Thơ mà cũng bán chạy?

Chủ nhật - 10/02/2013 04:00 2.514 0
Trên báo chí, mạng xã hội có râm ran thông tin tập thơ Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt bán được 3.000 cuốn trong tuần đầu ra mắt. Thông tin trên được dẫn lại từ thông cáo báo chí đầy sáng sủa của công ty sách Phương Đông, nơi đầu tư xuất bản tác phẩm này.
Râm ran là đúng. Vì bấy lâu người ta thường ta thán về “lạm phát thơ”, về việc độc giả thờ ơ với thơ, về tình trạng thơ biếu chạy hơn bán, chưa thấy ai nói về chuyện thơ bán chạy. Vì vậy việc một tập thơ bán hết veo 3.000 cuốn trong một tuần, hẳn là một câu chuyện thú vị.

“Nuôi” công chúng và chọn “điểm rơi” 

Bà Đinh Hương, phụ trách truyền thông Công ty Phương Đông, phân tích rằng, “hoàn cảnh xuất hiện” là một trong những yếu tố quyết định không nhỏ đến thành công thị trường. “Thực chất - bà Hương nói - Đi qua thương nhớ đã được tác giả post khá nhiều và lần lượt trên Facebook, Blog360… tôi nghĩ, khi post lên những bài thơ của mình, tác giả cũng không nghĩ rằng đó là một phương thức PR, mà chỉ là chia sẻ tình cảm về đứa con tinh thần của mình với bạn đọc. Qua năm tháng, người yêu thích thơ của anh cũng tăng dần, vì có thể, ít nhiều họ đều tìm được mình trong đó, thấy ở thơ Việt một sự đồng cảm như có người bạn hiểu được tâm tư, nỗi lòng của mình. Khách quan mà nói thì Đi qua thương nhớ có thể cũng không “được lòng” nhiều người, điều này không có gì lạ, vì nó cũng như món ăn vậy, vừa miệng người này nhưng chưa hẳn đã là ngon với người kia. Nhưng để chờ đợi, tiếp xúc với một món ăn tinh thần mà mình yêu quý, nâng niu… cứ thử nghĩ xem, với việc phải chờ đợi ba bốn năm ròng để cầm trên tay một cuốn sách mình yêu thích thì có còn niềm vui thích, hứng khởi nào bằng?”. 

Vẫn biết, không thể nhìn thị trường để luận giá trị sáng tạo văn chương. Nhưng với hệ quy chiếu của nhà đầu tư, thì một bản thảo được coi là tốt, đồng nghĩa với việc, nó phải tạo ra quả đấm thị trường, kích hoạt được sức mua của đám đông. Nhất là trong bối cảnh thị trường sách mà thơ là thứ có thể vừa gây bội thực cho cộng đồng, lại vừa khan hiếm đến mức đủ tạo ra những trận khát thèm đại chúng. 

Nhiều nhà thơ đã chịu cùng với nhà đầu tư của mình tìm cách “đánh trúng tâm lý đám đông”, theo cách nói của bà Đinh Hương.

Thị trường: nỗ lực không đều

Trong năm 2012, ngoài việc xuất hiện trên các chiếu thơ, tham gia giới thiệu, trình diễn, sắp đặt khuấy động với thơ ở những cuộc hội hè văn chương thì các nhà thơ trẻ (khái niệm tương đối, tạm dùng cho những người làm thơ tuổi 20-30) cũng đã có những nỗ lực cá nhân đáng ghi nhận trong việc đưa thơ đến công chúng bằng những phương cách khác nhau. Vi Thùy Linh lần đầu đưa thơ vào Nhà hát lớn Hà Nội nhân dịp ra mắt cuốn thơ ViLi & Paris cùng tập văn xuôi Vili tùy bút quy tụ nhiều nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng. Cũng khoảng thời điểm này, Nguyễn Thế Hoàng Linh tự giới thiệu với công chúng yêu thơ anh tập Mật thư, gốm 118 bài lục bát thể nghiệm, được in dưới hai dạng ấn bản bìa cứng và bìa mềm với phần minh họa của Thành Phong, một CD tặng kèm 15 bài (trong đó 12 bài thơ do An Nhiên đọc, 1 bài tác giả tự đọc, hát và một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn do Nguyễn Tuấn, Hùng Hà, Hoàng Thọ Thái Hòa phối)... 

Tất cả những “cựa quậy” đó cần thiết để mang đến một hình dung độc đáo, mới mẻ hơn cho thơ, hướng đến việc dành lại sự chú ý của người đọc với thơ, tạo ra cho thơ một lực hấp dẫn hiện đại. 

Nhưng, đau đáu sau cánh gà, những nhà đầu tư vào thơ ở Việt Nam lúc này vẫn chưa tìm thấy giải đáp cho câu hỏi: ở đất nước (được coi là) thi ca này vì sao chưa có thị trường thơ? 

Nhã Nam, công ty sách tư nhân nhiều năm qua đã có sự chăm chút đáng ghi nhận từ xuất bản những tuyển thơ của các tác giả quan trọng trong nền văn học hiện đại: Bùi Giáng, Trần Dần, Phùng Cung, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cho đến giới thiệu những tác phẩm mới của các tác giả đương đại: Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thế Hoàng Linh. Nhưng, chắc chắn rằng, thơ, dù là thơ giá trị, được đầu tư hình thức tử tế, vẫn chưa bao giờ đem lại thành quả kinh doanh xứng đáng cho nhà đầu tư.

Theo tổng hợp từ Nhã Nam, với tuyển tập của những tác giả quan trọng, lượng in thường dừng ở 2.000 bản và bán rất chậm. Riêng tuyển thơ Nguyễn Duy và Xuân Quỳnh, thì “bán chạy”, cũng dừng ở mức 3.000-4.000 cuốn. Tác giả thơ đương đại, theo số liệu từ Nhã Nam, lại càng yếu về sức bán. Đơn cử, thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh được đông đảo độc giả yêu thích, nhưng tập Hở (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011) của tác giả này lại “bán không tốt, có lẽ do thơ tác giả này đã quá phổ biến trên mạng, ra tập giấy không còn duyên nhiều nữa”, theo Nhã Nam. Tập Họ - bột hư ảo (Nhã Nam & NXB Văn học) của Nguyễn Thúy Hằng vừa ra thị trường trong những ngày cuối năm 2012 thì chỉ in số lượng 1.000 bản, vì nhà đầu tư xác định “tác giả này chọn lối đi quá hẹp trong thơ”. 

Đại diện Nhã Nam cũng cho biết, tuy “tình hình thơ rất tình hình” như thế, nhưng “Nhã Nam vẫn xuất bản thơ trong nước như một cam kết, một sự cổ vũ với các cây viết, nhất là những tác giả trẻ, không riêng thơ đâu mà cả mảng văn học trong nước nói chung”. 

Tại Sài Gòn, Công ty Sách Phương Nam năm qua cũng đã tạm gọi là thỏa mãn trong việc đầu tư tái bản tập Gái quê của Hàn Mặc Tử (liên kết với NXB Hội Nhà văn) nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ này với số lượng bán được là 2.000 bản. Nhưng vì nhận ra sự “kịch trần” trong nhu cầu, nên dù bán hết, tập thơ trên vẫn không được tái bản, sợ ứ hàng. Dù vậy, hiện nay, có ba bản thảo thơ đang được Phương Nam tính toán cho ra mắt vào dịp Lễ Tình nhân: Bởi vì ta yêu nhau (thơ tình tuổi trẻ), Tình yêu có ở muôn nơi (thơ tình thế giới bất hủ) và Ngày đó chúng mình thương (thơ tình của các tác giả thời Thơ Mới). 

Trong khi các nhà đầu tư kiên nhẫn dò kênh nhu cầu của người đọc để tìm đầu ra hữu hiệu cho thơ, thì nhiều nhà thơ đang sống và sáng tác lại chưa chắc đã chịu đặt mục đích sáng tạo vào thị trường. “Thử nghĩ xem, với các nhà thơ, sách bán chạy liệu có phải là tiêu chí đầu tiên trong sáng tác của họ?” - ông Dương Thanh Hoài, Phó giám đốc Nhã Nam, đặt câu hỏi. Chịu thôi, cũng phải hiểu cho họ, vì có khi, thái độ khước từ giá trị thị trường, cương quyết không chịu vỗ về đám đông cũng lại là một thứ giá trị chính đáng để đeo đuổi. 

“Về góc độ xuất bản, những yếu tố khiến thơ có thể bán được thêm nữa: tác giả lớn, nổi tiếng + thơ có nội dung, có ý tứ, có khả năng hấp dẫn độc giả, cuốn hút công chúng + phải quảng bá tốt, in ấn đẹp, thậm chí có phụ bản, minh họa. Như Đười ươi chân kinh của Bùi Giáng chẳng hạn, bán tốt dẫu thơ Bùi Giáng vẫn tràn ngập trên thị trường. Dĩ nhiên, xuất bản có làm tốt đến mấy cũng không làm thay được công việc của các tác giả. Thơ đã trở nên rất cũ, các cây viết cạn nguồn cạn mạch. Những nhà thơ “nhân dân” bây giờ quá nhiều, việc xuất bản thơ quá dễ dãi, quản lý xuất bản thơ buông lơi..., nhà nhà làm thơ, phô-tô tặng nhau... nên thị trường cho thơ hầu như không có. Muốn thơ bán được, có lẽ cần các nhà thơ mới, hoặc với ngôn ngữ mới, tân kỳ với thời đại, hoặc theo hướng khác: phổ quát, đồng cảm, mang một mẫu số chung với xã hội, với nhân thế hiện tại?”. (Dương Thanh Hoài - Phó giám đốc công ty Nhã Nam) 


Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây