“Tôi không biết nó là cái gì hết”, ông nhớ lại. Phạm không có ấn tượng gì đặc biệt về cuốn sách cũng như thứ ngôn ngữ hoa mỹ, thể hiện những hành vi đầy nhục dục của nó. Tuy nhiên, ông khẳng định, việc tìm thấy cuốn sách là “câu chuyện định mệnh" với cuộc đời ông.
Nay bước sang tuổi 60, vị học giả tự học kiêm một doanh nhân này dành phần lớn thời gian để nghiên cứu Kim Bình Mai - cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Anh với tên gọi The Plum in the Golden Vase. Tự nhận mình là người đã khám phá ra một trong những bí ẩn lớn nhất của văn chương Trung Quốc - Ai viết Kim Bình Mai? - đồng thời tự coi mình là kẻ tìm ra cách thúc đẩy nền kinh tế ở tỉnh An Huy, Phạm đưa ra kết luận gây sốc cho cả vợ ông lẫn láng giềng rằng: Xixinan – ngôi làng nhỏ bé, yên tĩnh ở tỉnh An Huy có mối liên hệ mật thiết với câu chuyện nóng bỏng trong Kim Bình Mai.
Các quan chức địa phương ở Xixinan, vừa hám lợi vừa lại không muốn đánh mất tinh thần cảnh giác, đã không biết phải ứng xử ra sao: lờ đi phát hiện của Phạm hay cố tình tin vào điều vị học giả tự phong này nói, rằng, bộ tiểu thuyết về đời sống trụy lạc của quan lại phong kiến này có nguồn gốc từ một câu chuyện có thật xảy ra ở Xixinan.
Việc tìm được mối liên hệ với các tác phẩm kinh điển như Luận ngữ của Khổng Tử hay Thơ Đỗ Phủ là cơ hội kiếm tiền lớn đối với các địa phương ở Trung Quốc. Khách du lịch thường đổ xô đến các thánh địa văn học. Tuy nhiên, việc tự nhận là quê hương của Kim Bình Mai khiến Xixinan gặp nhiều rắc rối hơn là thuận lợi. Đầu tiên là họ phải đối đầu với một cuộc tranh đua khốc liệt. Trước đó, có đến 2 ngôi làng ở Sơn Đông cũng tuyên bố là nơi sản sinh ra Kim Bình Mai.
Cuộc tranh giành quanh cuốn tiểu thuyết ra đời từ năm 1608 này phản ánh một hiện trạng có thật trong xã hội Trung Quốc hiện đại: đó là cuộc đấu tranh căng thẳng, giữa một bên là cơ hội kiếm tiền và một bên là các quy định của chính quyền, được "sơn tráng" bằng mục đích tốt đẹp: bảo vệ đạo đức xã hội.
Là sáng tác của một tác giả vô danh, hoặc cũng có thể của nhiều tác giả vào cuối thế kỷ 16, Kim Bình Mai được các nhà nghiên cứu coi là một bản cáo trạng về xã hội phong kiến hơn là một áng dâm thư suy đồi đạo đức. Nhưng bộ sách miêu tả các cảnh trụy lạc sinh động đến độ bản dịch tiếng Anh năm 1939 cũng phải cắt bỏ một vài đoạn để tránh làm sửng sốt độc giả.
Cũng như các nhà cầm quyền phong kiến, chủ tịch Mao Trạch Đông cũng ban lệnh cấm bộ sách. Đến nay, Kim Bình Mai vẫn còn bị cấm ở Trung Quốc đại lục, dù là bản in lậu của nó được lưu hành khắp nơi. Bộ sách được bày bán công khai ở Hong Kong, nhưng được bọc trong giấy bóng kính và được cảnh báo cẩn thận về độ tuổi độc giả thích hợp.
“Điều khiến cho bộ tiểu thuyết này trở nên nhạy cảm thực ra không chỉ bởi các cảnh sex”, Phạm Chí Nghị giải thích. Ông lập hẳn “trung tâm nghiên cứu một thành viên” trong chính phòng khách của mình với đối tượng nghiên cứu chính là Kim Bình Mai và chuyên gia nghiên cứu duy nhất là bản thân mình. Phòng khách nhà ông treo đầy tranh ảnh liên quan đến Kim Bình Mai. “Người ta cấm sách không phải vì nó là tà dâm, mà bởi nó đề cập đến tệ nạn tham nhũng ô lại trong xã hội Trung Quốc, nó phơi trần nhiều mặt trái của xã hội. Tệ nạn trong xã hội ngày nay thậm chí còn khủng khiếp hơn cả những gì được viết trong bộ sách”, ông nói.
Theo Washingtonpost, các quan chức địa phương ban đầu không hề để ý đến chứng ám ảnh với Kim Bình Mai của Phạm Chí Nghị. Nhưng dần dà họ phải quan tâm khi Phạm gửi đăng những bài viết khẳng định, nhân vật chính của bộ sách - Tây Môn Khánh - có nguyên mẫu từ một nhà buôn muối mê gái tên là Wu Tianxing, sống ở Xixinan vào thế kỷ 16.
Nhận ra đây là một cơ hội lớn để kiếm tiền, giới du lịch địa phương đã bắt tay với chính quyền xây dựng dự án Công viên Kim Bình Mai trên nền đất mà Phạm khẳng định là của vị thương gia buôn muối kia để lại. Tuy nhiên, ngay trước khi Công viên mở cửa, hãng Xinhua đưa thông tin khẳng định, đây là dự án trái với luân thường đạo lý và cho rằng, tuyên bố của Phạm Chí Nghị chỉ là “võ đoán mang màu sắc thương mại” chứ không phải là nghiên cứu mang tính học thuật. Công viên vẫn được mở cửa nhưng nhanh chóng bị đóng cửa vào năm 2006.
Một năm sau, Công viên Kim Bình Mai lại hoạt động trở lại. Báo chí địa phương đưa tin, địa danh này đưa lại nguồn thu khổng lồ. Nhưng sau một năm, công viên bị sụp đổ hoàn toàn khi nhà đầu tư phá sản. Tuy vậy, Phạm Chí Nghị vẫn ngày ngày vào thăm nom công viên với hy vọng sẽ có nhà đầu tư khác tiếp tục dự án dang dở này. Tất nhiên, nhất cử nhất động của ông thường xuyên bị cơ quan an ninh để mắt tới.
Ma Wansheng, một quan chức trẻ tuổi ở Xixinan, cho biết: “Chúng tôi rất muốn thu hút khách du lịch, nhưng không phải là dựa vào Kim Bình Mai". Anh giải thích, ban đầu, chính quyền tán đồng dự án xây dựng công viên vì họ không hề biết nó có liên quan đến cuốn tiểu thuyết bị cấm này. “Ngay khi phát hiện ra, chúng tôi đã dừng lại”, anh nói.
Phạm Chí Nghị cho rằng, tác giả của Kim Bình Mai là Vương Thế Trinh - một nhà văn sống ở đời Minh. Bộ sách, theo Phạm, sử dụng nhiều từ địa phương và miêu tả các cấu trúc nhà ở chỉ phổ biến ở Xixinan và các vùng lân cận.
Trước những thông tin này, cư dân ở Xixinan tỏ ra chán ngấy. Họ muốn phát triển du lịch, nhưng không muốn dây dưa gì đến Kim Bình Mai.
“Đó không phải là chuyện đáng tự hào gì. Người dân chúng tôi ở đây sống rất truyền thống”, Wu Yong, một người dân ở Xixinan, nói.
Tuy nhiên, người cay cú trước những việc làm của Phạm nhất là Li Qixiu, 63 tuổi, vợ ông. “Tôi cực lực phản đối những gì ông ấy làm. Bất cứ khi nào chúng tôi có được chút tiền, là ông ấy nướng ngay vào cuốn sách ngớ ngẩn ấy. Thật là lãng phí vô ích”, bà nói.
Tác giả: H.T.
Ý kiến bạn đọc