Tiểu thuyết Việt Nam, bốn năm một cuộc thi

Thứ ba - 21/12/2010 04:38 2.425 0

Tiểu thuyết Việt Nam, bốn năm một cuộc thi

Tiểu thuyết Việt Nam đang có xu hướng trẻ hoá trong mấy năm gần đây với khá nhiều dư luận trái chiều. Tuy nhiên, danh sách các tác giả đoạt giải ở những cuộc thi lớn và được giới chuyên môn đánh giá cao như cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam thì còn vắng bóng. Liệu sau cuộc thi này công chúng sẽ điểm danh được những cái tên nào?

Không có nhà văn trẻ được vinh danh 

Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam kéo từ năm 2006 đến 2009 được giới văn chương chờ đợi cuối cùng đã có kết quả với 14 tác phẩm đoạt giải. Giải cao nhất và duy nhất thuộc về tiểu thuyết lịch sử Hội thề của Nguyễn Quang Thân.

Điều đáng chú ý là, trong số 10 giải C - giải thấp nhất của cuộc thi cũng không có giải nào dành cho nhà văn trẻ. Không trông chờ ở sự xuất hiện mang tính đột phá của các cây bút tiểu thuyết trên dưới 30 tuổi, nhưng ngay cả những tác giả thuộc thế hệ sinh năm 1970 - U40 như nhiều người tin tưởng sẽ là lực lượng kế cận các nhà văn U50, 60 và 70 cũng không có giải. Bởi vì đây là thời điểm mà thế hệ cầm bút của thập kỷ 70 đã tích luỹ cho mình được vốn sống, kinh nghiệm sáng tác để bắt đầu hành trình tiểu thuyết một cách nghiêm túc nhất. Khi danh sách 51 tác phẩm vào chung khảo, những cái tên như Đặng Thiều Quang, Nguyễn Đình Tú, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Văn Học, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Thế Hùng… dù ở mức độ khác nhau trong sự “cân đong đo đếm” của dư luận từ khi nó ra đời cho đến khi có mặt tại vòng chung khảo tiểu thuyết cũng đã nhen nhóm một hi vọng cho sự thay đổi, sự khác, sự mới… Thế nhưng, tất cả hi vọng ấy dường như lại bị đánh tráo trong phép tỉ lệ nghịch.

Nếu như ở cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam dù không xuất hiện một cây bút trẻ nào nhưng còn có ba tác giả ở độ tuổi 40, đó là Nguyễn Xuân Hưng, Lê Ngọc Mai và Võ Thị Xuân Hà. Đến cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 2- sau 4 năm thì cái tên Nguyễn Xuân Hưng và Lê Ngọc Mai vẫn được coi là trẻ. Và chỉ có nhà văn Mạc Can với tác phẩm “Tấm ván phóng dao” đoạt giải A được công chúng ghi nhận vừa là một phát hiện, vừa là một cái tên mới và là nhà văn… trẻ!. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng khi nhìn nhận về sự “già hoá” của đội ngũ nhà văn viết tiểu thuyết của Việt Nam từng cho rằng: “Điều này không có gì lạ và không đáng lo ngại vì trong lĩnh vực tiểu thuyết đòi hỏi độ chín hơn trong lĩnh vực thơ và truyện ngắn, vốn là nơi người viết dễ lóe sáng từ đầu”. Tuy nhiên, vì sao trong khoảng 3 -5 năm trở lại đây độ tuổi các cây bút bắt đầu viết tiểu thuyết càng có xu hướng trẻ. Thậm chí đã có không ít người còn đặt ra câu hỏi; liệu đã đến thời của tiểu thuyết trẻ, liệu tiểu thuyết trẻ có lên ngôi?... Phải chăng, qua những giải thưởng mang tính chuyên môn cao như giải thưởng của Hội Nhà văn là câu trả lời cho vấn đề chất lượng không đi đôi với số lượng? Tiểu thuyết vẫn là thế mạnh của những cây bút gạo cội, từng trải, nhiều vốn sống. Và phải chăng điều kỳ vọng một lực lượng cầm bút kế cận đến thời điểm này vẫn chưa thành?. Thế hệ nhà văn trưởng thành sau chiến tranh chưa thể đảm đương được sứ mệnh văn chương? Hay mọi giá trị thẩm định của văn chương không có sự tương đồng giữa người viết trẻ, giữa thế hệ trước và thế hệ sau - thành phần Ban giám khảo? Đây thực sự là một điều đáng suy nghĩ. Mọi nhận định về tiểu thuyết trẻ hiện nay cần phải thận trọng hơn.

Không có đột phá 

So với hai mùa giải thưởng trước - có 3, 4 giải A, giải tiểu thuyết năm nay chỉ có 1 giải A .Hội thề của Nguyễn Quang Thân được viết trên tinh thần kịch bản Hội thề đã đoạt giải A trong Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long cho dự án phim kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Lý do để Hội thề không được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh vì Nguyễn Quang Thân viết trong giai đoạn nhà Lê - không phải thời điểm để lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong vòng 4 năm (từ 9/2004 đến 3/2008) nhà văn đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết và có mặt tại cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam. Hội thề là tác phẩm chứa đựng tâm huyết và sự kì công của nhà văn ở cả hai thể loại kịch bản và văn học. Điều dễ nhận thấy khi Hội thể trở thành tác phẩm văn học cho dù tác giả có hư cấu, có thay đổi thì nó vẫn là “bình mới rượu cũ”. Có ý kiến tỏ ra hơi bất ngờ và cho rằng: “Hội nhà văn trao giải cho Hội thề là một sự dũng cảm”, nhưng cũng có ý kiến khác không tỏ ra bất ngờ vì đây là cuốn tiểu thuyết được hình thành trên cơ sở kịch bản đã được giải thưởng cao nhất của điện ảnh, tức là đã có sự thẩm định nghệ thuật ở một góc độ nào đó. Và để đánh giá sự hư cấu đó có phù hợp không, mới đến đâu thì có lẽ không chỉ bạn đọc thẩm định, mà còn phải có sự thẩm định của ban chung khảo, thậm chí cả những nhà sử học. Bởi chắc chắn những vấn đề trong Hội thề sẽ còn có những tranh cãi khác nhau.

Cuốn Xuân từ chiều của Y Ban đoạt giải C trong mấy năm qua được dư luận đánh giá là đọc được và cũng là tác phẩm chứa đựng đột phá. Nhà văn có thay đổi cách viết liền một mạch mà không xuống dòng (trừ đoạn kết) như người say sưa “buôn chuyện” cho đến hết thì thôi khá mới mẻ. Nhiều người đánh giá đây là một cách kể, cách viết rất… đàn bà - đúng như đề tài được nhà văn Y Ban quan tâm và khai thác. Tuy nhiên, nội dung của Xuân từ chiều thì không mới. Đó là những gì của cuộc sống thường ngày xảy ra với 3 người đàn bà với éo le, mơ ước, lo sợ, mưu sinh, toan tính… Hơn nữa với cách viết không xuống dòng thì bản thân nhà văn không phải dụng công và tốn quá nhiều thời gian cho ý đồ nghệ thuật đó. 

Hay như cuốn Quyên của Nguyễn Văn Thọ, Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn dù nhân vật được đặt trong những không gian khác nhau, từ nước Đức xa xôi với biết bao người xa xứ, đến nông thôn đổi mới của Việt Nam với bi hài đan xen thì cách viết lại không hoàn toàn mới. ..

Có thể tìm thấy ở các tác phẩm đoạt giải thưởng tiểu thuyết lần thứ 3 một sự tìm tòi thể hiện và nội dung phản ánh nhưng hoặc là chỉ “bình mới rượu cũ” hay “bình cũ rượu mới” chứ chưa có được cái gọi là đột phá đồng bộ giữa đề tài và nghệ thuật.

Tiểu thuyết vốn là chặng đường dài hơi cũng như là đích đến của nhiều người cầm bút. Cuộc thi đã khép lại, rồi chắc chắn cuộc thi mới sẽ lại được triển khai trong thời gian tới. Và tất cả chúng ta, những người quan tâm đến văn học lại tiếp tục hy vọng, chờ thời gian, chờ sự loé sáng tài năng…

Tác giả: Ngân Hà

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây