Khổ vì tìm đường đi
Nỗi khổ này phần lớn xảy ra đối với những người cầm bút thuộc thế hệ 8X, 9X. Trong bối cảnh xã hội tràn ngập thông tin, họ cảm thấy hoang mang trong cuộc sống của mình. Cầm bút lên, biết viết gì bây giờ. Đề tài nhiều, nhưng không thể nói là chưa có người viết. Có những đề tài mà những nhà văn lớn tuổi viết chưa "tới", chưa thành công thì người viết trẻ cũng chưa thể nhận ra. Các kiểu cách viết như thế nào thì nhà văn thế giới đã làm hết rồi. Các thế hệ nhà văn VN cũng đã đi qua. Vậy làm sao để có lối đi riêng cho người viết trẻ vẫn là một khoảng trống bỏ ngỏ. Khao khát tìm ra lối đi riêng để khẳng định là một nỗi lo lắng thường trực với không ít người, dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt. Họ chưa sánh được với những cây viết 7X. Hàng loạt các cây bút 7X trong gần chục năm qua đã phần nào định vị tác phẩm của mình trên kệ sách. Nhiều tác phẩm mới ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, góp phần tạo nên diện mạo cho dòng văn học trẻ hôm nay, ví như Phiên bản của Nguyễn Đình Tú, Blogger của Phong Điệp, Song song của Vũ Đình Giang...
Ngày nay, công việc mưu sinh luôn là trở ngại lớn không chỉ của những người viết chập chững tiến vào con đường văn chương mà kể cả những nhà văn đã có tên tuổi. Nhà văn không sống được bằng nghề, số người sống được bằng ngòi bút rất ít. Đứng trước chuyện cơm, áo hàng ngày, các cây bút trẻ hôm nay dường như xem chuyện viết văn là một cái nghiệp chứ không phải một nghề. Nhiều nhà văn thành danh từng nói: "Nếu không trải qua gian khổ, được học hành tử tế thì chắc chắn tay viết sẽ khác". Phần lớn những người viết trẻ hôm nay vẫn cố gắng tìm cho mình một nghề "chắc chân" để vừa làm vừa viết. Những nỗi lo mưu sinh vẫn kéo họ đi, lôi họ xềnh xệch trong cuộc đời đầy bụi bặm để rồi lại phải viết ra những tác phẩm nhạt nhẽo, rồi chính họ chán họ. Một bi kịch khó tìm lối thoát.
Khổ vì khen, chê ở đời
Nhiều người tưởng chỉ có chê mới dẫn đến sự khó chịu cho người viết trẻ. Nhưng không, đôi khi khen cũng khiến họ khổ. Khổ bởi những lời khen ấy là ban phát, được thoát ra từ sự bố thí của một vài nhà phê bình, nhà văn lớn tuổi hơn. Một số cây bút trẻ bây giờ in sách, rất muốn được một người có tiếng viết lời giới thiệu, để tập sách có sức nặng. Dù nhận lời viết, nhưng người nhận lời kia không mặn mà lắm với công việc này, nên ông (bà) ta cứ viết bừa, viết mà thậm chí chưa đọc. Khi tác phẩm in ra, có người nói đến tai tác giả tập sách rằng: "Ông (bà) này viết giới thiệu chẳng trúng gì cả. Đọc xong chẳng biết họ viết về tập sách này hay tập sách nào". Điều đó khiến cho tác giả tập sách bị tổn thương, nhưng đã trót nhờ, biết làm sao. Còn có những cây bút khổ vì những lời khen vống của một vài nhà văn đàn anh. Có một cây bút được khen hết lời như một hiện tượng, sau đó anh ta "tắt ngóm" cùng với cái hiện tượng kia. Đi đâu cũng cảm thấy ngượng trước bạn bè vì mình đã được "chăm sóc" quá đáng mà bây giờ chẳng viết được gì.
Khổ vì áp lực
Người viết trẻ có quá nhiều áp lực. Áp lực thứ nhất là sự thôi thúc của bản thân. Họ phải gồng mình lên, vừa để mưu sinh và sáng tác, vừa tìm đường đi riêng cho văn phong mình. Nhiều người ý thức được trọng trách, mà chính bản thân họ tự đặt lên vai thì bị thúc bách bởi ý thức đời đại. Họ thấy mình thuộc lớp người sáng tác trẻ, phải viết những tác phẩm thể hiện tiếng nói của thời mình, thế hệ mình và đẩy nó đi xa hơn. Áp lực thứ ba là từ những nhà phê bình, những nhà văn đã lớn tuổi. Những người này nhìn vào lực lượng người viết trẻ và thể hiện sự mất lòng tin vào văn của người trẻ. Họ nói văn của người viết trẻ yếu kém, chưa tìm thấy cái "đỉnh" ở đâu. Người viết trẻ luôn bị các bài viết phê bình "oánh" te tua. Các bài viết, các bài phê bình nhan nhản xuất hiện trên báo chí. Người viết trẻ đôi khi thấy tự ái, thấy ngượng, hoang mang. Nhưng càng như thế họ càng không viết được. Nhiều khi họ không biết bắt đầu từ đâu, viết như thế nào để khỏi bị "oánh". Khó quá!
Khổ vì bị “dạy dỗ”
Rất nhiều người viết trẻ bị dạy dỗ bởi nhà văn đàn anh một cách rất thô bạo. Đó là những nhà văn thích thể hiện mình, muốn áp đặt một điều gì đó với người đi sau, đôi khi chỉ để thể hiện, để vui hoặc để người viết trẻ biết sợ. Một lần, tôi được một nhà thơ đọc cho nghe chuỗi mấy bài thơ của ông. Đọc xong, ông bảo tôi nên sáng tác theo ý ông. Về chuyện khổ vì bị dạy dỗ thô bạo, tôi "bị" gặp thêm một người, thay vì những góp ý mang tính xây dựng thì chàng nhà văn tự nhận có đẳng cấp này chê bai văn tôi nhà quê, văn của các cây đại thụ cổ lỗ, đọc nhạt nhẽo, tầm thường. Nhắc đến mấy cây bút trẻ, nhà văn này lắc đầu bĩu môi. Khi được các cây bút trẻ ít tuổi hơn nhờ đọc truyện thì nhà văn này đọc mấy dòng, rồi nói là không thể đọc được tiếp và dạy dỗ phải viết thế này, phải viết thế kia. Rồi anh ta đưa truyện của anh ta, nói phải học viết như thế mới hay, mới có cơ phát triển. Người viết trẻ cứ thế mà... méo mặt!
Khổ vì đố kỵ
Đố kỵ thực sự là một trong những "căn bệnh" khó chữa nhất của nhân loại, nhất là đối với người làm nghệ thuật. Họ ít khi chịu thừa nhận tài năng của ai. Đối với người viết trẻ, đố kỵ với những người bạn viết khá phổ biến. Họ coi văn của mình viết ra là nhất. Và khi ai đó nói về thành tích của cây bút trẻ D., người đố kỵ sẽ lắc đầu phủ nhận, tìm mọi cách để hình ảnh về D. trở nên xấu, văn chương của D. không là cái gì. Những người này khổ vì lúc nào cũng sợ người khác hơn mình, sợ hình ảnh của mình bị mờ nhạt trước đám đông. Thay vì cần mẫn viết cho hay thì người này tìm cách nghĩ làm sao để nói xấu cho hay, cho hợp. Vì thế, hỏi những người này có bao giờ đọc tác phẩm của bạn viết cùng trang lứa không, người hỏi sẽ nhận được cái bĩu môi kèm một câu ráo hoảnh: "Viết ra gì đâu mà đọc". Không chịu đọc làm sao biết có "ra gì". Mà có "ra gì" thật thì chắc gì đã công nhận người ta viết hay. Thế mới khiếp!
Ngoài ra, người viết trẻ còn khổ vì không phục lớp già, trình độ hạn chế hoặc vì bị ngộ nhận về tài năng bản thân... Tất cả dường như đã trở thành một loại bệnh kinh niên. Còn cả trăm căn bệnh khác nữa chưa được phát hiện. Là người viết, để sáng tạo hay thì không thể thiếu năng khiếu, trình độ và một niềm đam mê thực sự. Người viết cũng nên tự khắc phục các loại bệnh, dành tâm huyết cho văn chương. Có vậy văn chương mới sáng, đẹp. Văn học trẻ mới tiến bộ!
Tác giả: Đinh Vân
Nguồn tin: lethieunhon.com
Ý kiến bạn đọc