Người viết trẻ đang hoang mang

Thứ tư - 28/10/2009 19:09 1.973 0

Nhà văn Nguyễn Hòa Bình.

Nhà văn Nguyễn Hòa Bình.
Nhà văn nữ Phong Điệp - Nguyễn Hòa Bình cho rằng thế hệ trẻ đang đứng trước quá nhiều lựa chọn đến mức trở nên mông lung, mù mịt. Điều đó dẫn đến tình trạng bế tắc và liên tiếp mắc sai lầm.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa thì nhận định đó là sự hoang mang, thiếu chủ kiến và tự trói buộc bản thân.Những ý kiến nêu trên "va" nhau trong cuộc tọa đàm Nhà văn trẻ và câu chuyện thế hệ diễn ra ngày 9/10, tại Hà Nội.

Giằng xé, mâu thuẫn, bế tắc…

Tự nhận mình chưa già nhưng cũng không còn trẻ, cây bút Nguyễn Hòa Bình chọn viết về những nhân vật trung niên với nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp. Về sự khác nhau giữa thế hệ mình với những người  đi trước, Hòa Bình cho rằng lớp đàn anh hầu hết có chung lý tưởng và ít sự chọn lựa nghề nghiệp, còn thế hệ trẻ thì đang đứng trước quá nhiều lựa chọn. Họ chỉ biết cứ thế bước đi, không nhìn rõ phía trước là gì.

“Đó là tâm thế chung của người trẻ hiện đại, và nhà văn chúng tôi chỉ phản ánh sự thật đời sống”, chị nói. Chính điều đó dẫn đến những khác biệt trong văn chương so với lớp trước.

Khoảng cách thế hệ cũng là lý do khiến Phong Điệp ngần ngại khi xuất bản Blogger - tiểu thuyết viết theo hình thức blog. “Tôi sợ những người lớp trước khó chia sẻ với cách nhìn đa chiều trong cuốn sách”. Theo cây viết này, cuộc sống hiện đại thay đổi quá nhanh, mỗi ngày mang một gương mặt khác khiến những người cùng thế hệ chị luôn phải đối mặt với thử thách mới. Cuộc sống của người trẻ luôn có sự giằng xé, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, không biết chọn lựa thế nào trước quá nhiều ngả đường.

Mang những mảng sự thật này vào văn chương, Phong Điệp cho biết chị viết Blogger với cảm giác tê buốt, bi thương. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi. Theo Phong Điệp, kết cục của Blogger có vẻ không sáng sủa, nhưng đằng sau nó là lời cầu chúc và gợi ý “nhìn vào đó để sống tốt hơn cho ngày mai”.

Phong Điệp nói thêm, sự hoang mang, cô độc “dường như đang trở thành tâm thế chung của thế hệ trẻ hiện nay, và tôi chỉ cố gắng giải mã nó bằng những tác phẩm”.

Nguyễn Hòa phản bác ý kiến cho rằng lớp trẻ có “quá nhiều lựa chọn”. Theo nhà phê bình này, thực ra “đó là sự hoang mang, không có chủ kiến và tự trói buộc bản thân bởi mâu thuẫn giữa tinh thần và vật chất”.

Nhà văn Lê Phương Liên cũng cho rằng, những điều mà nhiều cây viết trẻ phát hiện không có gì mới, bởi ở thời của bà, các nhà văn cũng sống giằng xé, mâu thuẫn và ngột ngạt, rối rắm, chỉ có điều họ chưa có cơ hội thể hiện.

“Sau khi bạn viết Gọi con người, có những ai đã thưa lời gọi của bạn?”, bà Liên hỏi Nguyễn Hòa Bình. Trước câu chất vấn này, Bình chia sẻ, chị không mong làm điều gì to tát, chỉ muốn góp một tiếng gọi nhân sinh, và cố gắng hướng tới tính thiện của con người.

Tìm “cửa” mới vào văn chương

Trước khi đặt bút viết Gọi con người, Nguyễn Hòa Bình dành nhiều thời gian đọc, cho đến khi tự tin rằng tại Việt Nam chưa có cuốn tiểu thuyết nào có kết cấu theo kiểu chị định viết. 35 chương trong Gọi con người giống như 35 cánh cửa. Người đọc không cần theo dõi từ chương đầu cho đến hết. Họ có thể tùy hứng đi vào từ bất cứ “cửa” nào mà vẫn tiếp nhận được nội dung và tinh thần của tiểu thuyết. Hòa Bình gọi đó là những “cửa chữ”.

Cây viết Phong Điệp tìm lối viết dựa vào chính nhu cầu của thời bùng nổ phương tiện truyền thông cá nhân. Mỗi trang sách của chị được viết giống như một entry (bài) trên blog. Do đó, độc giả có thể thoải mái lựa chọn đọc những entry mình thích, không phụ thuộc vào kiểu đọc sách cổ điển. Vì sự tiện lợi này, nhiều độc giả của Blogger đã tìm ra những cách đọc khác nhau, mà kiểu đọc từ chương cuối lên chương đầu lại cho họ cảm nhận về một câu chuyện khác, trọn vẹn và khá thú vị. 

Tuy chưa thực sự coi hình thức trình bày của Phong Điệp và Hòa Bình là sự phát hiện đắt giá, nhưng nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng, họ cũng đã thể hiện sự sáng tạo, “còn hơn là cứ đi theo lối mòn xưa cũ”.

Tác giả: Khánh Lam

Nguồn tin: Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây