Góc khuất tự truyện hay nhà văn nghèo nàn vốn sống

Thứ sáu - 05/11/2010 08:15 1.475 0

Góc khuất tự truyện hay nhà văn nghèo nàn vốn sống

Sau 'Lê Vân, yêu và sống', thể loại tự truyện hay auto-fiction (*) trở nên phổ biến trong những tác phẩm văn học đương đại Việt Nam. Đây là xu hướng mới trong sáng tác hay do nhà văn thiếu vốn sống nên phải viết về chính mình, đó là vấn đề gây tranh cãi.

Cuối tháng 10, Viện văn học tổ chức tọa đàm ‘Góc khuất của tự truyện’ nhằm lý giải một xu hướng sáng tác đang khá hot hiện nay: lấy bản thân nhà văn làm đối tượng miêu tả chính.

Nói “béo bở”, vì dù ít hay nhiều, những sáng tác mang hơi hướng sự thật hoặc gần với sự thật cũng dễ kích thích người đọc và kéo họ tìm đến nhà sách. Những câu chuyện của Keng, Gào, những cuốn sách được trích từ các “blog ướt” luôn nằm trong bảng xếp hạng bán chạy tuần này sang tuần khác. Nó cuốn hút bởi sự mới mẻ về văn chương, chưa chắc. Nó gây sốc vì đụng chạm đến sex và giới tính, chưa chắc. Thậm chí, đọc nhiều, nó gây cảm giác đơn điệu vì từ đầu đến cuối cả một chuỗi tác phẩm chỉ có một đại từ nhân xưng “tôi” được khai thác. Có hẳn những diễn đàn “vạch lá tìm... sự thật” giữa các fan. Đâu là chi tiết thực, đâu là hư cấu, vẫn là những chủ đề gây kích thích những người chưa từng đọc các tác giả này.

Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust
Tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất do Marcel Proust sáng tác từ thế kỷ 19 thể hiện dấu ấn tự truyện rất rõ ràng. Nhưng bản thân nhà văn khẳng định, ông chỉ sử dụng chất liệu từ đời sống riêng khi mệt mỏi trong sáng tạo. Ảnh: whataboutclients.

Xu hướng tự truyện không xa lạ với văn học phương Tây. TS. Giáng Hương cho rằng, từ Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust viết những tác phẩm này vào những năm cuối thế kỷ 19) dấu ấn tự truyện đã rất rõ ràng. Nhân vật “tôi” kể chuyện mình từ ngày còn nhỏ và con đường đi tìm thiên hướng văn chương của anh ta. Nhưng bản thân Marcel Proust lại không công nhận việc này (cũng giống như Keng và Gào, không ai công nhận mình viết tự truyện) dù trong truyện có rất nhiều chi tiết trùng với tiểu sử của nhà văn. M. Proust cho rằng: một cuộc đời ly kỳ đến mấy cũng không làm nên tác phẩm. Hư cấu, tưởng tượng… và nhiều yếu tố khác cộng lại, kể cả may mắn mới làm nên thành công của một nhà văn. Đối với ông, “đôi khi việc sáng tạo khiến tôi mệt, và tôi thường lấy những chi tiết đời thực vào như là những kỳ nghỉ”.

Nhà phê bình Cao Việt Dũng dẫn ra sự hấp dẫn của thể loại này: khi viết, nhà văn xưng tôi sẽ dễ đem đến lòng tin cho độc giả, nó ngầm nói với họ rằng, câu chuyện “tôi” đang kể là có thật, những kinh nghiệm sống của cá nhân, thậm chí kinh nghiệm tình dục cũng là thật, và nó kéo người đọc lại gần cuốn sách hơn. Dường như cảm nhận được thế mạnh của thể loại này, những năm gần đây văn đàn Pháp có rất nhiều nhà văn đi theo con đường sáng tác kiểu tự truyện. Nhiều đến mức báo chí Pháp phải thốt lên rằng: các nhà văn Pháp chả biết viết gì ngoài chính họ!

Dị bản của Keng là một trong số những tác phẩm mới thể hiện xu hướng khai thác chất liệu đời sống riêng trong sáng tác. kengvnn
Dị bản của Keng là một trong số những tác phẩm mới thể hiện xu hướng khai thác chất liệu đời sống riêng trong sáng tác. Ảnh: kengvnn

Nhà phê bình Trịnh Đặng Nguyên Hương, tác giả nghiên cứu sâu về trường hợp của Thuận, cho rằng mặc dù có thể tìm ra rất nhiều chi tiết trùng lặp giữa tiểu sử của Thuận và nhân vật “tôi” trong Chinatown (nặng lòng quá khứ, luôn luôn tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”) nhưng một mặt chính tác giả cũng công nhận, “China Town” lẫn lộn “tôi” nhưng không phải “tôi”. Dường như trong từng trò chơi câu chữ của mình Thuận cố tình đảo tung những xác tín để người đọc “đừng tin con chữ”. Bởi vì, với cô, viết là phiêu lưu, khám phá. Nếu không viết, cô chỉ là một phụ nữ bình thường.

Các ý kiến trao đổi làm nảy sinh một vấn đề: “Khi nhà văn quay ra sáng tác về chính mình, có phải anh (cô) ta đang nghèo nàn về vốn sống?”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ý kiến: “Nếu hiểu theo nghĩa rộng, tác phẩm nào cũng có bóng dáng tự truyện”. Khi nhà văn lấy đời mình làm chất liệu, một mặt anh ta muốn bày ra một trò chơi, anh ta muốn người đọc phải tham dự và giải mã trò chơi ấy. Như vậy, theo một kiểu nào đó, tự truyện cũng là một cách “câu” độc giả khá hiệu quả.

Bìa cuốn 'Lê Vân, yêu và sống'.
Bìa cuốn "Lê Vân, yêu và sống".

Nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh bổ sung: “Lev Tolstoy cũng sử dụng rất nhiều chất liệu trong cuộc đời ông để viết tiểu thuyết, nhưng vốn sống của Tolstoy thì có thể nói khó ai bì kịp”.

Cùng với xu hướng của nghệ thuật đương đại, sự xâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại sáng tác là điều không thể tránh khỏi. Trịnh Đặng Nguyên Hương kết luận khá hợp lý: không cần phải quá cứng nhắc trong việc xác định thể loại, chỉ cần người đọc tìm thấy điều gì có ý nghĩa đối với họ trong tác phẩm với là đủ. Tuy nhiên, với những tự truyện đúng nghĩa như Lê Vân, yêu và sống, tác giả cần ghi rõ là tự truyện và chịu trách nhiệm pháp lý về độ xác thực của nội dung cuốn sách.

_____________
[*] Hiện cách dịch khái niệm này ra tiếng Việt còn gây tranh cãi, tạm có hai khái niệm chính xác nhất là "giả tự truyện" hay "tự hư cấu".

Tác giả: An An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây