‘Nhà văn lên báo nhiều không có nghĩa là PR tốt’

Chủ nhật - 09/01/2011 11:39 2.150 0

Nhà văn Di Li.

Nhà văn Di Li.
Các tác phẩm văn học ở VN chưa được PR bài bản và chuyên nghiệp, đó là ý kiến thống nhất của các cây bút trẻ qua hội thảo hôm 7/1. Nhà văn Di Li còn cho rằng, tung tin đồn tiêu cực lên báo để gây chú ý là phản PR và phản tác dụng.

Hội thảo “PR trong văn học” diễn ra tại Đại học Hòa Bình (Hà Nội), với sự tham gia của các cây bút trẻ như Di Li (Nguyễn Diệu Linh) - đạo diễn chương trình và các khách mời Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Quỳnh Trang và Cấn Vân Khánh.

Nhà văn Di Li hiện là giảng viên môn "Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng" của khoa PR, Đại học Hòa Bình. Là nhà văn có kiến thức vững về PR, cô nhận định, đặc tính của PR trong văn học là tạo thiện cảm của công chúng đối với nhà văn và tác phẩm, tạo uy tín cho nhà văn, tạo mối quan hệ giữa nhà văn và công chúng.

Xét trên các góc độ đó, hiện nay văn học Việt Nam chưa được PR đúng nghĩa. PR đúng nghĩa là phải tiến hành thông qua bộ phận PR chuyên nghiệp của một nhà xuất bản. Từ trước đến nay, việc giới thiệu tác phẩm mới đều do nhà văn tự làm hoặc nhà xuất bản thuê người viết bài, hoặc công phu hơn nữa là tổ chức sự kiện ra mắt sách, đó đều chưa phải là PR có hệ thống và chuyên nghiệp.

“Không phải đưa được cái tên nhà văn ra công chúng, làm họ biết đến tác phẩm văn học là PR. Đó là quảng cáo thì đúng hơn”, tác giả "Đảo thiên đường" nói. “Quảng bá hình ảnh chỉ là một phần của PR. Lên báo nhiều có khi gây phản cảm, nhất là khi người ta lên phát biểu lung tung khiến công chúng khó chịu, đó là phản PR. Cần nhắc lại bản chất của PR là gây thiện cảm”.

Cô đưa ra dẫn chứng về phản PR trong nghệ thuật: “Tôi từng hỏi sinh viên có biết nhân vật X - một người vừa có vụ scandal rất ầm ĩ trong giới giải trí, các em đều trả lời “Có”. Tôi lại hỏi các em có mua tác phẩm của nhân vật X không, các em trả lời “Không”. Theo tôi, một scandal như vậy có thể khiến công chúng chú ý, nhưng họ không thích, vì thế họ tẩy chay tác phẩm, hoặc có thể họ mua nhưng chỉ mua một lần vì tò mò thôi. Nhân vật đó có khả năng vĩnh viễn đánh mất thiện cảm trong lòng công chúng. Đó là một thất bại lớn trong PR”.

Đối với báo chí, Di Li không phân biệt báo “lá cải” hay báo chính thống. Với cô, nhà văn phải biết tỉnh táo chọn kênh thông tin để xuất hiện. “Điều quan trọng nhà văn cần kiểm soát là bài viết về mình có lá cải hay không”.

Khi ra mắt một tác phẩm, nguyên tắc của cô là không những phải xuất hiện trước công chúng mà còn tuyệt đối không gây scandal, không tạo ra hình ảnh xấu về mọi phương diện. Các phương tiện thông tin đại chúng là công cụ để nhà văn tạo dựng và bảo vệ hình ảnh chứ không phải là nơi đơn thuần để gây chú ý.

Trong hội thảo, các nhà văn Nguyễn Đình Tú và Nguyễn Quỳnh Trang cũng thừa nhận chưa hiểu rõ khái niệm và quy trình PR trong văn học, họ tham dự hội thảo để chia sẻ những kinh nghiệm của mình và thu nhận thêm kiến thức về PR.

Nguyễn Quỳnh Trang là phóng viên báo Thể Thao Văn Hóa và cũng từng tham gia tổ chức nhiều sự kiện truyền thông cho các nhãn hiệu hay truyền thông về triển lãm mỹ thuật, festival. Mặc dù vậy, Quỳnh Trang cũng cho biết cô chưa có kinh nghiệm làm truyền thông về văn học. Với cô, chất lượng tác phẩm vẫn là yếu tố chính để chinh phục công chúng. Cô nghĩ nhiệm vụ của người viết là tiến bộ qua từng tác phẩm.

(Từ phải sang) Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Đình Tú, Cấn Vân Khánh tại hội thảo 'PR cho văn học' hôm 7/1.
(Hàng đầu, từ phải sang) Các nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Đình Tú, Cấn Vân Khánh tại hội thảo "PR cho văn học" hôm 7/1. Ảnh: Hạ Huyền.

Một trong những tác phẩm gây chú ý của Nguyễn Quỳnh Trang là cuốn tiểu thuyết “Nhiều cách sống” do công ty Nhã Nam ấn hành. Nói về công tác PR cho văn học của Nhã Nam, nhà văn nữ 30 tuổi cho biết, công ty chỉ tập trung giới thiệu các tác phẩm văn học nước ngoài đang nổi hoặc tác phẩm của các nhà văn hàng đầu trong nước. Văn của các tác giả trẻ hầu như không được giới thiệu.

Còn nhà văn Nguyễn Đình Tú, cây bút của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tiết lộ “mánh khóe” PR đầu tiên và duy nhất của anh cho đến lúc này: đăng số điện thoại di động và địa chỉ thư điện tử lên bìa sách.

“Đó là một hành động nhỏ do chính tôi nghĩ ra chứ nhà xuất bản không hề yêu cầu, khi ra cuốn tiểu thuyết thứ ba - Phiên bản vào năm 2009. Ngay sau đó, rất nhiều phóng viên báo chí trong Nam ngoài Bắc gọi điện và gửi thư điện tử đến yêu cầu phỏng vấn tôi”. Theo nhà văn, đó là động thái duy nhất có thể tính là PR sách trong suốt quá trình sáng tác của anh.

Các nhà văn trẻ đều thống nhất PR trong văn học ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu, chưa được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp. Nguyễn Đình Tú cũng nhận định, tác phẩm hay và được PR tốt chưa chắc đã bán chạy, cho dù đó là một tác phẩm đoạt giải Nobel, tờ báo nào cũng nhắc đến. “PR tốt là điều kiện đảm bảo cho tác phẩm có thể bán chạy, nhưng không đảm bảo cho tác phẩm chắc chắn bán chạy. Việc bán chạy hay không nằm ở một quy luật bí ẩn nào đó mà bản thân tôi cũng không giải nghĩa được”, anh nói.

Tác giả: Hạ Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây