Phê bình trẻ chưa một đồng xu dính túi

Chủ nhật - 07/11/2010 07:01 1.486 0
Tất nhiên , đây là cách nói hình ảnh của văn học, cho vui một tẹo, nhưng cũng đầy trách nhiệm rằng: câu chuyện hoàn toàn biểu tượng cho hiện thực. Đi sâu vào hiện thực hơn, mới đây sau một cuộc ra mắt các nhà thơ trẻ, một đàn anh chân thành hạ giọng bảo: “Này, các cậu, thế hệ các cậu muốn nổi tiếng, thì phải có nhà phê bình cho thế hệ của mình”. Tôi đứng ngay gần đó và chứng kiến. Một câu nói trân trân phơi lộ tất cả những gì vừa bẽ bàng vừa phũ phàng. Mấy nhà thơ trẻ ấm ứ không nói lên lời, muốn cố gượng để nói, nhưng không cách gì gượng được. Tất cả đều thấy một nỗi buồn lan tỏa, có vẻ như nó rất man mác, những ngay trên lớp sương mỏng của thứ chuyện trà dư tửu hậu lại đọng xuống những hiện thực nặng cả nghìn cân. Và dù im lặng, mọi người dường như buộc phải đồng tình, đó là: một hiện thực nặng như đá tảng và tràn ra mênh mông không có chỗ nào để bấu víu hay biện hộ, sáng tạo trẻ có nguy cơ bị sa mạc hóa như hoang địa vậy.
Tại sao? Ta cứ giả sử lời nói trên thiếu cơ sở hoặc không thiện chí, vậy thì các cây bút trẻ chỉ cần nêu ra một vài cái tên là xong, chẳng lẽ có tên các cầu thủ mà không lắp được vào đội hình? Nhưng trời ơi, sự thể lại ngược lại, cứ cho như người ta đã dựng xong khung đội phê bình trẻ, nhưng lại không tìm ra cầu thủ để ghi số áo. Có vài mống kha khá một chút, hoặc nhì nhằng nghiệp dư, thì các mái đầu xanh điểm lưa thưa sợi bạc này lại đeo nhầm giầy chức năng, và cũng chạy sang các đường đua khác.

Văn học trẻ không có phê bình trẻ để đóng cột mốc cho giá trị của mình ư? Nghĩa là không có phê bình trẻ thì không có danh tiếng, giống như không có các nhà phê bình lập thể xuất hiện thì các tác giả lập thể không thể thành danh? Không, tất yếu là tâm hồn chúng ta buộc phải nhận ra, nó trĩu nặng một nỗi buồn. Thậm chí thẳng thắn hơn đó là nỗi xấu hổ. Tại sao? Tuổi trẻ là tuổi của tiến bộ. Các tác giả trẻ mới đây được tôn vinh rầm rầm và ầm ĩ khắp nơi, nào là trí tuệ uyên bác hơn, học hành đến đầu đến đũa hơn, tâm cảm thời đại tiến bộ đến chóng mặt, lý trí vượt xa các lớp cha anh… Vậy mà trên thực tế chúng ta thu hái cái gì? Cả nghìn tác giả không phát tiết nổi  một hoặc hai nhà phê bình đúng nghĩa. Đây không phải nỗi xấu hổ về so đọ lực lượng mà là: trong tất cả các phẩm chất của tuổi trẻ được đề cao kia, chỉ toàn cánh đồng và ao vườn xúc cảm, từ đó không mọc lên nổi một tòa tháp được kiến trúc nhờ lý trí. Đây là một câu hỏi rất hệ trọng, thậm chí nó là một câu hỏi chí tử:  văn học trẻ không chỉ là tương lai của văn học ngày mai, mà họ còn là giới trí thức nhân văn chính yếu của ngày mai, nhưng họ sẽ là cái gì, sẽ trở nên cái gì, khi thiếu phẩm chất cao cả nhất của tinh thần là lý trí ?!

Có rất nhiều văn nghệ sĩ cãi lý rằng: sáng tạo bằng cảm tính ngang bằng với sáng tạo bằng lý tính. Tất nhiên ý kiến hay quan niệm là tùy thuộc tự do của mỗi người. Nhưng bạn hãy đừng sa vào quan niệm đó, chúng ta hãy chắc chắn với nhau rằng: trên thế giới không có nghệ sĩ vĩ đại, cũng như con người danh tiếng nào chỉ nhờ vào cảm xúc mà trở nên siêu việt. Chỉ có sáng tạo đồ sộ và hoành tráng mới đem đến cho con người giá trị to lớn và cao cả. Chẳng hạnh như kiến trúc là môn nghệ thuật đầu tiên của con người vì nó lên quan đến nhu cầu ở - trú ẩn trước tiên. Một tòa lâu đài, một kinh thành sẽ chỉ là một đống đá lộn xộn nếu không có sự sắp đặt của kiến trúc sư cùng những người xây dựng. Mà muốn kiến thiết lâu đài đó, chắc hẳn người ta buộc phải  dùng đến sự sắp đặt của lý trí. Nhìn vào thực tế, tất cả những nghệ sĩ bậc thầy đều được gắn với sự sản sinh của lý trí – sau đó là lý thuyết, kèm theo là trường phái. Như danh họa thiên tài, bậc thầy của thế giới Picasso : “Tôi không vẽ cái tôi nhìn thấy, mà vẽ cái tôi nghĩ”. Cái tôi nghĩ, đó chính là trí tuệ, là lý trí , là sự triển khai các mạch vữa siêu hình của tinh thần, chỉ có nhờ vậy tác phẩm mới giống một công trình được kiến trúc. Đây cũng chính là sự khác nhau giữa một nhạc sĩ sáng tác ca khúc với một nhạc sĩ sáng tác giao hưởng. Khởi từ một chủ đề, có thể nhờ hững khởi từ một cảm xúc nào đó, nào một bóng hồng lướt qua, một làn hương rất nhẹ nhàng, hay một đám mây kéo rê nỗi buồn qua đỉnh núi cô đơn vẫn tê tái nỗi sầu vạn cổ, nhạc sĩ ca khúc liền sáng tác một bài gồm vài câu, có thể thêm một điệp khúc cũng vài câu; nhưng nhạc sĩ giao hưởng buộc phải kiến thiết cảm xúc đó thành một lâu đài với bốn tầng (là bốn chương). Giai điệu đầu tiên đó buộc phải sinh sôi nảy nở thành nhiều khúc biến tấu, và nó buộc phải kéo lê khúc khải hoàn cùa mình dài gấp chục lần ca khúc. Văn hào Albert Camus đã nói về sự kiến thiết của lý trí thế này : “Không có sự sắp đặt , tòa lâu đài chỉ là một đống đá.”

Bạn đừng bao giờ nghi ngờ về sự vĩ đại của lý trí. Nếu không có lý trí, chưa nói đến vĩ đại, mà con người sẽ không bao giờ tiếp cận được sự trưởng thành. Có một danh nhân đã nói: Cảm xúc có thể tạo ra một con người tốt, nhưng không bao giờ có thể tạo ra một người vĩ đại. Người ta không thể nào tưởng tượng nổi, một vị tướng, một nhà bác học, hay một nhà lãnh đạo thiên tài mà không có được lý trí sáng suốt.

Thực ra lý trí là con đường rất hiển nhiên của nhân loại. Tất cả mọi người cắp sách đến trường là để học lý trí và rèn luyện lý trí. Lý trí khởi đầu là gì? Theo triết gia Aristote nhà kinh điển của nhân loại thì, lý trí sơ khởi và xuyên suốt là sắp đặt mọi thứ trong trật tự. Ông nói, một trí não không có khả năng sắp đặt có thứ tự trên - dưới, trong – ngoài, thì đó là một trí não điên. Chúng ta thử hình dung: một người đội giầy lên đầu và để mũ xuống chân sẽ là ai? Và ông cũng nói: một xã hội không có trật tự là một xã hội có trình độ tổ chức và cơ cấu thấp kém.

Tác phẩm nghệ thuật như một cơ thể đẹp vậy, người Việt hiện đại có câu: “nhất dáng , nhì da, thứ ba mới đến mặt”. Rõ ràng ở đây, chính người Việt cũng đưa Dáng lên hàng đầu. Mà dáng là gi? Đó chính là bộ khung xương được kiến thiết phần cứng. Đó cũng chính là khung giàn lý trí của tác phẩm. Trong kiến trúc hoặc trong điêu khắc, cái quan trọng đầu tiên chính là giàn khung chịu trọng lực ở bên trong. Kiến trúc hiện đại với các tòa nhà chọc trời hay cầu vượt càng chững tỏ điều này, đó là nhờ giàn khung thép bên trong mà những công trình kiến trúc có thể vươn cao và xa như vậy. Các chuyên gia còn nói: thép chính là khung xương cho toàn thể thế giới hiện đại.

Từ đây soi chiếu vào văn học nước nhà có phải chúng ta thấy: qua rất nhiều lần củng cố và hô xung phong, chúng ta không cách gì vượt qua tầm vóc bé và vừa của mình. Tại sao vậy ? Rõ ràng chúng ta thiếu một khung giàn bằng thép của lý trí. Chúng ta thử tưởng tượng , mỗi ngày có hàng triệu khách du lịch, đang xây những lâu đài bằng cát trên bờ biển. Người ta cứ rỏ cát xuống, lâu đài mọc lên, những chưa đến tầm đầu gối nó đã sụp đổ. Và dường như chẳng còn cái nào tồn tại trên thế gian này. Tại sao? Bởi vì bên trong nó không có một khung xương. Nhưng hãy nhìn ra bên cạnh, chẳng phải biết bao tòa nhà đã và đang nuốt chửng cả dãy xà lan chở cát. Tại sao? Đơn giản vì cát được đúc vào bê tông mọc lên đến chỗ nào có khung của nó. Như vậy, nếu tác phẩm của chúng ta chỉ là cát của xúc cảm nó sẽ không cách gì để xây lâu đài. Nhưng nếu cho nó một khung giàn của lý trí thì cát sẽ hóa lâu đài mọc cao và bền vững lâu dài.

Khi chúng ta bàn đến lý trí của sáng tạo, đặc biệt là giới trẻ, không có nghĩa là một sự chú mục định kiến mà đây chính là nỗi lo của châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng. Vấn đề này được bàn đến dựa trên hiện thực cũng như “di sản tinh thần” còn tồn đọng lại. Mới đây, ông Kishore Mahbubani cựu bộ trưởng ngoại giao Singapore (1993 – 1998) đã trình bày trong cuốn sách “Người châu Á có thể nghĩ không?” (can Asian think?) (Theo Vietnamnet). Ông cho rằng: người châu Á có một truyền thống rất ngại suy tư. Lần về trước đó, thế kỷ 20, khi triết gia Mỹ John Dewey đến thăm Trung Quốc, ông có nói: Người Trung Quốc không có óc suy tư độc lập…

Nêu ra để các bạn trẻ cùng thấy rằng: tư duy không phải sở trường của chúng ta, mà chính là sở đoản, là khiếm khuyết của chúng ta. Hiểu thế để chúng ta biết bồi đắp và bổ khuyết mình. Để sáng tác trở thành vĩ đại, chúng ta không cách gì không làm theo nguyên tắc căn bản mà các văn hào đã đi. Văn hào Andre Gide nói: “Một đại nghệ sĩ trước hết phải là một đại thính giả”. Như vậy có nghĩa một tác giả không có khả năng thẩm định sẽ không thể sáng tạo. Mà thẩm định là gì? Ngĩa là người đó phải có khả năng lý trí để biết cái rộng – cái hẹp, cái cao – cái thấp, cái mỹ học – cái xú học… Nếu một con người không có khả năng đặc tuyển bản thân mình, tức là vắt lọc chính những tinh hoa của mình, thì làm sao có thể trở thành thứ “cát sạch” để xây lên những lâu đài cao ngất?!

Vì thiếu những khả năng sinh hoạt và rèn luyện lý trí sáng tạo, nên hầu hết các tác giả trẻ đều lưỡng lự, rụt rè , thậm chí e ngại khi bước vào xới phê bình, hơn thế còn rụt đầu rụt cổ khi đứng trước một tác phẩm cụ thể. Một người học võ để rèn luyện nội lực, người ta thường lấy tay trái để chống lại tay phải, có thế sức khỏe từ bên trong mới tăng tiến . Nếu con người không biết tìm cách chống lại chính mình, thì làm sao có thể có nổi thứ văn phong mỗi ngày mỗi tăng tiến.

Giờ xin bàn vào trình độ của phê bình trẻ. Tất nhiên chúng ta có một ngôi sao khá xuất sắc Nguyễn Thanh Sơn, một đàn anh của lớp trẻ, với cuốn tiểu luận phê bình “Phê bình của tôi”. Cuốn sách khá sắc xảo, mạch lạc và chuyển tải phông văn hóa khá cao. Chỉ có điều nó lại rụt rè ấm ớ trình ra một cái tên “Phê bình của tôi”. Khi ra chợ chúng ta không thể gặp một bà hàng thịt bảo “một cân của tôi”, rồi một bà hàng cá hay hàng rau cũng bảo “một cân của tôi”, nghĩa là một cân đó phải là khái niệm phổ quát của chung mọi người. Phê bình văn học lại càng phải phổ quát, nếu không nó sẽ là những bình luận “buôn dưa lê” của cá nhân nhắm vào những cá nhân khác. Muốn phê bình, dứt khoát chúng ta phải đưa ra thước đo chung, đó vừa là nguyên tắc vừa là sự tự tin của cá nhân. Có lẽ trên đời, tôi chưa hề đọc thấy một tên sách phê bình nào cục bộ và cá nhân như vậy .

Có một ngôi sao khác về tiểu thuyết, đó là Nguyễn Việt Hà với cuốn “Cơ hội của Chúa” gây sóng gió trên văn đàn suốt hơn một năm trời. Nhưng ngoại trừ các nhân vật chỉ sinh hoạt gặp nhau uống rượu, trà dư tửu hậu, thỉnh thoảng lắp ghép mấy mảng kiến thức được chăng hay chớ chẳng hề ăn nhập, cái chính đáng nói vẫn là tên của cuốn sách “Cơ hội của Chúa”. Đây là cách làm duyên không đúng kiểu, thậm chí ấu trĩ.  Chúa là toàn năng, vô biên , vô tận, Chúa không hề là cơ hội và cần cơ hội. Chỉ có con người mới cần cơ hội. Khi định trao cơ hội cho Chúa tức là chúng ta kéo Chúa xuống hàng người trần mắt thịt của thế gian.

Chuyện phê bình cũng như lý trí, trình độ kiến thức của văn học trẻ còn nhiều chuyện để bàn. Hôm nay tôi xin xới lên vấn đề sơ khởi này, mong các bạn trẻ tri âm và trao đổi thẳng thắn. Muốn có lý trí thì trước hết chúng ta phải tâm phục khẩu phục, và tự giác đi trên con đường dõi bước của tinh thần. Hẹn gặp lại các bạn tại nhà băng mà chúng ta đều là các tỉ phú của lý trí. 

Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức

Nguồn tin: lethieunhon.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây