Cùng độc giả vào hiệu sách

Chủ nhật - 03/04/2011 04:31 2.412 0

Cùng độc giả vào hiệu sách

Nhiều người nghĩ độc giả khi chọn sách văn học sẽ quan tâm nhiều đến nội dung của cuốn sách. Và sự quan tâm đó liệu có thể trở thành yếu tố tác động hay làm thay đổi sáng tác của nhà văn hay không? Câu trả lời của nhiều độc giả khiến chúng ta khá ngạc nhiên là: nội dung của cuốn sách không hẳn là yếu tố quan tâm hàng đầu.

Sách của những nhà văn “quen tên”

Có vào các hiệu sách mới biết đa số độc giả chọn sách theo… tên của nhà văn. Lựa chọn đó được lý giải là có phần “an toàn” về thời gian cũng như tiền bạc cho cuộc tìm kiếm sách văn học hiện nay. Ví dụ độc giả từng đọc sách của nhà văn Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Khắc Trường… và thấy thích, lần sau ra hiệu sách bất kể thể loại hay đề tài gì được đề cập trong cuốn sách thì những cái tên quen thuộc sẽ được ưu tiên chọn trước. Cách chọn sách này mang nhiều cảm tính, vì có thể ngay cả những nhà văn tên tuổi chưa chắc cuốn nào cũng là xuất sắc, cũng có những đột phá, hay đơn giản là hay hơn cuốn trước mà độc giả từng đọc. Tuy nhiên, mỗi độc giả lại có lý do cho riêng mình, cách cảm thụ văn học và sở thích khác nhau. Bởi với họ thì khái niệm “nhà văn quen tên” nghĩa là đã tạo được tên tuổi của mình thì thường họ lao động nghiêm túc, nên có thể cuốn này “khác” hay “không hay” bằng các cuốn trước đó thì cũng không làm thay đổi thói quen chọn sách, dù sao chính nhà văn đó cũng đang thay đổi, còn độc giả thì muốn dõi theo ngòi bút của nhà văn. Thậm chí mọi sự thay đổi còn là cần thiết với nhà văn và tạo khích lệ cho độc giả. Trừ khi, đến một lúc nào đó họ viết quá nhạt mà bản thân nhà văn không nhận ra, không dừng lại mà cứ tiếp tục viết thì độc giả mới không tìm đọc nữa.

Để mỗi cái tên của nhà văn trở thành thân quen trong lòng độc giả thì đó là nỗ lực, tài năng và trách nhiệm của nhà văn trước trang giấy. Họ đã có những tác phẩm đi vào lòng người, được thời gian kiểm chứng, có các giải thưởng danh giá.

Hiện nay, trên thị trường sách có hai nhà văn Việt Nam mà “chỉ cần nghe tên là độc giả đã muốn mua” - lời một cửa hàng sách, đó là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư.

Không chỉ các nhà văn có “thương hiệu” mới trở thành địa chỉ chọn lựa của độc giả trong hiệu sách mà ngay cả nhiều cây bút mới xuất hiện, có thể bằng tài năng và có có thể bằng những “chiêu” PR bài bản cũng nhanh chóng trở thành người quen tên sau 2,3 đầu sách xuất bản.

Chính vì nắm được xu thế này mà hiện nay rất nhiều cây bút trẻ khi bước vào con đường văn chương đã chạy đua tên tuổi của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Họ biết tự tạo ra những tình huống để công chúng dễ nhớ đến tên tuổi của mình. Và cuộc chạy đua này không phải không có kết quả. Tuy nhiên với những nhà văn có thương hiệu, tác phẩm chất lượng thì sự quen tên mang tính tích cực, còn những cây bút trẻ, ít tài năng chạy theo những ảo tưởng thì chỉ được giai đoạn đầu, còn về sau thì độc giả sẽ tặc lưỡi khi nhìn thấy những cái tên quen ấy mà rằng: “tạng anh này, chị này cũng chỉ viết thế thôi, chưa cần đọc cũng biết nội dung, nên chả dại gì mua, vừa mất tiền lại tốn thời gian”.

Trong vài năm trở lại đây, sách liên kết xuất bản cũng là một hướng mới mà độc giả cũng bắt đầu dần hình thành thói quen. Các công ty truyền thông liên kết với các nhà xuất bản đã làm cho thị trường sách trở nên phong phú và đa dạng, đặc biệt là sự khai thác các bản thảo chất lượng của các nền văn học lớn trên thế giới. Sau một thời gian có mặt trên thị trường, có thể nói “quan điểm” chọn sách của các công ty truyền thông cũng được xem là một lý do để độc giả quyết định chọn cuốn sách. Tuy cùng một nhà xuất bản nhưng chất lượng và quan điểm chọn đầu tư sách của các công ty truyền thông là khác nhau. Trong các công ty truyền thông hiện nay thì Nhã Nam được đánh giá là một trong những đơn vị khai thác uy tín về nhiều mặt, trong đó có cả nội dung lẫn hình thức. Vì thế, không chỉ các nhà văn, các cây bút là người trực tiếp tạo ra sản phẩm văn chương mà ngay cả những công ty làm sách cũng hướng tới cái đích là trở thành cái tên quen trong sự lựa chọn của độc giả.

 

Sách theo “đám đông”, phong trào

Vẫn biết mỗi độc giả đều có “gu” đọc sách riêng nhưng cũng có một bộ phận độc giả lại chọn mua sách để đọc theo đám đông và theo phong trào. Cách đọc sách này nhiều lúc cũng lấn sang cả đối tượng có thói quen chọn sách theo tên quen đã đề cập ở trên.

Chọn sách theo đám đông, theo phong trào là những cuốn sách vì một lý do nào đó “bỗng nhiên” trở thành “tâm điểm chú ý” của dư luận. Chẳng hạn như chỉ vì lỗi nộp lưu chiểu, có vấn đề về nội dung bị tranh luận gay gắt trái chiều, bị chê quá nhiều, hoặc được khen như một phát hiện, một hiện tượng mới xuất hiện.

Với những tác phẩm trong mảng này thì cũng có nhiều loại. Căn cứ vào nội dung có cả sách giải trí, lãng mạn tình cảm dành cho đại chúng mà nhiều người không đánh giá cao giá trị văn chương của các cây bút mới, tác giả nước ngoài. Tuy nhiên cũng nhiều cuốn có giá trị văn chương của những nhà văn tên tuổi.

Độc giả chọn đọc sách này chủ yếu do “đồn thổi”. Yếu tố khách quan đã tác động đến và kích thích tò mò, nhu cầu muốn biết của độc giả như một yếu điểm khiến họ phải tìm đến mua. Ở đây nhiều khi yếu tố nghệ thuật chưa chắc đã phải là yếu tố tiên quyết cho lựa chọn sách của nhiều độc giả. Có khi chỉ là một vài thông tin cấm đoán, quy chụp là sách trở thành sự lựa chọn tìm mua hàng đầu của độc giả.

Ngoài những yếu tố đám đông và phong trào mang tính bề nổi, còn có nhiều tác phẩm có giá trị văn học. Đó là sự tác động hai chiều mang tính tích cực của hiệu ứng văn chương giá trị, trong đó có giải thưởng. Nhiều cuốn sách sau khi được giải thưởng đã được độc giả chào đón như một món ăn tinh thần bổ ích vừa được phát hiện và công nhận. Vì thế, nếu tính về mặt tích cực thì giải thưởng văn học có thể trở thành cú hích cho văn hoá đọc và là điều đáng mừng. Tiếc rằng trong vài năm trở lại đây chưa nhiều giải thưởng văn học làm được điều này hoặc các vị trí cao nhất của giải thưởng bị bỏ trống. Tất nhiên, đó là điều bình thường, nhất là với văn học không phải bao giờ cũng có sự rạch ròi, cũng như một cuốn sách hay chưa chắc được nhiều người tìm đọc và ngược lại, một cuốn sách bán chạy chưa chắc đã là cuốn sách hay.

Cho dù mỗi độc giả đều có lý do riêng của mình khi quyết định bỏ tiền ra mua một hay vài cuốn sách. Nhưng có lẽ dù quan niệm về đọc sách có thay đổi thế nào thì những nhà văn quen tên và thói quen đọc sách theo phong trào sẽ khó thay đổi. Bởi trong một chừng mực thì đó cũng là cách sàng lọc của độc giả.

Vài thông tin thú vị

Một cuốn sách văn học khiến độc giả lựa chọn có khi chỉ là… cái bìa sách hoặc mấy dòng giới thiệu.

Trong số các đề tài được quan tâm hơn cả là những tác phẩm viết về tình yêu của các nhà văn trong và ngoài nước.

Các cuốn sách được độc giả tìm đọc với những chủ đề như: tuổi thơ, đô thị, nông thôn, đương đại, lịch sử…đa phần là dành cho bộ phận độc giả cần đến sách văn học phục vụ nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm tư liệu.

Những tác phẩm thuộc hàng kinh điển trên thế giới, dù được tái bản nhiều lần vẫn có nhiều độc giả lựa chọn.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây