Những tượng đài bất tử của Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai - 16/12/2013 13:46 10.957 0

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Xe chúng tôi chạy bon bon trên con đường nhựa từ Quốc lộ 1A rẽ vào xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long tiến dần về khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang. Hai bên đường xanh mát bóng tràm xen lẫn những rừng tre cao ngút ngàn. Trong gió, trong mây của vùng đất thiêng một thời bom đạn nầy như đang phảng phất đâu đây hào khí oai linh dấu xưa còn lưu giữ lại rất lạ thường.

Theo nhiều cư dân lâu đời tại đây kể lại, Cái Ngang là tên một con rạch nhỏ chảy qua vùng đất nầy. Ngày 23/11/1940 nhân dân Cái Ngang đã anh dũng vùng dậy tiến công giành được chính quyền chủ động trong một thời gian ngắn, thu 20 súng, đánh lui nhiều đợt tiến công lớn tại thị trấn Cái Ngang. Từ đầu năm 1949, Cái Ngang đã trở thành một căn cứ chiến lược quan trọng của Vĩnh Long, là nơi lãnh đạo, tiếp nhận chỉ thị, quân nhu, thuốc men, hàng hóa từ Sài Gòn - Chợ Lớn về để phân phối lại cho các tỉnh miền Tây. Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn Cái Ngang làm khu căn cứ chiến lược chủ yếu. Năm 1967, Tỉnh ủy chuyển hẳn về khu căn cứ cách mạng nầy. Từ đây có biết bao chuyến tập kết vũ khí, tài liệu, bao lần đón đưa lãnh đạo về đây chỉ huy các trận đánh lớn. Trong thời gian dài, Mỹ - ngụy tập trung càn quét bằng bộ binh, dùng máy bay phản lực ném bom ngày đêm quyết tiêu diệt, xóa trắng căn cứ đầu não Việt Cộng nhưng đều thất bại. Cái Ngang vẫn hiên ngang bất khuất tồn tại xanh tươi một màu hy vọng.

Chúng tôi xúc động và dừng lại rất lâu trước các phương tiện, vật dụng, trang thiết bị thô sơ của những người anh hùng đã làm nên huyền thoại anh hùng. Đây chiếc vỏ lãi máy PS 16 bao lần đón đưa cán bộ, tiếp lương tải đạn trong mưa bom bão đạn của quân thù. Đây khu căn cứ địa với đầy dẫy các loại cây Tra, Đủng đỉnh, Trâm bầu, Méc, Gõ nước …vẫn sừng sững nguyên sơ như những chứng nhân của lịch sử chiến tranh. Đó những hố bom từ những chiếc máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ nay đang xanh tốt dưới những đám lục bình … Rất bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những cây Cầu chông, bãi Lửa được du kích ta ngụy trang khéo léo để quân thù sập bẫy, những công sự, những hầm trú ẩn, nơi học tập, hội họp, làm việc của lãnh đạo tỉnh ủy Vĩnh Long xưa vẫn đang tồn tại với thời gian. Đặc biệt chúng tôi dừng chân khá lâu để chiêm nghiệm, thấm thía những vần thơ, lời hiệu triệu năm xưa được ghi lại trên Văn Bia di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang.

Năm 2001, Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang có diện tích 5ha được đầu tư trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới với các hạng mục chính: bãi lửa, cầu chông, công sự chiến đấu, hệ thống hầm bí mật, hố bom, bãi đỗ xe, nhà lễ tân, nhà truyền thống, đường dẫn vào khu di tích, nhà dịch vụ …Tháng 09/2003, Khu di tích long trọng tổ chức khánh thành, đưa vào phục vụ khách tham quan. Hiện nay đây là nơi được nhiều cơ quan trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Đây còn là dịp để các tổ chức đoàn, đội, làm nơi sinh hoạt truyền thống, hành quân dã ngoại về nguồn, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu về thiên nhiên kỳ thú.

Về miền Tây, nhắc đến địa danh Tầm Vu (nay thuộc xã Thanh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), mọi người đều biết đến một huyền thoại có thật giữa đời thường đã viết nên một kỳ tích anh hùng.

Bốn trận Tầm Vu nối tiếp nhau từ năm 1946 đến 1948 trên đoạn lộ Cái Tắc - Rạch Gòi đã làm tiêu hao lớn sinh lực địch. Ngày 20/01/1946 ta đã đánh đoàn xe quân sự của địch diệt 2 xe, giết chết một số tên địch, trong đó có tên đại tá Dessert, tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây, là một trong 5 tên sĩ quan cao cấp nhất của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Đây là trận thắng đầu tiên của đơn vị vũ trang ta đánh xe cơ giới địch. Các trận tiếp theo là Tầm Vu 2 diễn ra ngày 12/11/1946, Tầm Vu 3 diễn ra ngày 03/05/194. Sau trận nầy trên chiến trường cả nước vang lên bài hát ca ngợi chiến tắng Tầm Vu của nhạc sĩ Đắc Nhẫn, lời của ca sĩ Quốc Hương trong đó có đoạn: “ … Hùng thay. Tầm Vu. Vang tiếng, oai Vệ quốc quân …”. Ngày 19/4/1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ trưởng Trần Văn Giàu và Tham mưu Trưởng Võ Quang Anh, quân ta đánh tiêu diệt 14 xe quân sự địch, giết chết gần 200 tên lính Pháp, trong đó có một tên quan ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt là thu khẩu đại bác 105 ly lần đầu tiên trong cả nước, làm nức lòng quân và dân cả nước.

Chúng tôi đi giữa khu di tích lịch sử Tầm Vu rất khang trang sạch đẹp sừng sững giữa đất trời cao xanh lồng lộng. Bức tượng đài cao 8 mét khắc họa tình đoàn kết quân dân son sắt một lòng đồng tâm hợp lực tiêu diệt quân thù trong tiếng loa kèn thúc giục thật sống động hào hùng bên cạnh dãy phù điêu tái hiện hình ảnh của 4 trận Tầm Vu anh hùng mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc. Khẩu pháo 105 ly của địch còn đây như một chứng nhân lịch sử để kể cho lớp người đi sau về huyền thoại Tầm Vu. Khu di tích nầy đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.

Anh Cao Quốc Trung, ngụ ấp Láng Hầm dẫn chúng tôi đi qua những chiếc cầu xi măng kiên cố, những con đường nông thôn nhựa hóa thẳng tắp khang trang. Anh kể “… Xứ nầy bây giờ “ngon lắm”, xe hơi chạy vô ra ào ào, không còn cầu khỉ, cầu tre, điện, đường, trường, trạm có đủ hết, có luôn tới “inh tờ nết” nữa đó nghe …”. Anh nói với vẻ tự hào.

Chúng tôi đến khu di tích (KDT) lịch sử cách mạng cấp quốc gia Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú (huyện Cai Lậy - Tiền Giang) để ôn lại quá khứ hào hùng của một địa danh đã từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa là niềm tự hào bất tận của quân dân Tiền Giang anh hùng.

Bà Lê Thị Bảy, ngụ xã Tân Phú phấn khởi nói: “… Ấp Bắc là niềm tự hào của người dân nơi đây, chúng tôi luôn giáo dục con em mình sống thật xứng đáng với cha ông đi trước, phải xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh …”.

Ngày 02/01/1963 lịch sử, quân và dân nơi đây đã đánh bại các chiến thuật hiện đại, tiên tiến của Mỹ - ngụy lúc bấy giờ là: bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận. Đó chính là biểu hiện cho sự thông minh, gan dạ, khéo léo đầy quyết tâm, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam nói chung, quân dân Tiền Giang nói riêng. Chúng tôi lặng người thật lâu trước tượng đài bằng đồng sừng sững, uy nghiêm mang tên “Tiểu đội gang thép” nặng đến 18 tấn biểu hiện tư thế tiến công hiên ngang đứng trên xe tăng địch của 3 chiến sĩ gang thép gồm chiến sĩ Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và một chiến sĩ khác tên Hùng.

Sáng ngày 02/01/1963, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường mở cuộc càn quét xã Tân Phú thuộc vùng giải phóng liên hoàn hai huyện Cai Lậy, Châu Thành. Điểm tập trung đánh phá là Ấp Bắc. Công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại Vàm kinh 3 và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9 giờ địch cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc. Đến 13g30, ba xe M113 của địch mở đợt tiến công. Trận địa bất lợi cho ta, tiểu đội Nguyễn Văn Đừng, cùng hai chiến sĩ anh dũng cầm cự không cho địch tiến vào rồi bất ngờ bám lên M113 ném thủ pháo phá hủy 1 xe, diệt 5 tên địch, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy. Sau đó 3 đồng chí nầy quay về công sự và đã hy sinh anh dũng. Toàn bộ chiến sĩ ấy đều đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó địch tiếp tục tăng quân tiến công nhiều đợt nữa, quân dân ta kiên cường đánh trả. Đến 20 giờ, địch hoàn toàn bị ta đẩy lùi. Chỉ trận đánh lịch sử nầy, ta đã diệt 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trực thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm. KDT mỗi năm đã đón hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Đây cũng là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bất khuất của người đi trước trong sự nghiệp giữ nước.

Đến thăm KDT hôm nay, chúng tôi thật xúc động khi tận mắt chứng kiến những di tích chiến tranh trên diện tích khuôn viên gồm: xe bọc thép, máy bay lên thẳng, pháo 105 ly. Cạnh đó mộ 3 chiến sĩ gang thép năm xưa đang tỏa khói nhang nghi ngút bên vườn hoa thơm rực rỡ sắc màu. Cạnh đó là bảo tàng Ấp Bắc đang tiềm ẩn dưới những cây cao bóng mát mời gọi khách đến tham quan tìm hiểu và nghe kể chuyện về trận đánh 50 năm về trước với bao sự ngỡ ngàng và thán phục. Điều lý thú mà có lẽ chỉ ở KDT nầy mới có là hình ảnh những cánh đồng lúa trĩu hạt hứa hẹn mùa vàng đan xen nhiều mô hình bằng xi măng xác máy bay, xe M113 bốc cháy ngùn ngụt giữa đồng.

Em Võ Thị Mỹ Huyên, sinh viên trường Đại học Võ Trường Toản, tỉnh Hậu Giang tự hào nói sau khi tham quan KDT “… Không là quê hương của mình, nhưng em rất tự hào và vô cùng khâm phục trước sự hy sinh anh dũng của quân dân Ấp Bắc ngày xưa …”.

Chúng tôi về xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ với tâm trạng thật háo hức, đợi chờ. Háo hức vì mình sắp đặt chân lên mảnh đất anh hùng đầy vết bom đạn chiến tranh, trong đó chiến thắng trận “Ông Hào” luôn là đề tài nóng bỏng, là niềm tự hào bất tận của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.

Đầu tháng 6/1965, theo lệnh tướng Đặng Văn Quang, địch tập trung lực lượng lớn càn quét vào hai huyện Ô Môn và Châu Thành tìm diệt tiểu đoàn Tây Đô, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đến hai lần. Để đối phó ta bí mật đưa lực lượng về khu vực Áng Khám - Ông Hào xây dựng trận địa phòng ngự, bố trí lực lượng chuẩn bị chống càn. Ngày 8/6/1965, trận chiến bắt đầu. Tiểu đoàn 44 biệt động ngụy chạm trán đội hình của Trung đội nữ địa phương quân Ô Môn. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Dù có nhiều chị bị thương, hy sinh nhưng các chị đã kiên cường đánh địch bật ra khỏi công sự. Địch tung lực lượng đông hơn ta gấp 20 lần với sự yểm trợ của máy bay trực thăng cộng đạn pháo của địch từ Cái Tắc, Cái Răng tập trung đánh vào khu vực Áng Khám. Sau hơn 10 đợt tấn công đều thất bại và bị thương vong khá nhiều, địch rút lui. Nhận được tin, Tướng Đặng Văn Quang ra lệnh “tung” tiểu đoàn “Cọp đen” tinh nhuệ, có chiến thuật đánh công sự giỏi đổ bộ vào đội hình. Được tin, ta tổ chức phục kích địch, đồng chí Huỳnh Văn Tèo, đã dùng súng trường Garan Mỹ bắn rơi 1 máy bay phản lực B.57. Điên cuồng, Mỹ hạ lệnh cho 3 máy bay ném bom hủy diệt nhà thờ Ông Hào khiến gần 200 giáo dân, đa số là người già, trẻ em, nữ tu bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Biến đau thương thành sức mạnh căm thù, sau 10 phút chiến đấu ác liệt, Đại đội 23 đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn Cọp đen ác ôn nầy. Trong trận nầy, ta đã tiêu diệt 674 tên địch, bắt sống 50 tên, bắn rơi 1 máy bay B.57, thu 3 khẩu đại liên, 9 trung liên, trên 200 súng các loại.

Chú Lê Văn Thê, người dân gắn bó đất nầy hơn sáu mươi năm nhớ lại “… Ngày đó chiến tranh ác liệt, địch đông, hỏa lực mạnh, vậy mà bị ta đánh tan tác không còn manh giáp, tháo chạy “có cờ”, bà con lúc đó phấn khởi quá trời …”.

Chúng tôi đến thắp nhang tưởng nhớ 200 nạn nhân trong cuộc thảm sát xưa với tâm trạng bùi ngùi khôn tả. Chiến tranh ác liệt quá, tàn khốc quá. Lòng chợt ấm lại khi bắt gặp một màu xanh thăm thẳm bởi vườn cây trái sum xuê trĩu quả. Đây dâu Hạ Châu, cam sành, bưởi năm roi. Kia những cánh đồng vàng oằn say bông lúa vàng chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Đó những nương rẫy trồng màu đang đơm bông kết trái. Ông Hào nay đường sá thật khang trang, rộng, đẹp. Điện, đường, trường, trạm đã hoàn thiện. Nhà mới đua nhau mọc lên như nấm. Anh Đồng Việt Hùng cho biết thêm “… Người dân Ông Hào đang lo toan việc làm giàu, việc xây dựng nông thôn mới, việc giữ vững danh hiệu xã Văn hóa, xã anh hùng LLVTND, tiến đến xây dựng xã Nông thôn mới …”.

Ngày 21/12/2012, thành phố Cần Thơ long trọng khánh thành công trình Khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào, được xây dựng trên diện tích hơn 25.000m2, gồm 8 gói thầu với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng; trong đó có 3 hạng mục lớn như khu Trưng bài hiện vật, khu tưởng niệm và Tượng đài phù điêu cao 12,7m. Đây là công trình văn hóa lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân Cần Thơ trên mảnh đất Tây Đô anh hùng, Khu di tích nầy không chỉ mang giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân mà còn có giá trị giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau và là một trong những điểm đến trên tuyến du lịch sinh thái của huyện Phong Điền.

Con đường dẫn về đền thờ Bác tại xã Long Đức, TP Trà Vinh hôm nay to rộng khác thường, khác xa với hình ảnh mấy năm trước đây khi chúng tôi về đây tham quan và báo công lên Bác.

Hai câu đối “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” ngoài cổng khu di tích là lời nhắc nhở lớp cháu con luôn chung lưng đấu cât xây dựng nước non ngày càng đẹp hơn, đàng hoàng hơn theo di chúc của Người. Xúc động biết bao khi nhìn thấy những cây vú sữa “miền Nam” từng là nỗi nhớ thương canh cánh của Bác trong tháng năm nước nhà còn chia cắt. Khu di tích còn tái hiện ao sen của Bác với hình trái tim. Chị Bùi Thị Mỹ Linh, thuyết minh viên cho biết “… đây là tấm lòng miền Nam nói chung, người dân Long Đức nói riêng hướng về Bác bằng tất cả trái tim thương nhớ, kính yêu …”. Điều lý thú là ngôi đền thờ Bác vẫn giữ nguyên địa điểm và lối xây dựng hơn 42 năm qua gồm mái lá, vách tôn, cột gỗ, bàn thờ Bác trong khói hương thơm ngát, trong gió đưa xào xạc của vô số hàng tre gai năm xưa chở che ngôi đền thiêng liêng nầy. Cạnh đó khu di tích có khá nhiều cây me Tây cổ, cây Vạn Long Thọ tỏa bóng mát to rộng quanh năm. Bên trong đền Bác có các câu đối “… Nhà cao đất rộng nhờ ơn Đảng. Áo ấm cơm no nhớ Bác Hồ …”. Sau ngày giải phóng, ngôi đền được xây thêm mái vòng cung bên ngoài nhưng vẫn giữ nguyên hình ảnh ban đầu đầy ấn tượng.

Chúng tôi càng xúc động hơn khi đến tham quan ngôi nhà sàn của Bác được phục chế gần như nguyên bản với những hiện vật như: nón, điện thoại, ghế nằm, cầu thang, bàn làm việc, rèm cửa …đang yên ả nhìn xuống ao sen trong tháng tám mùa thu rực rỡ. Tại khuôn viên rộng trên 6.000m2 có trưng bày nhiều hiện vật chiến tranh như: xe JEEP tịch thu của địch, khẩu pháo 105 ly do trung úy pháo binh Huỳnh Chí Thiện làm nội ứng cho ta, trực thăng HUIA bị đại đội bộ binh 509 của ta bắn rơi năm 1964. Khu triển lãm trung tâm lưu giữ nhiều tư liệu về thân thế, sự nghiệp, hình ảnh của Bác cùng gia đình, bè bạn năm châu, đặc biệt là di chúc của Bác năm 1969, các thư chúc tết đồng bào cả nước, các hình ảnh hoạt động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Trà Vinh.

Với các giá trị và ý nghĩa lịch sử, năm 1989, Đền thờ Bác Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Cái nóng gay gắt dịu dần khi xe chúng tôi bắt đầu đi vào địa phận xã Thuận Hưng, cửa ngõ của cuộc hành trình đi về Lăng Bác thuộc xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Hai bên đường xanh mượt bởi vô số hàng cây Bạch Đàn, Tràm, Phượng Vĩ, tre và trúc xanh ngút ngàn tạo khoảng xanh rất dịu mát kéo dài trên 20km. Khu di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ đặt tại trung tâm xã Lương Tâm khá thoáng mát, đẹp, uy nghiêm. Dù là giờ nghỉ trưa nhưng chị Nguyễn Thị Trúc Xuân, thuyết minh viên vui vẻ hướng dẫn chúng tôi tham quan các hạng mục như: khu đền chính thờ Bác, nhà trưng bày hình ảnh một số hiện vật của Bác, nhà Hội sinh hoạt và chiếu phim phục vụ, thư viện Hồ Chí Minh, phòng giữ lửa truyền thống …

Chị Xuân tâm sự “… bản thân rất vui và tự hào vì được công tác tại đây để có dịp bày tỏ lòng kính yêu vô hạn với Bác, được kể về cuộc đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi người biết và học tập, làm theo …”

Chúng tôi rất xúc động khi được xem lại những thước phim tư liệu quý báu về Bác Hồ, được nhìn thấy những vật dụng sinh hoạt giản dị thường ngày của Người như: bộ quần áo kaki, dép lốp, nón cối, chiếc gậy hành quân … nhất là nhìn lại ngôi nhà sàn, nơi Bác sống và làm việc với trái tim luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Đây, những tấm ảnh vô giá về cuộc đời của một vị lãnh tụ kính yêu đã sống, chiến đấu, lao động, học tập để mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân, đánh đổ thực dân phong kiến, giành lấy độc lập tự do cho nước nhà.

Theo lời kể của chị Trúc Xuân: sau khi Bác Hồ mất năm 1969, quân dân Lương Tâm quyết định lập đền thờ tại văn phòng Đảng ủy xã với nghi thức trang nghiêm, nhiều lần địch đánh phá nhưng đền Bác vẫn vững vàng trong bom đạn quân thù. Mỗi lần xuất kích dân quân Lương Tâm đều đến thắp hương và hứa với Bác sẽ mang thắng lợi về. Đặc biệt sau khi xây xong đền thờ, quân dân Hậu Giang đã liên tục tấn công 34 mục tiêu quân sự, tiêu diệt gần 400 tên địch. Tại xã Lương Tâm, quân dân ta đã tiêu diệt đồn Vàm Cấm, đồn Tô Ma, đồn Đường Đào diệt 40 tên địch.

Ngày 2/9/1990, đền thờ Bác với các hạng mục quy mô hoàn thành đưa vào sử dụng. Nghi thức rước ảnh Bác và ngọn lửa truyền thống Pắc Bó được tổ chức trang nghiêm và xúc động. Từ đó đến nay khu di tích lịch sử này đã được nâng cấp mở rộng nhiều lần với diện tích trên 2ha gồm có 7 hạng mục công trình thu hút khá nhiều du khách gần xa đến tham quan. Mỗi năm đền thờ Bác tiếp đón từ 35.000 đến 40.000 lượt người đến tưởng niệm công đức của Người. Các ngày lễ hội đều tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn hóa - thể thao vui chơi giải trí cho nhân dân địa phương và các xã lân cận tỉnh bạn. Đây còn là nơi tổ chức nhiều cuộc hành quân về nguồn, nói chuyện truyền thống, giáo dục lý tưởng sống cho đoàn viên thanh niên. Ngày 7/1/2000, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Còn nhiều lắm những tượng đài bất tử khắp các tỉnh thành khu vực miền Tây. Mỗi nơi đều ghi lại dấu ấn lịch sử oai hùng của địa phương mình với lòng tự hào và sự tri ân trang trọng với những người đã hy sinh. Thời gian đi qua nhưng dư âm oai hùng, bất khuất của các tượng đài bất tử tiêu biểu của cả nước nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc, nhắn nhớ thế hệ hôm nay phải sống, chiến đấu, lao động, xây dựng quê hương xứng đáng với sự hy sinh của bao người đã ngã xuống để có được độc lập hôm nay.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây