Nguyễn Lệ Chi: Nhiều dịch giả thầm lặng chưa được biết tới

Thứ sáu - 02/10/2009 11:19 2.214 0

Nguyễn Lệ Chi: Nhiều dịch giả thầm lặng chưa được biết tới

“Tôi không cho rằng lượng dịch giả ở Sài Gòn là ít hơn và kém phần sôi động hơn so với ở Hà Nội. Có rất nhiều dịch giả thầm lặng mà chúng ta không được biết tới. Việc công nhận vị trí và vai trò của dịch giả trong xã hội nước ta cũng sẽ là một động lực lớn, một niềm khích lệ lớn quý báu giúp họ tiếp tục đeo đuổi công việc nhọc nhằn này” - dịch giả trẻ Nguyễn Lệ Chi chia sẻ.

Là chủ nhãn hiệu sách Chibooks tại Sài Gòn, dịch giả Nguyễn Lệ Chi chuẩn bị cho ra mắt website riêng về văn học. Với tâm huyết gây dựng các tủ sách văn học Mỹ đương đại, văn học Anh đương đại, văn học Úc đương đại, văn học Trung Quốc đương đại… và tiến tới sẽ là tủ sách văn học Hàn đương đại… dịch giả Nguyễn Lệ Chi có những chia sẻ rất thú vị về công việc dịch thuật của mình.

- Theo chị, luồng gió mới mà các dịch giả trẻ mang đến cho văn học dịch Việt Nam trong những năm gần đây là gì? Chị học được gì ở lớp các cây đại thụ dịch giả đi trước.

Phải thừa nhận rằng trong vài ba năm trở lại đây, khá nhiều tác phẩm văn học dịch với nhiều thể loại và nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Hoa, Anh, Hàn, Nhật… Phần lớn các đề tài này đều khá hiện đại, gần gũi với cuộc sống đương đại. Hoặc một số thể loại như truyện kinh dị… là dạng khá hiếm trước đây trên thị trường đọc của nước ta.

Có được điều này phần lớn cũng nhờ các dịch giả trẻ. Nhờ họ chịu khó mày mò, giới thiệu sách mới, sách hay cho các đơn vị xuất bản, các độc giả trong nước mới có nhiều món ăn tinh thần phong phú đến vậy. Mặt khác, nhờ vốn từ vựng trong trẻo, trẻ trung, họ cũng thổi những luồng gió mới đầy sinh khí vào tác phẩm, khiến chúng sinh động và cuốn hút hơn.

Thực ra, đối với các dịch giả trẻ như chúng tôi ngày nay, muốn học nghề từ các bậc cha chú là rất khó, chỉ có thể qua những tác phẩm dịch của họ. Tôi cũng tranh thủ đọc lại nhiều tác phẩm dịch có tên tuổi như của Trần Đình Hiến, nhiều khi đọc đi đọc lại một tác phẩm dịch đã xuất bản rất nhiều lần, rồi lại đọc nguyên tác khi có điều kiện, để từ đó rút ra kinh nghiệm. Tất nhiên những chuyện này cũng mất khá nhiều thời gian.

- Nói một cách thẳng thắn, dịch giả trẻ như các chị liệu có thể “sống” được với nghề? Có lúc nào chị phải tìm cách lấy ngắn nuôi dài, dịch các hợp đồng kinh tế để lấy vốn dài hơi cho việc dịch tác phẩm văn học?

Nói một cách công bằng thì nhuận bút dịch cho phần lớn các dịch giả hiện nay của cả nước vẫn không đủ khiến họ chuyên tâm theo nghề. Lấy một ví dụ, một cuốn sách phải dịch trung bình mất 3 tháng mới hoàn tất, nhuận bút chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/tháng, chưa tính thuế thu nhập. Như vậy với mức thu nhập trung bình 3-4 triệu đồng/tháng (nếu chỉ trông chờ vào dịch sách) đối với dân giỏi ngoại ngữ là quá bèo bọt. Các bạn trẻ sẽ rất dễ nản và bỏ đi làm việc khác.

Quả thật nếu không phải vì đam mê, tôi cũng khó lòng đi theo nghề dịch sách, vì trước tiên nó rất mất thời gian và thu nhập lại không hề cao. Vì vậy nhiều lúc tôi vẫn phải lấy ngắn nuôi dài, viết bài, dịch bài, làm các dịch vụ mua bản quyền… để bù thêm vào sinh hoạt.

Thú thật là tôi không có hứng thú với các công việc khác mà không liên quan tới chữ nghĩa hoặc giải trí nghệ thuật nên không nhận dịch các loại kiểu như hợp đồng kinh tế, đi phiên dịch cho tour hoặc dịch hội đàm…

- Với lớp trẻ, giỏi ngoại ngữ và được tiếp cận tri thức phương Tây (nhiều hơn các dịch giả lão làng) thôi chưa đủ. Dịch không phải đơn thuần là việc chuyển ngữ “word by word”? Chị có nghĩ như vậy không khi mà có nhiều người giỏi ngoại ngữ nhưng chưa chắc đã dịch được văn học?

Điều đó là đương nhiên. Rất nhiều người mà tôi từng tiếp xúc đã có gần 10 năm du học, chuyên ngành Văn học hoặc Ngôn ngữ hẳn hoi, nhưng khi cho dịch thử thì rất chán, vô cùng chán, khô cứng như cơm nguội. Bởi vốn kiến thức xã hội và vốn sống của họ còn nghèo nàn, vốn tiếng Việt không phong phú, nên không thể thổi hồn được vào tác phẩm. Điều này rất khó nói và khó rèn luyện được. Có năng khiếu về ngôn ngữ hay không (cả ngoại ngữ lẫn tiếng Việt) đều xuất phát phần lớn từ bẩm sinh, là trời phú.

 Ảnh minh họa

 

 Website riêng của dịch giả Nguyễn Lệ Chi


- Cuộc sống hiện tại của chị gắn bó với dịch thuật thế nào. Với vai trò là chủ sở hữu thương hiệu sách Chibooks, chị có thể chia sẻ một chút công việc của một người phải lựa chọn đầu sách mua bản quyền để xuất bản tại Việt Nam để bộ mặt văn học dịch không bị phiến diện?

Hiện nay công việc chính của tôi là làm báo (biên tập, viết bài), ngoài ra phụ trách định hướng xuất bản cho Chibooks. Vì vậy thời gian dịch riêng của tôi bị co hẹp kinh khủng.

Sau khi giải quyết tất cả mọi việc trong ngày, tôi mới có thể bắt tay vào dịch một, hai tiếng trước khi đi ngủ. Nhưng đó đã là sự lựa chọn của mình rồi thì phải ráng mà làm, khi vẫn còn sức và vẫn còn đam mê.

Về việc mua bản quyền sách nước ngoài, tôi đi theo định hướng làm sách của Chibooks là chỉ xuất bản sách văn học đương đại nước ngoài. Trong đó tôi cố gắng gây dựng các tủ sách nhiều nước khá đa dạng như tủ sách văn học Mỹ đương đại, văn học Anh đương đại, văn học Úc đương đại, văn học Trung Quốc đương đại… và tiến tới sẽ là tủ sách văn học Hàn đương đại…

Tôi cố gắng chọn các tác giả chưa từng được giới thiệu ở Việt Nam và mua nhiều tác phẩm của một tác giả để độc giả có cái nhìn tổng thể hơn về phong cách viết của từng tác giả. Tránh suy nghĩ phiến diện của rất nhiều người mà tôi từng bắt gặp là tác giả đó chỉ viết loại sách đó, hoặc rất hay, hoặc rất dở… trong khi họ mới chỉ được đọc có một, hai tác phẩm cùng tác giả.

- Dịch thuật, tự xây dựng thương hiệu sách chibooks, sắp ra mắt website cá nhân riêng, có vẻ như chị dành sự đầu tư lớn cho văn học dịch?

Thật ra như vậy cũng không có gì là đầu tư lớn cả, tôi làm mọi thứ đều tự phát và xuất phát từ hứng thú cá nhân. Cũng mong muốn là văn học dịch sẽ tiếp tục nuôi được ngọn lửa nhiệt tình và niềm hứng thú trong tôi. Còn tình cảm với bất kỳ công việc gì thì tôi vẫn tiếp tục còn đầu tư vào nó, bất kể đó là dịch sách hay viết báo…

- Là người hoạt động trong nghề dịch thuật tại Sài Gòn, chị thấy có sự khác biệt nào giữa văn học dịch Sài Gòn và Hà Nội. Môi trường trong đó có thật sự sôi động hơn ngoài này, kể cả về lượng dịch giả, độc giả thích đọc văn học nước ngoài…

Thật sự rất khó so sánh vì từ trước tới giờ không có số liệu thống kê số dịch giả chính thức giữa hai vùng. Tuy nhiên tôi không cho rằng lượng dịch giả ở Sài Gòn là ít hơn và kém phần sôi động hơn so với ở Hà Nội. Có rất nhiều dịch giả thầm lặng mà chúng ta không được biết tới mà thôi.

- Điều gì những dịch giả trẻ như chị mong muốn trong dòng chảy văn học dịch tại Việt Namhiện nay?

Tôi thực lòng mong muốn văn học dịch ở Việt Nam ngày càng đa dạng và phong phú hơn với nhiều thứ tiếng, nhiều tác phẩm của nhiều tác giả. Có như vậy các dịch giả trẻ mới thấy hứng thú và quyết định lựa chọn dòng sách mà mình yêu thích và phù hợp để đeo đuổi. Việc công nhận vị trí và vai trò của dịch giả trong xã hội nước ta cũng sẽ là một động lực lớn, một niềm khích lệ lớn quý báu giúp họ tiếp tục đeo đuổi công việc nhọc nhằn này.

Xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Lệ Chi!

Tác giả: Thiên Lam

Nguồn tin: Vn Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây