Thử nhận diện văn học qua thị trường sách

Thứ ba - 25/01/2011 05:34 2.241 0

Thử nhận diện văn học qua thị trường sách

Thị trường sách năm 2010 của Việt Nam không có đột biến so với năm 2009, dường như vẫn là những chuyện “cũ” được kéo dài từ năm trước sang năm nay. Thực tế này biểu hiện nhiều vấn đề đáng bàn. Thử xem xét “phản chiếu” của văn học trong thị trường sách năm nay.

Những tập thơ đi đâu?

Theo số liệu thống kê có được từ các nhà xuất bản cung cấp, riêng mảng sách văn học thì năm 2010 NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản nhiều nhất, với 1100 cuốn, trong đó NXB Trẻ là gần 600 cuốn, NXB Văn học là 247 cuốn, thì thơ chiếm 80%, chỉ có 20% là văn xuôi, lý luận phê bình và các sách khác. Như vậy có thể thấy riêng thơ từ NXB Hội Nhà văn bằng cả sách văn học của NXB Trẻ và NXB Văn học cộng lại. Chưa kể sự thống kê chi tiết của Thơ từ hai nhà xuất bản này và các nhà xuất bản khác, trong đó có NXB Thanh niên, NXB Phụ nữ… Thế nhưng có một nghịch lý là trên thị trường sách, thơ bị lép vế hơn rất nhiều so với văn xuôi. Những tập thơ xuất hiện trên thị trường hầu hết là những tập thơ dày của các nhà thơ lớn như đã mất: Truyện Kiều, Tố Hữu toàn tập (2 tập), Chế Lan Viên toàn tập (3 tập), Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ… cùng nhiều cuốn thơ khổ nhỏ in những sáng tác được giới thiệu trong sách giáo khoa các cấp được tái bản. Năm 2010 có sự kiện kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội nên cũng có một số tập thơ viết về Hà Nội được ra mắt và có mặt trên thị trường văn học. Sở dĩ những tập thơ này có mặt trên thị trường vì nó phục vụ công việc tìm hiểu, yêu thích, học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên và các đối tượng quan tâm. Còn lại hầu hết là tác giả mang đi tặng. Nghĩa là khi thơ được in thành sách thì nó vẫn mang giá trị tinh thần là chính mà chưa trở thành một sản phẩm văn hoá bình đẳng với các chuyên ngành khác như văn xuôi, lý luận phê bình và văn học dịch.

Một nghịch lý nữa là đa phần những tập thơ “vừa túi tiền” trong khoảng từ 30-50.000 đồng hầu như không có mặt ở thị trường sách văn học. Các cuốn có mặt ở thị trường kể trên, thấp nhất ở dạng khổ nhỏ, chỉ trên dưới 20.000 đồng. Còn các “tuyển tập”, “toàn tập” “tổng tập” - gần như là thể loại sách thơ hiếm hoi có mặt trên thị trường tối thiểu cũng gần chạm đến tiền trăm nghìn đồng.

Trong năm vừa qua có xuất hiện “thị trường” thơ… qua mạng. Tác giả làm thơ in thành sách, tự quảng cáo trên web hoặc blog cá nhân. Và cách “bán thơ” của người cầm bút cũng rất lạ, ai muốn tặng thì được tặng, ai muốn mua thì chuyển tiền qua thẻ ATM một cách… tuỳ tâm (!), không nhất thiết bằng đúng giá trị được tạm quy đổi ra tiền được in ở mặt sau mỗi tập thơ. Với thị trường thơ trên mạng, tác giả có thể tìm được lượng độc giả cùng “gu”, thậm chí qua đó tạo lập mối quan hệ tốt đẹp từ thơ ca, dù lượng bán chưa chắc nhiều bằng lượng tặng.

Nghệ thuật muốn tồn tại và phát triển khi đến với công chúng phải tồn tại như một dạng hàng hoá. Muốn thưởng thức nghệ thuật độc giả phải tự bỏ tiền. Chỉ khi nào độc giả tự nguyện bỏ tiền túi ra mua thơ, vì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mà chẳng so đo - cũng chẳng phải vì tác phẩm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu mang tính bắt buộc phải có văn bản để làm cơ sở… thì lúc đó thơ ca mới trở về giá trị đích thực của mình. 

Văn học nước ngoài lấn lướt văn học trong nước

Nếu như ở trên nói thơ ca gần như không có mặt trên thị trường sách, mà phần nhiều là văn xuôi. Thì sự sôi động của văn xuôi cũng lại thuộc về mảng sách văn học nước ngoài chứ không phải văn học trong nước.

Theo thống kê của một số công ty truyền thông - đơn vị liên kết xuất bản với các NXB trong nước thì số sách văn học nước ngoài nhiều hơn sách văn học trong nước, thậm chí với tỉ lệ cách biệt 70:30 (Nhã Nam). Các đầu sách văn học nước ngoài chủ yếu là văn học Trung Quốc, văn học có xuất xứ ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, văn học được giải thưởng thế giới.

Không khó để tìm nguyên nhân cũng như lý giải vì sao sách văn học nước ngoài lại áp đảo văn học trong nước. Nhưng điều này cho thấy “chỗ đứng” của văn học nước ngoài trong thị trường sách nước ta. Nếu trước kia những cuốn sách nước ngoài có tính kinh điển như “Chiến tranh và hoà bình”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Những người khốn khổ”, “Đồi gió hú”, “Ruồi châu”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”… thì nay ngoài những cuốn sách này ra còn có hàng loạt những tác phẩm văn học hiện đại của các nước. Đọc sách, độc giả có thể nhận ra sự vận động văn học của văn học trên thế giới như nào, họ đang quan tâm cái gì, có trào lưu, xu hướng gì không, cách viết như thế nào?...

Trong khi đó, sách văn học trong nước ngoài những cuốn được tái bản nhiều lần, những cuốn mới của các nhà văn “quen tên” như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh… còn lại phần đa là tác phẩm của các cây bút trẻ với những ồn ào, kích thích tò mò hơn là đi tìm giá trị văn chương của độc giả. Phải thừa nhận một điều, có những đầu sách văn học Việt Nam vừa ra mắt đã có sức mua lớn. Tiếc là số đầu sách được như vậy còn quá khiêm tốn, có thể đếm trên đầu ngón tay (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Nguyễn Nhật Ánh, Khói trời lộng lẫy - Nguyễn Ngọc Tư...). Nhiều cuốn sách văn học trong nước thực sự có giá trị chưa chắc có mặt ở các hiệu sách, cũng như chưa chắc được quan tâm đúng thông qua lượng mua của độc giả. Vì thế rất khó định lượng tác phẩm văn học qua thị trường. Hay và bán chạy là tất yếu. Nhưng một cuốn sách bán chạy chưa chắc vì hay. Một cuốn sách ế ẩm không có nghĩa là dở. Tất cả những điều này chỉ là thước đo “gu” thẩm mỹ của công chúng đương đại lâu nay để đi đến kết luận “văn hoá đọc” đang xuống cấp mà chưa thể thay đổi được một sớm một chiều.

Không thể phủ nhận vai trò sách văn học nước ngoài trên thị trường sách nước ta, bởi nó tạo nên sự phong phú cần thiết và nên có trong thời buổi hội nhập và nhu cầu khám phá các nền văn học trên thế giới. Hệ quả của cán cân lệch giữa thị trường văn học trong nước và văn học thế giới không phải do lỗi của nhà văn trong nước, cũng không phải do lỗi của đơn vị hay cá nhân làm sách. Có lẽ thời điểm này, xu hướng đó là tất yếu và chúng ta phải chấp nhận và coi như sách văn học nước ngoài là một “đối trọng” cạnh tranh lành mạnh với sách văn học trong nước.

Thị trường sách văn học 2010 không phải là thước đo tuyệt đối cho bất kỳ một mốc thời gian văn học, nhưng năm 2010 cũng như một hai năm trước phản ánh phần nào thực trạng thơ và văn xuôi trong dòng chảy văn học đương đại.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây