Trả lời phỏng vấn nhà báo Tina Brown, chủ bút tờ The Daily Beast, nhà văn này phân trần: "Thật sự tôi đã giữ tinh thần lạc quan với tiểu thuyết trong khoảng 25 năm rồi. Tôi nghĩ rằng luôn luôn sẽ có người đọc chúng nhưng sẽ chỉ là một nhóm ít người".
Tuy vậy, hiện tại ông khẳng định, sách vở không thể đương đầu và cạnh tranh nổi với màn ảnh và sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
"Ấn bản in là một vấn đề lớn, chính bản thân cuốn sách đã là một vấn đề. Để đọc một cuốn sách đòi hỏi phải có sự tập trung nhất định, sự chú ý và đắm mình trong việc đọc. Nếu bạn đọc một cuốn tiểu thuyết trong hơn 2 tuần liền thì thật sự bạn chẳng đọc gì cho ra hồn cả. Do đó, có thể nói sự tập trung, chú ý, sự chăm chú, sự lưu tâm vào việc đọc trong bối cảnh hôm nay là rất khó để đạt được - thật rất khó để tìm thấy một số lượng đông đảo người, một nhóm người và một số người đạt được những phẩm chất đó", ông nói.
Theo Guardian, tiểu thuyết gia này cũng nghi ngờ sự phát triển của những thiết bị đọc sách, chẳng hạn như Kindle, cũng sẽ không tạo nên sự khác biệt nào. "Cuốn sách không thể nào đấu lại với màn hình máy tính. Nó không thể nào đấu lại với màn ảnh rộng. Sách không thể đấu lại với màn ảnh nhỏ. Hiện nay, chúng ta có đủ thứ các loại màn ảnh, và khả năng chống chọi của sách với các loại màn ảnh là rất khó khăn".
Cuốn tiểu thuyết mới của Roth là The Humbling, phát hành vào cuối tuần này, và đã sớm nhận được một bài phê bình đầy chỉ trích trên tờ Observer. Báo này gọi tác phẩm của tiểu thuyết gia là "câu khách hết sức rẻ tiền".
Còn Phillip Roth thì khẳng định, cũng giống như nhân vật Simon Axler, một diễn viên sân khấu già, người cuối cùng "đánh mất sự kỳ diệu của bản thân" trong cuốn The Humbling, nhà văn luôn lo lắng về việc sẽ cạn nguồn ý tưởng viết lách. "Luôn luôn mỗi khi tôi hoàn thành một tác phẩm, tôi đều nghĩ "Mình sẽ làm gì đây? Mình sẽ tìm cảm hứng viết lách ở đâu đây?. Tôi cứ viết và xuất bản bởi vì tôi không thể chịu đựng nổi cảm giác không có tác phẩm để hoàn thành... Đó không phải là cảm giác được nói hay không nói điều gì trong cuốn sách, hoặc là cuốn sách sẽ nói lên điều gì, mà chính là tôi muốn cảm giác được đắm mình trong tiến trình viết lách khi tôi còn đang sống".
Phillip Roth không chỉ bi quan về tương lai của tiểu thuyết mà trước đây, vào năm 2001, trong cuộc trò chuyện với tờ Observer, ông bày tỏ sự quan ngại về văn hóa Mỹ: "Tôi không giỏi trong việc tìm kiếm những đặc trưng đầy tính "khích lệ" trong văn hóa Mỹ. Tôi nghi ngờ việc thị hiếu thẩm mỹ có nhiều tương lai phát triển ở xứ sở này".
Ý kiến bạn đọc