Cụ ông 82 tuổi nghẹn lời vì gặp được 'lão Tôn'

Thứ tư - 29/12/2010 05:23 2.280 0

Độc giả 82 tuổi (phải) không giấu vẻ ngỡ ngàng khi diễn viên kỳ cựu mời chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Thoại Hà.

Độc giả 82 tuổi (phải) không giấu vẻ ngỡ ngàng khi diễn viên kỳ cựu mời chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Thoại Hà.
Đi xe khách gần 200 km từ Trà Vinh lên Sài Gòn để tận mắt nhìn thấy 'Tôn Ngộ Không' ngoài đời, cụ Nguyễn Văn Thế, sinh năm 1929, mãn nguyện đến không nói nên lời khi được diễn viên kỳ cựu mời cùng chụp ảnh kỷ niệm.

Tại buổi giao lưu giữa diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng và khán giả TP HCM vào chiều 28/12, ở nhà sách Fahasa Tân Định, quận 1, trong số hàng trăm khán giả thuộc nhiều độ tuổi chen chúc xếp hàng chờ đến lượt xin chữ ký "Tôn Ngộ Không", cụ Nguyễn Văn Thế nổi bật với bộ áo bà ba xám, đậm vẻ lão nông miền Tây. Bị xô lấn, chen đẩy, cụ Thế vẫn nắm chặt quyển Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây Du (Lục Tiểu Linh Đồng là tác giả, Chibooks dịch và phát hành ở Việt Nam) vừa mua được, kiên nhẫn giữ vị trí của mình, nhích dần về phía trước từng chút một cho đến khi đến được bàn xin chữ ký.

Cụ Nguyễn Văn Thế (áo bà ba xám) xếp hàng xin chữ ký. 'Tôi phải xin được chữ ký đem về quê thì bà con mới tin là tôi có lên Sài Gòn gặp 'Tôn Ngộ Không', nếu không mọi người bảo tôi chỉ ra nhà sách mua sách thôi', cụ nói. Ảnh: Thoại Hà.
Cụ Nguyễn Văn Thế (áo bà ba xám) xếp hàng xin chữ ký. "Tôi phải xin được chữ ký đem về quê thì bà con mới tin là tôi có lên Sài Gòn gặp "Tôn Ngộ Không", nếu không mọi người bảo tôi chỉ ra nhà sách mua sách thôi", cụ nói. Ảnh: Thoại Hà.

Nhận xong chữ ký từ diễn viên hâm mộ, cụ Thế bước nhanh nhường chỗ cho các bạn trẻ đang nôn nóng chờ phía sau, nhưng những người trong ban tổ chức mời cụ dừng lại để chụp ảnh kỷ niệm cùng Lục Tiểu Linh Đồng. Quá bất ngờ vì lời mời, cụ Thế xúc động nắm chặt tay diễn viên họ Lục bày tỏ cảm xúc, quên cả việc bất đồng ngôn ngữ: "Tôi thích nhất cảnh ông Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên đình. Hay lắm!". Chia sẻ chân thành của cụ khiến mọi người cười ồ thích thú còn diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng liên tục cảm ơn khi nghe lại lời khen từ người phiên dịch.

Thoát ra khỏi đám đông đang vây quanh diễn viên nổi tiếng, cụ Nguyễn Văn Thế chia sẻ, cụ đọc bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân từ năm 1945 và đó là một trong tiểu thuyết gối đầu giường của cụ. "Trong quan niệm của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, Ngọc Hoàng hay ông Trời là lớn nhất. Vậy mà cách đây 500 năm, Ngô Thừa Ân đi trước cả phương Tây ở tư tưởng tự do gần như tuyệt đối dành cho mỗi con người khi tác giả này để Tôn Ngộ Không đại náo thiên đình, khiến ông Trời phải chui xuống gầm bàn trốn vì khiếp sợ. Tôi rất thích ý nghĩa của bộ tiểu thuyết này!", độc giả 82 tuổi lặp đi lặp lại điều tâm đắc dành cho tác phẩm nổi tiếng.

"Đến năm 1986, 1987, ở dưới quê, tôi được xem bộ phim Tây Du Ký. Phải nói là ông diễn viên đóng Tôn Ngộ Không quá giỏi, quá đạt làm ai ai cũng yêu thích. Đọc sách tôi hình dung ông Tề Thiên thế nào thì trên phim ông diễn viên thể hiện y hệt như thế", cụ Thế bày tỏ.

Cùng tình cảm như cụ Nguyễn Văn Thế, anh Kiều Tất Thắng, 49 tuổi cũng đến nhà sách Fahasa từ rất sớm để chờ đến lúc được chụp ảnh kỷ niệm và xin chữ ký Lục Tiểu Linh Đồng. Anh Thắng kể, anh mê nhân vật Tôn Ngộ Không từ lúc rất nhỏ. "Ngày đó, tôi đọc nhiều truyện dịch Trung Quốc từ trước năm 1975 nhưng trong đó, tôi thích nhất là Tây Du Ký vì ý nghĩa nhân văn cũng như những tình tiết hấp dẫn", anh Thắng nói.

Để chuẩn bị cho lần tái ngộ Lục Tiểu Linh Đồng sau 12 năm, anh Kiều Tất Thắng đã nhờ người bạn họa sĩ vẽ chân dung của diễn viên nổi tiếng lên chiếc quạt gỗ để dành xin chữ ký. 'Các con tôi bận đi học không dự buổi giao lưu được nhưng tụi nó nhờ tôi tặng cho 'Tôn Ngộ Không' bức tượng hai chú khỉ nhỏ nằm trong quả bí ngô vì biết là ông ấy thích sưu tầm quà hình khỉ', anh Thắng nói. Ảnh: Thoại Hà.
Để chuẩn bị cho lần tái ngộ Lục Tiểu Linh Đồng sau 12 năm, anh Kiều Tất Thắng đã nhờ người bạn họa sĩ vẽ chân dung của diễn viên nổi tiếng lên chiếc quạt gỗ để dành xin chữ ký. "Các con tôi bận đi học không dự buổi giao lưu được nhưng tụi nó nhờ tôi tặng cho "Tôn Ngộ Không" bức tượng hai chú khỉ nhỏ nằm trong quả bí ngô vì biết là ông ấy thích sưu tầm quà hình khỉ", anh Thắng nói. Ảnh: Thoại Hà.

Đến khi là đã là một ông bố, anh Thắng tiếp tục truyền tình yêu dành cho "Vua khỉ" của mình cho con. "Năm 1998, các diễn viên của Tây Du Ký lần đầu đến TP HCM diễn giao lưu ở rạp Hào Huê, quận 5. Lúc đó để vào xem và gặp mặt Tôn Ngộ Không khán giả phải mua 350.000 đồng trên vé. Số tiền đó 12 năm trước không phải là nhỏ nhưng tôi vẫn bấm bụng mua để mấy cha con được vào rạp xem. Dù không biết tiếng Hoa, không hiểu các diễn viên nói gì nhưng hai cha con tôi rất mãn nguyện khi được nhìn thấy "Tề Thiên" ", khán giả này kể.

Ở một góc khác của buổi giao lưu, hai học sinh đến từ lớp 9A2, trung học Cầu Kiệu là Kim Vy và Nhật Ánh đang tíu tít vui mừng vì vừa xin được chữ ký của diễn viên nổi tiếng. "Em rất thích Tây Du Ký, xem đến 5 lần rồi mà không chán!", Kim Vy cho biết.

Trong đám đông khám giả, một em bé gái (phải) phải nhờ người người nhà nâng lên để vươn người ra bắt tay với ông Tôn Ngộ Không. Ảnh: Thoại Hà.
Trong đám đông khám giả, một em bé gái (phải) phải nhờ người người nhà nâng lên để vươn người ra bắt tay với ông Tôn Ngộ Không. Ảnh: Thoại Hà.

Không chỉ ký tặng sách, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng còn dành thời gian trả lời câu hỏi giao lưu với khán giả. "Sự chào đón rất nhiệt tình của các bạn vào lần đầu tiên tôi đến TP HCM năm 1998 cũng như lần này khiến tôi rất xúc động", "Tôn Ngộ Không" nói.

Nam diễn viên kể lại kỷ niệm, vào thập niên 50, cha ông là nghệ sĩ Lục Linh Đồng đã có dịp biểu diễn vở Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh của Tôn Ngộ Không cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xem. "Lần này, khi đến Hà Nội, tôi đã viếng lăng Bác Hồ và kính cẩn cúi đầu ba lần trước lăng.", ông chia sẻ.

Lục Tiểu Linh Đồng cũng bày tỏ hy vọng, bộ phim truyền hình Ngô Thừa Ân và Tây Du Ký do ông đóng vai chính sẽ sớm chiếu ở Việt Nam để khán giả hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả Ngô Thừa Ân.

Tác giả: Thoại Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây