Bánh tổ quê ngoại

Thứ bảy - 05/02/2011 01:15 5.548 0

Bánh tổ

Bánh tổ
Tộc ngoại tôi họ Phùng, ở làng Phong Lệ xưa, phía bên ni cầu Đỏ. Thời thơ ấu, cứ vào sáng mùng Một tết, cậu Sáu dẫn các anh em con cô, con cậu chúng tôi về Phong Lệ để thắp hương ông bà bên ngoại.

Từ chợ Túy Loan, qua thôn Phú Hòa, men theo con đường đất hẹp, gồ ghề vắt qua triền đồi, bên dưới là dòng sông Tuý Loan êm ả chảy về xuôi. Đi bộ gần hai tiếng đồng hồ, qua mấy mép rừng, cánh đồng và những đoạn sông, bầu trời trong xanh, hai bên đường hoa dại đua nở. Trời đã vào Xuân, cảnh trí nơi nơi tươi đẹp quá chừng, dù mệt và mỏi chân nhưng anh em chúng tôi phấn khích lắm.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến nhà thờ họ Phùng rêu phong cổ kính, bên những cây xoài cổ thụ. Sau nghi lễ thắp hương ông bà, cậu đưa chúng tôi đi từng nhà bà con để thắp hương. Nhà nào cũng sạch sẽ từ cổng đến vườn, sân. Trên bàn thờ có chưng quả với cái đĩa lớn đặt nải chuối mốc xanh, trên nải chuối là quả bòng (bưởi) màu vàng với lá xanh thẫm. Các loại hoa, bánh cũng được chưng như bánh tét, bánh in, bánh khô… nhưng "là lạ" thay, chúng tôi thấy có một loại bánh trong cái giỏ tre, sực nức hương gừng, xa trông như cái tổ chim. Chúng tôi đòi ăn, người bà con chiều mấy vị khách "tí hon" bèn đem vào bếp xắt ra và chiên với dầu phụng. Ôi, những lát bánh tổ thơm, nóng, ngọt ngào với hương vị thanh thoát hoà quyện với mùi hương trầm và hương hoa vạn thọ nở rộ, giữa không gian se lạnh của tiết lập Xuân.

Người dì họ tôi cho biết, ngày Tết, trong các thứ bánh trái đặt lên bàn thờ tổ tiên của người đất Quảng Nam xưa nay thường không thể thiếu món bánh tổ. Thứ bánh như cái cớ để nhắc nhở nhau về nguồn cội "Chim có tổ, người có tông". Bánh tổ là loại bánh làm bằng bột nếp loại tốt, dẻo và thơm, phơi thật khô rồi đem giã thành bột. Đường làm bánh tổ là đường bát Quảng Nam, đem "thắng" cho thật kỹ, loại bỏ hết tạp chất và ít gừng tươi cho thêm hương vị. Bột, đường sau đó được trộn với nhau và được nhồi, đánh (giố) thật kỹ. Khâu quan trọng nhất trong việc làm bánh tổ là "lấy trùng". Tức là tỉ lệ thích hợp giữa nước và bột để bột khi đã trở thành bánh thì không bị đặc, không bị nhão. Sau đó, dung dịch "sền sệt" này được đổ vào một cái "đài" đã được làm bằng lá chuối tươi và dùng tăm tre vót nhọn ghim kín mép lá. Chiếc "đài" bằng lá chuối bây giờ lại được đặt vào một rọ tre (khuôn) để giữ cho bánh không bị "xập xệ". Các "rọ" bánh sau đó được đặt lên một tấm vỉ tre. Cứ 12 bánh xếp một vỉ. Lần lượt xếp từng vỉ vào nồi để hấp. Khoảng 5 - 6 vỉ một nồi, cách nhau bởi hai thanh gỗ đan chéo nhau. Bánh tổ hấp 3 giờ liền thì chín, vớt ra để nguội. Có nơi, người ta rắc mè đã rang chín, làm sạch vỏ lên mặt bánh nhằm trang trí cho đẹp. Cuối cùng, đem bánh ra phơi vài nắng là được. Đối với loại bánh "đạt chuẩn" có thể để đến quá Rằm tháng Giêng, lúc này bánh đã săn cứng lại, đem nướng hoặc chiên ăn rất thơm ngon.


Bánh tổ chiên


 

Qua bao năm xa quê, nay tóc đã hoa râm, cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, tôi lại nhớ về lát bánh tổ chiên béo ngậy, thơm ngọt mùi đường quê, năm ấy. Ngày nay, dù có đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn cao lương mỹ vị, đặc sản khá ngon… nhưng cái hương vị bánh tổ chiên ngày ấy vẫn theo chúng tôi suốt cả cuộc đời.

Tác giả: Trà Út

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây