Vậy, liệu e-book có thay thế được sách giấy một ngày nào đó? Trả lời câu hỏi này, J.M.G. Le Clezio - nhà văn đoạt giải Nobel năm 2008 - cho biết: “Ngày nay, có rất nhiều cách để phổ biến kiến thức qua máy tính - công cụ mà một ngày nào đó sẽ có thể thay thế phát minh ra máy in của Gutenberg. Nhưng tôi không thể tưởng tượng ra một thế giới mà không có sách. Sách vừa là thứ công cụ thô sơ, tối cần thiết như cái búa, cái dao, ngọn đèn, tách trà nhưng lại cũng tinh tế như cây sáo, cây violin…”.
Le Clezio được Đại học Nam Kinh, Trung Quốc mời đến nói chuyện về chủ đề “Sách và Thế giới chúng ta” vào hôm 21/8. Chia sẻ với China Daily về sách và các công nghệ truyền thông mới, nhà văn Pháp cho biết, sách đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thế giới bằng cách nâng cao nhận thức của toàn nhân loại.
“Thiếu sách in, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác, có thể thịnh vượng hơn nhưng sẽ đầy rẫy sự mất cân bằng, bất công.
Trong một thế giới như thế, tri thức sẽ không đóng vai trò gì trong sự phát triển của xã hội mà chỉ là công cụ phân biệt giữa kẻ có tri thức và kẻ không. Thế giới sẽ vẫn có thể có những kỳ quan như kim tự tháp. Nhưng con người sẽ tỉ mẩn xây dựng nó như những nô lệ chứ không hiểu được ý nghĩa công trình lao động của mình.
Sách in không liên quan gì đến video hay audio cả. Nó như là một món ăn chậm với “nguyên liệu” càng được xử lý kỹ càng tốt”, ông nói.
Nhà văn Nobel cũng chia sẻ một nghịch lý rằng, trong khi nhiều nơi rẻ rúng sách in thì ở một số quốc gia, người đọc vẫn rất khó khăn để sở hữu một cuốn sách. Vì dụ như ở Mauritius, nơi Clezio vẫn nhận là đất mẹ, thì giá một cuốn tiểu thuyết tương đương với khoản tiền mà cả một gia đình chi tiêu trong một ngày. Ở các quốc gia chưa phát triển ở châu Phi, sách vẫn được coi là một mặt hàng xa xỉ.
Bản thân Clezio cũng gặp nghịch lý. Ông thường dẫn câu nói của nhà văn Thụy Điển Stig Dagerman để miêu tả về tình cảnh của mình: “Trong khi nhà văn muốn viết cho những người đói khổ thì thực tế, chỉ có những người thừa ăn thừa uống mới biết đến sự tồn tại của nhà văn”.
Trước thực tế đó, Le Clezio đã liên kết với nhà xuất bản ở các nước phát triển, thành lập quỹ từ thiện, tặng sách cho độc giả.
Nhà văn Le Clezio. |
Ngồi cạnh nhà văn, vợ ông cho biết, Clezio đã dành rất nhiều tâm sức cho các hoạt động này. "Ông ấy gửi sách cho các thư viện, các địa chỉ cần đến sách”.
Như một số nhà văn khác, thay vì dùng máy tính, Clezio vẫn quen viết bằng bút chì trên giấy. "Bút chì là công cụ quen thuộc của ông khi sáng tác”.
Nhưng tình yêu dành cho sách giấy không cản trở nhà văn sử dụng công nghệ hiện đại. Ông cho rằng, công nghệ hiện đại như mạng Internet sẽ giúp việc phổ biến kiến thức từ sách vở trở nên nhanh chóng và thuật tiện hơn. “Tôi mê Internet. Nó là một phát minh tuyệt vời để con người có thể giao tiếp, nâng cao nhận thức một cách nhanh chóng nhất”.
Điều phiền toái duy nhất của Internet, theo Clezio, là thông tin trên đó “có thể không chính xác”. Nhưng “sách thì cũng có thể sai”, ông nói.
Tác giả: Thanh Huyền
Ý kiến bạn đọc