Vì sách giảm giá cực mạnh, có những quyển giảm giá đến trên năm chục phần trăm và luôn bắt nhạy nhu cầu người đọc nên phố sách Nguyễn Xí, Đinh Lễ luôn thu hút một lượng lớn độc giả trung thành, nhất là giới học sinh, sinh viên, trí thức. Một điều khá hài lòng, tuy không gian chật hẹp, có chỗ khách hàng phải lách người để đi hoặc phải leo cầu thang chênh vênh nhưng nếu xác định được tên sách cần mua thì khỏi phải mất công tìm. Chỉ cần nói tên sách với chủ cửa hàng, hai phút sau sách được lấy ra từ những “ma trận” sách đủ các thể loại. Tất cả những yếu tố trên khiến phố sách luôn tấp nập mặc dù phải cạnh tranh với những hiệu sách cực lớn và sang trọng ở phố Tràng Tiền bên cạnh.
Phố sách có đặc điểm là những đầu sách mới, sách bán chạy hoặc những quyển “có vấn đề” hoặc đang được dư luận quan tâm, luôn được đặt ở vị trí dễ nhìn nhất, thường ở mặt tiền hoặc ngay trên quầy counter - tính tiền. Tôi nảy ý định làm một cuộc khảo sát nho nhỏ đi tìm gặp những bạn văn của mình đang nằm ở đâu trong phố sách nổi tiếng nhất Hà Nội.
Mảng sách tôi quan tâm nhất, tất nhiên là sách văn học, liệu nhà văn có phải là những cái tên được trưng ra hàng đầu hay không? Không. Sách công cụ dạy làm giàu, dạy kinh doanh, dạy thăng tiến là mặt hàng bán chạy số một và luôn ở vị trí được ưu tiên, chiếm chỗ đẹp nhất. Sách văn học được dành một góc khá khiêm tốn trên quầy sách mặt tiền. Và ngay ở trong một diện tích chật hẹp dành cho các nhà văn, không phải nhà văn nào cũng có may mắn được “ngồi” ở vị trí đẹp nhất. Mỏi mắt mới tìm thấy những nhà văn Việt
Vào thời điểm tôi khảo sát (tháng 3/2011) các nhà văn Việt Nam được đặt ở vị trí mặt tiền đẹp nhất là Nguyễn Nhật Ánh với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Trần Dần với “Những ngã tư và những cột đèn”, Nguyễn Quang Thân với “Hội thề” - tác phẩm tạo được hiệu ứng sau cuộc tranh luận sôi nổi về giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ở các vị trí dễ tìm tiếp theo là tác phẩm của các nhà văn như Hồ Anh Thái, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần… Tác phẩm của các nhà văn tên tuổi đã quá cố như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu… ở những vị trí ít “bắt mắt” hơn và các nhà văn ít được biết đến hơn thì thật… khó tìm.
Có thể “nhiệt kế” phố sách Đinh Lễ và Nguyễn Xí chưa phản ánh hết cung cầu thị trường sách và cách “quy hoạch”, sắp xếp các nhà văn ở vị trí nào đấy chưa thật khách quan và tất nhiên không thể coi vị trí “đứng ngồi” của các nhà văn để đánh giá chất lượng tác phẩm, nhưng việc hiếm thấy các nhà văn Việt Nam được xếp vị trí mặt tiền và những tác phẩm giải trí nước ngoài đang ở thế thượng phong thì cũng có thể rút ra đôi điều đáng suy nghĩ về thị trường sách văn học, thị hiếu, thẩm mĩ của người đọc và “cuộc chiến” giữa các nhà văn trong và ngoài nước.
Tác giả: Uông Triều
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc