Phùng Quán về quê

Thứ tư - 12/01/2011 09:02 3.994 0

Khu mộ nhà thơ Phùng Quán và nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm - Ảnh: THÁI LỘC

Khu mộ nhà thơ Phùng Quán và nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm - Ảnh: THÁI LỘC
Đầu tháng 10-2010, nhà thơ Ngô Minh (với sự đồng thuận của gia đình và họ tộc nhà thơ Phùng Quán) đã có sáng kiến gửi lá thư trên mạng kêu gọi những ai yêu mến nhà thơ “Hãy góp chút cát đá xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán”. Lời kêu gọi không dựa vào một tổ chức, một quyền uy nào ngoài quyền... yêu mến tự nguyện của mỗi người, nhưng sự hưởng ứng đã quá mong đợi.

Ước nguyện được về với đất mẹ của nhà thơ đã là hiện thực.

Một tháng trước (ngày 11-12-2010), nhà thơ Tố Hữu cũng vừa trở về quê mẹ - xin được nói ngay kẻo có sự hiểu lầm: mộ nhà thơ Tố Hữu, do chức vị ông từng gánh vác, vẫn ở tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), nhưng ông đã “trở về” quê hương với một đêm thơ - nhạc hoành tráng mà đậm đà tình nghĩa tại Nhà văn hóa trung tâm thành phố Huế. Hai nhà thơ “bà con” - nhà thơ Phùng Quán gọi nhà thơ Tố Hữu bằng cậu, hai cương vị khác nhau, cách trở về quê mẹ khác nhau, nhưng cái gốc vẫn là tình cảm gắn bó với cội nguồn.

Tôi nhắc đến đêm thơ Quê mẹ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu còn vì chợt nhớ bài Cuộc viếng thăm bất chợt nhà thơ Tố Hữu của nhà thơ Phùng Quán (in trong Ba phút sự thật - NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2005). Bài viết kể chuyện nhà thơ “cháu” đến thăm nhà thơ “cậu” năm 1990, trong đó ở đoạn kết Phùng Quán viết: Tôi bỗng nhận ra một điều vô cùng thấm thía: Thì ra nhân dân không quên một điều gì hết, việc hay cũng như việc dở, việc dữ cũng như việc lành. Bất cứ ai làm được một việc tốt cho đất nước, dù việc nhỏ cũng được ghi khắc vào ký ức nhân dân... Lòng biết ơn là một phẩm cách vô cùng lớn lao của dân tộc chúng ta.

Chương trình “góp chút cát đá xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán” - nói theo ngôn ngữ “mùa tổng kết cuối năm” - đã giành “thắng lợi lớn”, cũng là một biểu hiện lòng biết ơn một nhà thơ - chiến sĩ đã đồng hành cùng với dân tộc từ năm 13 tuổi cho đến phút cuối cuộc đời mình, bất chấp mọi gian nan và trắc trở.

“Ký ức nhân dân” làm sao quên được cậu bé Bê (tên Phùng Quán hồi nhỏ) quê tổng Dạ Lê (Hương Thủy) tham gia đơn vị trinh sát thuộc trung đoàn 101 Trần Cao Vân, không phải nhờ trang lý lịch nhà văn mà bằng những hình ảnh còn sống mãi với nhiều thế hệ trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội (giải thưởng Hội Nhà văn và Giải thưởng Nhà nước). Cũng làm sao quên được 60 năm trước, anh lính Phùng Quán trước một trận công đồn giặc Pháp ở Phò Trạch đã viết một “di chúc” thật dữ dội: Nếu tôi chết .../ Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn/ Xin các đồng chí đừng do dự gì hết cả/ Hãy đào mộ tôi lên/ Quẳng xác tôi đi/ Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ!

Tất nhiên là càng không thể quên Lời mẹ dặn, rồi Đêm Nghi Tàm đọc thơ cho vợ nghe với điệp khúc như một tuyên ngôn: Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác...

“Ký ức nhân dân” không quên gì hết, nên danh sách “góp chút cát đá” ngày một nối dài như một cách tỏ lòng yêu mến và biết ơn một nhà thơ - chiến sĩ đã suốt đời đi với nhân dân...

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nguồn: Tuổi Trẻ

Một “tượng đài nhân cách”!

Sáng nay (9-1-2011), ở làng Thủy Dương, ngoại vi thành phố Huế, hài cốt nhà thơ Phùng Quán (1932-1995) và tro cốt hiền thê của ông - nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm - được đưa từ Hà Nội về an táng tại nghĩa trang quê nhà, trong ngôi mộ do chính những bạn đọc yêu thơ ông, yêu cuộc đời ông, ở trong nước và khá nhiều người nước ngoài đóng góp tiền của xây dựng.

Nhà thơ Ngô Minh nói rằng việc góp cát đá cũng là một cú “sát hạch” xem bạn đọc có còn yêu quý Phùng Quán trước bao nhiêu dâu bể trần ai. Và những gì mọi người dành cho Phùng Quán trong mấy tháng qua đã nói lên tất cả.

Để biết những câu chuyện đời của Phùng Quán, chỉ cần vào Google và gõ từ khóa tên ông sẽ có hơn 1 triệu chỉ dẫn. Điều kỳ lạ là những câu chuyện, những giai thoại mà bạn bè, người đọc viết về ông, kể về ông, nhớ về ông có lẽ nhiều không thua những trang sách ông đã viết. Bởi với Phùng Quán, hơn tất cả những gì ông đã viết ra, tác phẩm hay nhất của ông là chính cuộc đời ông, điều đó hình như hiếm người có được.

Và hình như cuộc đời (rất hiếm hoi) cần có những con người sinh ra để làm một sứ mệnh, mà với Phùng Quán sứ mệnh ấy còn lớn hơn chuyện văn chương, đấy là sứ mệnh làm một tượng đài nhân cách giữa vườn đời, vườn người.

LÊ ĐỨC DỤC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây