>> Cuộc thi bút ký văn học ĐBSCL lần thứ 4: Khiếu nại tùm lum
>> Giải nhất “Bút ký ĐBSCL năm 2010”: Chưa “tâm phục khẩu phục”
>> Kết quả cuộc thi bút ký đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV (2010)
Nhà thơ - nhà phê bình Lê Quang Trang - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Trưởng ban chung khảo: Dù chất lượng của nhiều tác phẩm được xây trên một nền khá vững, nhưng xem ra vẫn chưa thật nổi bật, giống như khi ta ngắm nhìn dải đồng bằng kia, rất nhiều cái hay và cái đẹp, nhưng cái đỉnh nhô cao mang sắc thái độc đáo, thì hình như vẫn đang thiếu.
Vì vậy nếu chọn giải nhì, giải ba trong số bút ký của vòng chung khảo này, thì có thể dễ thấy và có thể yên lòng, nhưng tìm tác phẩm nào nổi bật lên xứng danh giải nhất, thì vẫn là nỗi băn khoăn, vì ngay tác phẩm khá nhất vẫn chưa xuất sắc và nếu trao, mà đỉnh cao tự nó chưa tới, thì vẫn là tôn vinh, nhưng chưa hẳn đã “tâm phục, khẩu phục”.
Nhà văn Võ Đắc Danh, 2 giải nhì cuộc thi “Ký văn học ĐBSCL” năm 2001 và 2007, giải nhất cuộc thi ký văn học toàn quốc năm 2008: Tôi từng làm biên tập viên trang phóng sự cho một số tờ báo và tạp chí. Nếu với tư cách là người biên tập - tất nhiên là biên tập thể loại phóng sự báo chí - tôi sẽ xếp “Ông vua chân đất” thuộc loại bài không sử dụng được, Tôi chưa từng làm giám khảo các cuộc thi viết lách, nên chưa am hiểu trách nhiệm của người làm giám khảo như thế nào, nên rất lấy làm lạ khi họ chấm giải nhất cho tác phẩm này.
Bà Lê Thị Ái Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao giải nhất
cho tác giả Trần Đắc Hiển Khánh. Ảnh: Trương Trọng Nghĩa
Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng - Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, thành viên Ban sơ khảo: Khi chấm bài ở vòng sơ khảo, gần như bài nào tôi cũng có ý kiến ngắn. Với tác phẩm “Ông vua chân đất”, tôi thể hiện quan điểm rõ, đây là một tác phẩm ký báo chí.
Ông Võ Hồng Ngoãn - nhân vật trong tác phẩm “Ông vua chân đất”: Tôi đã đọc bài “Ông vua chân đất”. Trước tiên, tôi cảm ơn tác giả đã viết về mình. Tuy nhiên, những thông tin mà tác giả đưa vào bài viết ấy là không mới. Gần như góp nhặt toàn bộ những chi tiết của những bài biết trước đó.
Dù vậy, vẫn có nhiều chi tiết sai rất cơ bản làm thay đổi bản chất của sự việc, như chi tiết “nuôi tôm mật độ thưa cho năng suất cao”.
Đây là một sai lầm lớn, tôi nuôi tôm đã nhiều năm, nhưng chưa hề nghe ai nói nuôi mật độ thưa mà năng suất cao cả. Tôi có gặp anh Khánh cách đây gần hai năm và có đưa cho anh toàn bộ những hồ sơ (trong đó có nhiều bài báo viết về tôi) và trong những quy trình nuôi tôm của mình, tôi chỉ khẳng định nuôi tôm mật độ thưa cho lợi nhuận cao vì giảm chi phí, ít rủi ro...
Nếu được, xin đính chính giùm tôi không có nói như vậy. Nếu không, người ta chê tôi không biết gì về nghề nuôi tôm mà bày đặt phát biểu tùm lum, sai bét như vậy.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa - Trưởng phòng Phóng viên Báo Bạc Liêu: Tôi chỉ có thể nói về cuộc thi “Bút ký văn học ĐBSCL” lần này ở góc độ một người viết ký mà thôi.
Khi “Ông vua chân đất” đoạt giải nhất, tôi rất ngạc nhiên. Đọc “Ông vua chân đất” có hai điều dễ thấy nhất. Thứ nhất là bút pháp: Tác giả hành văn theo kiểu viết báo, gọi là ký văn học, nhưng thấy ít bóng dáng của văn chương.
Hai là: Vấn đề mà bài ký nói đến là một vấn đề được báo chí nói rất nhiều từ nhiều năm qua. Thế cho nên, tính phát hiện nhân tố mới không có.
Trần Đắc Hiển Khánh - tác giả “Ông vua chân đất”: Tôi viết ký đã vài năm nay, đoạt vài giải ở T.Ư, còn ở tỉnh (Sóc Trăng) toàn giải nhất không thôi. Nói tôi góp nhặt các chi tiết từ các bài báo đã đăng trước đó là không phải.
Tôi không hề đọc báo, kể cả Báo Nhân Dân, Báo Lao Động là những tờ báo lớn. Cả Báo Tuổi Trẻ hiện nay tôi cũng không hề đọc.
Thỉnh thoảng tôi đọc văn nghệ chơi thôi. Tôi biết, ông Võ Hồng Ngoãn trước đó có rất nhiều người viết rồi, một con người rất hay, tôi viết theo cảm hứng của mình. Ngay trong bài viết của mình tôi đã nói lên điều đó.
Tác giả: Nhật Hồ
Nguồn tin: Lao Động
Ý kiến bạn đọc