Nhà văn trẻ hôm nay...

Thứ bảy - 10/09/2011 09:39 2.481 0

Nhà văn trẻ hôm nay...

Không khí náo nức trước cuộc hội ngộ của những người viết văn trẻ sắp diễn ra chính là cơ hội để bàn bạc về cách trợ lực cho nhà văn trẻ.

Không phải đến dịp Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, chúng ta mới bàn đến chuyện phát hiện và bồi dưỡng nhà văn trẻ. Thế nhưng, cái không khí náo nức trước mỗi cuộc tao ngộ của lực lượng viết trẻ, thì cũng chính là cơ hội để bàn bạc thật nghiêm túc và cởi mở về cách trợ lực cho nhà văn trẻ.

Dù nghệ thuật không có tính kế thừa thành tựu như khoa học, từng thế hệ có đỉnh cao khác, từng cá nhân có sáng tạo khác, nhưng tình yêu văn chương vẫn cần được truyền lửa bền bỉ. Tầm quan trọng của đội ngũ nhà văn ngày mai, đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh hội nhập. Hội Nhà văn Việt Nam từ lâu đã có Ban Nhà văn trẻ, thể hiện một thiện chí nhất định đối với tương lai văn chương nước nhà. Tuy nhiên, hoạt động văn học trẻ vẫn chưa được khai phá và kích thích hợp lý.

Tờ báo Văn nghệ Trẻ được xem như một diễn đàn văn học trẻ, nhưng phạm vi lan tỏa còn khiêm tốn và chưa thực sự tập hợp được giới cầm bút trẻ, cũng như chưa khơi mở được những khuynh hướng sáng tác trẻ. Phải dùng thái độ cầu tiến để thấy rằng, nếu không có sự tương tác hữu hiệu giữa hội nghề nghiệp và người viết trẻ, thì sự tản mát và manh mún sẽ khó tránh khỏi. Xã hội thông tin và kinh tế thị trường đang tạo ra nhiều thử thách cho văn học đọc, và cũng nảy sinh hệ lụy đối với quá trình hình thành gương mặt nhà văn mới. Khi tư nhân tham gia vào xuất bản thì những tác phẩm trưng bày ở nhà sách cũng biến động muôn hình ngàn dáng. Có rất nhiều cây bút nhờ công nghệ PR mà chiếm lĩnh bề nổi văn chương, gây nên không ít ngộ nhận. Để giá trị đích thực của văn chương được xác lập trong đời sống công chúng rất cần và không thể thiếu vai trò của Hội nhà văn Việt Nam.

Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn TP.HCM đều không phải đơn vị kinh doanh, nhưng có uy tín với công chúng về sự thẩm định. Chỉ cần Ban Nhà văn trẻ đứng ra tổ chức hội thảo cho một tác giả trẻ sẽ giúp bạn đọc có góc nhìn tích cực hơn. Ví dụ, mỗi tháng chỉ cần một buổi giới thiệu tác phẩm văn học trẻ, thì mỗi năm độc giả đã có được không ít chọn lựa thẩm mỹ đáng tin cậy. Hơn nữa, khi yếu tố nghề nghiệp được tôn vinh, thì sự nhiễu loạn đánh giá trên các phương tiện truyền thông cũng vãn hồi.

Từ Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 diễn ra ở Hội An tháng 5 năm 2006 đến Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 diễn ra tại Tuyên Quang vào tháng 9-2011 đã đánh dấu một lớp nhà văn trẻ trưởng thành như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Di Li, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Phạm Duy Nghĩa, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Xuân Thủy… Số lượng tác giả rất phấn khởi nhưng tác phẩm có sức tác động sâu rộng đến đời sống vẫn còn hạn chế. Vì sao? Vì chúng ta hình như vẫn còn nghi ngại mà chưa dám “đặt hàng” nhà văn trẻ nhúng bút vào những đề tài nóng bỏng của đất nước. Hãy nghĩ xem, các cuộc vận động lớn như xây dựng nông thôn mới hoặc phòng chống tham nhũng, nếu khuyến khích những nhà văn trẻ sáng tác, chúng ta sẽ có được không ít trang viết mang sắc thái tâm tư của thời đại.

Đành rằng, công việc sáng tạo phụ thuộc hoàn toàn vào mỗi nhà văn, nhưng sự láu phức tạp và tác động của cơ chế thị trường rất dễ biến trang viết của một số nhà văn trẻ thành món giải trí đáp ứng thị hiếu đô thị. Để có tác phẩm phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước, Hội nhà văn cần có sự đồng hành thiết thân với nhà văn trẻ. Thay vì chờ đợi 5 năm mới có một hội nghị, tại sao không có trại viết thường xuyên cho các cây bút trẻ? Bởi lẽ, cơm áo đời thường khiến các ý nghĩ văn chương khó kết tụ và trầm tích. Nhà văn trẻ rất cần không gian để ngồi xuống suy ngẫm đạo lý và hâm nóng thao thức sáng tạo. Và ở mỗi trại sáng tác, các nhà văn đi trước sẽ có điều kiện giao lưu và trao đổi thoải mái và cẩn trọng với các nhà văn đi sau.

Hiện nay, có hai thể loại ngày càng khó khăn hơn đối với nhà văn trẻ là thơ và lý luận phê bình. Thơ và lý luận phê bình rất khó in ấn và phát hành. Vì vậy Hội Nhà văn cần có những hỗ trợ cụ thể hơn. Sau trường hợp Lãng Thanh với tập thơ “Hoa” in sau khi qua đời vì tai nạn thương tâm, vẫn chưa có tác phẩm của nhà thơ trẻ nào được tôn vinh ở Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hàng năm. Sự khắt khe ấy liệu có phải đắn đo lại không? Nếu có giải thưởng riêng dành cho thơ trẻ, chắc chắn mọi vướng mắc sẽ dễ dàng được hóa giải! Còn lý luận phê bình vốn không nhiều tác giả trẻ tham gia, Ban Nhà văn trẻ cần đề xuất mở những khóa tập huấn ngắn hạn mới mong phát triển lực lượng này! Mặt khác, nếu giới cầm bút trẻ có một trang web đầu tư công phu, thì giao diện rộng mở của internet sẽ giúp thơ và lý luận phê bình có thêm kênh tiếp cận bạn đọc khắp nơi!

Tác giả: Lê Thiếu Nhơn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây