Với mong muốn đem đến cho độc giả nhiều thế hệ một cái nhìn toàn diện hơn về con người Lê Ðạt và thơ Lê Ðạt, cũng như về những đóng góp của ông cho tiến trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam cuối thế kỷ 20, cuộc tọa đàm có mặt nhiều diễn giả nổi tiếng: nhà thơ Dương Tường, nhà phê bình văn học Ðỗ Lai Thúy, nghệ sĩ sân khấu Ngọc Thụ (người em thân thiết của nhà thơ Lê Ðạt), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, cùng khách mời đặc biệt: Trần Ðĩnh (bạn vong niên của cố nhà thơ), nhà biên kịch Ðào Phương Liên (con gái út của nhà thơ)...
Ðược suy tôn là một nhà cách mạng ngôn từ tiên phong của thi ca VN hiện đại, Lê Ðạt luôn chỉ khiêm tốn coi mình là "phu chữ".Nhưng dù thế, thơ ông vẫn tự tin một mình một cõi riêng, không lẫn lộn vào bất cứ trường phái, phong trào nào. Từ thơ bậc thang những năm 1950, sau 30 năm im lặng âm thầm dịch sách để sống và viết, năm 1994 Lê Ðạt mới xuất hiện trở lại trên văn đàn và lập tức gây tiếng vang bằng tập thơ Bóng chữ (1994). Ðến Ðường chữ (2009), người đọc thấy một Lê Ðạt độc đáo, chữ gọi chữ, chữ tương tác chữ, chữ kết hợp chữ làm nên những "thi ảnh" đẹp và lạ lùng...
Cùng với người bạn thân thiết Trần Dần, Lê Ðạt còn sừng sững trước nhiều thế hệ người viết đương thời và sau này về nghị lực sống, viết và làm mới tiếng Việt hằng ngày, trên từng trang giấy.
Tác giả: Thu Hà
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc