thì hà cớ gì phải lên giọng cuối câu bằng một dấu hỏi?) Nói khác đi, các nhân vật của Ý Nhi chỉ muốn im lặng, muốn nghĩ ngợi hơn là nói ra, hoặc nói khẽ như tự nói với mình (truyện Chuyến bay). Thế là, dần dần ta nhận ra họ trong cái chuyển động ngược chiều với nhịp điệu gấp gáp của "dòng người":
"Mọi việc cứ tàm tạm thế mãi.
Trong cái dáng hơi cúi xuống của cô gái cũng có vẻ gì của chờ đợi nhẫn nhịn" (truyện Điểm dừng).
"Vài năm trở lại đây anh đã có cảm giác mệt mỏi mỗi khi chuẩn bị cho một chuyến công cán" (truyện Lại mưa).
"Cả bọn lặng im bước bên nhau xuôi theo con dốc" (truyện Cao nguyên)
"Ngay cả một người suốt ngày chạy cùng trời cuối đất như ma đuổi cũng muốn dừng lại, chấm dứt… và mỗi lần ra đi là mỗi lần anh phải cưỡng chống với ý muốn ở lại" (truyện Điểm dừng).
Những trải nghiệm về cuộc sống như thế có rất nhiều, hoặc bàng bạc hoặc minh nhiên trong toàn bộ tập truyện. Chắc hẳn tác giả là một người lịch duyệt, một người có cái nhìn tinh tế luôn sẵn sàng mang đến cho ta không phải những nhận xét võ đoán mà là những khám phá có tính minh triết.
Tuy vậy, cũng có không ít khám phá dễ dàng như lấy đồ trong túi… thơ của tác giả. Những lúc như thế hình như tác giả muốn dừng chân thư giãn trước khi đi tiếp con đường gian nan của mình.
"Cỏ" (tên một truyện ngắn trong tập này) là một hình ảnh ẩn dụ của Ý Nhi. Boris Pasternak từng nói một câu tuyệt hay về cỏ, đại ý: không ai nhìn thấy cỏ mọc; cũng như không ai nhìn thấy lịch sử hình thành. Và Ý Nhi đã rất tài tình khi đặt tên Cỏ cho câu chuyện "quá tam ba bận cưới vợ": "… đã ba lần trồng cỏ rồi… lúc cỏ lên mới thấy đủ thứ cỏ tạp nhạp cao thấp lổng chổng. Mình nhổ cỏ, trồng lại một thứ cỏ khác, lại cũng không phải thứ mình thích. Lại nhổ. Lần này thì thận trọng hơn. Trồng từng khoanh một…Thế nhưng cỏ lên thì bao nhiêu thứ khác cũng mọc theo…". Đến cuối truyện, nhân vật của chị nói: "Tôi thấy vườn cỏ đã đẹp lắm. Chắc chẳng phải trồng lại một lần nữa đâu.”
***
Truyện ngắn của Ý Nhi là những bản luận đề trữ tình về cuộc sống, và nếu chỉ xét về mặt tâm lý học, tác giả đã đem đến cho ta cả một cuốn sách. Đọc truyện ngắn Ý Nhi sau khi đã đọc thơ Ý Nhi, thấy rõ hơn một khuôn mặt nhiều đăm chiêu, hướng ngoại. Thấy một tâm hồn chính trực, luôn khát khao những giá trị nhân văn. Ở cuối mỗi truyện ngắn của Ý Nhi, ta nhận ra những nét trí tuệ hài hòa - cân bằng còn lại sau những bão giông suy tưởng, những hoang mang vấn hỏi, những vật lộn dữ dội, không cân sức với sắt thép và vô minh. Đó là kết quả đáng ngợi ca khi cuộc sống, đúng như bản chất của nó, là một vách đá, không cần biết đến những bi kịch cá nhân được tác giả trình bày ở đây. Nó thích che chở cho một giống loài hơn. Nhưng bất chấp cái nền (background) ầm vang của một cuộc duyệt binh khải hoàn, Albert Camus vẫn sẽ cố lắng tai nghe cho được tiếng thở dài của một người thua thiệt [*]. Và cuộc chơi vô tăm tích của nghệ thuật vẫn sẽ tiếp tục. Với một vẻ đẹp khác của Ý Nhi như một đóng góp.
--------------------------------------------------
[*] Một ý của Albert Camus trong diễn văn nhận giải Nobel văn chương năm 1957.
Tác giả: Mai Sơn
Ý kiến bạn đọc