Cuộc thi bút ký văn học ĐBSCL lần thứ 4: Khiếu nại tùm lum

Thứ tư - 20/04/2011 10:04 2.427 0

Các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm với BTC và BGK. Ảnh: Trương Trọng Nghĩa

Các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm với BTC và BGK. Ảnh: Trương Trọng Nghĩa
Liên tiếp mấy năm gần đây, các cuộc thi văn học liên tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đều có những chuyện "lùm xùm" cả trước lẫn sau khi giải thưởng được công bố và trao tặng. Và lần này là cuộc thi Cuộc thi bút ký ĐBSCL lần thứ IV (năm 2010) vừa được tổng kết phát giải vào ngày 14.4 vừa qua.
>> Giải nhất “Bút ký ĐBSCL năm 2010”: Chưa “tâm phục khẩu phục”
>> Kết quả cuộc thi bút ký đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV (2010)

Luộm thuộm khâu tổ chức

Đây là cuộc thi cấp khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu chỉ là nơi đăng cai tổ chức. Theo thông báo của BTC, bắt đầu nhận bài từ 15.3 cho đến hết ngày 29.10.2010 (tính theo dấu bưu điện), thời gian tổng kết, xếp giải vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng thời gian cuộc thi kéo dài thêm 1 tháng, cho đến ngày 19.11.2010 và bỏ hẳn quy định không bắt buộc phải gửi bài qua Hội VNHT địa phương, kể cả những người trong BTC. Dù vậy, BTC cũng chỉ nhận được 126 tác phẩm của 77 tác giả - thấp hơn nhiều so với lần thứ ba được tổ chức tại Bến Tre (sau 8 tháng phát động nhận được 202 tác phẩm của 108 tác giả).

Lý giải về việc kéo dài thời gian dự thi, ông Trần Chí Thành - Chủ tịch Liên hiệp Hội VNHT Bạc Liêu, Trưởng BTC - cho rằng, trong tháng 10 có nhiều sự kiện mới, các tác giả không viết kịp nên kéo dài thời gian. Mặt khác đã có trao đổi với các hội VHNT bạn. Điều đáng nói nữa là, thay vì tuyển chọn những tác phẩm có chất lượng đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng như thông báo, BTC lại “ém nhẹm tác phẩm” chờ khi nào chấm giải mới công bố. Việc mời thành phần BGK, nhiều thành viên BTC không hề biết đến. Ông Lê Văn Sum - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu, kiêm Phó ban thường trực BTC giải - cho biết: “Tôi chưa hề được ai bàn bạc mời BGK chấm giải cuộc thi này, chỉ được mời ở giai đoạn ráp điểm, công bố giải”. Một thành viên BTC khác cũng cho biết, mọi chuyện đều do Trưởng BTC lo hết.

Tác phẩm đã đăng báo là phạm quy!

Theo thông báo chính thức của ông Trần Chí Thành, cuộc thi có 4 tác phẩm phạm quy, trong đó có 1 tác phẩm quá số chữ quy định; 3 tác phẩm đã đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhận được thông báo này, ông Nguyễn Phấn Đấu (PV Báo Lao Động) có 2 tác phẩm “phạm quy” là “Tiếng kinh cầu nơi biên cương” và “Từ Bến Tre đến Thăng Long – Hà Nội” làm đơn khiếu nại gửi Trưởng BTC cho rằng, đây là tác phẩm ký văn học, không phải tác phẩm đã đăng trên báo Lao Động.

Trả lời ông Nguyễn Phấn Đấu, ông Trần Chí Thành cho rằng, “BTC được thông báo có 3 bài phạm quy thông qua bạn đọc phát hiện trên Internet (chỉ cần gõ một số từ có liên quan là ra)”. Cách trả lời này thiếu căn cứ, bởi các tác phẩm dự thi chưa hề công bố ra bên ngoài, kể cả BGK cũng không biết của ai, vì đã rọc phách. Cũng trong văn bản trả lời này, ông Trần Chí Thành cho rằng: “Việc chỉnh lý một bài viết có sẵn (báo chí hoặc văn học) để thành một tác phẩm mới để dự thi là không nên”.

Ngày 14.4, ông Lê Quang Trang - Trưởng ban chung khảo - cũng cho rằng, việc lấy tác phẩm của chính mình, dù là báo chí hay thể loại khác để phát triển thành tác phẩm ký dự thi là không nên. Theo ông Trang, việc làm này tạo cho tác phẩm thiếu nhân tố mới, mất tính điển hình. Thế nhưng, ngay tại tác phẩm đoạt giải nhất “Ông vua chân đất” của tác giả TĐHK có rất nhiều chi tiết trong hai bài viết “Tỉ phú trên đầm tôm” và “Thương hiệu độc quyền của người đi chân đất” của PV Báo Lao Động đã đăng trên báo Lao Động.

Ông Trang chống chế: “Nhưng tác giả khai thác có nhiều điểm mới dưới góc nhìn văn học”. Nói như vậy, phải chăng việc nâng chất tác phẩm dự thi bằng chính những chất liệu trong bài viết đã được đăng báo của chính mình bị coi là “phạm quy”, còn “chôm” chất liệu từ bài viết đã được đăng báo của người khác đưa vào tác phẩm dự thi của mình lại được xem là “mới”, “góc nhìn văn học”...(?). Cách trả lời “lấy được” của ông Trưởng ban chung khảo vô hình trung mở ra tiền lệ “cầm nhầm” cái của người thành cái của mình trong chuẩn mực của một sân chơi văn học.

Được biết, sau khi trao giải, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu sẽ có buổi làm việc với BTC giải nhằm rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức và giải quyết những khiếu nại của người tham gia dự thi.

Tác giả: Nhật Hồ

Nguồn tin: Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây