Sự kiện đầu tiên thu hút lực lượng văn học trẻ là “sân thơ trẻ” của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 tổ chức tại Văn Miếu Hà Nội. Những cây bút trẻ đã và đang hoạt động trong lĩnh vực thơ ca được điểm danh như một cách hình dung về bức tranh thơ trẻ đương đại như: Đồng Chuông Tử, Lữ Thị Mai, Đặng Chân Nhân, Nguyễn Phan Quế Mai, Trương Trọng Nghĩa, Tằng A Tài, Yên Khương, Bá Minh Trí, Hoàng Chiến Thắng, Trịnh Sơn, Thái Bảo Anh, Vũ Thị Huyền Trang, Khúc Hồng Thiện, Jalau Anưk, Huỳnh Thuý Kiều, Sonpatra, Tuệ Nguyên… Không những thế, thơ trình diễn, thơ sắp đặt ở góc độ nào đó công chúng đã bớt xa lạ và chấp nhận nó tồn tại song song với cách biểu cảm ngôn từ truyền thống. Một sự độc chiếm có phần ưu ái dành cho thơ ca (Chỉ có ngày Thơ chứ không có ngày dành cho Văn xuôi) như cuộc đổ bộ rầm rộ khiến không ít người tin rằng từ giờ đến cuối năm chưa biết chừng thơ ca sẽ có diện mạo khác.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó văn xuôi đã làm cuộc lội ngược dòng bởi những cái tên khác và cả chính những tác giả thơ từng có tên được giới thiệu rất công phu trên các poster ở sân thơ trẻ. Quá ít tác giả xuất hiện ở sân thơ ra sách năm nay như Nguyễn Phan Quế Mai, Khúc Hồng Thiện… Họ vẫn làm thơ và có thể năm 2010 chưa phải là thời điểm để in riêng tập thơ. Bởi in thơ đồng nghĩa với việc tự trang trải các khoản chi phí in ấn mà các cây bút trẻ không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Một số tác giả thì lấn sang văn xuôi, được nhiều người biết đến qua các giải thưởng như Vũ Thị Huyền Trang, Hoàng Chiến Thắng…
Tiếp đến là lực lượng các cây bút văn xuôi với Tẩy sạch vết yêu của Lê Anh Hoài, Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư, Nhắm mắt là thấy Pari của Dương Thuỵ, Kín của Nguyễn Đình Tú, Chuyện tình Pari của Dương Bình Nguyên. Bên cạnh đó là những cái tên trẻ trung hơn, với Nguyễn Văn Học, Thuỷ Anna, Hà Thanh Phúc, Vũ Phương Thanh… Không phủ nhận nỗ lực của những tác giả đã làm cho bức tranh văn xuôi năm 2010 đa dạng, nhiều màu sắc. Thế nhưng bên cạnh tác giả được đánh giá trên phương diện nghệ thuật còn nhiều cây bút trẻ bước vào văn xuôi như cuộc “thử nghiệm”. Có tác phẩm như những mảnh ghép báo chí mới chỉ dừng lại ở mức phản ánh, thấy gì viết đấy mà lẽ ra với vốn sống đó họ có thể cho ra tác phẩm hay hơn nếu biết tiết chế cái sự nhanh của mình.
Cuộc thi văn học tuổi 20 kết thúc, liệu có tạo dựng nên một số tên tuổi có thể hi vọng như trước đây chúng ta từng biết đến: Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Phan Việt, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Nguyên Hương, Trang Hạ…?Với tác giả Trương Anh Quốc, dù đây là lần thứ 2 đoạt giải thưởng văn học tuổi 20 nhưng xem ra anh khá kín tiếng trên văn đàn. Vẫn dựa vào lợi thế nghề nghiệp trên những chuyến tàu viễn dương được lênh đênh khắp thế giới với nhiều điều mới lạ được tác giả khai thác tối đa trong cả 2 lần dự thi. Mỗi chương là một câu chuyện ít đầu cuối, độc giả khó nhận ra nhân vật chính như chuỗi chuyện liên hoàn, hoặc giống nhật kí hải trình hơn là truyện ngắn. Điều bất ngờ chính tác giả thổ lộ là khi viết, anh đề nó là tập truyện ngắn, nhưng khi được trao giải và in thành sách thì ban giám khảo nhất trí cho nó là... tiểu thuyết! Không biết với việc “nâng” mức thể loại từ truyện ngắn thành tiểu thuyết của các nhà văn cho Trương Anh Quốc là ghi nhận hay định hướng cho tác giả và các cây bút trẻ?
Trở về từ cuộc thi lần thứ 4 này, giải thưởng chỉ là một sự khích lệ, một bệ đỡ ban đầu cho hành trình văn chương dài phía trước đúng như tên gọi của cuộc thi Văn học tuổi 20. Có thể cái điều bình thường của văn chương về sự tranh cãi những giá trị văn học trong tác phẩm đoạt giải đâu đó vẫn xảy ra. Nhưng có lẽ cần phải nhìn những người trẻ ở góc độ khác. Họ có thể chưa có tác phẩm chỉn chu, còn lỗi này lỗi khác… nhưng ở họ xuất hiện những nội lực mà với nỗ lực bản thân và tác động khách quan họ sẽ đẩy được khả năng của mình đi xa. Giống như câu chuyện nhà văn nọ bất chợt đọc ở đâu đó một tác phẩm ký tên lạ hoắc, mặc dù tác giả đó còn lỗi nọ lỗi kia nhưng nhà văn ấy tin rằng tác giả có thể đi được xa, hơn là những cái tên quen quen cứ đều đều như nhau xuất hiện nhan nhản hàng ngày.Mới đây trong hệ thống giải thưởng, Giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT chưa thực sự được dư luận chú ý và tạo hiệu ứng xã hội. Điều này chứng tỏ khi nhìn nhận văn học trẻ chưa hẳn là phải thông qua kênh giải thưởng. Bằng chứng là, trên mạng, đời sống văn học trẻ vẫn khá sôi động. Tất nhiên sự sôi động chỉ đồng nghĩa với tồn tại chứ không đồng nghĩa với phát triển.
Văn học trẻ năm 2010 cũng không có nhiều hoạt động được quan tâm từ phía Hội Nhà văn, hầu như dồn hết vào ngày thơ. Để ra sách họ vẫn phải tự tìm nơi in ấn và PR đến tay độc giả. Trong hệ thống giải thưởng của Hội Nhà văn cũng không có ưu ái dành cho sáng tác trẻ. Hội Nhà văn có Ban nhà văn trẻ nhưng dường như Ban chưa hiểu người viết trẻ hôm nay cần gì để hỗ trợ. Việc hỗ trợ bản thảo in thành sách rồi giới thiệu tới công chúng như cách làm của một số công ty tư nhân không biết khi nào mới được Hội Nhà văn thực hiện? Trong khi đó, không ít những khoản đầu tư cho đi thực tế, sáng tác, giải thưởng… dành cho các nhà văn lớn tuổi. Thiết nghĩ đã đến lúc Ban nhà văn trẻ cần chủ động đề ra những kế hoạch cụ thể để có khoản kinh phí hỗ trợ cho hoạt động văn học trẻ hơn nữa. Không những thế, Ban nhà văn trẻ cũng cần năng động đi tìm “mạnh thường quân” để có điều kiện quan tâm cho văn học trẻ.
Văn học trẻ năm 2010 được khuấy động bởi các cây bút văn xuôi. Nhưng nhìn chung chưa thật mạnh mẽ và có những bứt phá đáng kể. Trong một cuộc trả lởi phỏng vấn về văn học trẻ, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan có dự báo: “Theo tôi thì trong một tương lai trước mắt, văn trẻ sẽ đi vào cuộc khủng hoảng về mặt nội tại của khu vực văn học đó”. Liệu dự báo này có là bi quan hay khôngthì có lẽ tất cả chúng ta sẽ lại “bảo hiểm” cho văn học trẻ đầy tiềm năng bằng niềm tin tưởng, hi vọng và lạc quan ở thì tương lai gần.Tác giả: Ngân Hà
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc