Tản mạn về việc khen - chê trong văn chương

Thứ tư - 25/11/2009 16:57 1.860 0

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh- một kiểu mẫu của sự khen- chê trong phê bình văn học.

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh- một kiểu mẫu của sự khen- chê trong phê bình văn học.
Để khen - chê đúng, trước hết nhà văn phải có tầm. Và ngoài có tầm, thì để người ta "nghe" được, lại phải có tâm. Làm nghề này mà không có tầm lẫn có tâm thì rất dễ gây cho văn đàn những điều phiền toái. Và bản thân tác giả cũng sẽ phải nhận về mình nhiều hệ lụy.

1. Gần đây, theo dõi trên trang web của một số cây bút, nhiều bạn yêu văn học hẳn không khỏi phiền lòng khi nhận thấy, "mật độ" những bài có tính miệt thị nhau khá…dày. Vẫn biết, khen- chê là chuyện bình thường trong công tác phê bình văn học, và tâm lý "văn mình vợ người" là tâm lý phổ biến của những người sáng tác, song mỗi lần nghĩ về hiện tượng này, trong tôi lại nổi cộm câu hỏi: Tại sao khi đề cập đến cái dở của một tác phẩm, ý kiến đưa ra thì nhiều mà "đương sự" không mấy khi "tâm phục khẩu phục"? Và tôi tự lý giải: Phải chăng vì chúng ta có phần chủ quan áp đặt trong nhận định? Kết luận nhiều nhưng ít chứng minh?

Hơn thế, khi nhận xét thường hay lên giọng "đại diện" cho "công luận", cho "số đông", thay vì phải khiêm nhường coi đó chỉ là "ý kiến riêng" của cá nhân mình? Và đặc biệt, tuy vốn kiến văn không rộng, không sâu nhưng lại thích so sánh người viết này với người viết khác, mặc dù ai cũng biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Vừa rồi, tôi có đọc một bài phê bình về một cuốn tiểu thuyết đang gây chú ý trong dư luận. Người phê bình không hiểu nghĩ ngợi thế nào lại đem tác giả của nó ra so sánh với các tác giả lừng lẫy trong văn học Pháp thế kỷ XVIII như Molière, Cornei, Racin. Mặc dù nhà phê bình trước đó đã cho hay "về bối cảnh lịch sử, vị trí xã hội…thì văn học lãng mạn Pháp và văn học đương đại Việt Nam là hoàn toàn khác nhau", song ông vẫn cứ nhắm mắt kết luận tác giả của cuốn tiểu thuyết đó "không đáng làm một học trò hạng bét của các bậc thầy nói trên". Nói vậy, người được phê bình không biết tiếp thu ra sao?.

Nhà thơ Xuân Diệu, trong một lần nhắc nhở một tác giả trẻ không nên ham viết dài, đã so sánh trường ca của anh với độ hàm nén của "Truyện Kiều", cũng phải rào trước một câu: "Tất nhiên, không ai lấy Nguyễn Du để đập lại chúng ta".

Trở lại với những trường hợp mà tôi nhắc tới ở đầu bài viết. Họ bốc người này lên mây xanh, hạ người khác xuống bùn đen. Dường như, trong cách nhìn của họ, văn đàn đã có người này thì không thể có người kia, "trời đã sinh ra Du thì quyết không thể sinh ra Lượng". Tuy không nhiều, song cũng đã có một số tiếng nói bênh vực thái độ này. Theo như cách nhìn nhận của họ thì tình cảm của con người là cụ thể. Đã "yêu" người này thì khó có thể "yêu" được người kia. Bởi vậy, mỗi một nhà văn, một tác giả, dù là lớn đến mấy, cũng chỉ nên hy vọng mình được ủng hộ bởi một đối tượng bạn đọc nào đó, và phải chuẩn bị "tinh thần" để chấp nhận những lời rủa xả từ những đối tượng bạn đọc khác, cho dù người đó có tài như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến đi chăng nữa.

Tất nhiên, điểm lại một số tình huống dích dắc xảy ra trên văn đàn thế giới, chúng ta phải thừa nhận rằng, để có được sự đồng nhất trong đánh giá, nhìn nhận về một tác giả, dù người đó có là thiên tài đi chăng nữa, cũng là một điều gần như…không tưởng. Balzac lớn là vậy, thế mà không ít các nhà văn, nhà thơ danh giá của nước Pháp thời ấy đã lớn tiếng xem thường ông. Nhà phê bình nổi tiếng Saint Beuve còn trắng trợn phát biểu: "Mỗi nhà phê bình ưa săn một loài thú riêng để xông vào mà băm vằm. Với tôi, đó là Balzac".

Tài năng vĩ đại như Victor Hugo, vậy mà đương thời còn bị Alfred Musset coi khinh! Trong một vở kịch thơ, Musset dùng biểu tượng một con vẹt hót đến "ba nghìn câu thơ bằng gang" để ám chỉ Hugo. Thế kỷ XIX, người được xem là có tài kể chuyện lôi cuốn nhất nước Anh là văn hào Dickens. Vậy mà dưới con mắt của Lev Tolstoi, Dickens chỉ là "một anh chàng ba hoa và không được thông minh lắm".

Ấy là chuyện nước người, còn ở Việt Nam, trước đây, trong một bài viết, tôi đã kể lại một số trường hợp mặc dù là nhà văn đã và sẽ thành danh sau này, song vẫn phải hứng chịu về mình những nhận xét cực đoan.

Ví như, ở tuổi 30 (năm 1942), Nguyễn Huy Tưởng đã bị một nhà văn kém tuổi mình là Trương Tửu buông một câu phán xanh rờn: "Tôi rất buồn phải nói với anh rằng, anh không có khiếu viết văn". Còn Chế Lan Viên, mặc dù sự nghiệp được khẳng định đã lâu, song vẫn bị nhà thơ, dịch giả Đào Xuân Quý nhận xét là "lạc cả một đời thơ" và "Một tác phẩm, nếu không được nhân dân mình ưa chuộng thì khó lòng mà còn lại trong kho tàng dân tộc được".

2. Tuy nhiên, không vì sự khen chê cực đoan nói trên mà ta không thấy một khía cạnh đáng buồn khác - một hiện tượng bất bình thường đang chế ngự nền học thuật của chúng ta: Đó là sự mất cân đối giữa "phê" và "bình" trong phê bình văn học. Mặc dù hiện tại, trên các trang web, việc chê văn của nhau đang xuất hiện với tần suất ngày một dày, thì trên các ấn phẩm báo giấy, ở phần "đất" nhất định dành cho thể loại phê bình, này, ta dễ dàng nhận thấy hầu hết đó mới chỉ là những bài điểm sách, được viết trên tinh thần bè bạn vỗ vai nhau, mà âm hưởng chung là… ngợi ca. Thậm chí, không ít trường hợp, đó là sự quảng cáo ngầm nhằm giúp cho việc phát hành sách.

Tình hình phê bình giới thiệu thơ xem ra lại càng thê thảm!

Nhìn về quá khứ, chúng ta không khỏi tủi hổ bởi ở những thời điểm khó khăn về nhiều mặt (từ khan hiếm giấy in, trình độ bạn đọc chưa cao), song chúng ta đã có một nền phê bình văn học thực thụ, với những tiếng nói chân thành, vừa để động viên, chia sẻ vừa nghiêm khắc chỉ ra những điểm còn hạn chế của người viết. Tất cả trên tinh thần giúp nhau ngày càng hoàn thiện.

Sau đây là một số ví dụ:

Với một thái độ thẳng thắn và nghiêm khắc, nhà văn Tô Hoài - trong bài viết "Bước đi của một người làm thơ", đã có những nhận định về thơ Hoàng Trung Thông: "Quê hương chiến đấu, tập thơ đầu có hứa hẹn. Ở đây, những đoạn thơ hay không nhiều"; và "Cái "tỉnh đến khô cằn" của Hoàng Trung Thông chẳng phải chỉ là bệnh ngoài da"; "Những thói quen mòn mỏi đã khiến thơ anh còn luẩn quẩn, lủng củng. Thơ anh có khi nghèo chữ, nghèo câu, nhạt hình ảnh. Kiến trúc thơ anh, cả bài và cũng từng đoạn, có lúc quá dễ và công thức…".

Nhà phê bình văn học Hà Minh Đức, trong cuốn "Nhà văn Việt Nam 1945- 1975" (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983), đã có cách nhìn nhận khá sòng phẳng về một số nhược điểm trong thơ Tế Hanh: "Nhiều bài thơ của Tế Hanh chìm trong những nét vẽ đơn giản của sự sống hàng ngày"; "Thơ Tế Hanh không ghi được những cột mốc lịch sử rõ rệt ngoài những tác phẩm của thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước"; "Trong nghệ thuật biểu hiện, Tế Hanh không lộ rõ sự sắc sảo, tài hoa".

Và đây là lời phê về những hạn chế của Huy Cận trong tập thơ "Trời mỗi ngày lại sáng" - "Cột mốc" đầu tiên khẳng định sự "trở lại" với tư cách nhà thơ của Huy Cận trong chế độ mới. (đây cũng là một trong những thi phẩm đưa Huy Cận đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật): "Bên cạnh những nhược điểm trên, Huy Cận đôi khi còn chưa thật lao động nghệ thuật đúng mức… Người ta thấy anh như vội đan cho xong một chiếc áo (đã đan được khá nhiều áo đẹp) mà quên chăm chút từng mũi chỉ đường kim. Những câu thơ hay của anh còn cách quãng với nhau bởi khá nhiều câu vừa hoặc kém".

Khi Chế Lan Viên viết những dòng này, nhà thơ Huy Cận đang giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Văn hóa.

Có thể đọc những trường hợp mà tôi dẫn chứng trên, một số bạn viết sẽ tặc lưỡi cho rằng: Đó chẳng qua là những người ngang tài ngang sức, lại cùng trang lứa, nên khi đưa ra những nhận xét về nhau như vậy, họ mới không "ngại".  Vậy thì ở đây, tôi xin dẫn chứng thêm một trường hợp nữa, để thấy cái sự nghiêm khắc trong học thuật này có thể xuất hiện ở bất cứ thành phần, lứa tuổi nào, kể cả những người mà trước đấy còn là "lính mới tò te".

Trước khi có bài (in trên báo Văn nghệ số 8 năm 1978) về tập "Hồn tôi đôi cánh" của nhà thơ Xuân Diệu, tác giả Hồng Diệu gần như chưa viết phê bình. Thế nhưng điều đó cũng chẳng khiến chàng trai tuổi đời mới hơn ba mươi này phải bẽn lẽn, e dè. Ngay trong đoạn mở đầu bài viết, ngoài mấy câu đưa đẩy chiếu lệ, cây bút trẻ mạnh bạo khẳng định: "Phải nói ngay rằng, thơ Xuân Diệu nhiều lúc còn ngổn ngang, bộn bề những chi tiết mà nhẹ về tình cảm". Và anh trích ra một số trường hợp để phê: "Lại như mở đầu Bài thơ những đồ hộp hoa quả, nhà thơ viết: Tôi muốn ôm cả vườn dứa siết chặt vào giữa hai tay/ Dù gai dứa đâm đau, tôi vẫn sáng cười hể hả thì anh đã quá đà, làm giảm lòng tin của người đọc với tình cảm nhà thơ. Còn như câu Đường cát, đường phèn, đường phổi hát ca thì việc hát ca của các loại đường nghe không được sướng tai, dù hát ca dưới đất trời Quảng Ngãi giải phóng".

"Đốt đuốc đi tìm nhà phê bình" - Đó là câu khẩu ngữ xuất hiện ở nhiều hội thảo về thực trạng của phê bình văn học hiện nay. Để lý giải cho sự thiếu hụt trên, đã có người chép miệng than thở: "Ôi dào, bây giờ người ta phải bỏ tiền ra in thơ, khổ đủ đường. Đã không giúp nhau phát hành thì thôi, phê làm gì cho tội người ta". Hoặc là "Nhuận bút được mấy đồng mà đi "phang" người ta để mua thù chuốc hận"…

Có thể nói, chính những quan niệm như vậy đã khiến cho mảng phê bình văn học ngày càng co cụm, yếu thế, và trở nên khập khiễng (vì chỉ bước có một chân). Điều đó cũng góp phần đẩy bạn đọc thêm xa rời thơ ca và khiến càng ngày càng ít có những cây bút phê bình để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc…     

3Từ những hiện tượng trên, bất giác tôi lại nhớ tới nhà phê bình văn học Hoài Thanh cùng những gì ông thể hiện trong cuốn hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam". Có thể nói, với bụng liên tài và một sức cảm thụ văn học phong phú, Hoài Thanh đã dung nạp, đã thâu tóm được trong cuốn sách của mình cái hay của nhiều phong cách thơ khác nhau. Thậm chí, với một số "chủ tướng" trong phong trào Thơ Mới, cách nhìn nhận của ông là ai cũng có vị trí đáng nể trọng, và mỗi người, nếu đứng ở từng góc độ mà xét, thì chưa chắc ai đã hơn ai.

Đây - nhận xét về Thế Lữ - nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ Mới: "Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam…" và "Người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này".

Viết về Xuân Diệu - đồng thời cũng là để biểu dương Huy Cận, tác giả có đoạn: "Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho một chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn còn chưa ngớt" và khẳng định "Xuân Diệu mới nhất trong các nhà Thơ Mới".

Về Chế Lan Viên, tác giả buông bút ghi nhận "Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị".

Lưu Trọng Lư cũng được tác giả dùng những lời mến trọng: "Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết". Nguyễn Nhược Pháp cũng vậy, tác giả bộc lộ sự cảm phục: "Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp".

Và rồi, còn những Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Thông…

Đọc những liệt kê đánh giá trên, hẳn có người sẽ cả cười mà nói rằng: "Xem ra các nhà thơ kia, dưới ngòi bút của Hoài Thanh, ông nào cũng… nhất!".

Quả đúng thế thật. Và đó cũng chính là tính khoa học của tác phẩm, bởi thực tế, trong văn học, mỗi một nhà thơ tài danh, họ đều có những mặt mạnh người khác không có được.

Vả chăng, trong việc chê văn - điều Hoài Thanh ít thực hiện hơn so với việc khen - ông cũng có cách viết ý nhị chứ không sỗ sàng. Vì thế, tuy ý tứ thì nghiêm khắc đấy, song vẫn "lọt tai" người. Bởi dù thế nào, cách chê của ông không bao giờ là để sổ toẹt, hoặc như thể ta đây đại diện cho "tiếng nói" của "mọi người". Ví như sau khi trích dẫn những câu mà ông tâm đắc của Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh đã có nhận xét chung về thơ của tác giả đa tài này: "Đọc thơ Nguyễn Đình Thi, có gặp nhưng rất ít cái lưu loát, cái hùng hồn, cái chất gợi sáng từng lúc trong một số bài lý luận phê bình, bài phát biểu của anh. Cũng ít gặp cái sức lôi cuốn say sưa trong những bài hát của anh từ lâu nổi tiếng. Người đọc thơ anh thường có cảm giác như nghe giọng nói từ từ của một người vừa trầm ngâm suy nghĩ vừa nói. Trước hết là nói với mình, nói cho mình. Cái hay là thật, nhưng cũng nhiều khi tuy thật mà chưa hay", và "Thơ hay của Nguyễn Đình Thi không nhiều. Nhưng thơ không hay cũng không nhiều". Thử hỏi, với những lời phê bình tế nhị (mà thực ra là sòng phẳng, nghiêm khắc nói trên), làm sao người bị chê có thể giận và coi thường được ông.   

Như vậy, để khen - chê đúng, trước hết nhà văn phải có tầm. Và ngoài có tầm, thì để người ta "nghe" được, lại phải có tâm. Làm nghề này mà không có tầm lẫn có tâm thì rất dễ gây cho văn đàn những điều phiền toái. Và bản thân tác giả cũng sẽ phải nhận về mình nhiều hệ lụy.

Tác giả: Tường Duy

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây