Sẽ có bất ngờ trong việc xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn?

Thứ sáu - 30/10/2009 16:51 1.822 0

Sẽ có bất ngờ trong việc xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn?

Nhìn bảng danh sách trình duyệt Ban Chấp hành năm nay, có những tác giả hiện đang giữ chức vị cao ở một số cơ quan báo chí, song số phiếu lại còn thấp hơn (tất nhiên điều này chưa hẳn phản ảnh đúng chất lượng sáng tác của họ) so với những tác giả hiện chỉ là...lính trơn.

Trong số hơn 550 đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, cuối cùng thì các Hội đồng và các Ban Văn học của Hội cũng đã "gút" lại một danh sách gồm 131 người để "tiến cử" cho Ban Chấp hành Hội bỏ phiếu quyết định vào tháng 12 tới (xem tin đăng tải trên trang web của Hội Nhà văn ngày 23/10/2009). Như vậy, nếu với đợt kết nạp được xem là "nới tay" nhất trong nhiệm kỳ này, thì hẳn mỗi tác giả được đề cử sẽ phải chọi với... 3 người. Còn nếu sự thể khắt khe hơn (như năm 2007, Ban Chấp hành chỉ xét kết nạp có 24 người, vừa bằng số nhà văn đã mất trong năm) thì tỉ lệ "đấu loại" sẽ xấp xỉ... 1/6. Điều này làm cho ngay cả những tác giả tự tin nhất cũng không khỏi lo lắng, bởi "văn chương tự cổ vô bằng cớ". Chưa kể, thời gian từ nay đến khi các thành viên Ban Chấp hành Hội cân nhắc, thẩm duyệt... còn dài, những bất ngờ mang tính đột biến rất có thể sẽ xảy ra...

Trong khi trông chờ kết quả cụ thể, người viết bài này xin được gửi tới các tác giả và bạn đọc một số câu chuyện từng xảy ra trong quá khứ xung quanh việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn, sức nặng của danh hiệu nói trên cùng một đôi suy ngẫm nhân đọc bảng danh sách các tác giả được đệ trình lên Ban Chấp hành Hội năm nay...

1. Cách đây ít lâu, tôi có đọc được trong hồi ký của một ông nhà văn cao tuổi (từng bị dư luận phản ứng vì nhiều điều tầm phào, không đúng sự thực) câu chuyện về cách kết nạp hội viên hết sức cà trớn một thời ở Hội Nhà văn Việt Nam.

Đại thể là khi anh em nêu thắc mắc sao lại kết nạp ông nhà báo nọ vào Hội Nhà văn, nhà thơ Chế Lan Viên từ nhà vệ sinh đi vào đã nói trắng phớ một câu (khiến ai nấy không còn ho he): "Đến như thằng A....còn được kết nạp vào Hội thì thằng này vào đã làm sao" (tôi nhớ đại ý như vậy, có thể không chính xác từng chữ). Thực tế, nếu ai đó nhìn vào danh sách Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam in trong cuốn kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại" (Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2007), đối chiếu năm sinh của tác giả, năm họ in tác phẩm đầu tay và năm họ được kết nạp Hội, hẳn ta sẽ nhận thấy, có một thời, việc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng chẳng dễ dàng một chút nào (nếu so với bây giờ).

Có thể nói, ngoại trừ một số tác giả tham dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 (và nghiễm nhiên trở thành hội viên của Hội) là có tuổi đời rất trẻ (như nhà văn Anh Đức khi ấy mới 22 tuổi, nhà văn Phùng Quán mới 25 tuổi, nhà văn Vũ Bão 26 tuổi, nhà thơ Lưu Trùng Dương 27 tuổi...), còn từ năm đó trở đi cho tới trước giai đoạn Đổi mới (1986), số tác giả trở thành hội viên Hội Nhà văn dưới tuổi 30 là rất hiếm.

Đó thường rơi vào những trường hợp rất đặc biệt, khó có ai bì tị. Như trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh (được kết nạp vào Hội năm 25 tuổi sau khi đã cho ra đời những bài thơ tình nổi tiếng như "Chồi biếc", "Sóng", "Thuyền và biển"), nhà thơ Thu Bồn (được kết nạp vào Hội năm 27 tuổi sau khi cho xuất bản tập trường ca trứ danh "Bài ca chim Chrao"), nhà văn Đỗ Chu (được kết nạp năm 27 tuổi sau khi đã xuất bản tới 7 tập sách, trong đó có các tập nổi tiếng như "Hương cỏ mật", "Phù sa"), nhà thơ Phạm Tiến Duật (được kết nạp năm 29 tuổi sau khi chùm thơ "Lửa đèn", "Gửi em, cô thanh niên xung phong", "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"... giành được giải nhất cuộc thi thơ năm 1969 của Báo Văn nghệ), nhà thơ Bằng Việt (được kết nạp năm 28 tuổi, sau khi in chung với Lưu Quang Vũ tập thơ "Hương cây - Bếp lửa" gây nhiều ấn tượng trong giới làm thơ trẻ)...

Số tác giả được kết nạp vào Hội dưới tuổi 20 chỉ duy nhất có Trần Đăng Khoa. Thần đồng thơ từng phát lộ thi tài từ năm lên 8 tuổi này cũng phải đến năm 19 tuổi mới được kết nạp vào Hội. Nhưng như thế vẫn còn nhanh hơn chán vạn người từng phát lộ mầm thơ từ thời niên thiếu. Như nữ tác giả Khánh Chi, mặc dù có thơ in thành sách từ năm lên 10 tuổi, song phải hơn hai mươi năm sau chị mới được kết nạp vào Hội, mặc dù, theo nhận xét của nhiều người, ở vào thời điểm đó, chân dung thơ của chị cũng không khác thời điểm chị xuất bản tập thơ đầu tay là bao nhiêu.

Sở dĩ tôi phải dẫn ra tỉ mỉ như vậy để bạn đọc thấy, không phải chỉ đến bây giờ mới là "người khôn của khó", mà trước đây nhiều chục năm, việc xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã là một việc chẳng chút dễ dàng. Đã thế, lại có thời, Hội Nhà văn Việt Nam còn duy trì kiểu "hội viên dự bị". Báo Văn nghệ quãng đầu những năm 80 (của thế kỷ trước) khi công bố danh sách toàn thể hội viên còn in nguyên dòng chữ này bên cạnh tên một số người.

Và thế là đã xảy ra một chuyện dở khóc dở cười: Lần ấy, nhà thơ N.B.V. (ông sinh năm 1933, vào Hội năm 1982) - một người có tài đăng đàn diễn thuyết - về nói chuyện thơ ở một địa phương. Khi người dẫn chương trình mở màn bằng một câu: "Xin giới thiệu với các đồng chí, hôm nay chúng ta vinh hạnh được đón nhà thơ N.B.V. về nói chuyện..." thì bất ngờ từ hàng ghế đầu, có người lên tiếng "cải chính" ngay: "Chưa, chưa phải nhà thơ. Mới chỉ...sắp thôi" (ý nói nhà thơ V. mới chỉ là hội viên dự bị của Hội Nhà văn Việt Nam). Nghe nói, sau lời "cải chính" ấy, nhà thơ N.B.V. nói năng rời rạc hẳn. Buổi nói chuyện trở nên buồn tẻ bởi một lý do đơn giản là người ta đã làm cho ông "mất hứng".

Có thể nói, kể từ khi các tác giả được quyền bỏ tiền túi để in sách của mình (dưới hình thức liên kết xuất bản), cộng với việc các tổ chức văn nghệ cũng dần dần được xã hội hóa thì báo chí cũng không còn khắt khe trong việc sử dụng hai chữ "nhà văn", "nhà thơ" như trước nữa. Ta có thể thấy xuất hiện nhan nhản trên báo chí đương đại những danh xưng "nhà văn", "nhà thơ" gắn với rất nhiều cây bút mới có một đôi bài viết được in báo, in sách và chưa hề có chân trong tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam.

Đã có ý kiến phê phán vấn đề này. Lại có ý kiến bênh vực (mà theo tôi không phải không có lý), rằng thì nếu một ai đó là hội viên Hội Nhà văn, thì họ đơn giản là hội viên Hội Nhà văn, còn danh hiệu "nhà văn", "nhà thơ" có tự ngàn đời, và là do nhân dân yêu thích mà suy tôn, nên ai đó có muốn cũng không thể can thiệp. Tôi chỉ nêu hiện tượng này để chúng ta cùng nhìn lại một thời: Một thời mà hầu như, nếu ai đó chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì đừng mơ tưởng được báo chí gọi là "nhà văn", "nhà thơ". Thậm chí, khôi hài đến độ, khi ấy, dù đã đầu bạc, răng long, rất có thể anh sẽ bị nhét vào cái rọ "cây bút trẻ" như một vốn từ mà người ta thấy "hợp lý" hơn cả.

Xin kể một ví dụ: Lần ấy, Đoàn cán bộ biên tập của tờ báo nọ về thăm một cơ sở sản xuất. Một tờ báo đã đưa tin: Đoàn cán bộ báo gồm nhà thơ A, Tổng biên tập, nhà thơ B. Thư ký tòa soạn cùng các cây bút trẻ X, Y, Z...". Đoạn tin trên buồn cười ở chỗ, những người được gọi là "cây bút trẻ" đều đã ở tuổi trên 50, xấp xỉ 60, và đều có tuổi đời hơn hẳn nhà thơ A, nhà thơ B. Có điều, khi ấy họ đều chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nên - với lối "máy móc" một thời - để "phân biệt" người ta đã gọi họ là "cây bút trẻ".

Có lẽ, vì hầu hết các nhà văn được vào Hội khi đã cứng tuổi nên một nhà văn ở tuổi trên 50 vẫn có thể được gọi là "nhà văn trẻ". Năm 1988, tôi từng được đọc ở mặt bìa sau của cuốn tạp chí Tác phẩm văn học giới thiệu nội dung số sau, trong đó các nhà biên tập cho hay: Họ sẽ in thơ của "các nhà thơ trẻ Vũ Quần Phương, Võ Văn Trực...", trong khi về tuổi tác, cả hai nhà thơ này, người đã 52, người cũng vừa 48, còn "trẻ" với ai được nữa...Nhắc lại điều ấy để thấy, có một thời, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng là nguyện ước cháy bỏng và là nỗi cay đắng của không ít tác giả...

2. Nếu so với mươi, mười lăm năm trở lại đây, thì số tác giả có đầu sách được in ra ở giai đoạn mấy chục năm về trước không được đông đảo bằng. Có thể vì thế mà có người cho rằng, trở thành hội viên Hội Nhà văn bây giờ là điều "muôn ngàn lần khó hơn" chăng? Tôi không đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi trên, song sự thực là, để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ngoại trừ tài năng, cũng đã có những người dùng đến những cái mẹo tưởng chừng "nhỏ bé" song lại khá hiệu quả để đánh động lòng trắc ẩn của Hội đồng chuyên môn.

Ví như, có một nhà văn đã kể với tôi: Lần ấy, có một tác giả khá đứng tuổi (xin được giấu tên) tìm gặp ông tại nhà riêng, đặt vấn đề rất nghiêm túc: "Tôi thì đằng nào cũng trượt thôi. Nhưng đã trót làm đơn, nếu không được một phiếu nào thì tủi quá. Xin anh cho tôi một phiếu gọi là phiếu danh dự". Nghe cách đặt vấn đề rất thành thực, vả chăng ông Hội đồng nọ cũng nghĩ, đúng như ông tác giả nọ đã nói, ông ta chắc chẳng được phiếu nào ủng hộ đâu. Thôi thì mình cứ "cho" ông ta một phiếu, đằng nào ông ta cũng trượt, mất gì. Ai dè, trước đấy, ông tác giả nọ đã đi gặp tất cả các thành viên trong Hội đồng. Với ai, ông cũng "chỉ" có một yêu cầu như vậy. Cuối cùng, ông được... 100% phiếu thuận và đương nhiên trở thành... hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khi công bố kết quả, cả Hội đồng đã phải mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau, coi như mình bị một "cú lừa ngoạn mục".

Cũng đề cập tới việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong một bài báo viết cách đây ít hôm, tôi có đề cập tới hiện tượng sách báo hiện nay được in ra nhiều, trong khi tài năng phát lộ ở khắp các vùng miền nên không loại trừ trong việc kết nạp có sự cảm tính. Giờ tôi xin nói kỹ hơn về vấn đề này.

Có thể nói, với một số người, vì việc vào Hội rất vất vả và gần như vô vọng, nên sau khi biết tin mình bị "trượt", đã có người không còn giữ được bình tĩnh. Trong họ nảy sinh một luồng ý kiến, như thể việc vào Hội đã và đang bị chi phối bởi những "tác động ngoài văn chương".

Người viết bài này không dám khẳng định tính xác thực của luồng ý kiến trên. Chỉ xin được có một đôi ý kiến nhỏ rằng: Nếu quả thật việc gì ở đời cũng được giải quyết ổn thỏa bằng...tiền thì hẳn mọi sự đã quá ư đơn giản. Bởi, cứ theo cách lập luận vậy, thì hẳn các ông Trần Quốc Tiến (khi vào Hội vẫn đang sống bằng nghề làm ruộng ở Nam Định) và Tạ Văn Sỹ (khi vào Hội vẫn đang hành nghề xe ôm ở Kon Tum)... hẳn sẽ phải "lép vế" hơn nhiều vị so với các vị giám đốc doanh nghiệp làm thơ kia chứ?

Trong khi thực tế, việc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đối với các vị lắm của nhiều tiền này vẫn cứ là... muôn nghìn lần gian khó. Thậm chí, tôi còn ngờ rằng, chính cái "nhãn mác" ấy đã làm "hại" một số người thực sự có khả năng văn chương. Không gì thì cũng hơn một lần tôi được nghe một nhà thơ có tiếng phát biểu đại ý rằng: "Những vị kinh tế quá ư dư dật ấy còn phởn chí sáng tác làm gì?". Và rằng, chờ đến khi bỏ phiếu kín, anh sẽ "loại bỏ" các vị này một cách không thương tiếc.

Chúng ta đều biết, các Hội đồng chuyên môn cũng như Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khi tiến hành bình xét kết nạp hội viên đều thực hiện bằng phương thức bỏ phiếu kín. Điều này có cái "hay" là các nhà văn vốn dĩ hay cả nể khi phải đối mặt với sự nằn nèo, "gửi gắm" của các tác giả có thể thể hiện chính kiến của mình một cách kín đáo rồi...lẫn vào đám đông (các ủy viên khác).

Nhìn bảng danh sách do các Hội đồng chuyên môn và các Ban Văn học đưa lên trình duyệt Ban Chấp hành năm nay, ta thấy rất hiếm các tác giả được số phiếu thuận tuyệt đối (những người được đưa lên vòng trên đa phần chỉ mới chạm ngưỡng quá bán một chút). Điều này thể hiện sự "không dễ lung lạc" của nhiều thành viên trong các Hội đồng và các Ban Văn học. Thậm chí, có những tác giả hiện đang giữ chức vị cao ở một số cơ quan báo chí, song số phiếu lại còn thấp hơn (tất nhiên điều này chưa hẳn phản ảnh đúng chất lượng sáng tác của họ) so với những tác giả hiện chỉ là...lính trơn (như việc xảy ra ở Hội đồng Thơ và Hội đồng văn học Dân tộc miền núi).

Điều ấy cho thấy, việc kết nạp hội viên ở Hội Nhà văn Việt Nam đã, đang và sẽ còn bộc lộ nhiều bất ngờ mà mọi suy đoán thô thiển chưa hẳn đã cho một kết quả đúng.

Tác giả: Phạm Nhật Linh

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây