Hẹ nước - nuộc lạt tình quê

Thứ năm - 02/12/2010 11:01 2.167 0

Hẹ nước - nuộc lạt tình quê

Vào mùa nước nổi, người dân khu vực Đồng Tháp Mười lại bận rộn với công việc mưu sinh như: chài, lưới, giăng câu, hái bông điên điển, bông súng... Những năm gần đây, do nhu cầu ẩm thực có xu hướng quay về với thiên nhiên, đồng nội thì công việc mưu sinh mùa nước nổi lại càng sôi động hơn. Việc khai thác những tài nguyên sẵn có vào mùa này như trẩy hội, thu hút đông đảo người dân tham gia với đủ mọi thành phần, lứa tuổi.

Mới vừa rồi có dịp về thăm quê, biết tôi thích bơi xuồng, mấy đứa em con bà cô liền rủ rê đi "săn" đặc sản. Trên những dòng kênh nước trong như mắt mèo, chiếc xuồng ba lá len lỏi trong những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn và điên điển nở hoa vàng rực, tôi như bị cuốn hút vào mê hồn trận của một vùng sông nước quê hương. Mục đích của chúng tôi là đi hái điên điển và bông súng, nhưng khi thấy một rừng rau hẹ nước đang lặc lìa, uyển chuyển theo dòng nước, "lòng tham không đáy" lại trỗi dậy. Nhưng ngặt nỗi tôi không biết bơi, đành lấy cây sào quơ mấy vòng xuống đáy kinh, thế mà vẫn hái được chúng. Cọng hẹ nước dài ngoằng bám vào cây sào như mớ dây gân quấn vào chân vịt ghe máy, bồng bềnh trên mặt nước. Thấy cách "thu hoạch" của tôi không mấy hiệu quả, thằng Dần nhảy ùm xuống nước vớt lên đưa cho tôi một nạm rau còn nguyên gốc. Thì ra, cái thứ rau người ta bày bán ở ngoài chợ cả chục ngàn đồng một kg cọng nào cọng nấy to bằng ngón tay, thẳng băng, bóng mượt mà không bị dập nát chính là hái theo kiểu của thằng Dần!

Chúng tôi bơi xuồng vào sâu hơn trên cánh đồng mênh mông nước, từng đám lúa ma khoe những chùm bông trắng nõn nà tua tủa lên vòm trời, dưới đáy nước thỉnh thoảng vẫn bắt gặp cái thứ rau kỳ cục ấy, nó uốn éo, lượn lờ theo dòng chảy nhẹ nhàng. Hàng đàn cá rô non dạn dĩ lượn qua lượn lại sát mặt nước, nghe tiếng động mái dầm, chúng "dọt" thục mạng vào nấp trong đám hẹ, một cảnh tượng hết sức lý thú!

Vì là chỗ cạn nên tôi không ngần ngại lội xuống ruộng ngập để chính tay mình được vuốt ve và nhổ lên những cọng hẹ non mượt. Phút chốc, chúng tôi đã hái được cả thúng đầy, toàn là những bụi hẹ non, trơ ra bộ rễ tua tủa, trắng phếu.

Hẹ nước thuộc nhóm cây hoàn toàn thủy sinh, vì chúng không thể tồn tại được trong mùa khô. Vì vậy, ta thường thấy chúng mọc trong những vùng thường xuyên ngập nước, tạo nên những khoảng dày đặc, thích nghi trên vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Chúng có mặt hầu như quanh năm trên những dòng kinh nội đồng, nhưng sinh trưởng mạnh vào mùa nước nổi. Giống như các loài thủy sinh khác, hẹ nước tiến hóa bằng cách sinh sản theo hiện tượng thụ phấn thích ứng. Hoa đực nở dưới nước nhưng chúng nhẹ hơn nước nên lập tức nổi lên trên bề mặt. Trên đó chúng kết hợp với hoa cái thường được hỗ trợ bởi cái cuống thật dài. Vì thế, sự thụ phấn xảy ra không nhờ côn trùng mà do dòng nước mang phấn tới hoa cái.

Hẹ nước có hương thơm rất đặc trưng, gần giống với rong đuôi chồn, lá có hình dải lụa rộng khoảng một phân và màu sắc rất đa dạng tùy theo từng giống, từng loài. Có lúc ta bắt gặp những bụi hẹ có màu lá xanh sẫm hoặc đỏ sẫm. Hẹ mọc dưới kinh thì lá dài có khi cả mét, to bản, hẹ mọc trên ruộng thì ngắn hơn, trung bình từ 3 đến 5 tấc, lá nhỏ nhưng tất cả đều có một điểm chung là xốp và giòn. Chính vì những đặc điểm này mà nó trở thành món rau đặc sản của vùng phèn Đồng Tháp Mười, không thể thiếu được trong bữa cơm với nồi lẩu mắm khi con nước tràn đồng.

Mới đây, trong một dịp các bạn sinh viên thuộc CLB Tia Sáng - Trung tâm hỗ trợ sinh viên thành phố Hồ Chí Minh về tặng quà trung thu cho học sinh các trường tiểu học Phước Lập I và Phước Lập II- huyện Tân Phước, tôi đã mời các bạn nán lại dùng bữa cơm trưa tại nhà. Trước đó tôi đã chuẩn bị tương đối tươm tất các món hoa, lá cho nồi lẩu mắm cá rô đồng để thết đãi bạn bè, cũng không quên mua về rổ rau hẹ nước để khoe với bàn dân thiên hạ. Những tưởng các bạn sinh viên không ưa cái thứ "cỏ rác" lằng nhằng ấy, nào ngờ các bạn lại thích quá chừng, khiến gia chủ không kịp trở tay vì thiếuuuu mắm. Hồi mới dọn ra, các bạn tròn xoe mắt ngạc nhiên, thắc mắc tại sao loại "cỏ" này giống dây gân vá bao quá, thế mà ăn được (?!). Tôi bông đùa, nó là thứ nuộc, mà là nuộc lạt tình quê, ăn vào rồi ghiền luôn chủ nhà đấy!

Nhìn các bạn lần đầu được ăn món rau hẹ nước, tôi dù cố nhịn nhưng không thể không cười. Thay vì quấn rau lên đầu đũa cho nó vừa vặn miếng ăn, các bạn lại gắp rau bỏ vào nồi lẩu khiến nó nhừ ra, nước mắm ngấm vào rau mặn chát. Có bạn phát biểu vô tư: "Nhìn cách ăn này sao giống loài nhai lại quá?", "Gốc rau đã vào tới bao tử mà ngọn rau vẫn còn nhai ngoài miệng".

Xưa nay ăn mắm kho hay lẩu mắm, đi kèm theo là cả một "vườn" rau dại, nhưng có người cho rằng thiếu sự hiện diện của hẹ nước thì coi như nồi mắm "bỏ đi". Hẹ nước đem bán ngoài chợ, người ta đã cắt bỏ gốc, rễ. Trước khi ăn, đem ngâm hẹ vào thau nước khoảng nửa tiếng cho nó "nhả" phèn, dạo nhẹ tay lại vài ba bận cho thật sạch là được. Cái ngon của hẹ nước chấm mắm kho đặc biệt ở chỗ càng nhai càng nghe ngọt, nghe bùi. Cái ngọt, cái bùi của hẹ nước đã thắm tình, nặng nghĩa phù sa sông nước Cửu Long.

Tác giả: Nhật Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây