"Lấp giếng"

Thứ sáu - 25/03/2011 08:04 4.785 0

Minh họa: Văn Nguyễn

Minh họa: Văn Nguyễn
Giếng đất nằm mé bờ rào cuối vườn, cây cối mọc um tùm che kín miệng. Từ lâu, nó như một cái hang tối om, ẩn mật mọc xuyên lòng đất. Bao nhiêu rác rưởi nhà tôi vứt xuống đó, nhưng mãi không đầy.

Ngày trước, nó nằm cạnh nền nhà cũ. Tôi còn nhớ nó có một cái thành xây bằng xi măng, thô ráp, méo xẹo, lùm lùm. Nhưng hình ảnh đó thân quen với anh em chúng tôi từ khi còn ở truồng.

Cũng vào cái thuở còn ở truồng ấy, chị Hai tôi có lần ham chạy nhảy, bị té lọt xuống dưới đó. Cả xóm hoảng hồn. Ba tôi đang lợp nhà cho xóm trên, nghe tin con gái té giếng, nhảy từ mái nhà xuống, trẹo chân. Người ta giữ lại, không cho ông về, bảo con cái té giếng thì cha mẹ không được xuất hiện ngay, mà phải đợi cho đứa trẻ hoàn hồn. Nghe nói, dưới giếng nhiều khí âm, các hồn ma bóng quỷ chỉ chực sẵn có ai té xuống là vồ lấy linh hồn như chơi, nếu người lớn xuất hiện, chúng sẽ mang linh hồn đó mà bỏ chạy, chưa nói là, có khi chúng trả linh hồn đó vào một con người khác, thì rất nguy.

Giữa lúc cha tôi ôm cái chân đang bong gân đau quằn quại, vẻ mặt bơ phờ lo âu thì đám thanh niên trong xóm đã kịp thòng một sợi dây gàu vào cái sọt thép, thả xuống. Chị tôi sau khi lang thang bơi lội dưới đó bắt cóc nhái ễnh ương, liền leo vào an tọa trong lòng chiếc sọt thép để người ta kéo lên. Dân gian vẫn nguyền rủa kẻ tính khí ngẩn ngơ là té giếng. Nhưng chị tôi thì không thuộc số đó.

Thấy con gái không bị chút trầy xước nào, nghĩ có thánh thần dang tay phù hộ, ba tôi làm một con gà trống chưa đạp mái, đặt cùng bảy quả trứng so, hai nắm xôi, ba ly rượu, ba thẻ nhang với trầm nghi ngút, một cây đèn dầu hột vịt, một lọ hoa cúc nở chín cái, làm mâm cúng tạ ơn thổ công trong lòng giếng đã ra tay cứu giúp. Trai tráng trong xóm được hưởng một bữa rượu thịt say sưa.

Sự kiện đó còn sống động trong tâm trí chúng tôi. Mà không chỉ người trong nhà, cho đến khi chị Hai đi lấy chồng, có anh hàng xóm hậu đậu ngày xưa từng góp tay giữ tao dây buộc sọt kéo chị Hai lên từ lòng giếng đã say mèm đến độ đang hát bài nhạc Tôi đưa em sang sông thì rớt ngay trên sân khấu, quíu tay quíu chân, cấm khẩu, khiến quan khách hai họ một phen hoảng hốt. Bác sĩ trạm xá bảo tên này bị ngộ độc rượu ở mức nguy kịch. Anh rể tôi vốn tính ghen tuông, cưới xong khăn gói đưa vợ đi biệt xứ, sau khi chứng kiến cảnh một thằng hàng xóm vật vã thất tình vì vợ mình.

***

Sự ra đi của chị Hai khiến kẻ thất tình kia trở thành một bóng ma thực sự, đêm đêm cứ ôm chai rượu trắng, đạp rào đến bên thành giếng ngồi uống một mình rồi khóc ư ử. Người già trong làng nói, nó bị ma hành. Con ma không bắt kẻ té giếng mà bắt nhầm kẻ lụy tình. Con ma tình đã hành ai thì coi như cả cuộc đời con người đó sống trong đày ải, mê lú. Dù sao thì trời cũng tính rồi, cho con người ta một cái tật càng xốc nổi bốc đồng thì càng dễ quên, nên chỉ uống hết chừng lít rượu thì kẻ thất tình cũng lên đường theo đám thanh niên vào phố làm thợ hồ.

Với đám thanh niên quê tôi, vào phố là đi vào chốn mịt mùng, hư thực không phân biệt được nữa, đến người ngợm cũng không chắc vẹn toàn mà trở về. Nhưng chẳng còn con đường nào khác. Người ta phải đốt sức mình để sống nhanh hơn, vội hơn. Vào phố thì người ta được độc lập mà sống theo từng ngày, còn ở quê gắn với ruộng nương thì lún sâu với từng mùa, cứ được mất quẩn quanh.

Vậy là đi. Chỉ lấp loáng những mặt người trở về khoác lên chút hãnh diện hão huyền vào mỗi dịp tết. Như thể tinh khôn hơn, văn minh hơn. Nhưng sao giấu được chút tủi phận nằm sâu trong đáy mắt, cái khổ sở, trầy sẹo hằn chai trên những gò bàn tay.

Mỗi dịp tết, đám thanh niên tha phương cầu thực kéo nhau trở về nhưng cái kẻ thất tình năm nào vẫn biệt vô âm tín. Có lời đồn rằng, y làm bao nhiêu cúng cho bọn gái đứng đường bấy nhiêu, người gầy như cái xác ve, không chừng cũng đã mắc bệnh thế kỷ.

***

Kể dông dài như thế để thấy rằng, ngày xưa nền đất nhà tôi cạnh bờ giếng, nó mang trong mình quá nhiều những điển tích, nhân quả.

Rồi sau này, chị tôi theo chồng khấm khá, gửãi về chút đỉnh, ba mẹ tôi đi coi thầy, thầy phán, mọi biến cố xảy ra trong nhà tôi xưa nay vẫn được điều khiển bởi các vong trong lòng giếng. Nhưng đây là những vong lúc sống bèo bọt, chết đi cũng bọt bèo, chỉ phù hộ bình yên, không đủ sức giúp người trần phát đạt, giàu sang. Song, cứ phải giữ gìn họ sống chung với mình, một mặt, phải đổi hướng nhà để rước những vong lành đủ sức độ trì thịnh vượng về của cải.

Ba mẹ tôi đập ngôi nhà cũ, xây ngôi nhà mới khang trang sáng sủa, hướng ra mặt tiền đường liên thôn vừa trải nhựa. Bây giờ nhà nhà hướng mặt tiền lớn, chẳng còn ai chịu nấp bóng cây xanh, khiêm nhường thấp thoáng trong những khu vườn như xưa.

Làng tôi phơi bày những mặt tiền cao ráo nhưng lạnh lẽo. Hệ thống nước máy được dẫn về tận nhà xí, chỉ cần vặn vòi là có nước sạch đã qua hệ thống khử công nghệ cao, không còn lơ lớ vị đất mà thoang thoảng mùi khử hóa chất. Giếng không cần thiết nữa. Người ta chỉ giữ nó lại để làm nơi trú ngụ cho ma cỏ. Cũng chẳng phải vì người ta thích dính líu với quá khứ của khu vườn hay ngôi nhà, mà là rơi vào thế phải giữ lại để đỡ áy náy tâm hồn trong hành xử với người cõi khác.

Nền nhà cũ chỉ trơ lại đống đất đá hoang tàn, cỏ mọc rậm rì, vài nếp ván ngổn ngang. Lũ cây dại mọc phủ kín những lối đi xưa, rồi rủ nhau um tùm phủ xanh lên miệng giếng. Giếng trở thành một hốc tối đen ngòm như con mắt mù đục của khu vườn. Đôi mắt ấy đang nhìn vào sự hoang phế của chính nó và chẳng buồn trách móc sự ghẻ lạnh của con người.

Hoang phế. Nhưng nó không chịu sụp. Nhất định, cái hốc mắt mù ấy vẫn ẩn mật sau bụi cây xanh, dây leo chằng chịt, để nghe ngóng chuyện cõi người. Bao nhiêu rác rến được quét dọn từ ngôi nhà mới, mẹ tôi đổ xuống lòng giếng, biến nó thành một hố rác khổng lồ. Nhưng dù đổ đến bao nhiêu, nó cũng không hề đầy ngập.

Có lúc tôi nghĩ, hẳn nó là một cái động được khoan sâu vào lòng đất, không đáy, có thể chứa mọi điều trong thế gian. Cũng có thể, nó là một con quái vật có cái bụng khổng lồ, sẵn sàng nuốt vào bên trong đủ thứ đồ vật và rác rưởi trên đời để thanh lọc cái góc vườn bị con người thành kiến là đầy những vong linh thấp cổ bé họng.

***

Năm đó, trong làng có người bị bệnh thế kỷ, về nằm chờ chết.

Không ai khác, đó chính là kẻ ngày xưa đã từng thất tình chị Hai tôi. Gã trở về, tiều tụy, xanh đét, mắt lờ đờ thất thần như một bóng ma, đi đứng hẫng hiu, chừng như không bén đất.

Chờ chết, gã mắc võng nằm dưới gốc xoài mặc cho gió thổi đòng đưa, đòng đưa như cái lá vàng võ neo trên sợi mạng nhện mỏng manh chỉ chờ một đợt gió hiu hiu là bay đi, tự hủy trong không gian trước khi chạm đất. Gã không nói không rằng với ai một câu nào. Mỗi chiều, gã ôm chai rượu lần sang vườn nhà tôi, ngồi gục đầu trước cái hốc tối đen ngòm và xông mùi hôi hám rác rến, trầm ngâm và khổ hạnh như một triết gia nào đó bị cầm tù thời  cổ đại.

Ba tôi đọc sách, học một triết gia nào đó, kết luận một câu gần như không ai còn thêm bớt hay tranh luận gì thêm, cũng là đóng đinh cho cuộc đời của gã trai thất tình: “Tính cách tạo nên số phận!”. Thế là xong. Cách mà ba nghĩ về cuộc đời người khác đã bị đóng đinh bởi một câu nói.

Còn mẹ tôi thì tin lời thầy bói, bảo rằng, những vong hồn trong lòng giếng trả thù vì ngày xưa gã đã giành con bé khỏi tay họ, bây giờ thân thể mới ra nông nỗi đó.

Thế rồi, chiếc lá vàng vướng trên mạng nhện kia cũng không trụ lại được bao lâu. Nó sẽ phải bay đi tìm một miền yên ổn nhất trong vũ trụ bao la này.

Đám tang gã, chị Hai tôi có về rồi đi trong ngày. Chị Hai khóc trù trù, trách cuộc đời sao không duyên không nợ mà đày đọa con người ta đến nước này, anh Khờ ơi là anh Khờ ơi! (Xin lỗi bạn đọc, vì đến lúc nhân vật chết thì tôi mới dám tiết lộ danh tánh của y. Có thể là với một con người phận tối như lòng giếng kia thì cái tên lúc sống nào có quan trọng gì. Đôi khi cả cuộc đời trôi qua dằng dặc nhưng con người chỉ được nhắc đến tên một lần trong gió thoảng, đó là lúc lâm chung).

Rồi chị Hai đi. Không kịp chứng kiến cái cảnh quan tài của kẻ lụy tình trôi nổi bập bềnh trên lòng huyệt ngày mưa gió tháng bảy.

Mười thằng con trai khỏe mạnh trong làng, trong đó có tôi, phải tát suốt buổi sáng nhưng mạch nước trong lòng huyệt ba thước đất cứ tuôn ra ào ạt, không thể nào giữ yên được quan tài. Mẹ tôi lầm bầm, cả đến lúc chết rồi, nó còn bị đám vong trong đất ghét bỏ.

Chúng tôi ngâm mình trong nước cùng cái quan tài nổi lều bều. Chúng tôi kêu la í ới cố nhận nó xuống sâu. Đứa tát nước đứa cưỡi đầu đứa cưỡi chân, đứa neo đá, vậy mà nó vẫn nổi trên mặt nước. Mấy người làng đi đưa tang đã mất kiên nhẫn, bỏ về cả. Có lẽ trong cuộc đời họ chưa có một cuộc chôn cất nào khó nhọc đến là vậy.

Bây giờ là tháng bảy âm. Mưa ngâu. Mẹ tôi đi xem bói. Thầy lại bảo, góc vườn có một trục âm khí xuyên lòng đất, tụ hội nhiều vong linh. Đặc biệt, ở đó mới có mặt một vong linh mới, loài vong này mang trong mình mối lụy trần duyên nên sẽ ở đó cho đến khi nào đất cũng đã về với đất. Là sao, mẹ tôi hỏi. Là khi con người mà nó đeo đuổi cũng đã tìm về với đất.

Mẹ tôi hốt hoảng nghĩ đến chị tôi. Bà khóc vì lo cho con gái. Trong điện thoại, chị tôi nói, vậy thì cũng còn lâu. Nhưng ngay cả kiếp sau, con cũng không chịu lấy anh Khờ đâu. Má đừng nói chuyện này cho chồng con hay. Ảnh lên cơn ghen, lại sinh sự. Bao nhiêu năm nay con quá khổ sở vì cái tính ghen tuông của ảnh rồi. Mỗi lần nghe ở đâu có người té giếng, là anh lại đem chuyện cũ dằn vặt con. Hu hu.

***

Từ dạo anh Khờ mất, lũ trai làng khác đến làng tôi tán gái về khuya, đứa nào cũng sợ té đái khi ngang ngõ giáp góc vườn nhà tôi. Chúng đồn thổi ở đó có một người đàn ông đêm nào cũng uống rượu suông dưới trăng và cười hách hách như thể bất cần đời. Có đêm mưa, chúng lại thấy cục lửa bay từ cái hố đen kia vút lên trời cao. Tôi có học, không tin ma cỏ, tôi giải thích đó là phốt pho bị đốt cháy thành ma trơi, bay lên thôi. Nhưng tôi cũng không tránh được cảm giác rợn người khi nghe đám nhóc tán gẫu về những hiện tượng lạ nơi góc vườn nhà mình.

Cái giếng vẫn sâu hút. Bao nhiêu rác rưởi vẫn cứ được đổ xuống. Cha tôi nói, đó là cuộc đất yếu trong vườn. Đợi chị Hai gửi tiền về, sẽ dựng lại thành giếng. Lúc này lời đồn ma quỷ nhiều quá, ba cũng lo lo. Ông dẹp hết những cuốn sách triết rồi bắt đầu nhang đèn hằng đêm như một thầy cúng chuyên nghiệp. Của lễ thì ai bày sao ông về làm theo vậy. Có khi thì xôi với rượu, có lúc lại nước lọc với mâm cơm canh, lúc lại vẩy nắm gạo cho đến cháy hết tuần nhang…

Và lần nào cũng vậy, ba mẹ tôi vái tứ phương như thể đã phạm phải một điều gì đó tồi tệ lắm với những vong hồn. Ba tôi nói chuyện một mình với cỏ cây và bóng tối dưới lòng giếng. Tất cả đều đáp lại ông bằng sự im lặng.

Tháng mười. Mưa dai dẳng. Lũ ếch nhái sinh sôi trong lòng giếng đêm hôm kêu râm ran một góc làng. Chúng kêu to đến nỗi người già, trẻ con đều không ngủ được. Càng đổ rác xuống bên dưới thì càng tạo ra môi trường thức ăn tốt cho chúng sinh trưởng và gào thét. Rồi từ đây, lũ ếch nhái lớn rất nhanh, chúng di cư qua những góc vườn khác, kêu rền vang khắp làng.

Chúng khiến cho nhiều người ở độ tuổi già đâm mắc chứng mất ngủ. Gà mới gáy hai tiếng mà cả xóm có khi đã bật đèn sáng trưng. Người ta gửi đơn từ khiếu nại lên xã, tố cáo gia đình tôi ăn ở mất vệ sinh, khiến bọn bò sát tụ về sinh sôi, phát tán ôn dịch và chứng mất ngủ cho cả làng.

Hôm họp ở thôn, người ta biểu quyết gây áp lực lấp giếng. Mẹ tôi hốt hoảng, hết đốt nhang khấn vái rồi lại gọi cho chị Hai. “Họ sắp lấp giếng nhà mình rồi, con ơi”. “Thì má cứ để họ lấp, hơi đâu mà giữ cái hầm rác chẳng bao giờ đầy đó…”. “Nhưng con không hiểu đâu, thầy nói chỗ ấy là nơi duy nhất quen thuộc mà các vong linh có thể trú ngụ ở trong cái làng này”. “Lo người sống còn chưa xong, nay lại lo người chết nữa, sao xuể hả má?”. “Thì tao với ba mày cũng phải tính đường cho mình để sau còn chỗ đi về chứ…”.

Mẹ tôi khóc. Chị Hai tôi không lường hết được những tác động tâm lý hết sức nghiêm trọng với hai ông bà già sau cuộc tranh luận đó.

***

Thợ thầy kéo đến. Người của xã hẳn hoi.

Ba tôi không cho lấp giếng. Ông mắc võng ra hai chạc cây hai bên thành giếng, nằm đòng đưa trên miệng giếng đen sì và hôi hám bởi rác rến, tù đọng. Ông thách thức đám người kia đến độ chẳng ai dám chạm vào.

“Tao mà rơi xuống dưới đó thì tụi mày ăn cho hết!”.

Đám thợ lắc đầu bỏ về. Không ai dám động vào một ông già ngang bướng, chẳng còn gì để mất và luôn sẵn tinh thần nằm vạ.

Ba tôi vẫn nằm trên chiếc võng đòng đưa, đòng đưa.

“Chỉ có tao mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra bên dưới cái giếng này!” - ông nói.

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây