Làm nhà tưởng niệm là mong muốn của nhà văn Kim Lân lúc sinh thời, cũng là ước nguyện của các con. Nhưng phải đến gần 4 năm sau khi ông mất, cõi riêng của cố nhà văn mới được xây dựng, trên tầng thượng căn nhà của cô con gái cả - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.
“Thầy không muốn nghênh ngang ở phủ”
Phủ đây là Phủ Thành Chương - cơ ngơi nổi tiếng của con trai trưởng nhà văn. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết, ban đầu, mấy anh chị em định làm nhà lưu niệm bố tại căn nhà số 6 Hạ Hồi - nơi gắn liền với tên tuổi của nhà văn Kim Lân. Tuy nhiên, sau khi ông mất (2007), căn nhà không có người trông coi, nên gia đình đã bán đi. Kỷ vật, đồ đạc, di cảo của nhà văn được chuyển về Phủ Thành Chương để người con trưởng trông coi. Các con Kim Lân cũng hy vọng, đây sẽ là nơi dựng nhà lưu niệm cho nhà văn. Hơn 3 năm khi ông qua đời, cõi riêng tưởng nhớ Kim Lân vẫn chưa được xây dựng. Nhưng đây là khoảng thời gian cần thiết để các con của Kim Lân suy nghĩ lại về địa điểm làm nhà lưu niệm cho bố.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức - con trai nhà văn - cho biết, đặt nhà lưu niệm Kim Lân trong phủ có lẽ không hợp, bởi "lúc còn sống, thầy tôi từng chia sẻ: 'Thầy là nhà văn của những người nghèo khổ, của làng quê. Thầy không muốn lúc chết lên nghênh ngang ở phủ. Phủ là vinh dự của Chương chứ không phải của thầy”.
Hơn nữa, theo anh Đức, Phủ Thành Chương bán vé vào cổng. Nếu nhà lưu niệm đặt trong phủ, người yêu mến Kim Lân muốn ghé thăm, ắt phải mua vé. Những người con của nhà văn không muốn bị dị nghị rằng mang bố ra làm kinh doanh.
Vì vậy, dù không có ý kiến của họa sĩ Thành Chương, những người con của nhà văn vẫn thống nhất dựng cõi riêng cho ông trên tầng 4, ngôi nhà ở phố Trần Khát Chân của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Đây cũng là nơi con cháu nhà văn tụ họp mỗi ngày giỗ Tết.
Nơi tưởng niệm nhà văn sẽ là một căn nhà sàn nhỏ, đặt ngay trên tầng thượng ngôi nhà, do chính con trai ông, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức thiết kế. Toàn bộ kỷ vật của Kim Lân sẽ được lưu giữ ở đây. Ngoài ra, nữ họa sĩ còn tạo một ban công nhỏ, trồng cây, nuôi cá, chăm chim - những thú vui tao nhã của bố chị lúc sinh thời. Dự kiến, nhà tưởng niệm sẽ hoàn thành trước ngày giỗ thứ tư của nhà văn vào tháng 7 tới. Gia đình chị hy vọng, đây trước hết sẽ là nơi tìm về cho con cháu, sau đó là cho đồng nghiệp, bạn bè và những độc giả yêu mến Kim Lân.
‘Bố dạy chúng tôi trước hết phải làm người tử tế’
Một góc phòng tưởng niệm nhà văn Kim Lân. Ảnh: L.H. |
Đến thăm ngôi nhà của nữ họa sĩ trên phố Trần Khát Chân, thấy mọi thứ còn rất ngổn ngang. Ngôi nhà không thực sự rộng rãi, lại càng như chật hẹp hơn bởi những bộ sưu tập tranh ảnh, đồ gốm của nữ chủ nhân. Nhưng trên tầng 4, nơi dành riêng cho cố nhà văn, được chị sắp xếp rất gọn gàng. Nhà văn Kim Lân hầu như sống cả cuộc đời thanh đạm, giản dị. Bước chân vào nhà lưu niệm của ông, người ta dễ nhận thấy màu thời gian in hằn lên từng đồ vật, trên chiếc gậy mòn vẹt, chiếc tủ áo cũ kỹ hay cái áo khoác sờn màu. Ông ưa cuộc sống đơn sơ như vậy, ưa mặc áo nâu sồng, ưa guốc mộc với quạt nan. Chỉ chiếc tủ sách và mấy bộ quần áo cũ của nhà văn, chị Hiền nói nhỏ: “Đồ đạc của cụ đấy, thương chưa?”. Rồi chị kể: “Thế mà lúc còn sống, thầy tôi còn hỏi ‘Lúc thầy chết đi, con muốn thầy để lại cho con cái gì?'. Thầy mẹ tôi thì có của nả gì đâu mà để lại”.
Nhưng nữ họa sĩ và các em chị hiểu rằng, bố mẹ đã để lại cho họ một di sản vô giá. Đó là nhân cách sống, là quan niệm độc lập trong sáng tạo nghệ thuật. Trong số 7 người con của nhà văn, có đến 5 người là họa sĩ với những tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thành Chương, Nguyễn Mạnh Đức… Họ đều đã vượt thoát khỏi cái bóng của cha mình. Nhưng khi nói về ông, những đứa con nay đã ngũ lục tuần này đều như còn rất nhỏ dại. “Con cái có thể không kế nghiệp được cha mẹ. Nhưng tôi tin, nếp nhà, nhân cách của những người làm cha mẹ dù ít hay nhiều đều sẽ ăn sâu vào những đứa con và theo chúng cả cuộc đời. Chị em tôi, có người thành danh, người bình thường, nhưng đều là người tử tế. Thầy tôi từng dạy, các con muốn làm gì thì trước hết phải làm người tử tế đã”.
Trong ký ức của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, Kim Lân là người cha rất nghiêm khắc trong việc rèn giũa các con. Những ngày hè, con ông chỉ có vài ba ngày nghỉ. Thời gian còn lại, ông khuyến khích các con tập vẽ, đi dã ngoại.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể thêm: “Khi đã 19-20 tuổi, bố vẫn kèm cặp tôi rất sát sao. Tôi đang vẽ mà có bạn trai ngấp nghé là ông nói thẳng: “Yêu cầu anh về ngay để cho cháu nó còn vẽ”.
Ngoài yếu tố tài hoa được kế thừa từ người cha nổi tiếng, thành công của những đứa con của nhà văn còn nhờ vào sự định hướng đúng đắn của ông. Chị Hiền cho biết: "Thầy tôi dạy, khi học, con phải nắm thật vững kỹ thuật hội họa. Nhưng khi sáng tạo, con phải là chính mình”.
Nhưng, nữ họa sĩ ngậm ngùi, cái quan điểm "luôn là chính mình" của Kim Lân đã có những lúc không thể thực hiện nổi trong cuộc đời sáng tạo của ông. Đó là nguyên nhân mà những năm cuối đời, ông không viết nữa, dù những câu chuyện, những nhân vật vẫn luôn đầy ắp trong cái đầu bận rộn của ông.
Tác giả: Lưu Hà
Ý kiến bạn đọc