Miến - món ăn khoái khẩu

Thứ năm - 24/02/2011 10:28 3.050 0

Miến - món ăn khoái khẩu

Người ta “chán cơm thèm phở” (hiểu theo nghĩa nghiêm túc), tuy nhiên, không ít người chán cơm thì thèm miến. Miến quả là món ăn rất khoái khẩu của người Việt từ xưa cho đến bây giờ.

Nếu món gì của người Việt cũng xếp vào hàng quốc hồn quốc túy thì có lẽ hơi bị lạm dụng. Không xếp miến vào món ăn quốc hồn quốc túy, nhưng tôi nghĩ  đó là món bình dị đã nghiễm nhiên có chỗ đứng đàng hoàng trong lòng từ người nhà quê nghèo khó cho đến kẻ giàu có chốn đô thành. Miến có một “phẩm chất” rất riêng, khác xa phở hoặc bún. Vì nó là thực phẩm không làm từ loại lương thực nhiều nhất nước ta là gạo,  mà làm từ củ dong có sản lượng không nhiều ở vùng Bắc Bộ.

Công đoạn chế biến sợi miến còn kỳ công hơn cả sợi bún và sợi phở. Khi củ dong đến kỳ thu hoạch, người ta đem mài thành bột và qua rất nhiều khâu chế biến mới làm ra được những vắt miến khô (10 kg dong cho ra 1 kg miến khô).  Từ những sợi miến khô, người nội trợ chế biến ra rất nhiều món ăn khác nhau, với những hương vị thơm ngon, hấp dẫn như: miến xào, miến gà, miến cua, miến tôm… Miến là loại thức ăn không chỉ ngon miệng mà còn được cho là tốt cho sức khỏe, phù hợp với người ăn kiêng vì tinh bột của củ dong chứa ít choresterol. Miến đã gắn bó với các bữa ăn hàng ngày, có mặt trong trong các buổi tiệc sang trọng… của nhiều gia đình Việt và cũng đã được dân ẩm thực ngoại quốc  “bén mùi”. Đặc biệt, trong dịp tết, miến “phát huy tác dụng” hơn cả phở, bún và nhiều món ăn khác. Bởi tết thì hầu như nhà nào cũng có món gà luộc, và thứ nước luộc gà đậm đà hương vị giàu dinh dưỡng nếu đã “se duyên” với miến thì ngon hết sẩy.

Nước ta, những làng nghề làm miến truyền thống nổi tiếng đa số là ở phía Bắc. Tuy nhiên, việc chạy theo lợi nhuận và quy trình sản xuất kém vệ sinh của một số lò đã làm cho miến không chỉ bị kém chất lượng mà còn tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng. Đã có bài báo đăng trên trang báo điện tử Vn Media mà phóng viên thốt lên từ “hãi hùng” khi họ tận mắt chứng kiến làng miến ở Dương Liễu – Hoài Đức – Hà Nội. Theo đó, miến được phơi ngay bên cạnh cống thoát nước thải đen ngòm, trên khu vực nghĩa trang, trên bãi rác… Quy trình làm miến ở đây cũng được mô tả là rất đáng sợ. Nếu như trước đây, bột nước sau khi nghiền xong thường phải ngâm 2-3 ngày mới dùng được, nay nhờ axit, thời gian chỉ phải mất từ 10-15 giờ, nếu cho càng nhiều axit thì quá trình tẩy trắng càng nhanh. Chưa hết, do nhu cầu lớn của thị trường và muốn lợi nhuận nhiều, một số lò không còn sử dụng 100% nguyên liệu là củ dong mà dùng bột do Trung Quốc sản xuất, rẻ hơn nhiều lần so với dùng tinh bột lấy từ củ dong.

Theo kinh nghiệm của những bà nội trợ, miến ngon có màu trắng ngà, trong suốt, sợi miến săn. Còn miến có màu trắng đục thì  thường không dai, nhanh nát, ăn không ngon. Nhưng, việc “phù phép” bằng hóa chất có thể khiến cho những cảm nhận bằng mắt không hoàn toàn chính xác. Do đó, để an tâm hơn, một số chị em đã dùng miến đóng gói do các hãng sản xuất các loại mì ăn liền có uy tín cung cấp.

Công bằng mà nói “con sâu làm rầu nồi canh”, chứ không hẳn lò làm miến thủ công nào cũng “chơi không đẹp” như thế. Dù như thế nào thì miến vẫn là món ăn mà ai cũng có thể yêu mến. Bởi “phẩm chất đích thực” của miến là mang đến những hương vị đặc trưng làm khoái khẩu và còn tốt cho sức khỏe của mọi người nữa.

Tác giả: Q.V

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây