Những ảo mị văn chương

Thứ ba - 03/11/2009 18:00 2.521 0

Những ảo mị văn chương

Một ngày đầu tháng 10, tôi đột nhiên nhận được tin nhắn từ số máy lạ: “Sao không viết về hành trình giải Nobel của B. 2009”. Sau đó số máy lạ liên tục nháy vào điện thoại của tôi. Gọi điện kiểm tra lại, tôi xác định chủ nhân của số máy lạ nọ là B., một tác giả thơ trẻ, mấy năm nay khá im hơi lặng tiếng trên văn đàn. Tin nhắn khiến tôi bất ngờ nhưng không ngạc nhiên. Bất ngờ vì mình vừa thay số điện thoại chưa đầy một tháng do sự cố mấy trộm, làm sao nhân vật B. kia đã kịp cập nhật số máy mới của mình. Không ngạc nhiên bởi trước đó đã có người hỏi đùa “ Biết tin B. chuẩn bị nhận giải Nobel văn học 2009 chưa?”.

Ngỡ chỉ là bạn bè trêu đùa hay B. muốn “chọc mọi người cho vui”, nhưng sau khi phân tích thì tôi kết luận sự thể không phải vậy. Nói đúng hơn là B. đang quay cuồng với những ảo mị văn chương - nó giống như một dạng bệnh lý. Mà mức độ “mắc bệnh” của B. dường như không còn ở mức nhẹ nữa.

Qua tìm hiểu tôi được biết “nhà thơ” B. đã “khủng bố tin nhắn” cho nhiều người, mà tôi chỉ là nạn nhân thứ n+1 mà thôi. Người thì cười trừ, bụng bảo dạ: thằng này chắc bị hâm. Người thì mắng vỗ vào mặt B.: Mày bị điên à? Người thì cười hô hố đi kể với bạn bè về một câu chuyện “nghe xong muốn chết liền”!. Còn B. thì nhẫn nại với niềm tin kiên định rằng; mình chính là chủ nhân của giải Nobel văn chương 2009. Niềm tin ấy chắc chẳng ai thắp lên cho B. ngoài chính anh ta. B. nhắn tin, gọi điện thông báo, thuyết phục mọi người bằng cái giọng chắc như đinh đóng cột. Muốn có bằng chứng nhận ư? Cứ chờ đấy, B. sẽ có để cung cấp cho mọi người. Tại sao không ai thừa nhận sự xuất sắc, sự nổi tiếng ở tầm quốc tế của B.? Khi đề cập đến điều này, B. gần như muốn nổi khùng lên.

 

Tôi biết B. từ lâu. Có lẽ cũng phải đến chục năm có lẻ. Khi đó B. là một chàng trai quê mùa, thật thà hiền lành, yêu văn học, biết làm thơ khi tuổi mới đôi mươi. Học xong cấp 3, B. nhập ngũ theo chế độ nghĩa vụ quân sự , và may mắn được điều về Hà Nội. Đây là dịp rất quý giá, giúp B. làm quen và thậm chí trở nên thân thiết với nhiều nhà thơ ở thủ đô. B. háo hức  đưa những bài thơ mình mới viết cho những nhà thơ tên tuổi để mong được nhận xét, góp ý. Mọi người khi đó quý B. cũng phải. Một cậu em hiền lành, tốt tính, nói nhiều và đôi lúc nhiệt tình quá mức. Tôi đã từng chứng kiến B. chạy đôn chạy đáo tại một đám cưới của một nhà thơ rất nổi tiếng của quân đội – lo lắng như thể đám cưới của mình. Mặc dù việc chạy đôn chạy đáo, lo lắng của B. khi đó có khi lại làm vướng chân gia chủ. Nhưng những việc làm của B. lúc đó, người ta nhìn thấy sự đáng yêu hơn là đáng ghét.

 

Thơ của B. khi đó có được sự hồn hậu, và nỗi niềm trăn trở của một cậu trai nghèo nơi vùng đồng chiêm lam lũ về những nỗi vất vả của mẹ cha, vì thế được nhiều người yêu thích và trân trọng. Báo chí trong nam ngoài bắc đăng tải thơ B. cũng nhiều. Rồi B. cũng nhận được một số giải thưởng văn học, dù không cao, nhưng đó là niềm động viên khuyến khích to lớn với một cây bút trẻ mới chập chững đi vào con dường văn học. B. được đi dự Hội nghị viết văn trẻ. Các đêm giao lưu, B. luôn cố xuất hiện để được đọc thơ mình. Âu đó cũng là sự háo hức đáng yêu của một cây bút mới muốn được mọi người biết đến. Ngày thơ Việt Nam năm 2006, B. lặn lội phóng xe máy từ quê nhà lên Văn Miếu Quốc Tử Giám, thắc mắc sao mình không được mời, không được bố trí cho cây thơ nào? Ban tổ chức nể sự nhiệt tình của B., nể B. đã đi đường xá xa xôi nên  bố trí cho B. một cây đào để treo thơ. B. tự hào lắm. Những trang giấy nguệch ngoạc thơ được treo vội lên các cành đào. Người yêu thơ đi qua đi lại, thấy hơi kỳ kỳ với một “cây thơ”  có phần nhuôm nhoam, nhếch nhác. Rồi thì cũng thông cảm, vì có lẽ nhà thơ nên phải… khác người???

 

Chuyện nếu chỉ có thế thì không có gì phải nói.

 

Bỗng một ngày nào đó, B. chợt nhận ra thơ mình thật xuất sắc, và bản thân mình thật quan trọng với văn học nước nhà. Tôi không biết thời điểm đó chính xác là khi nào. Nhưng sự “chợt nhận ra sự nổi tiếng” ở B. ngày một to phình lên như một quả bóng được bơm căng. Cách đây 2 năm, tôi gặp B. ở lớp bồi dưỡng viết văn khoá 1 do Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Hội nhà văn Việt nam tổ chức. B. ngồi cạnh tôi, và cả buổi hôm đó, V thao thao về thơ của mình. B. mở trong cặp ra vô số bản thảo đã được photo, ấn vào tay tôi. Thực ra tôi đã quen với việc tự say mê thơ mình kiểu như vậy.  Khi nhà thơ Tạ Văn Sỹ (Kon Tum)  chạy đến tặng tôi tập thơ mới ra, B. xì nước bọt qua kẽ răng, phát biểu lạnh te: “chơi làm gì với bọn xe ôm này.Thơ phú biết gì”. Tôi đã rùng mình và thực sự sợ hãi chất giọng của B. lúc đó. Nó lạnh lẽo và độc ác. Nó như một mũi dao nhọn hoắt xói vào tim người khác. B. đã không hề nghĩ đến chính bản thân mình. B. cũng xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, từng mở cửa hàng bơm sửa xe máy xe đạp. Sau đó thì B. đi bán bản hiểm, thu nhập có phần dư giả hơn. Nhưng chẳng lẽ khi người ta tiền bạc rủng rỉnh thì có quyền khinh thị những ai nghèo khó? Nghề nào cũng là nghề đáng trọng, miễn là nó lương thiện. Một người làm thơ lẽ nào không học được cái đức yêu người, trân trọng người khác? Đáng tiếc điều tối thiểu ấy, B. đã không hề ý thức được.

 

Trong lớp học ngày ấy, B. nhìn tất thảy người khác bằng con mắt khinh khỉnh. B. tự hào mình là người trẻ nhất, có nhiều thơ được đăng, nhiều báo đài đến phỏng vấn. B. tự thấy mình như một ngôi sao, cần phải được tôn vinh, được tung hô. B.  mải mê sống trong vòng ảo mị của chính mình - một thứ hào quang tự tạo và chủ nhân của nó hình như không hề muốn thoát ra ngoài vòng hào quang đó. Lâu dần, “bệnh càng nặng”, những hào quanh ảo mị mà B. tự vẽ ra, đầu tiên là để khoe khoang với người khác như là một cách để xua đuổi nỗi tự ti của bản thân,   – sau đó B. dần tin nó là thật. Tức là mình rất xuất sắc.

 

Còn nhớ thời điểm B. đi học lớp viết văn là lúc nhà B. có tang, vợ mang thai đã đến tháng sinh, gia cảnh không sung túc gì. Việc đi học của B. – dù bị vợ ngăn cản bằng vô khối nước mắt, cũng không làm cho B. nản lòng. Vì B. phải đi học cho cả nước “biết mặt đặt tên”. Sự nghiệp văn chương của B. là số một. Một người bạn viết của B. ở trong Sài Gòn khi biết chuyện, gần như đã nổi khùng lên với B. “Mày không về mà chăm vợ đẻ đi, học sau không được à!”. Nhưng chí trai đã quyết, lòng trai không sờn. B. dứt áo ra đi, mặc cảnh nhà ngổn ngang.

 

Hai năm trôi qua, không gặp B., cũng không có tin tức của B., tôi nghĩ “bệnh”  của B. đã thuyên giảm. Ấy vậy mà không phải!

 

Đỉnh điểm của căn bệnh ảo mị ấy là việc mà B. đi khủng bố tin nhắn cho mọi người là mình chuẩn bị nhận giải Nobel văn học 2009. Giải sẽ được Viện hàn lâm Thuỵ Điển về tận quê nhà của B. để trao tặng đúng vào dịp sinh nhật tác giả cuối tháng 10, vì tác giả không có điều kiện bay sang bên đó! Các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, báo lớn của nước ngoài đều đăng tin hết rồi. Qua điện thoại, B. lên giọng trách cứ sao tôi không biết, không cập nhật, không viết bài, phỏng vấn B. Sao tôi theo dõi văn học mà không biết tin quan trọng ấy? Giọng B. qua điện thoại vừa thách thức, vừa mỉa mai.

 

Rồi hàng loạt những tin nhắn mà B. gửi đến cho tôi:

“Mới đầu còn xúi nhau chống giải Nobel, nhưng bây giờ Việt nam rất mong B.” (hẳn ý định nói là mong có giải Nobel cho B.)

“Lúc ấy em sẽ cho chị một món quà”

“Nếu giải Nobel trao cho B. chị sẽ nghĩ gì”

 

“Lúc ấy em muốn chị nghỉ ở báo X. để về làm cho công ty của em. Chắc ông xã sẽ vui”

Tôi buộc phải yêu cầu B. chấm dứt việc khủng bố nhắn tin  của mình. May mà B. không tiếp tục gửi tin nhắn nữa.

 

Tôi thấy thương hơn là giận B. Nếu bình tĩnh, nhẫn nại và chịu khó học hỏi, B. hoàn toàn có cơ hội trở thành một cây bút chững chạc trên văn đàn. Hiện nay B. chỉ mới chớm bước trên con đường văn chương ghập ghềnh, sao B. đã vội nóng ruột, đã mong nhanh chóng đình đám, đã háo hức thấy mình như một vì sao sáng nhất trong cả dàn thơ trẻ? Người nóng vội và mê muội với danh vọng thì liệu có thể đi bền với văn chương?

 

Tôi mong B. nhanh chóng thoát khỏi căn bênh ảo mị tự kỉ mà B. đang đắm chìm bấy lâu. Và biết đâu câu chuyện nhỏ này có thể cảnh tỉnh cho ai đó.

Im lặng đôi khi cũng cần phải học, là vậy…

Tác giả: Hồ Điệp

Nguồn tin: Cảnh sát toàn cầu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây