Thêm một bước chân vào thế giới tưởng tượng

Thứ ba - 03/11/2009 12:48 1.859 0

Thêm một bước chân vào thế giới tưởng tượng

Từ năm 2007, một cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi được khởi động, với ba cơ quan đồng tổ chức là Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch. Mỗi năm các nghệ sĩ sáng tác theo một chủ đề riêng. Bước qua hai thế giới là chủ đề của năm thứ ba này.

Bước qua hai thế giới là một hành trình giữa thế giới thực và thế giới ảo; giữa hành tinh ta đang sống và mênh mông vũ trụ; giữa các phân kỳ thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai; giữa những điều vô cùng vô tận trong thế giới nội tâm của con người. Một chủ đề như vậy có thể kích thích trí tưởng tượng của người sáng tạo, đồng thời cũng là thử thách đối với tài năng và khả năng đào sâu tư duy của nghệ sĩ. Một chủ đề như vậy cũng gây hứng thú đối với người thưởng thức, trong khuôn khổ cuộc vận động này là lứa tuổi thiếu nhi. Một cái mầm tưởng tượng được ươm trồng vào đấy rất có thể nảy chồi và đơm hoa kết trái những ý tưởng sáng tạo. Người đọc nhỏ tuổi có thể bay trong thế giới tưởng tượng khôn cùng, thả mình vào những giấc mơ xa, từ đó nuôi lớn những ý tưởng táo bạo, làm phong phú cho tâm hồn tình cảm của các em.

Cuộc vận động được sự hưởng ứng của nhiều tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, trên khắp miền đất nước, và cả người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Một điều đáng mừng là chất lượng sáng tác đã được nâng lên qua từng năm, đến chủ đềBước qua hai thế giới năm nay, hầu như các bài vào vòng chung khảo khá đồng đều. Bên cạnh những cây bút mới xuất hiện, các tác giả nổi bật của những năm trước cũng đã chứng tỏ một sự bứt phá, kỹ thuật chuyên môn thuần thục hơn. Những tác giả có tên tuổi khi tham gia cũng đã chứng tỏ một tay nghề cao, đem đến những tác phẩm hay và phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Từ hơn 250 bản thảo gửi về, Ban Sơ khảo đã chọn được 17 truyện ngắn, 9 truyện tranh, gửi lên Hội đồng Chung khảo.

Theo kết quả bỏ phiếu kín của Hội đồng, 6 truyện ngắn và 7 truyện tranh đã đoạt giải thưởng của cuộc vận động sáng tác Bước qua hai thế giới.

Truyện tranh - vươn tới những điều mới lạ

Chủ đề Bước qua hai thế giới đối với những tác giả vẽ tranh truyện vừa là cảm hứng vô tận, vừa là những thử thách lớn về tay nghề, với mong muốn lôi cuốn độc giả vào những cuộc phiêu lưu bất ngờ. Ở cuộc thi lần này, các tác phẩm tham gia đã thể hiện được thế mạnh của minh họa trong thể loại truyện kỳ ảo. Phần tranh vượt trội so với phần nội dung.

Các tác phẩm vào chung khảo khá đồng đều về chất lượng hình ảnh, chọn lựa phong cách phù hợp, tính động trong truyện đã được đẩy lên khá cao. Màu sắc và bố cục cũng vững vàng hơn. Nhiều trang minh họa như những bức tranh, giàu chất thơ: Cậu bé trong tòa nhà cao tầng của Bích Khoa, với sự kết thúc làm vừa lòng mọi người.Chiếc mũi cà chua của Lê Thanh Tùng có những tranh minh họa đầy cá tính, màu sắc được sử dụng điêu luyện. Trong truyện cũng có nhiều chi tiết đẹp và hấp dẫn, điều mà các họa sĩ tranh truyện trước đây chưa chú ý khai thác.

Một số tác phẩm đã khai thác được yếu tố bản địa như Mùa ngập nước của Phạm Hoàng Giang hay Tò he của Đặng Hồng Quân. Mùa ngập nước với những bức tranh đẹp và kỳ ảo, gây ấn tượng tốt, mặc dù cái kết có phần hơi nhẹ nhàng so với toàn bộ nội dung. Tò he cũng là tác phẩm đẹp, điển hình của dòng tranh truyện, tuy câu chuyện chưa thật kỳ ảo và cách giải quyết còn có phần hụt hẫng.

Sự tích mẹ con của Đặng Ngọc Minh Trang có ý tưởng thú vị, khá kịch tính, có sự đầu tư vào bố cục và màu sắc. Cũng như vậy, Ở một nơi nào của Lê Bình và Quái vật gác xép của Đỗ Giáp Nhất tỏ ra khá chuyên nghiệp trong xử lý màu sắc và bố cục tranh.

Về nội dung, các tác phẩm thường có kết cấu đơn giản, tình tiết và cách phát triển câu chuyện khá giống nhau. Có thể thấy rõ các tác giả đã dồn nhiều tâm sức cho phần tranh mà nhẹ phần lời. Câu chuyện là một cuộc phiêu lưu, nhưng nhân vật hầu như không mấy hành động mà khi cần thiết đều có một phép lạ ngẫu nhiên trợ giúp. Ở phần kết, sau khi thả sức trong thế giới ảo, các nhân vật đều được tác giả sắp xếp cho trở về thế giới thực tại một cách an toàn, nhẹ nhàng. Yếu tố giấc mơ được sử dụng khá nhiều để kết truyện, giống như một bảo bối được sử dụng hơi đơn giản. Mặc dù còn một số điều đáng bàn như nội dung còn ngây thơ, hình ảnh vay mượn nhiều, cũng cần ghi nhận những thành công đáng kể khi mà hầu hết các tác giả không được đào tạo chính quy, chỉ tham khảo qua sách báo, internet. Yếu tố kỳ lạ và giả tưởng tham gia tích cực vào tác phẩm là điều còn khá mới lạ ở Việt Nam, nhưng cũng gây nhiều cảm hứng cho người sáng tác và người thưởng thức. Chúng ta mong chờ các tác giả phá bỏ lối mòn và định kiến để sáng tạo không ngừng, phiêu lưu hơn nữa trong sáng tác, vươn tới những điều mới lạ với sự tưởng tượng khôn cùng.

Truyện ngắn - đồng đều và hấp dẫn

Truyện ngắn Vương quốc tàn lụi của nhà văn Trần Đức Tiến gây được sự chú ý nhờ một cốt truyện hoạt, sinh động và hóm hỉnh. Một chú bé có thói quen nhổ bọt nơi công cộng bị đày đến một nơi gọi là vương quốc tàn lụi. Chú gặp ở đấy nhiều người cũng bị đi đày: người thiếu văn minh, người giả dối, lừa lọc... Tất cả đều phải bước vào một cuộc sát hạch, nếu qua, sẽ được trở về thế giới của mình, nếu trượt sẽ vĩnh viễn ở lại vương quốc tàn lụi. Hình phạt đang chờ chú là một hình phạt tự thân, ai gây ra lỗi kiểu gì thì phải bị trừng phạt bằng chính lỗi ấy, phương cách ấy. Người đọc dõi theo câu chuyện với cái mỉm cười thú vị, hồn nhiên như trẻ thơ. Tác phẩm ngắn gọn, chắt lọc, những chi tiết ấn tượng, dí dỏm, thực sự hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi và cả những người đã qua tuổi thơ.

Tác giả Nguyễn Thị Bích Nga tham gia cuộc vận động này đến lần thứ ba, chứng tỏ sự kiên trì và say mê thực sự với văn học thiếu nhi. Nỗ lực của Nguyễn Thị Bích Nga đã được ghi nhận qua giải thưởng cao của những năm trước, cũng chính nỗ lực ấy đã giúp chị thành công với Chuyện cậu bé vét giếng. Từ hiện thực lầm than vất vả, cậu bé đã đi đến một thế giới ảo nhiều mơ mộng, nơi thử thách tinh thần vượt khó và tình thương với vạn vật. Nhiều chi tiết sinh động và thực sự vui đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Tác giả tạo ra cái kết bất ngờ khi nhân vật phải lựa chọn giữa thế giới ảo và thực. Cái kết ấy có thể thuyết phục trong chỉnh thể tác phẩm, nhưng có thể gây băn khoăn khi nhằm vào đối tượng thiếu nhi, vốn mong chờ một kết thúc có hậu.

Truyện Trở về của tác giả Lục Mạnh Cường là câu chuyện có tính giáo dục khéo léo. Từ hành động quên mình cứu em nhỏ bị nước cuốn, nhân vật bị tai nạn, trong cơn hôn mê đã trôi sang thế giới bên kia. Ở đấy vẫn tiếp tục những bài học của trẻ thơ, về tình nghĩa gia đình, bạn bè. Câu chuyện li kỳ cuốn người đọc đi, gây ra sự tò mò và hồi hộp, để rồi người đọc thở phào khi đi đến một kết thúc có hậu. Tác giả Lục Mạnh Cường bắt đầu tham gia cuộc vận động từ năm trước và đã đoạt giải nhì. Giải thưởng lần này, một cú đúp trong hai năm liền, là sự ghi nhận thành quả của một cây bút mới, nhen lên hy vọng có thể đi tiếp con đường văn học thiếu nhi còn nhiều gian khó, nhưng hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Đảo trốn tìm của tác giả Anh Đào lại sử dụng yếu tố giả tưởng để đưa người đọc đến với một vùng biển đảo. Câu chuyện được dẫn dắt tuần tự đến việc chung sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, với muôn loài. Phải trong cùng một nỗi đau khi đi tìm kiếm lũ trẻ mất tích, con người mới nhận ra và chia sẻ nỗi đau của những giống loài khác. Tác phẩm hướng người đọc đến một cuộc sống hòa thuận, đoàn kết, yêu mến muôn loài và sống vị tha. Những bài học này được tác giả chuyển tải theo cách dễ tiếp nhận và khá cuốn hút.

Tác giả Quế Hương tham gia với một truyện ngắn thú vị: Úm ba la. Một gia đình khi bố mẹ chia tay thì mọi thứ đều phải chia ra, đến chiếc giường chung cũng phải... chặt đôi. Thế mà mọi vật trong nhà, cũng như hai đứa trẻ bị chia tách, đều chung một ước mơ hàn gắn. Người đọc có thể hình dung được hay không, hai nửa chiếc giường ấy từ hai nơi có thể bay về, ráp nối lại với nhau? Tác giả đã cho lũ đồ chơi và đồ vật trong nhà làm được điều đó. Đây là khát vọng về một hạnh phúc đầy đủ, trọn vẹn. Đây cũng là tình yêu thương hòa hợp giữa con người và mọi vật. Yếu tố giả tưởng được huy động để làm nên điều kỳ lạ, đáp ứng khát vọng lớn của con người. Tác phẩm chỉ gây băn khoăn ở giọng điệu, ở cách nghĩ hơi già dặn so với đối tượng người đọc là nhi đồng.

Chuột chít và hai chiếc giày đến xứ tít mù tắp, cũng như tên truyện, là chuyến du hành thật là dài với nhiều lối rẽ của cốt truyện. Tác giả Vũ Thị Thanh Tâm khéo kể một câu chuyện vui tươi và có kịch tính, nhiều lớp lang như truyện tranh. Nhiều vấn đề được hàm chứa trong truyện: cuộc chiến đấu chống cái ác, tình bạn và tinh thần đồng đội, có mới không nới cũ, và lòng trắc ẩn bù chì cho những số phận thua thiệt... Tất cả đều được toát ra từ câu chuyện mang tính phiêu lưu. Cây bút mới tham gia cuộc vận động tỏ ra đã sẵn sàng trên chặng xuất phát của văn học thiếu nhi.

Những tác phẩm được giải mang đến niềm vui và nhiều hứa hẹn. Cuộc vận động sáng tác thêm một lần khẳng định thành công của những tác giả chuyên nghiệp, có bề dày sáng tác. Đồng thời, cũng từ cuộc vận động này, những tác giả kiên trì với việc làm sách thiếu nhi, mặc dù xuất hiện chưa lâu, đã nhanh chóng khẳng định tính chuyên nghiệp trong sáng tác. Những tác giả mới xuất hiện qua từng năm cũng đóng góp một không khí mới, thật tươi trẻ và hấp dẫn. Mong rằng các tác giả sẽ còn thành công hơn ở mùa sáng tác năm sau, và trên con đường dài phía trước.

Truyện ngắn
Giải nhất:
- Vương quốc tàn lụi của Trần Đức Tiến

Giải nhì:
- Chuyện cậu bé vét giếng của Nguyễn Thị Bích Nga 
- Trở về của Lục Mạnh Cường

Giải khuyến khích:
- Đảo trốn tìm của Anh Đào 
- Úm ba la của Quế Hương 
- Chuột chít và hai chiếc giày đến xứ tít mù tắp của Vũ Thị Thanh Tâm

Truyện tranh
Giải nhất:  
- Mùa ngập nước của Phạm Hoàng Giang

Giải nhì:
- Chiếc mũi cà chua của Lê Thanh Tùng

Giải ba:
- Ở một nơi nào của Lê Bình                              

Giải khuyến khích:
- Sự tích mẹ con của Đặng Ngọc Minh Trang                                              
- Cậu bé trong tòa nhà cao tầng của Bích Khoa                   
- Tò he của Đặng Hồng Quân
- Quái vật gác xép của Đỗ Giáp Nhất

 

Hội đồng Chung khảo

- Nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, 
- Họa sĩ Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, 
- Nhà văn Sally Altschuler, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Đan Mạch, 
- Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng
- Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch
- Họa sĩ Tove Krebs Lange, 
- Nhà văn Lê Phương Liên, NXB Kim Đồng, 
- Nhà phê bình văn học Hoài Nam, Ban Văn nghệ Truyền hình Việt Nam,
- Họa sĩ Tạ Huy Long, NXB Kim Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây